Bệnh mất ngủ ở phụ nữ thường khiến bạn khó đi vào giấc ngủ sâu và cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy. Điều đáng lo ngại là tình trạng này còn khiến bạn có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2…
Phụ nữ mất ngủ thường có những biểu hiện như khó ngủ, dễ thức giấc nhưng không thể ngủ lại và thường thức dậy sớm hơn dự định, dẫn đến thiếu ngủ.
Phụ nữ hay bị mất ngủ hơn đàn ông là bởi tần suất thay đổi nội tiết tố thường xuyên và đều đặn. Bạn thay đổi nội tiết tố khi có dấu hiệu sắp rụng trứng, hành kinh, mang thai và trong thời kỳ mãn kinh.
Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về bệnh mất ngủ ở phụ nữ để cân bằng cuộc sống và có giấc ngủ ngon hơn nhé.
Nguyên nhân gây bệnh mất ngủ ở phụ nữ
Bệnh mất ngủ ở phụ nữ có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Những thay đổi nội tiết tố sẽ bắt đầu khi bạn đến tuổi dậy thì và cứ tiếp tục cho đến khi bạn trưởng thành và giảm một lần nữa sau mãn kinh.
Ngoài những vấn đề về nội tiết tố, phụ nữ cũng có thể mất ngủ do mắc bệnh, căng thẳng thần kinh, mắc chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không yên.
Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh mất ngủ ở phụ nữ:
• Phụ nữ tới kỳ hành kinh: Bệnh mất ngủ ở phụ nữ có thể xảy ra do tác động của nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều phụ nữ gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ trong chu kỳ kinh do bị chuột rút, đầy hơi và đau đầu.
• Phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt: Phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt thường có chất lượng giấc ngủ kém.
• Phụ nữ khi mang thai: Phụ nữ khi mang thai có thể bị mất ngủ do dễ buồn nôn, nôn, đi tiểu thường xuyên, thay đổi nhiệt độ cơ thể, khó tìm được tư thế thoải mái khi ngủ. Bạn cũng có thể mất ngủ do cử động của em bé trong bụng hoặc mắc hội chứng chân không yên.
• Cho con bú gây mất ngủ: Phụ nữ cho con bú thường dễ bị mất ngủ để đáp ứng nhu cầu cần sữa mẹ của trẻ sơ sinh. Phụ nữ mới bắt đầu làm mẹ có thể không thoải mái khi cơ thể phải điều tiết theo lịch cho con bú.
• Trong thời kỳ mãn kinh: Bệnh mất ngủ ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là khá phổ biến do nguyên nhân chính là bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Phụ nữ sau mãn kinh có tỷ lệ mắc chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không yên nhiều hơn so với những phụ nữ khác.
• Phụ nữ làm việc xoay ca: Phụ nữ làm việc không cố định giờ giấc sẽ dễ mất ngủ. Họ cũng có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, sảy thai và ung thư vú.
• Mắc bệnh: Phụ nữ có thể gặp tình trạng mất ngủ khi mắc bệnh ung thư, hen suyễn, tiểu đường, tăng huyết áp, Alzheimer, Parkinson, trào ngược dạ dày…
Tác hại sức khỏe khi phụ nữ thiếu ngủ
Bệnh mất ngủ ở phụ nữ có nguy hiểm không? Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Duke thực hiện đã cho thấy bệnh mất ngủ ở phụ nữ có thể khiến họ gia tăng rủi ro gặp những tình trạng sức khỏe dưới đây:
• Tăng cân: Phụ nữ thiếu ngủ thường gia tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến tình trạng tăng cân, thậm chí là béo phì.
• Tăng huyết áp: Phụ nữ sẽ có xu hướng tăng mức protein phản ứng C khi bồn chồn khó ngủ, một dấu hiệu viêm liên quan đến cao huyết áp.
• Mắc bệnh tiểu đường tuýp 2: Phụ nữ thiếu ngủ thường dễ tăng mức độ insulin và đường đen nên dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
• Trầm cảm: Phụ nữ thường dễ tức giận, thù địch và suy nghĩ nhiều dẫn đến mất ngủ. Bệnh mất ngủ ở phụ nữ còn dễ dàng khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực, lo âu và dẫn đến trầm cảm.
Cách điều trị bệnh mất ngủ ở phụ nữ
Cách điều trị bệnh mất ngủ ở phụ nữ phụ thuộc vào thời gian mất ngủ của bạn. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian ngắn thì có thể cải thiện tại nhà, nhưng nếu bệnh mất ngủ kéo dài kinh niên thì nên đến bác sĩ khám và điều trị bệnh.
Cách cải thiện bệnh mất ngủ ở phụ nữ tại nhà
Bạn có thể thực hiện các cách sau để ngủ đủ giấc và có giấc ngủ ngon hơn khi ở tại nhà:
• Đồng bộ nhịp sinh học: Bạn nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần để giúp cơ thể đồng bộ với nhịp sinh học tự nhiên, từ đó dễ ngủ hơn.
• Năng động hơn vào ban ngày: Bạn tập thể dục vừa phải vào ban ngày hay tham gia các hoạt động ngoài trời sẽ giúp cơ thể sẵn sàng đi ngủ vào buổi tối. Bạn cũng có thể thực hiện bài tập yoga giúp ngủ ngon tại nhà để ngủ sâu giấc hơn.
Tuy nhiên, bạn nên tránh tập những bài thể dục nhiều năng lượng trước khi ngủ như bài tập cardio, chạy bộ nhanh, tập tạ vì chúng có thể khiến bạn khó ngủ hơn.
• Tránh sử dụng thiết bị điện tử: Bạn sử dụng các thiết bị điện tử vào buổi tối sẽ dễ khiến bạn mất ngủ do mải tập trung xem phim, nhắn tin… Ngoài ra, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử được thiết kế giống với tác động của ánh nắng mặt trời còn khiến bạn tỉnh táo nên dễ mất ngủ.
• Tránh ăn khuya: Bạn ăn khuya hoặc ăn trước khi ngủ sẽ khiến bạn khó ngủ hơn. Thói quen ăn đêm cũng khiến bạn dễ tăng cân và làm tăng rủi ro mắc bệnh tim.
• Giữ nhiệt độ phòng thoáng mát: Phòng ngủ của bạn thoáng mát, sạch sẽ và gọn gàng sẽ giúp bạn thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn.
• Thiết kế không gian phòng ngủ thư giãn: Bạn nên sắp xếp đồ đạc trong phòng ngủ để thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Buổi tối bạn không nên mở đèn sáng mà nên mở đèn ngủ với ánh sáng ấm áp đưa bạn vào giấc ngủ ngon.
Điều trị mất ngủ theo chỉ định từ bác sĩ
Nếu bệnh mất ngủ ở phụ nữ kéo dài dai dẳng thì đã đến lúc bạn nên tìm gặp bác sĩ để điều trị bệnh. Dưới đây là những giải pháp mà bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bệnh.
• Liệu pháp nhận thức – hành vi: Liệu pháp nhận thức – hành vi thường được sử dụng để điều trị các loại rối loạn sức khỏe, tâm lý và thường là lựa chọn đầu tiên trong việc điều trị bệnh mất ngủ. Liệu pháp này thường mang lại hiệu quả mà không có nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc.
• Uống thuốc kê toa: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc theo toa để bạn điều trị chứng mất ngủ. Bạn có thể cần phải thường xuyên gặp bác sĩ để theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và điều chỉnh liều lượng.
• Thuốc không kê đơn (OTC): Bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn uống một số loại thuốc không kê đơn như thuốc kháng histamine, melatonin… Các loại thuốc này cũng có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn ngủ vào ban ngày, đau đầu…
• Điều trị bổ sung bằng rễ cây nữ lang: Nữ lang là một trong những loại thảo dược được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ từ thời Hy Lạp và La Mã. Bạn bổ sung nữ lang vào chế độ ăn uống theo hướng dẫn từ bác sĩ sẽ ngủ ngon hơn vì thảo dược này có tác dụng an thần nhẹ.
Một số loại thuốc có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gây ra những tác dụng phụ. Vì thế, bạn nên cho bác sĩ biết nếu có mắc bệnh khác hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh khác.
Bệnh mất ngủ ở phụ nữ nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhiều hơn bạn nghĩ. Vì thế, bạn nên kiểm soát stress công việc và cải thiện sức khỏe toàn diện bằng cách ăn uống dinh dưỡng, tập thể dục, thư giãn tinh thần… Nếu bệnh mất ngủ kéo dài kinh niên, bạn nên điều trị bệnh theo chỉ định từ bác sĩ để có giấc ngủ ngon hơn nhé.
[embed-health-tool-bmi]