backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị nám da với liệu pháp tia laser như thế nào?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/08/2020

    Điều trị nám da với liệu pháp tia laser như thế nào?

    Làn da của người châu Á thường dễ bị một số vấn đề về da. Một trong số đó là nám – tình trạng tăng sắc tố hoặc đốm đen trên da. Nám có thể làm cho bạn thiếu tự tin vì nó ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của da. Những thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật có thể giúp kiểm soát tình trạng nám một cách hiệu quả, đặc biệt là liệu pháp điều trị bằng laser.

    Nám da là gì?

    Những biểu hiện đặc trưng của nám da là những đốm đen trên da – một loại tăng sắc tố trên da do sản xuất thừa melanin. Màu sắc của da được quy định bởi lượng melanin – sắc tố được sản xuất bởi các tế bào sắc tố da (melanocytes). Chúng là những đốm màu nâu thường xuất hiện trên trán, má, môi trên hoặc hàm. Tình trạng tăng sắc tố có thể được kích hoạt bởi ánh nắng mặt trời hoặc những thay đổi nội tiết tố. Đó là lý do tại sao phụ nữ có thai hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh thường bị nám. Những người sống ở vùng nhiều nắng như châu Á hoặc Địa Trung Hải dễ hình thành nám trên da hơn so với những người sống ở những nơi khác.

    Liệu pháp laser điều trị nám như thế nào?

    Liệu pháp laser là một trong những phương pháp điều trị nám phổ biến nhất. Một số loại laser, chẳng hạn như laser phân đoạn kép, có thể rất hiệu quả trong việc điều trị tăng sắc tố da. Trong thực tế, công nghệ này được sử dụng lần đầu tiên để loại bỏ hình xăm. Liệu pháp điều trị bằng laser rất phổ biến vì nó có thể giải quyết tình trạng da ở những vùng nhạy cảm mà không làm tổn hại đến các mô xung quanh.

    Các loại laser có thể đi sâu vào làn da của bạn ở mức độ khác nhau. Ví dụ, nếu bạn bị nám hỗn hợp, có nghĩa là các melanin nằm rải rác ở cả hai lớp trung bì (lớp giữa của da) và lớp thượng bì (lớp ngoài cùng của da), điều trị bằng laser phân đoạn kép có thể dịu nhẹ hơn cho da. Trong khi đó, laser mạnh hơn có thể gây hại cho làn da của bạn và làm cho tình trạng nám tồi tệ hơn. Nám thượng bì (nám chỉ xuất hiện ở lớp ngoài cùng của da) có thể đáp ứng tốt với trị liệu laser hơn so với các loại nám khác. Điều quan trọng là bạn nên tiếp tục thảo luận với bác sĩ da liễu để tìm ra loại laser nào là tốt nhất cho làn da của bạn.

    Liệu pháp điều trị bằng laser cũng có thể được kết hợp với các liệu pháp khác để điều trị nám. Ví dụ, với nám hỗn hợp, bác sĩ có thể kết hợp phương pháp siêu mài mòn với điều trị bằng laser tác động thấp như laser YAG Q-switched. Việc điều trị thường được chia thành nhiều đợt trong khoảng thời gian 2-3 tháng tùy thuộc vào tình trạng da và khả năng đáp ứng với điều trị của bạn như thế nào. Bạn có thể cần phải bôi các loại kem có chứa các thành phần làm sáng da như hydroquinone hay retinoids. Bạn đừng quên bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên mỗi ngày. Tại một số vùng của châu Á, ánh nắng mặt trời có thể còn nguy hiểm hơn, vì vậy bạn nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 50 hoặc cao hơn.

    Bạn có thể tiến hành điều trị nám bằng laser ở đâu?

    Ngày nay, bạn có thể điều trị nám bằng laser ở hầu hết các spa hoặc phòng khám da liễu. Trước khi điều trị, bạn nên thảo luận với bác sĩ da liễu về những lợi ích và nguy cơ của việc điều trị bằng laser. Bác sĩ da liễu sẽ đánh giá tình trạng da của bạn và đề xuất các phương án điều trị tốt nhất. Nám da có thể tự biến mất, đặc biệt là sau khi sinh. Nếu bạn đang mang thai, tốt nhất là bạn hãy chờ một vài tháng cho đến khi kích thích tố của bạn ổn định trước khi tìm đến bác sĩ da liễu.

    Nám là một tình trạng da rất thường gặp. Mặc dù nám không gây hại cho sức khỏe nhưng có thể làm cho bạn cảm thấy bất an về làn da của mình. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ da liễu để biết rằng liệu bạn có thể điều trị bằng laser hay không. Liệu pháp điều trị bằng laser có thể giúp bạn có được làn da trẻ trung và khỏe mạnh như ý muốn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo