backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm? Nhanh hoặc chậm đều đáng lo

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/01/2024

Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm? Nhanh hoặc chậm đều đáng lo

Nhịp tim là một trong các chỉ số quan trọng cho bác sĩ biết về tình trạng tim mạch của bạn có tốt không. Nhịp tim có thể thay đổi một chút từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nhịp tim nghỉ ngơi cao bất thường hoặc nhịp tim tối đa thấp có thể cho thấy nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong tăng lên. Vậy, nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm?

Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

Nhịp tim là gì?

Trước khi biết nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm, bạn cần hiểu rõ hơn về nhịp tim là gì?

Nhịp tim là số lần tim đập mỗi phút. Đối với hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim nghỉ ngơi bình thường dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút (BPM).

Một trái tim khỏe mạnh có thể không đập đều đặn. Tim có thể tăng tốc hoặc giảm tốc độ đập để đáp ứng nhu cầu oxy thay đổi của cơ thể trong suốt cả ngày. Các yếu tố khiến nhịp tim có thể thay đổi bao gồm:

  • Tuổi tác: Trẻ em có nhịp tim nhanh hơn so với người trưởng thành. Đối với một người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim khi nghỉ ngơi trung bình là khoảng 72 – 78 lần/phút. Người lớn tuổi đôi khi có nhịp tim dưới 60 nhịp mỗi phút.
  • Mức độ hoạt động thể chất: Nhịp tim tăng nhanh hơn khi bạn hoạt động và giảm xuống khi bạn nghỉ ngơi.
  • Hút thuốc lá: Người hút thuốc có xu hướng có nhịp tim lúc nghỉ ngơi cao hơn so với người bình thường.
  • Các bệnh lý nền: Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tim đều có thể dẫn đến nhịp tim nhanh nguy hiểm nếu không được điều trị.
  • Nhiệt độ môi trường: Nhiệt độ môi trường cao có thể làm tăng nhẹ nhịp tim khi nghỉ ngơi.
  • Béo phì: Những người có trọng lượng cơ thể nặng có thể có nhịp tim nghỉ ngơi cao hơn.

Ngoài ra, các yếu tố như cảm xúc, vị trí cơ thể (đang đứng hay đang nằm) và các loại thuốc bạn đang dùng cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.

Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm?

nhịp tim nhanh bao nhiêu là nguy hiểm

Nhịp tim cao hoặc thấp bất thường phản ánh tình trạng chức năng tim đang bị suy yếu hoặc tim đang bơm máu không hiệu quả. Nếu không được chú ý và điều trị kịp thời, nhịp tim bất thường đôi khi có thể dẫn đến tử vong. 

Vậy, nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm? Nhìn chung, nhịp tim đập nhanh luôn trên 100 lần/phút hoặc giảm xuống dưới 60 lần/phút có thể được coi là nguy hiểm. Cụ thể như sau:

Nhịp tim nhanh bao nhiêu là nguy hiểm?

Rất nhiều người có thắc mắc nhịp tim 110, 117, 120, 140… có nguy hiểm không thì nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút liên tục trong một khoảng thời gian dài, đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi, chóng mặt, mất ý thức và ngất xỉu được xem là nguy hiểm và nếu không được điều trị có thể gây tử vong.

Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên có nhịp tim nghỉ ngơi cao hơn 76 lần/phút có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc tử vong cao hơn 26% so với những người có nhịp tim nghỉ ngơi thấp dưới 62 lần/phút.

Các vấn đề tim mạch có thể gây ra nhịp tim nhanh bao gồm:

  • Rung nhĩ
  • Cuồng nhĩ
  • Nhịp nhanh trên thất
  • Nhịp nhanh xoang
  • Bệnh cơ tim
  • Bệnh mạch vành
  • Rối loạn nhịp tim
  • Suy tim sung huyết.

Nguyên nhân khác khiến nhịp tim nhanh có thể bao gồm:

  • Mất nước
  • Lo lắng, hồi hộp
  • Sử dụng caffein và các chất kích thích
  • Sốt, nhiễm trùng
  • Dùng thuốc
  • Thiếu máu
  • Thiếu ngủ
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (Cường giáp)
  • Viêm phổi
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
  • Thuyên tắc phổi
  • Ung thư phổi.

Nhịp tim chậm bao nhiêu là nguy hiểm

Nhịp tim chậm bao nhiêu là nguy hiểm?

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không, bao nhiêu là nguy hiểm thì:

  • Nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút trong một khoảng thời gian dài được đánh giá là nguy hiểm.
  • Nhịp tim chậm trong thời gian dài nếu không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, con số này cũng chưa hẳn đã chính xác với nhiều người. Điển hình như các vận động viên hoạt động, tập luyện nhiều đôi khi có nhịp tim nghỉ ngơi thấp gần 40 lần/phút. Điều này là do tập thể dục tăng cường cơ tim, cho phép tim bơm nhiều máu hơn với mỗi nhịp tim, do đó tim đập ít lần hơn mỗi phút. Ngoài ra, nhịp tim thấp hơn bình thường khi ngủ cũng là điều bình thường.

Nếu bạn có nhịp tim chậm cùng với các triệu chứng khác như chóng mặt, ngất xỉu, mệt mỏi, lú lẫn hoặc khó thở, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Một số nguyên nhân dẫn đến nhịp tim chậm bao gồm:

  • Dùng thuốc chẹn beta kéo dài
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh tim
  • Mức độ tập thể dục
  • Tuyến giáp hoạt động kém (Suy giáp)
  • Tuổi tác lớn
  • Mất cân bằng điện giải
  • Hạ thân nhiệt
  • Chán ăn
  • Rối loạn nhịp tim.

Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm?

  • Nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút liên tục trong một khoảng thời gian dài, đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi, chóng mặt, mất ý thức và ngất xỉu được xem là nguy hiểm và nếu không được điều trị có thể gây tử vong.
  • Nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút trong một khoảng thời gian dài được đánh giá là nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

Hiểu rõ nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm sẽ giúp bạn chủ động thực hiện các biện pháp điều hòa nhịp tim và chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn. Hãy thăm khám với bác sĩ nếu nhịp tim vượt qua giới hạn bình thường và có các triệu chứng khác đi kèm để được tư vấn giải pháp phù hợp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/01/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo