backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nguyên nhân đau mắt đỏ là do đâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Trọng · Nhãn khoa · Trung tâm Mắt Quốc tế Phương Đông


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 26/09/2023

    Nguyên nhân đau mắt đỏ là do đâu?

    Đa số chúng ta đều biết đau mắt đỏ rất dễ lây, nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân đau mắt đỏ là gì và làm sao để ngăn ngừa lây lan, cũng như giảm nguy cơ tái nhiễm bệnh trong tương lai. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Nguyên nhân đau mắt đỏ là gì?

    Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng lớp màng trong suốt bao phủ phần lòng trắng của mắt (kết mạc). Giống như các màng nhầy khác, chẳng hạn như mũi và tai, kết mạc trong mắt bạn rất dễ bị nhiễm trùng bởi các tác nhân truyền nhiễm. Những tác nhân gây nhiễm trùng dẫn đến bệnh đau mắt đỏ bao gồm:

    Nguyên nhân đau mắt đỏ là do virus

    Virus là nguyên nhân đau mắt đỏ phổ biến trong hầu hết các trường hợp. Các loại virus gây nhiễm trùng dẫn đến đau mắt đỏ bao gồm:

    • Adenovirus
    • Enterovirus
    • Virus Herpes simplex (virus lây truyền qua đường tình dục)
    • Virus varicella-zoster
    • Virus gây bệnh cảm lạnh thông thường
    • Coronavirus 2019.

    Đau mắt đỏ do virus thường bắt đầu ở một mắt nhưng có thể dễ dàng lây lan sang mắt còn lại. Nguy cơ lây nhiễm có thể bắt đầu ngay từ khi chưa xuất hiện triệu chứng và kéo dài trong tối đa 2 tuần.

    Các triệu chứng bao gồm đỏ mắt, ngứa và tiết dịch. Nhiều bệnh nhân nhận thấy mí mắt của họ bị dính vào nhau hoặc tầm nhìn bị mờ khi thức dậy vào buổi sáng. Điều này là do chất dịch tích tụ trên mí mắt khi đang ngủ.

    nguyên nhân đau mắt đỏ do virus

    Vi khuẩn

    Một nguyên nhân đau mắt đỏ thường gặp ở người lớn khác là do vi khuẩn. Các loại vi khuẩn phổ biến gây đau mắt đỏ bao gồm:

    • Staphylococcus aureus
    • Haemophilus influenzae
    • Streptococcus pneumoniae
    • Pseudomonas aeruginosa
    • Moraxella catarrhalis
    • Chlamydia trachomatis
    • Neisseria gonorrhoeae.

    Đau mắt đỏ do vi khuẩn cũng rất dễ dàng lây lan thông qua việc tiếp xúc với dịch rỉ từ mắt của người bệnh. Thời điểm có thể lây bệnh là ngay từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng cho đến 24-48 giờ sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh.

    Các triệu chứng bao gồm mẩn đỏ, khó chịu, ngứa và tiết dịch đặc, giống như mủ, màu vàng. Giống như đau mắt đỏ do virus, bệnh nhân có thể gặp khó khăn để mở mắt khi thức dậy do chất nhờn tích tụ trên mí mắt.

    Hầu hết các chủng vi khuẩn gây đau mắt đỏ đều gây bệnh nhẹ và dễ kiểm soát, nhưng một số chủng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về mắt, thậm chí là gây giảm thị lực nếu không được điều trị ngay lập tức bằng thuốc kháng sinh.

    Nguyên nhân đau mắt đỏ dị ứng

    Nguyên nhân đau mắt đỏ dị ứng là do cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa từ thực vật, cỏ dại, mạt bụi, nấm mốc, lông vật nuôi, các loại thuốc, mỹ phẩm hoặc các chất gây dị ứng khác.

    Để phản ứng với những chất này, cơ thể bạn sản xuất một loại kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE). IgE kích hoạt các tế bào mast đặc biệt trong niêm mạc mắt và đường hô hấp nhằm giải phóng các chất gây viêm, bao gồm cả histamine. Histamine có thể tạo ra triệu chứng dị ứng, trong đó có mắt đỏ.

    Ngoài mắt đỏ và viêm, bạn sẽ gặp tình trạng mắt bị ngứa dữ dội, chảy nước mắt liên tục, mắt tiết dịch, đôi khi có thể kèm theo tình trạng hắt hơi và chảy nước mũi.

    Đau mắt đỏ do dị ứng có thể xảy ra quanh năm hoặc theo mùa, tùy theo thời điểm mà các chất gây dị ứng xuất hiện. Tình trạng này không lây, trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn, và được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng histamine.

    Do các chất kích ứng khác

    Kích ứng do bắn hóa chất hoặc dị vật lạ vào mắt (khói bụi, hơi độc hay nước clo trong hồ bơi…) cũng có thể là nguyên nhân đau mắt đỏ. Các triệu chứng bao gồm đỏ, rát, đau và chảy nước mắt. Nhiều trường hợp cần điều trị càng sớm càng tốt.

    Đối với một số trẻ sơ sinh, ống dẫn nước mắt bị tắc hoặc mở không hoàn toàn, nhiễm vi khuẩn từ âm đạo của người mẹ khi sinh đôi khi sẽ là nguyên nhân gây đau mắt đỏ. Do đó, khi vừa mới sinh ra, những trẻ này được bôi thuốc mỡ kháng sinh nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng.

    Các yếu tố nguy cơ

    Bên cạnh các nguyên nhân bị đau mắt đỏ vừa đề cập ở trên, bạn cũng có thể dễ mắc phải căn bệnh này hơn nếu:

    • Tiếp xúc với chất hoặc vật mà bạn có thể bị dị ứng.
    • Từng bị dị ứng theo mùa.
    • Thường xuyên có các tình trạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và bệnh chàm.
    • Tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn.
    • Đeo kính áp tròng chung với người khác hoặc không vệ sinh kính đúng cách và không thay kính thường xuyên.
    • Trẻ em hay người có sức đề kháng yếu.

    Đau mắt đỏ có lây không?

    tùy nguyên nhân mà đau mắt đỏ có lây không

    Đau mắt đỏ có lây không? Câu trả là CÓ. Nguyên nhân đau mắt đỏ cũng có thể là do bạn bị lây nhiễm bệnh từ người khác. Như đã nói ở trên, đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus rất dễ lây lan, bạn có thể bị lây nhiễm bệnh khi:

    • Tiếp xúc gần (chạm, bắt tay) và bị lây nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh từ người bị bệnh, sau đó chạm tay vào mắt.
    • Chạm tay vào các bề mặt hay đồ vật đã bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, sau đó chạm tay vào mắt.
    • Sử dụng chung một số đồ dùng cá nhân với người bị bệnh như đồ trang điểm mắt, kính áp tròng, drap giường, khăn lau, vỏ gối,… hoặc đồ trang điểm cũ, kính đeo, vật dụng cũ bị nhiễm virus, vi khuẩn mà không được làm sạch đúng cách.
    Bạn có thể quan tâm: Đau mắt đỏ lây qua đường nào?

    Hiểu nguyên nhân đau mắt đỏ để phòng ngừa

    Biết được nguyên nhân đau mắt đỏ sẽ giúp bạn có hướng xử trí phù hợp, phòng ngừa lây lan cho người khác hay giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai. Bạn có thể áp dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh và chăm sóc mắt sau đây:

    • Không chạm hoặc dụi tay vào mắt, mặt khi chưa rửa sạch tay.
    • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc các dung dịch sát khuẩn.
    • Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt với người khác.
    • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như đồ trang điểm, kính áp tròng, vỏ gối, drap giường… với người khác.
    • Dùng khăn sạch hoặc bông gòn mới để lau sạch dịch tiết từ mắt hàng ngày.
    • Hạn chế đeo kính áp tròng trong thời gian mắc bệnh và nếu muốn tái sử dụng thì cần vệ sinh kính đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
    • Giặt giũ và thay vỏ gối, drap giường thường xuyên.
    • Tránh xa các tác nhân gây dị ứng càng xa càng tốt.

    Bạn có thể khó xác định nguyên nhân đau mắt đỏ một cách chính xác. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Trọng

    Nhãn khoa · Trung tâm Mắt Quốc tế Phương Đông


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 26/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo