Nhiều người quan niệm rằng móng tay là những tế bào chết và thường không quan tâm đến các biểu hiện bên ngoài của chúng. Tuy nhiên, tình trạng của móng tay có thể nói lên rất nhiều về sức khỏe của bạn. Nếu móng tay bị gãy thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề móng mà bạn cần lưu tâm.
Nếu móng tay thường xuyên bị gãy hoặc dễ bị tách đôi, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý trong cơ thể. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giới thiệu với bạn một vài nguyên nhân có thể khiến móng tay, móng chân trở nên dễ gãy.
1. Lão hóa
Lý do phổ biến nhất có thể khiến móng tay bị gãy chính là lão hóa, một quá trình có thể xảy ra với tất cả mọi người. Khi lớn tuổi, móng tay bị xước trở nên mỏng và dễ bị gãy hơn. Điều này thường gặp nhất ở phụ nữ trên 60 tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến ngay cả nam giới.
Vậy còn trong trường hợp móng tay hay bị xước là bệnh gì? Nếu móng tay bị gãy ở giữa, xước do lão hóa khi lớn tuổi, bạn cũng có thể bị xước măng rô. Đây là tình trạng thường gặp khi các vùng da quanh móng tay và móng chân bị bong, xước thành nhiều sợi nhỏ.
Bạn không thể đảo ngược quá trình lão hóa nhưng có thể chăm sóc móng để chúng khỏe hơn. Trước khi đi ngủ, bạn có thể bôi một ít kem urê hoặc dầu khoáng lên móng tay và vùng da quanh móng, sau đó đeo găng tay làm bải vải bông vào để giúp chúng phát huy tác dụng tốt hơn. Bạn cũng có thể bôi kem và dầu khoáng vào ban ngày, sau khi rửa tay hoặc tắm xong. Nếu biện pháp này không có tác dụng, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
>>> Đọc thêm: Cách ngăn ngừa móng tay giòn dễ gãy, cho móng chắc khỏe
2. Dùng các sản phẩm gây hại cho móng
Sơn móng tay và nước tẩy sơn móng đều chứa các hóa chất mạnh. Nếu bạn sử dụng thường xuyên, thì rất có khả năng chúng có thể làm móng tay của bạn bị khô và yếu đi, từ đó dẫn đến tình trạng móng tay bị gãy hoặc bị tách. Chất keo và thuốc nhuộm trong móng tay giả cũng có thể tác động xấu đến móng của bạn.
Nếu các sản phẩm làm đẹp móng là lý do khiến móng tay của bạn bị gãy, bạn cũng có thể gặp phải các tình trạng sau:
- Móng đổi màu, thông thường sẽ khiến móng tay bị ngả vàng
- Móng tay xỉn màu
Để ngăn ngừa nguy cơ gãy móng, bạn nên hạn chế sử dụng các sản phẩm làm móng có chứa toluene và formaldehyd, vì đây là hai hóa chất cực kì mạnh. Để giúp móng chắc khỏe hơn, bạn có thể uống các sản phẩm bổ sung vitamin B. Các loại vitamin B này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của móng tay, từ đó giúp móng cứng và khỏe hơn. Tuy nhiên, các loại vitamin này có thể không phù hợp đối với phụ nữ có thai, vì thế bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa trước khi có ý định sử dụng. Nếu tình trạng móng gãy kéo dài hơn 6 tháng, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu.
>>> Xem thêm: Móng tay bị rỗ là bệnh gì? Điều trị như thế nào hiệu quả?
3. Tay thường xuyên ướt
Nếu tay của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với nước thì móng tay rất dễ xuất hiện tình trạng nứt gãy. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể gặp thêm một vài triệu chứng khác như:
- Móng tay trở nên mỏng hơn
- Gãy móng tay xảy ra thường xuyên hơn vào mùa đông
Các loại kem dưỡng có chứa lanolin hoặc axit alpha hydroxy (AHA) có thể giúp chăm sóc móng tay của bạn tốt hơn. Một số người sử dụng thêm sơn móng tay trong suốt để bảo vệ móng không bị gãy. Nếu bạn phải tiếp xúc với nước thường xuyên, hãy đeo găng tay cao su có lót một lớp bông bên trong để giúp ngăn ngừa tình trạng gãy móng. Bạn cũng nên giũa phẳng các vết xước hoặc các cạnh không đều nhau trên móng tay để hạn chế việc chúng bị gãy.
4. Bệnh vảy nến
Cơ thể chúng ta thường phải mất vài tuần để tạo ra các tế bào da mới. Nhưng nếu quá trình này chỉ diễn ra trong một vài ngày, bạn có nguy cơ cao đã mắc bệnh vẩy nến. Căn bệnh này không chỉ tác động đến da mà còn có thể ảnh hưởng đến móng tay và móng chân của bạn. Ngoài tác hại khiến móng bị gãy, bệnh vẩy nến còn có thể dẫn đến một số các tình trạng sau:
- Có các vết lõm trên móng tay
- Móng tay có màu vàng, trắng đục hoặc nâu
- Móng tay mỏng và sần sùi
- Lòng móng đỏ
Căn bệnh này có thể khiến móng tay dày lên, nứt gãy hoặc tự tách ra. Dựa theo nghiên cứu 2014, uớc tính có tới 78% người bị bệnh vẩy nến gặp phải các vấn đề về móng tay tại một số thời điểm trong cuộc đời.
Bệnh vẩy nến có thể chỉ ảnh hưởng tới móng tay của bạn, nhưng đôi khi cũng có thể tác động đến những vùng khác nhau trên cơ thể. Dù là ở bộ phận nào, nếu phát hiện mình bị vẩy nến, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị kịp thời.
>>> Bạn có thể quan tâm: 12 bí quyết chăm sóc móng chị em nhất định phải biết
5. Thiếu máu
Móng tay hay bị gãy là thiếu chất gì? Cơ thể bạn cần chất sắt để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh có khả năng vận chuyển oxy đến các mô. Nếu bị thiếu sắt, nguy cơ bạn bị thiếu máu là rất cao. Việc thiếu máu có thể dẫn đến tình trạng móng tay bị gãy. Trong thai kỳ, mẹ bầu có nhiều khả năng bị thiếu máu hơn bình thường, vì vậy cũng dễ bị gãy móng hơn.
Bên cạnh việc móng tay bị gãy, hàm lượng sắt trong máu thấp cũng có thể dẫn đến các tình trạng:
- Mệt mỏi
- Dễ bị hụt hơi
- Da tái
- Bàn tay và chân luôn lạnh
- Lưỡi sưng và đau
- Lở miệng
- Móng tay nhợt nhạt
Móng tay gãy thiếu chất gì? Nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị thiếu máu, hãy đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bạn cũng có thể bổ sung sắt mỗi ngày thông qua các thực phẩm giàu sắt và dùng viên uống chứa sắt. Nếu bị thiếu máu nghiêm trọng, bạn có thể cần truyền máu hoặc truyền dịch tĩnh mạch.
>>> Tìm hiểu thêm: Mẹo “xử lý” móng tay bị ngả vàng
6. Bệnh tuyến giáp
Móng tay mỏng dễ gãy là bệnh gì? Tuyến giáp là một tuyến nằm ở cổ. Chúng tạo ra các hormone giúp kiểm soát nhiều hoạt động khác nhau của cơ thể, như nhịp thở và nhịp tim, điều hòa nhiệt độ của cơ thể… Nếu tuyến giáp không tạo ra đủ lượng hormone cần thiết, bạn có thể sẽ bị suy giáp.
Nếu hàm lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể thấp, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như:
- Móng giòn và dễ gãy
- Sưng bắp chân
- Sưng vùng quanh mắt
- Ngứa
- Tóc thưa và mỏng dần hoặc xuất hiện những mảng hói
- Da ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân có màu vàng cam
- Phù hoặc sưng mặt
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để tiến hành các xét nghiệm và chẩn đoán bệnh kịp thời. Hình thức xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp xác định xem liệu tuyến giáp của bạn có đang hoạt động tốt hay không. Nếu gặp vấn đề về tuyến giáp, bạn có thể cần phải sử dụng thuốc mỗi ngày để cung cấp lượng hormone tuyến giáp mà cơ thể cần.
>>> Bạn có thể quan tâm: Đắp móng tay giả: Đẹp thoáng chốc mà nguy cơ nhiễm trùng rất cao!
7. Nhiễm trùng nấm
Nếu bạn có vết nứt hoặc vết thương trên da xung quanh móng tay, nấm có thể xâm nhập vào da và dẫn đến nhiễm trùng. Các triệu chứng của nhiễm nấm móng tay bao gồm:
- Móng tay bị gãy nứt
- Móng tay dày lên
- Đổi màu nơi móng, chẳng hạn như móng tay có màu vàng, trắng hoặc nâu
- Ngoài ra, các móng chân cũng có thể dễ bị nhiễm nấm hơn do môi trường ẩm ướt, đặc biệt là khi mang giày bịt kín mũi chân
>>> Tham khảo thêm: 9 sai lầm tai hại khi cắt móng tay mà bạn không hay biết
Nên bổ sung gì để ngăn ngừa móng tay bị gãy
Việc cơ thể thiếu sắt, các vitamin và chất dinh dưỡng sẽ khiến móng dễ bị gãy. Vì vậy bạn cần bổ sung thêm một số vitamin từ thức ăn như:
- Sữa chua giàu sắt, vitamin D: Giúp hấp thu canxi tốt hơn cải thiện tình trạng móng tay
- Cá: giàu protein bổ trợ sản xuất keratin và collagen (yếu tố quan trọng đối với móng)
- Các loại hạt: hạt hạnh nhân, óc chó, hạt hướng dương để bổ sung thêm Vitamin E và mangan
- Trứng cũng giàu vitamin E và D, chất béo,…
Móng tay bị gãy là một tình trạng thường gặp trong đời sống hằng ngày, nhưng đây đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mà bạn có thể mắc phải. Nếu móng tay mỏng và thường xuyên bị gãy, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây gãy móng, từ đó có thể điều trị kịp thời.