backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu đi máy bay cần lưu ý gì để không ảnh hưởng bé cưng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 15/01/2021

    Bà bầu đi máy bay cần lưu ý gì để không ảnh hưởng bé cưng?

    Máy bay là phương tiện di chuyển cần thiết cho nhiều người khi phải đi một quãng đường xa. Vậy nên sẽ có thắc mắc rằng bà bầu đi máy bay được không? Thật ra, bà bầu có thể đi miễn là tham khảo ý kiến bác sĩ và tìm hiểu kỹ các thủ tục đi máy bay cho bà bầu của các hãng hàng không.

    Mang thai là giai đoạn mà người mẹ sẽ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ bồn chồn, lo lắng cho đến niềm hạnh phúc vỡ òa khi cảm nhận được bé cưng của mình đang lớn lên khỏe mạnh từng ngày. Không những vậy, khi mang thai, bạn phải luôn cân nhắc trước các quyết định về việc ăn uống, ngủ nghỉ cũng như vấn đề đi lại của bản thân. Đôi lúc bạn cũng có nhu cầu đi xa và tự hỏi liệu bà bầu có được đi máy bay không? Nếu cũng có thắc mắc này, bạn hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.

    Bà bầu đi máy bay có an toàn không?

    Câu trả lời là “có”. Bà bầu có thai kỳ khỏe mạnh có thể đi máy bay nhưng sau 32 tuần, nên hạn chế di chuyển bằng phương tiện này.

    Khi bà bầu đi máy bay, dù áp suất không khí trong cabin sẽ không ảnh hưởng đến bé cưng trong bụng, nhưng bạn vẫn nên uống nhiều nước để tránh bị mất nước do bên trong cabin thường có độ ẩm thấp. Ngoài ra, ngồi quá lâu cũng không tốt. Vì vậy, khi máy bay đã đạt độ cao ổn định, bạn có thể đứng lên, di chuyển vài phút rồi quay lại vị trí ngồi.

    Thủ tục đi máy bay dành cho bà bầu của một số hãng hàng không ở Việt Nam

    bà bầu đi máy bay cần giấy tờ gì

    Ở Việt Nam, mỗi hãng hàng không có những quy định về việc vận chuyển hành khách mang thai khác nhau. Vậy nên, nếu có thắc mắc bà bầu đi máy bay cần giấy tờ gì, trước khi đặt vé, tốt nhất bạn nên đến các đại lý bán vé để được tư vấn kỹ hơn. Dưới đây là quy định của một số hãng hàng không phổ biến:

    1. Vietnam Airlines

    Dưới 32 tuần:

    • Điền thông tin vào phiếu yêu cầu dịch vụ đặc biệt MEDIF I
    • Mang theo giấy tờ khám thai
    • Ký giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm

    Từ 32 – 35 tuần:

    • Cách 1: Điền thông tin vào 2 mẫu phiếu MEDIF I và MEDIF II
    • Cách 2: Trong vòng 1 tuần trước khi bay, bạn đi khám thai tại các cơ sở y tế nằm trong danh sách chấp nhận của Vietnam Airlines. Sau khi khám thai, bạn nên nhờ bác sĩ ghi thêm vào sổ khám thai là “đủ sức khỏe để đi máy bay”. Tiếp theo, bạn đem sổ khám thai ra phòng vé chính thức của Vietnam Airlines (15B Đinh Tiên Hoàng, Q. 1, TP. HCM) để được nhân viên phòng vé hướng dẫn khai báo mẫu MEDIF 1.
    • Cách 3: Chỉ điền vào phiếu yêu cầu dịch vụ đặc biệt MEDIF I, nhưng khi đi máy bay bạn phải mang theo đầy đủ sổ khám thai, phiếu siêu âm…

    Từ tuần 36 – trước ngày dự kiến sinh 7 ngày: Tư vấn và chỉ định khám thai tại cơ sở chỉ định của Vietnam Airlines.

    2. Vietjet Air

    • Dưới 28 tuần: Ký giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm
    • Từ 28 – 32 tuần: Ký giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm và giấy khám thai trước ngày khởi hành 7 ngày
    • Sau 32 tuần: Từ chối vận chuyển.

    3. Jetstar Pacific

    • Dưới 28 tuần: Ký giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm
    • Từ 28 – 35 tuần: Ký giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm và giấy khám thai trước khi khởi hành 10 ngày
    • Sau 35 tuần: Từ chối vận chuyển

    Bí quyết giúp bà bầu đi máy bay an toàn

    1. Hỏi ý kiến bác sĩ

    Phần lớn phụ nữ mang thai có thể đi máy bay trong thời gian này. Tuy nhiên, đối với người có biến chứng thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, cao huyết áp, bong nhau thai, bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên đi. Ngoài ra, những phụ nữ đã từng sinh non, sẩy thai cũng không nên đi.

    2. Tìm hiểu về các hãng hàng không và cho họ biết trước về tình trạng mang thai của bạn

    Tìm hiểu những hãng hàng không có các dịch vụ hỗ trợ đặc biệt cho phụ nữ mang thai. Bạn nên tìm hiểu một số điều sau:

  • Hãng hàng không có cung cấp các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ đặc biệt cho phụ nữ mang thai như vị trí ngồi phù hợp với phụ nữ mang thai, dịch vụ ăn uống… không?
  • Chính sách của các hãng hàng không đối với phụ nữ mang thai. Một số hãng có thể từ chối vận chuyển nếu bạn đang ở trong những tháng cuối của thai kỳ.
  • 3. Bà bầu đi máy bay nên mang theo các vật dụng cần thiết

    Việc mang theo các dụng cụ cần thiết sẽ giúp bạn có một chuyến bay thoải mái và dễ chịu. Bạn có thể mang theo một số vật dụng sau:

    • Gối kê cổ
    • Chai nước (nếu bay nội địa): Di chuyển bằng máy bay có thể khiến bạn mất nước nhanh. Do đó, bạn nên uống nhiều nước trong và sau chuyến bay
    • Một số đồ ăn nhẹ như bánh quy rất quan trọng đối với bà bầu đi máy bay vì chúng có thể giúp kiểm soát buồn nôn
    • Mang theo tất cả các loại thuốc cần thiết.

    4. Những lưu ý khi đi máy bay trong thai kỳ

    Để duy trì lưu lượng máu ổn định đến thai nhi và giảm sưng, bạn cần thực hiện một số lưu ý sau:

    • Đầu tiên là uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể. Độ ẩm thấp bên trong cabin có thể dẫn đến tình trạng mất nước
    • Xoay mắt cá chân và cổ tay, đi tới đi lui vài phút và nâng chân lên xuống để giảm các triệu chứng căng cứng và chuột rút.

    Một số câu hỏi thường gặp khi bà bầu đi máy bay

    những câu hỏi thường gặp khi bà bầu đi máy bay

    Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến mà thai phụ thường thắc mắc khi có ý định đi máy bay:

    1. Thời gian thích hợp để bà bầu đi máy bay?

    Phụ nữ sắp đến ngày sinh không nên đi máy bay. Thời gian an toàn nhất để bà bầu đi máy bay là khoảng giữa tam cá nguyệt thứ hai (từ 14 – 27 tuần).

    2. Phụ nữ mang thai đi qua máy quét an ninh có an toàn không?

    Trước khi lên máy bay, hành khách phải đi qua các máy quét an ninh. Đa phần, mức bức xạ của các máy này khá an toàn, kể cả với phụ nữ mang thai.

    3. Áp suất cabin trong máy bay có gây hại cho em bé?

    Tất cả các hãng hàng không được yêu cầu phải đảm bảo áp suất cabin an toàn cho hành khách. Đối với những phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh, điều này không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, đối với một số người, nhịp tim và huyết áp có thể tăng do áp suất không khí trong cabin thấp.

    4. Tình trạng ốm nghén có trở nên tồi tệ hơn khi di chuyển bằng máy bay không?

    Tình trạng này có thể xảy ra do sự gia tăng về độ cao và nhiệt độ. Nôn mửa có thể làm cho cơ thể bạn bị mất nước. Do đó, bạn nên uống nhiều nước trong và sau chuyến bay để tránh mất nước.

    Bí quyết giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn trong suốt chuyến bay

    Dưới đây là một số mẹo giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái mà bạn có thể thử:

    • Trước khi cất cánh, không nên ăn bất kỳ thực phẩm nào khác để tránh bị đầy hơi
    • Bạn nên yêu cầu một chỗ ngồi ở giữa máy bay, gần lối đi để có thể di chuyển đến phòng vệ sinh nhanh chóng
    • Luôn thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay. Dây an toàn phải được đặt ở dưới bụng và thấp trên hông
    • Ngồi lâu ở một tư thế có thể khiến các khớp của bạn bị căng cứng và chuột rút. Bạn nên đứng dậy và di chuyển vài phút
    • Uống nhiều nước trong khi bay là điều quan trọng mà bạn phải nhớ.

    Đi máy bay khi mang thai có thể khiến bạn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chuẩn bị đầy đủ, bạn sẽ có một chuyến đi an toàn và thoải mái. Đa số thai phụ đều có thể đi máy bay, nhưng trước khi đi, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 15/01/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo