Dấu hiệu lão hóa cơ thể dễ nhận biết nhất là sự xuất hiện nếp nhăn và tóc bạc. Thế nhưng, quá trình lão hóa cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục… Tìm hiểu ngay những thay đổi có thể xảy ra để chủ động bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho chính mình nhé.
Thông thường, các bộ phận cơ thể bắt đầu suy giảm chức năng khi chúng ta bước qua tuổi 30. Điều này khiến bạn khó khăn hơn trong việc thực hiện các hoạt động thể chất gắng sức, thích nghi với thay đổi nhiệt độ hoặc đối phó với căng thẳng.
Cơ thể lão hóa ảnh hưởng đến các hệ cơ quan như thế nào?
Sự ảnh hưởng của lão hóa lên hệ thống tim mạch
Ở giai đoạn lão hóa, các mạch máu trở nên cứng hơn, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến các cơ quan. Đồng thời, các cơ tim cũng thay đổi để thích nghi. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch khác.
Dù vậy, nhìn chung trái tim của bạn vẫn hoạt động tốt. Sự khác biệt chỉ thể hiện rõ trong trường hợp tim phải bơm nhiều máu hơn như khi tập thể dục hoặc bị bệnh. Sự lão hóa khiến tim bạn không thể tăng tốc và bơm máu nhanh, nhiều như lúc trước.
Sự lão hóa của cơ thể biểu hiện ở hệ cơ xương khớp
Theo tuổi tác, mật độ và kích thước của xương có xu hướng co lại, làm chúng yếu đi và dễ bị gãy hơn. Thậm chí, bạn có thể thấy mình bị lùn hơn so với khi còn trẻ.
Sụn bao quanh các khớp mỏng đi, một phần là do bị hao mòn theo năm tháng. Các dây chằng và gân kém đàn hồi hơn, khiến các khớp có cảm giác căng hoặc cứng. Cơ bắp cũng dần mất sức mạnh, độ bền và tính linh hoạt. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự phối hợp, ổn định và khả năng cân bằng của bạn.
Sự thay đổi của hệ tiêu hóa do tuổi tác
Nhìn chung, hệ tiêu hóa ít bị ảnh hưởng bởi lão hóa hơn các bộ phận khác của cơ thể. Các cơ của thực quản co bóp ít hơn, dạ dày không thể chứa nhiều thức ăn vì kém đàn hồi. Quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cũng chậm hơn một chút. Tuy nhiên, những thay đổi này là không kể.
Dù vậy, sự thay đổi cấu trúc ruột già do lão hóa có thể gây táo bón. Ngoài ra, hệ tiêu hóa sản xuất ít lactase hơn – một loại enzyme làm nhiệm vụ tiêu hóa sữa. Do đó, người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc chứng không dung nạp các sản phẩm từ sữa (không dung nạp đường lactose).
Bên cạnh đó, sự suy giảm chức năng gan do lão hóa khiến khả năng đào thải độc tố khỏi cơ thể kém hơn.
Phổi và hệ hô hấp
Các cơ dùng để thở, cơ hoành và cơ giữa các xương sườn có xu hướng yếu đi. Số lượng túi khí (phế nang) và mao mạch trong phổi giảm. Do đó, lượng oxy hấp thụ được từ không khí hít vào sẽ ít hơn.
Phổi trở nên kém đàn hồi và ít có khả năng chống lại nhiễm trùng hơn trước. Điều này khiến bạn khó duy trì việc luyện tập được lâu, đồng thời việc hít thở ở những khu vực có không khí loãng cũng khó khăn hơn. Bạn cũng dễ mắc phải các bệnh đường hô hấp hơn.
Thận và đường tiết niệu
Sau 30 tuổi, chức năng lọc máu của thận cũng suy yếu dần. Theo thời gian, thận có thể bài tiết quá nhiều nước tiểu làm cho cơ thể dễ bị mất nước hơn.
Bàng quang trở nên kém co giãn, khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Sự suy yếu của cơ bàng quang và cơ sàn chậu cũng có thể khiến bạn tiểu không hết hoặc tiểu không kiểm soát. Ở nam giới, tuyến tiền liệt phì đại hoặc bị viêm cũng khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiểu tiện.
Não bộ và hệ thần kinh
Số lượng tế bào thần kinh trong não thường giảm đi theo tuổi tác. Bên cạnh đó, các chất hóa học liên quan đến việc gửi thông điệp trong não cũng có xu hướng mất đi, các dây thần kinh truyền tín hiệu chậm hơn, lưu lượng máu lên não giảm… Những thay đổi này khiến não bộ hoạt động kém hơn thời còn trẻ.
Ngoài ra, khả năng tự phục hồi của các dây thần kinh cũng chậm và không đầy đủ. Do đó, những người lớn tuổi bị tổn thương dây thần kinh thường ít có cảm giác và yếu ớt hơn.
Sự lão hóa của cơ thể ảnh hưởng lên các giác quan
Theo thời gian, các giác quan của bạn cũng không còn được nhạy bén như trước. Với đôi mắt, bạn có thể gặp khó khăn khi nhìn những vật thể ở gần. Bạn thường nhạy cảm hơn với ánh sáng chói và khó thích nghi với các mức độ ánh sáng khác nhau. Lão hóa cũng có thể ảnh hưởng đến thủy tinh thể của mắt, gây ra tình trạng đục thủy tinh thể.
Về thính giác, bạn có thể gặp khó khăn khi nghe âm thanh tần số cao hoặc phải lắng nghe trong môi trường ồn ào, đông người. Ngoài ra, ráy tai cũng có xu hướng tích tụ nhiều hơn, gây cản trở khả năng nghe của bạn.
Về vị giác, lưỡi sẽ giảm độ nhạy khi bạn già đi. Trong khi đó, khứu giác của bạn cũng suy giảm do lớp niêm mạc mũi trở nên mỏng và khô, đồng thời các dây thần kinh trong mũi ít nhạy bén hơn. Tuy nhiên, nhưng thay đổi này không quá đáng kể.
Quá trình lão hóa cũng làm nướu bị tụt lại, khiến bạn khó vệ sinh răng miệng. Ngoài ra, men răng có xu hướng bị mòn và miệng hay bị khô. Điều này làm cho bạn dễ gặp các vấn đề răng miệng, làm cho răng dễ bị rụng hơn.
Lão hóa da
Theo tuổi tác, da của bạn mỏng đi và kém đàn hồi hơn. Các mô mỡ dưới da giảm khiến da dễ bị rách. Số lượng các đầu dây thần kinh trên da ít đi. Do đó, bạn có thể dễ bị thương hơn do thiếu nhạy cảm với đau, nhiệt độ và áp lực.
Da cũng dễ bị khô hơn do quá trình sản xuất dầu tự nhiên giảm đi. Nếp nhăn, đốm đồi mồi và các nốt sần nhỏ ngày càng trở nên rõ nét. Ngoài ra, da ít có khả năng hình thành vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, nguy cơ thiếu vitamin D tăng lên.
Cơ thể lão hóa ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản
Ở phụ nữ, tác động của lão hóa đối với hormone sinh dục rõ ràng hơn ở nam giới. Các tác động này biểu hiện rõ nhất trong thời kỳ mãn kinh, khi nồng độ nội tiết tố nữ (đặc biệt là estrogen) giảm đột ngột và kinh nguyệt chấm dứt vĩnh viễn.
Lượng hormone nữ giảm khiến buồng trứng và tử cung teo lại. Các mô của âm đạo trở nên mỏng, khô và kém đàn hồi hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, những thay đổi này có thể dẫn đến ngứa, chảy máu, đau khi giao hợp và tiểu gấp.
Bên cạnh đó, vùng ngực trở nên kém săn chắc, xơ hóa và chảy xệ. Điều này khiến việc phát hiện các khối u vú trở nên khó khăn hơn.
Đối với nam giới, sự thay đổi nồng độ hormone sinh dục ít đột ngột hơn. Nội tiết tố nam testosterone giảm dần, làm giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng cương cứng, giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.
Hệ thống nội tiết
Nhìn chung, nồng độ và khả năng hoạt động của một số hormone thuộc hệ nội tiết có xu hướng giảm khi chúng ta già đi.
Trong đa số trường hợp, những thay đổi trong hệ thống nội tiết không có ảnh hưởng đáng chú ý đến sức khỏe tổng thể. Nhưng ở một số người, chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe. Ví dụ, sự thay đổi insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Hệ thống miễn dịch
Theo thời gian, các tế bào của hệ thống miễn dịch suy giảm và hoạt động chậm lại. Các tế bào này có nhiệm vụ xác định và tiêu diệt các chất lạ như vi khuẩn, virus, tế bào ung thư… Sự suy giảm này giải thích một phần các phát hiện liên quan đến lão hóa sau:
- Ung thư phổ biến hơn ở những người lớn tuổi.
- Một số bệnh nhiễm trùng như viêm phổi và cúm, phổ biến hơn ở những người lớn tuổi và có khả năng gây tử vong cao hơn
- Các triệu chứng dị ứng trở nên ít nghiêm trọng hơn.
- Khi hệ thống miễn dịch hoạt động chậm lại, các rối loạn tự miễn dịch sẽ ít phổ biến hơn.
Những lưu ý giúp bạn làm chậm quá trình lão hóa cơ thể
Lão hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể. Bạn không thể trốn tránh cũng như đảo ngược quá trình này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm chậm sự lão hóa của cơ thể, tăng cường và bảo vệ sức khỏe bằng những cách sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Bổ sung rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào khẩu phần ăn. Hạn chế thức ăn nhiều chất béo bão hòa và muối.
- Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, vừa sức
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn thừa cân, hãy tập trung giảm cân để có cân nặng khỏe mạnh
- Quản lý căng thẳng bằng các biện pháp như thiền định, yoga hoặc liệu pháp trò chuyện. Tham gia hội nhóm hoặc hoạt động tình nguyện cũng là cách để bạn thoát khỏi căng thẳng và nguy cơ trầm cảm.
- Ngủ đủ giấc. Người trưởng thành trên 18 tuổi nên ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày.
- Tránh lạm dụng chất kích thích. Không hút thuốc và hạn chế đồ uống có cồn.
- Đi vệ sinh thường xuyên. Không nhịn đi tiêu quá lâu vì việc này có thể gây táo bón
- Thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu
- Duy trì hoạt động trí óc để cải thiện trí nhớ và kỹ năng tư duy. Bạn có thể đọc sách, chơi các trò chơi trí tuệ, tìm kiếm một sở thích mới…
- Vệ sinh răng miệng kĩ càng bằng nước súc miệng, chải răng đúng cách
- Sử dụng kem chống nắng, áo khoác bảo vệ, nón rộng vành và kính râm khi ra ngoài
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Hy vọng những thông tin trên đã cho bạn một cái nhìn tổng quan về sự thay đổi có thể xảy ra khi cơ thể lão hóa. Thay vì lo âu về những thay đổi này, bạn hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ và tăng cường sức khỏe, sống một cuộc sống năng động, làm những điều mình thích và dành thời gian cho những người thân yêu.
[embed-health-tool-bmi]