backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nhiễm trùng mắt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/02/2020

Nhiễm trùng mắt

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng mắt là gì?

Nhiễm trùng mắt xảy ra khi các vi sinh vật gây hại (vi khuẩn, nấm và virus) tấn công mắt hoặc các khu vực xung quanh mắt, như giác mạc hoặc kết mạc.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng mắt là gì?

Bạn có thể mắc các triệu chứng bệnh ở một hoặc cả hai mắt, bao gồm:

  • Mắt đau và không thoải mái
  • Ngứa mắt
  • Cảm giác có dị vật trong mắt
  • Mắt đau khi nhìn vào ánh sáng chói (nhạy cảm với ánh sáng)
  • Mắt nóng rát
  • Một vết sưng nhỏ và đau ở dưới mí mắt
  • Mí mắt đau khi chạm vào
  • Chảy nước mắt không ngừng
  • Mắt đau rát
  • Dịch có màu vàng, xanh hoặc trong suốt chảy ra từ một hoặc hai mắt
  • Tròng trắng mắt đỏ
  • Mí mắt sưng đỏ hoặc tím
  • Lông mi cứng, đặc biệt vào buổi sáng
  • Mờ mắt
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc các triệu chứng khác như sốt, gặp khó khăn đeo kính áp tròng, sưng hạch bạch huyết ở gần tai.

    Nguyên nhân nhiễm trùng mắt

    Nguyên nhân và các loại nhiễm trùng mắt là gì?

    Nhiễm trùng mắt có rất nhiều loại, sau đây là các loại phổ biến nhất:

    Viêm kết mạc/đau mắt đỏ

    Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ là một trong những bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi các mạch máu trong kết mạc, màng mỏng ngoài cùng bao quanh nhãn cầu, bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus.

    Mắt nhiễm bệnh sẽ bị viêm và đỏ. Đôi khi bạn cũng có thể đau mắt đỏ do dị ứng hoặc tiếp xúc với hóa chất, như clo trong nước hồ bơi.

    Viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus rất dễ lây lan. Bạn vẫn có thể lây bệnh sau hai tuần nhiễm bệnh. Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị:

    • Mắt hơi đỏ hoặc hơi hồng
    • Mắt chảy nhiều dịch, đặc biệt khi bạn thức dậy
    • Mắt ngứa hoặc cảm giác như có dị vật
    • Chảy nước mắt nhiều hơn, đặc biệt ở một mắt

    Viêm giác mạc

    Viêm giác mạc xảy ra khi giác mạc bị nhiễm trùng. Giác mạc là lớp trong suốt bao phủ đồng tử và mống mắt. Viêm giác mạc có thể do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng) hoặc chấn thương mắt gây ra. Người mắc bệnh này sẽ có giác mạc sưng và thường không lây nhiễm.

    Các triệu chứng viêm giác mạc có thể bao gồm:

    • Đỏ và sưng trong mắt
    • Đau hoặc khó chịu mắt
    • Nước mắt chảy nhiều hơn hoặc tiết dịch bất thường
    • Đau hoặc khó chịu khi bạn mở và đóng mí mắt
    • Thị lực không rõ hoặc tầm nhìn mờ
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Cảm giác có dị vật trong mắt

    Bạn có nhiều khả năng bị viêm giác mạc nếu:

    • Đeo kính áp tròng
    • Hệ miễn dịch yếu do một tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý khác
    • Sống ở nơi ẩm ướt và ấm áp
    • Sử dụng thuốc nhỏ mắt corticosteroid
    • Mắt bị thương

    Viêm nội nhãn

    Viêm nội nhãn là tình trạng viêm nghiêm trọng bên trong mắt do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Nhiễm nấm Candida là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này.

    Viêm nội nhãn có thể xảy ra sau một số ca phẫu thuật mắt, chẳng hạn như phẫu thuật đục thủy tinh thể, mặc dù điều này rất hiếm.

    Bệnh cũng có thể xảy ra khi mắt bị một vật lạ đâm vào. Một số triệu chứng viêm nội nhãn cần chú ý, đặc biệt là sau phẫu thuật hoặc chấn thương mắt, bao gồm:

    • Đau mắt từ nhẹ đến nặng
    • Mất thị lực một phần hoặc toàn bộ
    • Tầm nhìn mờ
    • Đỏ hoặc sưng quanh mắt và mí mắt
    • Dịch hoặc mủ chảy ra từ mắt
    • Nhạy cảm với ánh sáng

    Viêm bờ mi

    Viêm bờ mi thường được gây ra bởi sự tắc nghẽn của các tuyến dầu bên trong da mí. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể gây ra tình trạng này.

    Các triệu chứng viêm bờ mi bao gồm:

    • Mắt hoặc mí mắt đỏ, ngứa, sưng
    • Mí mắt nhờn
    • Cảm giác nóng rát trong mắt
    • Cảm giác như có dị vật trong mắt
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Nước mắt chảy nhiều hơn

    Lẹo mắt

    Lẹo mắt là một vết sưng giống như mụn nhọt, phát triển từ một tuyến dầu ở rìa ngoài của mí mắt. Những tuyến này có thể bị tắc nghẽn do da chết, dầu và các vấn đề khác. Điều này cho phép vi khuẩn phát triển quá mức trong tuyến dầu và dẫn đến lẹo mắt.

    Các triệu chứng lẹo mắt bao gồm:

    • Đau mắt
    • Mắt ngứa hoặc rát
    • Sưng mắt
    • Chảy nước mắt nhiều hơn bình thường
    • Gỉ mắt quanh mí mắt

    Viêm màng bồ đào

    Viêm màng bồ đào xảy ra khi màng bồ đào bị viêm do nhiễm trùng.

    Viêm màng bồ đào thường do các bệnh tự miễn, nhiễm virus hoặc chấn thương mắt gây ra. Viêm màng bồ đào không gây ra bất kỳ vấn đề lâu dài nào, nhưng bạn có thể bị mất thị lực nếu không điều trị bệnh.

    Các triệu chứng viêm màng bồ đào có thể bao gồm:

    Viêm mô tế bào

    Viêm mô tế bào mí mắt, hay viêm mô tế bào quanh mắt, xảy ra khi các mô mắt bị nhiễm trùng. Bệnh thường do một chấn thương làm vi khuẩn xâm nhập vào mắt, chẳng hạn như Staphylococcus (tụ cầu khuẩn), hoặc do nhiễm vi khuẩn của các cơ quan gần đó, chẳng hạn như nhiễm trùng xoang.

    Các triệu chứng viêm mô tế bào bao gồm đỏ và sưng mí mắt cũng như sưng da mắt. Bạn thường sẽ không cảm thấy đau hay khó chịu mắt khi mắc bệnh này.

    Viêm giác mạc do herpes

    Viêm giác mạc do herpes xảy ra khi mắt bị nhiễm virus herpes simplex (HSV-1) từ người bị bệnh, không phải qua quan hệ tình dục ( HSV-2). Các triệu chứng có xu hướng ảnh hưởng một mắt tại một thời điểm, bao gồm:

    • Đau mắt và rát mắt
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Tầm nhìn mờ
    • Rách mô mắt hoặc giác mạc
    • Dịch mắt dày
    • Viêm mí mắt

    Các triệu chứng bệnh có thể tự hết mà không cần điều trị sau 7 đến 10 ngày, đôi khi có thể lên đến vài tuần.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm trùng mắt?

    Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng bạn có cùng với các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.

    Những phương pháp nào giúp điều trị nhiễm trùng mắt?

    Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng mắt do vi khuẩn có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh kê toa, thuốc mỡ hoặc đeo gạc che mắt bệnh.

    Các trường hợp do virus gây ra sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Đối với các tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhỏ mắt kháng virus hoặc thuốc nhỏ mắt steroid. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của bạn cẩn thận để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc.

    Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh hoặc kháng virus dạng uống. Trong quá trình dùng thuốc, nếu các triệu chứng tệ hơn hoặc thay đổi, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ.

    Một số biện pháp tại nhà cũng có thể giúp giảm khó chịu do các triệu chứng nhiễm trùng mắt gây ra. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, bạn nên tham khảo bác sĩ để chắc chắn các phương pháp này an toàn cho bạn:

    • Nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý dạng thuốc nhỏ mắt có chứa các thành phần chống vi trùng và bôi trơn nhãn cầu.
    • Chườm túi trà. Một số loại trà có chứa thành phần kháng viêm và làm dịu. Do đó, nếu bạn chườm túi trà khi nhắm mắt sẽ giúp làm giảm sưng.
    • Chườm ấm. Nếu mắt bị rát, nhiễm trùng hoặc đau, bạn có thể thử chườm ấm. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả ở người bị viêm bờ mi, đau mắt đỏ hoặc lẹo mắt. Bạn lưu ý không sử dụng nước sôi vì sẽ làm bỏng mắt.
    • Chườm lạnh. Chườm lạnh cũng có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu đi kèm với nhiễm trùng mắt. Phương pháp này có thể giúp giảm sưng nếu mắt bị chấn thương hoặc nhiễm trùng.
    • Không trang điểm mắt. Các dụng cụ trang điểm mắt có thể khiến tình trạng mắt nghiêm trọng hơn và làm quá trình điều trị kéo dài hơn.

    Phòng ngừa

    Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm trùng mắt?

    • Nếu bạn ở gần một người bị đau mắt đỏ, hãy rửa tay thật sạch trước khi chạm tay vào mắt.
    • Ở nhà, nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình bị đau mắt đỏ hoặc nhiễm trùng mắt, hãy giữ cho giường và khăn tắm của họ sạch sẽ, đừng dùng chung đồ dùng với người bệnh.
    • Bạn cũng dạy trẻ em nên rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt.
    • Thường xuyên kiểm tra mắt định kỳ.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/02/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo