Trào ngược dạ dày (hay trào ngược dạ dày thực quản) là tình trạng acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đau thượng vị, ho,… Theo thống kê, tới 20% dân số thế giới mắc trào ngược dạ dày thực quản. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc. Vậy, trào ngược dạ dày uống thuốc gì?
Có 5 nhóm thuốc chính được sử dụng chữa trào ngược dạ dày gồm thuốc kháng acid, thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton, thuốc ức chế acid cạnh tranh kali và thuốc hỗ trợ nhu động. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Thuốc kháng acid
Thuốc kháng acid là một loại thuốc không kê đơn giúp kiểm soát các triệu chứng nhẹ của tình trạng trào ngược dạ dày. Thuốc hoạt động bằng cách trung hòa acid dạ dày để giảm chứng ợ nóng, ợ chua, khó tiêu và khó chịu ở dạ dày. Thuốc kháng acid chỉ dùng trong trường hợp nhẹ, có khả năng làm giảm triệu chứng nhanh nhưng thời gian tác động ngắn (1-2h).
Trào ngược dạ dày uống thuốc gì? Một số ví dụ về thuốc kháng acid là:
- Nhôm hydroxid (Biệt dược: AlternaGEL, Amphojel, Nephrox), nhôm phosphat (Phosphalugel)
- Canxi cacbonat (Biệt dược: Tums, Gaviscon)
- Natri bicacbonat (Biệt dược: Gaviscon)
- Magiê hydroxid (Biệt dược: Milk of Magnesia, Pedia-Lax)
- Almagat (Biệt dược: Yumangel, Alma, Almagel)
- Simethicone đơn thành phần hoặc kết hợp với nhôm hydroxid, magiê hydroxid (Biệt dược: Almacone, Vilanta, Trimafort, Gelusil)
- Natri alginate (Biệt dược: Gaviscon).
Thuốc kháng acid trên thị trường có thể chỉ chứa một hoạt chất hoặc kết hợp nhiều chất trong cùng một loại biệt dược.
Lưu ý khi sử dụng
- Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn bao bì, không dùng quá liều hoặc lạm dụng thuốc kháng acid.
- Thuốc kháng acid chỉ có khả năng giảm triệu chứng chứ không điều trị được tình trạng viêm thực quản do bị tổn thương bởi axit dạ dày. Không nên lạm dụng thuốc mà nên thăm khám để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
- Thuốc kháng axit nên được uống sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Không sử dụng thuốc kháng acid quá 2 tuần trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc kháng acid có thể gây cản trở sự hấp thu và tác dụng của các thuốc khác. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Không tự ý sử dụng thuốc nếu đang mắc bệnh gan, thận, cao huyết áp.
- Các tác dụng phụ bao gồm táo bón, tiêu chảy, thay đổi màu sắc của phân, sỏi thận, mất canxi và co thắt dạ dày.
- Không được sử dụng thuốc kháng acid có chứa natri bicacbonat cho phụ nữ có thai do nguy cơ giữ nước và tăng huyết áp bởi hàm lượng natri cao.
2. Trào ngược dạ dày uống thuốc gì? Thuốc kháng thụ thể histamin H2
Trào ngược dạ dày thực quản uống thuốc gì? Thuốc chống trào ngược nhóm kháng histamin H2 có tác dụng làm giảm tiết acid dạ dày bằng cách liên kết thuận nghịch với thụ thể histamin H2 trên tế bào thành dạ dày – histamin là một chất hóa học trong cơ thể kích hoạt sự hình thành acid dạ dày. Thuốc kháng histamin H2 hữu ích trong việc làm giảm chứng ợ nóng và điều trị chứng trào ngược.
Các hoạt chất trong nhóm kháng histamin H2 gồm:
- Cimetidine (Tagamet HB)
- Famotidine (Pepcid AC, Zantac 360)
- Nizatidine (Axid, Axid AR)
Thuốc nhóm này không có tác dụng nhanh như thuốc kháng acid nhưng giúp giảm đau lâu hơn và có thể làm giảm sản xuất acid dạ dày lên đến 12 giờ. Thời điểm uống thuốc tốt nhất nên uống trước bữa ăn 30 phút.
Thuốc kháng histamin H2 hàm lượng thấp là thuốc không kê đơn. Với hàm lượng lớn hơn, thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Tác dụng phụ của những loại thuốc này thường nhẹ và thường được dung nạp tốt.
3. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Trào ngược dạ dày uống thuốc gì? Một nhóm thuốc khác cũng có tác dụng giảm tiết acid dạ dày là thuốc ức chế bơm proton. Thuốc PPI là thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày bằng cách gắn với bơm proton ở tế bào thành dạ dày, làm bất hoạt hệ thống enzym này, ngăn cản bước cuối cùng của sự bài tiết acid vào lòng dạ dày. So với thuốc kháng thụ thể histamin H2, PPI có hiệu quả hơn và có tác dụng dài hơn trong việc giảm dòng acid trào ngược vào thực quản.
- PPI không kê đơn bao gồm: esomeprazole (Nexium 24HR), lansoprazole (Prevacid 24HR) và omeprazole (Prilosec OTC). Bạn có thể mua tại nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ để điều trị chứng ợ nóng thường xuyên (2 lần trở lên mỗi tuần) trong 14 ngày.
- PPI kê đơn bao gồm: esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec), pantoprazole (Protonix), rabeprazole (Aciphex) và dexlansoprazole (Dexilant). Các thuốc này chỉ có thể mua khi có đơn của bác sĩ.
Nếu đã dùng thuốc mà các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 2 tuần hoặc nếu các triệu chứng ợ nóng càng ngày càng trầm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Nhìn chung, PPI được dung nạp tốt nhưng có thể gây một số tác dụng phụ như tiêu chảy, nhức đầu, buồn nôn. Khi sử dụng lâu dài có thể ức chế sự hấp thu của một số vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B12 hoặc magiê. Vì vậy, người bệnh nên thường xuyên tái khám trong quá trình điều trị để được đánh giá tình trạng sức khỏe.
4. Thuốc ức chế acid cạnh tranh kali (PCABs)
Thuốc ức chế acid cạnh tranh kali ngăn tiết acid ở tế bào thành dạ dày thông qua việc ức chế hệ thống enzyme H+, K+-ATPase (bơm proton) theo cách cạnh tranh kali, cơ chế hoạt động khác với PPI, thuốc có tác dụng ức chế bơm proton nhanh chóng và có thể phục hồi. Vonoprazan là thuốc duy nhất trong nhóm này. Thuốc được chấp thuận sử dụng lần đầu tại Nhật vào năm 2015 và mới đây, vào tháng 11/2023 mới được FDA chấp thuận.
Thuốc được sử dụng trong điều trị và duy trì quá trình lành viêm thực quản ăn mòn và giảm chứng ợ nóng liên quan đến viêm thực quản ăn mòn ở người lớn, kết hợp với kháng sinh để điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori.
5. Trào ngược dạ dày uống thuốc gì? Thuốc hỗ trợ nhu động (Prokinetics)
Các thuốc kích thích nhu động, chẳng hạn như metoclopramide (Reglan), giúp tăng khả năng vận động của thực quản và dạ dày, đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, đồng thời tăng áp lực cơ vòng thực quản dưới giúp giảm trào ngược dịch dạ dày.
Thuốc kích thích nhu động có hiệu quả tương đối nhưng chỉ ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Thuốc điều trị chính trong bệnh trào ngược dạ dày vẫn là thuốc kháng acid. Prokinetics không được khuyến khích sử dụng do việc sử dụng lâu dài loại thuốc này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong.
Trào ngược dạ dày gây ho uống thuốc gì?
Thuốc bổ sung và thay thế
Ngoài thuốc tây, trào ngược dạ dày có thể uống thuốc nam gì? Một số liệu pháp bổ sung và thay thế, chẳng hạn như gừng, hoa cúc, giấm táo, cam thảo, húng tây, nghệ, hạt thì là… có thể hỗ trợ điều trị triệu chứng trào ngược. Tuy nhiên, chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể điều trị triệt để bệnh trào ngược dạ dày. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định áp dụng để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các phương pháp khác điều trị trào ngược dạ dày
Các thuốc nêu trên đã giúp trả lời cho câu hỏi “Trào ngược dạ dày uống thuốc gì”. Ngoài điều trị bằng thuốc, việc thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu 2 phương pháp vừa rồi không thể kiểm soát bệnh, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật.
Thay đổi lối sống
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Bỏ thuốc lá
- Kê cao gối khi ngủ
- Nằm nghiêng bên trái
- Không nằm ngay sau khi ăn
- Ăn chậm và nhai kỹ
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
- Tránh các thực phẩm và đồ uống gây trào ngược như rượu, sôcôla, caffeine, đồ nhiều dầu mỡ hoặc bạc hà
- Tránh mặc quần áo bó sát.
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và đề xuất phương pháp phẫu thuật phù hợp cho từng người bệnh. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (fundoplication)
- Phẫu thuật nội soi xuyên miệng (Transoral incisionless fundoplication)
- Thủ thuật Stretta
- Phẫu thuật để tăng cường cơ vòng thực quản dưới (LINX)
Trên đây là 5 nhóm thuốc dùng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, với câu hỏi “Trào ngược dạ dày uống thuốc gì”, bạn cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn phương pháp điều trị một cách chính xác và phù hợp nhất.
[embed-health-tool-bmr]