Phương pháp điều trị bằng laser có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề như tẩy lông, xóa hình xăm hoặc tái tạo bề mặt da do vết thâm sẹo để lại, xóa mờ nếp nhăn và cải thiện mụn trứng cá. Nếu hiện nay bạn đang cân nhắc hoặc đã thực hiện điều trị các tình trạng da bằng phương pháp không xâm lấn, bạn cần phải biết cách chăm sóc da sau laser như thế nào để đảm bảo làn da ít xảy ra các biến chứng khó lường.
Để đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình hồi phục, bạn hãy tìm hiểu chế độ chăm sóc da sau khi bắn tia laser trong bài viết sau:
Tại sao bạn cần chăm sóc da sau laser?
Sau khi điều trị bằng laser, khuôn mặt sau khi bắn laser có thể xuất hiện những biểu hiện như sau:
- Đỏ da và châm chích: Nếu sử dụng điều trị laser siêu nhanh thì làn da của bạn có thể cảm thấy nóng dần và bị mẩn đỏ nhẹ. Tuy vậy, đây chỉ là phản ứng bình thường của da và chỉ kéo dài từ vài giờ đến ít ngày sau đó. Ngoài ra, nếu sử dụng tia laser nhắm vào sắc tố, thì các sắc tố da có thể bị sẫm màu hơn, làn da sẽ bị châm chích nhẹ trong 1 giờ hoặc lâu hơn.
- Dễ bắt nắng: Các tia laser xâm nhập sâu hơn có thể khiến da bị sưng, tấy đỏ và có hiện tượng tương tự như da bị cháy nắng.
- Lõm da: Tình trạng này có thể xảy ra sau khi điều trị sẹo, tàn nhang, nốt ruồi,.. Nếu bạn chăm sóc da sau laser đúng cách, bề mặt da có thể nhanh phục hồi và đầy đặn trở lại.
Các phản ứng này sẽ tự biến mất nếu chúng ta biết cách chăm sóc da phù hợp. Trái lại, nếu làn da mỏng manh không được chăm sóc kỹ thì sẽ để lại 1 số hậu quả như:
- Nổi mụn do làm sạch da sai cách
- Làn da bị kích ứng do sử dụng sản phẩm không phù hợp
- Làn da trở nên thâm sạm do bị bắt nắng
- Lõm da tồn tại lâu hơn và trở thành sẹo lõm
>>> Đọc thêm: Cách chăm sóc môi sau phun để có làn môi đẹp tự nhiên
Chăm sóc da sau khi điều trị laser
Tuy các phương pháp điều trị bằng laser khá đa dạng, nhưng nhìn chung thì bạn cần tuân thủ quy trình chăm sóc da càng đơn giản càng tốt. Trong khi đó, quy trình chăm sóc da càng phức tạp thì bạn càng có nhiều nguy cơ bị kích ứng da sau khi điều trị laser.
Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy giữ cho làn da của bạn sạch sẽ, đủ nước, ẩm mịn và bảo vệ da trước tác hại từ ánh nắng mặt trời. Sau đây là 1 số mẹo quan trọng để chăm sóc da sau laser mà bạn cần nắm vững để không gặp phải “tác dụng ngược” khiến tình trạng da ngày càng trầm trọng hơn.
1. Chườm mát cho da
Tình trạng sưng tấy và da mẩn đỏ sau khi bắn laser là các phản ứng hoàn toàn bình thường của làn da. Việc thường xuyên áp dụng biện pháp chườm đá sẽ phần nào giải quyết các vấn đề này trong quá trình đợi da non hình thành trở lại.
>>> Xem thêm: Chườm đá lên mặt có tốt cho làn da không?
2. Vệ sinh vùng da vừa được điều trị
Vào đêm đầu tiên sau khi điều trị, bạn nên để da mặt được thư giãn và không nên rửa mặt ngay. Điều quan trọng là để các loại kem phục hồi chức năng bảo vệ da bắt đầu quá trình tái tạo. Những ngày sau đó, bạn nên làm sạch da mặt với tần suất từ 2-5 lần/ngày sau quá trình điều trị bằng cách sử dụng nước sạch, nước muối hoặc dung dịch pha loãng… mà bác sĩ khuyến nghị. Việc không làm sạch đủ và đúng cách có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn và khiến cho thời gian chữa lành da chậm hơn.
Khi làn da bắt đầu giảm đỏ và bong vảy, bạn có thể dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không gây bào mòn da. Một số sản phẩm có ký hiệu pp (post-procedure) trên bao bì được các nhà sản xuất quảng cáo an toàn, tuy nhiên chúng có thể bị sai lệch thông tin. Vì thế, tất cả các sản phẩm chăm sóc da sau laser nên được thảo luận trước với bác sĩ da liễu để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, các loại sữa rửa mặt mà bạn lựa chọn cũng không được chứa sodium lauryl sulfate (SLS) và các chất tẩy rửa hóa học khác có gốc axit. “Nói không” với các sản phẩm tẩy tế bào chết hay dùng toner trong giai đoạn sau điều trị.
3. Chăm sóc da sau khi bắn laser bằng cách dưỡng ẩm
Ngay sau quá trình điều trị da bằng laser, bạn nên thoa thuốc mỡ lên vùng da đó để giúp vết thương mau lành và ngăn ngừa nhiễm trùng da. Sau khi ngưng sử dụng thuốc mỡ, bạn nên giữ ẩm cho làn da bằng các loại kem dưỡng kết hợp cùng các biện pháp chăm sóc da khác để bảo vệ làn da tối ưu và toàn diện nhất. Cụ thể các loại kem dưỡng ẩm nên chứa các thành phần như petrolatum, vitamin E, chất chống oxy hóa, axit ferulic, axit hyaluronic, ceramides, lanolin hoặc lô hội.
Các thành phần này đều có thể giúp hydrat hóa cho da, đồng thời ngăn ngừa tình trạng mất nước. Việc thiếu hụt độ ẩm ngay sau khi điều trị có thể khiến làn da bị đóng vảy và trong 1 số trường hợp có thể làm chậm quá trình chữa lành da.
4. Sử dụng kem chống nắng phù hợp
Làn da bạn sẽ trở nên nhạy cảm và mỏng manh hơn sau quá trình làm thủ thuật. Vì thế, điều bạn cần làm là:
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30
- Dặm lại sau mỗi 2-3h để hạn chế các tác động từ mặt trời đến làn da
- Đội mũ rộng vành để tránh nắng khi lái xe máy hoặc đi bộ.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên thoa kem chống nắng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ hồi phục làn da tốt hơn, giảm thâm sạm cho làn da.
>>> Bạn có thể quan tâm: Điều trị nám da với liệu pháp tia laser như thế nào?
Chế độ chăm sóc làn da sau khi điều trị bằng laser
Sau khi điều trị bằng laser, hàng rào bảo vệ của làn da sẽ dễ bị tổn thương cũng như chịu ảnh hưởng bởi các tác động từ bên ngoài như tia cực tím, vi sinh vật,.. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố và nhiễm trùng da nếu bạn chăm sóc da sau laser không đúng cách.
Phương pháp điều trị bằng laser là thủ thuật ngoại trú không xâm lấn và chỉ cần thời gian ngắn để làn da hồi phục. Đa phần các hoạt động hằng ngày của bạn vẫn có thể được tiếp tục ngay sau khi quá trình điều trị kết thúc. Làn da non sẽ dần hình thành tại khu vực da được điều trị chỉ trong vài tuần và ngay sau khi làn da lành lại, hiệu quả điều trị có thể kéo dài đến vài năm.
- Ngay sau khi laser: Chườm lạnh bằng gạc y tế để giảm tình trạng nóng rát và đỏ da. Áp dụng mỗi vùng da tối đa 5 phút và cho cả toàn vùng mặt trong 15 phút.
- 3 ngày sau điều trị: Lau sạch da mặt dịu nhẹ bằng gạc y tế và dùng nước muối sinh lý hoặc dưỡng ẩm bằng kem phục hồi da. Đồng thời kiêng tiếp xúc với nắng hết mức có thể.
- Từ ngày 4 – ngày 7: Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ và tiếp tục dưỡng ẩm cho da. Tránh xa ánh nắng mặt trời và dùng kem chống nắng khi làn da đã giảm đỏ và bong vảy.
- Từ ngày 7 trở đi: Có thể tiếp tục chu trình chăm sóc da hằng ngày khi thấy da hết đỏ hoặc hoàn toàn bong vảy.
>>> Đọc thêm: Chăm sóc da sau peel: Dưỡng da thế nào sau khi peel da?
Những lưu ý khi chăm sóc làn da trước và sau khi điều trị bằng laser
Hiểu được cách chăm sóc làn da trước và sau khi điều trị laser giúp giảm thời gian phục hồi liên quan đến các thủ thuật laser và nâng cao kết quả thẩm mỹ của các liệu pháp này. Sau đây là 1 số lưu ý mà bạn không nên bỏ qua:
Trước khi điều trị bằng laser
Trong ít nhất 3 tuần trước khi điều trị, hãy tạm dừng tất cả các hoạt động nhổ lông, tẩy lông hay peel da hóa học. Bạn cũng cần ngưng sử dụng các hoạt chất như AHA/BHA, Retinoids 3 ngày trước khi sử dụng laser.
Sau khi điều trị bằng laser
Trong vòng 48 giờ sau khi điều trị, lá chắn sinh học của làn da rất dễ bị tổn hại. Do đó, da cần được chăm sóc đặc biệt để hỗ trợ việc chữa lành da nhanh chóng. Khoảng thời gian này, làn da bạn không chỉ dễ bị mất nước qua lớp biểu bì (TEWL – Transepidermal Water Loss), mà cả độ ẩm cũng bị bay hơi ra khỏi hàng rào bảo vệ da. Điều này đồng loạt dẫn đến tình trạng làn da rất dễ bị tổn thương bởi các phản ứng viêm được kích hoạt bởi các thành phần hoạt tính mạnh, các chất tẩy tế bào chết, vi khuẩn,..
1. Không dùng các hoạt chất treatment mạnh cho da
Nếu thường sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa retinol hoặc các hoạt chất mạnh khác như vitamin C, axit glycolic, thì bạn hãy ngưng sử dụng chúng trong vài ngày hoặc vài tuần sau điều trị. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật thời điểm khi nào nên bắt đầu lại quy trình chăm sóc da thông thường của bạn.
2. Cách chăm sóc da sau laser: Nói không với trang điểm
Sau khi điều trị bằng laser, làn da bắt đầu xấu đi trước khi có những chuyển biến tích cực rõ rệt. Vì vậy, để che đi các vết mẩn đỏ hoặc để giảm bớt vảy da bong tróc, bạn có thể muốn che phủ bằng lớp kem nền hoặc các loại trang điểm khác. Điều này có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng làn da ngày càng tệ đi. Tốt hơn hết là bạn nên đợi một vài tuần cho đến khi da có cơ hội hồi phục hoàn toàn.
3. Không nên tẩy da chết vật lý cho đến khi da lành hẳn
Điều này có thể gây kích ứng da và khiến da dễ bị tổn thương hơn. Đợi cho làn da lành hẳn sẽ giúp khôi phục hàng rào tự nhiên trở lại thì lúc đó bạn mới nên tiếp tục quy trình này.
4. Tránh để làn da tiếp xúc với nhiệt độ quá cao
Sau khi điều trị laser, bạn nên hạn chế để da mặt tiếp xúc với nhiệt độ quá cao từ vòi hoa sen, đệm sưởi hoặc phòng xông hơi khô. Nhiệt lượng dư thừa sẽ khiến cho lỗ chân lông mở ra, từ đó có thể gây kích ứng và khó chịu cho làn da.
Khi làn da bắt đầu lành hẳn và khôi phục hàng rào bảo vệ da, bạn có thể bắt đầu trở lại với quy trình chăm sóc da như trước đây. Các bước chăm sóc da này sẽ giúp hydrat hóa làn da và thúc đẩy tái tạo collagen và elastin mới để giúp da trở nên khỏe mạnh hơn.
5. Không nên sờ, gãi da mặt sau khi điều trị bằng laser
Trong quá trình đợi làn da non xuất hiện, vùng da điều trị sẽ có hiện tượng bong tróc da nhẹ. Tuy nhiên đừng vì thế mà bạn gãi vào vùng da này mà hãy đợi thêm thời gian để làn da được chữa lành đúng cách.
>>> Bạn có thể quan tâm: Bạn biết gì về tái tạo bề mặt da bằng tia laser?
6. Dùng các sản phẩm chăm sóc da do bác sĩ chỉ định
Trước khi các kênh vi mô được tạo ra bằng laser để làn da có thể lành từ 2-3 ngày, bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da được bác sĩ da liễu chỉ định. Nguyên nhân là vì khi làn da bạn khỏe mạnh thì hàng rào bảo vệ da sẽ ngăn chặn các phân tử có kích thước 500 dalton hoặc lớn hơn tác động đến bề mặt da. Tuy nhiên khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương bởi các kênh vi mô này, các phân tử có thể tiếp cận các lớp da sâu hơn, từ đó gây nguy cơ phản ứng và viêm nhiễm.
7. Tránh hút thuốc
Điều cần đặc biệt lưu ý trong cách chăm sóc da sau laser là bạn nên tránh hút thuốc trong và sau quá trình chữa bệnh vì điều này chỉ làm chậm quá trình làn da được hồi phục. Bạn nên tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ một cách chặt chẽ để các phản ứng phụ không xảy ra sau này.