backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì? Tác dụng phụ và những lưu ý

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/03/2023

Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì? Tác dụng phụ và những lưu ý

Xạ trị ung thư cổ tử cung là một trong những phương pháp điều trị thường được bác sĩ cân nhắc và chỉ định tùy theo giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?

Xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp điều trị sử dụng một lượng bức xạ năng lượng cao (thường là chùm tia X), có kiểm soát, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bức xạ này được nhắm mục tiêu vào các bộ phận trên cơ thể chứa tế bào ung thư, mà cụ thể là cổ tử cung hoặc các khu vực khác mà tế bào ung thư cổ tử cung có thể đã di căn đến.

Xạ trị ung thư cổ tử cung sẽ bao gồm 2 loại:

  • Xạ trị bên ngoài (hay xạ trị chiếu ngoài – EBRT): Xạ trị bên ngoài có thể được chỉ định là phương pháp điều trị chính trong trường hợp bệnh nhân không đủ sức khỏe để hóa trị hoặc phẫu thuật. Loại xạ trị này thường kết hợp với hóa trị để điều trị ung thư di căn.
  • Xạ trị bên trong (hay xạ trị áp sát – Brachytherapy): Xạ trị bên trong chủ yếu được sử dụng kết hợp với xạ trị bên ngoài như một phần của phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư cổ tử cung. Hiếm khi, phương pháp này được sử dụng đơn lẻ trong những trường hợp rất cụ thể, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.

Khi nào cần thực hiện?

khi nào cần xạ trị ung thư cổ tử cung?

Bác sĩ có thể đề nghị xạ trị trong những trường hợp sau:

  • Xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, 4 khi ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung đến các mô, mạch máu hoặc hạch bạch huyết lân cận.
  • Xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 hay xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 khi ung thư còn nhỏ và chỉ ở trong cổ tử cung nếu không muốn phẫu thuật hoặc không đủ sức khỏe để phẫu thuật.
  • Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật để loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại nhằm ngăn ngừa ung thư tái phát.
  • Xạ trị trước phẫu thuật có thể giúp thu nhỏ khối u để loại bỏ dễ dàng hơn khi phẫu thuật.
  • Xạ trị ung thư cổ tử cung kết hợp hóa trị cũng có thể là phương pháp điều trị ưu tiên vì hóa trị giúp bức xạ hoạt động tốt hơn. Đối với ung thư nhỏ hoặc chưa di căn, bức xạ có thể hoạt động tốt như phẫu thuật.
  • Xạ trị cũng được dùng để điều trị ung thư cổ tử cung di căn hoặc tái phát.
  • Xạ trị để giúp giảm nhẹ các triệu chứng, như chảy máu.

Nếu bệnh nhân đã cắt bỏ tử cung, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị. Thông thường, khoảng 4-6 tuần sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được xạ trị bên ngoài kết hợp với hóa trị. Đôi khi, một số phụ nữ sẽ cần xạ trị bên trong để cung cấp bức xạ đến phần trên của âm đạo.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi xạ trị ung thư cổ tử cung

Trước khi quyết định điều trị, nhiều người sẽ quan tâm xạ trị ung thư cổ tử cung bao nhiêu tiền? Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung sẽ tùy thuộc vào loại xạ trị được chỉ định, cơ sở vật chất tại cơ sở y tế mà bạn đang điều trị, cũng như các chi phí giường bệnh, thuốc men nếu bạn phải nằm lại bệnh viện. Hãy lựa chọn đơn vị khám chữa bệnh uy tín và tham khảo giá cả trước khi quyết định tiến hành điều trị.

Những tác dụng phụ khi xạ trị ung thư cổ tử cung

Những phản ứng phụ sau trị xạ ung thư cổ tử cung thường cải thiện trong vài tuần sau khi ngừng điều trị.

Các tác dụng phụ ngắn hạn có thể xảy ra của liệu pháp xạ trị bên trong bao gồm:

  • Đỏ nhẹ hoặc bong tróc da
  • Kích ứng và đau âm đạo, đôi khi gây chảy dịch
  • Âm đạo đỏ và đau, có thể chảy dịch
  • Kích ứng âm hộ
  • Ảnh hưởng đến buồng trứng, dẫn đến thay đổi kinh nguyệt và thậm chí mãn kinh sớm
  • Mệt mỏi
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Kích thích bàng quang gây khó chịu, muốn đi tiểu thường xuyên và đôi khi có máu trong nước tiểu.
  • Công thức máu thấp gây ra lượng hồng cầu thấp (thiếu máu), bạch cầu thấp (giảm bạch cầu trung tính) và giảm tiểu cầu (lượng tiểu cầu thấp).

Phụ nữ có thể gặp các tác dụng phụ sau vài tháng đến nhiều năm sau khi điều trị bằng xạ trị ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như.

  • Hẹp âm đạo
  • Khô âm đạo
  • Chảy máu trực tràng/hẹp trực tràng
  • Các vấn đề về tiết niệu
  • Xương suy yếu, gãy xương chậu
  • Sưng chân, phù hạch bạch huyết
  • Giảm khả năng sinh sản hoặc vô sinh (không thể mang thai).

Quy trình

Chuẩn bị trước khi xạ trị ung thư cổ tử cung

Bác sĩ sẽ thăm khám và thảo luận với bạn về:

  • Mục tiêu xạ trị
  • Loại bức xạ bạn cần (bên trong, bên ngoài hoặc cả hai)
  • Liều lượng bức xạ bạn cần
  • Thời gian điều trị trong bao lâu và tần suất các đợt điều trị ra sao.

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm hình ảnh để giúp quyết định phương pháp điều trị tốt nhất. Các xét nghiệm hình ảnh bao gồm chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI để giúp hiển thị chính xác vị trí ung thư cổ tử cung. Quá trình này giúp bác sĩ kiểm tra chính xác vùng cần xạ trị.

Bạn có thể quan tâm: Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? Hiểu rõ để không quá lo!

Quá trình xạ trị diễn ra như thế nào?

quy trình xạ trị ung thư cổ tử cung

Xạ trị bên ngoài (EBRT)

Xạ trị ung thư cổ tử cung bằng chùm tia bên ngoài là phương pháp tương tự như chụp X-quang ung thư từ một máy bên ngoài cơ thể. Điều trị giống như chụp X-quang thông thường, nhưng sử dụng liều bức xạ mạnh hơn. Máy sẽ không chạm vào cơ thể và không gây đau trong quá trình điều trị.

Dựa trên các xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ sẽ xác định vị trí và kích thước chính xác của khối u để các chùm bức xạ có thể được tập trung ở đó. Các vết nhỏ đánh dấu có thể được đặt trên da để đánh dấu khu vực cần điều trị. Điều này để đảm bảo rằng bức xạ đến chính xác khối u ở cổ tử cung, các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan khác đã bị di căn đến.

Trong quá trình xạ trị bên ngoài, bạn có thể nhìn thấy ánh sáng từ máy chiếu cùng với các vết trên da. Điều này giúp bác sĩ định hướng bức xạ.

Bác sĩ sẽ rời khỏi phòng trong khi máy gửi bức xạ đến khối u. Trong thời gian này, bác sĩ vẫn có thể nhìn thấy bạn, nghe thấy bạn và nói chuyện với bạn. Khi tiến hành xạ trị, bạn sẽ cần phải nằm yên. Thời gian xạ trị ung thư cổ tử cung bằng chùm tia bên ngoài có thể kéo dài vài phút và toàn bộ quá trình sẽ mất chưa đầy một giờ.

Các đợt xạ trị có thể kéo dài trong khoảng 5 tuần, mỗi tuần khoảng 5 ngày.

Xạ trị bên trong (Brachytherapy)

Xạ trị bên trong là phương pháp đưa bức xạ trực tiếp vào khối u hoặc đến gần khối u. Loại bức xạ này chỉ truyền đi một quãng đường ngắn để đảm bảo không làm tổn thương đến các cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng. 

Nguồn bức xạ sẽ được đặt vào một thiết bị trong âm đạo hoặc đôi khi ở cổ tử cung. Nếu bệnh nhân vẫn còn tử cung, chất phóng xạ có thể được đặt trong một ống kim loại nhỏ (được gọi là ống nối) đi vào trong tử cung, cùng với các ống giữ bằng kim loại tròn nhỏ (hình trứng) được đặt gần cổ tử cung. Còn nếu bệnh nhân đã cắt bỏ tử cung, chất phóng xạ sẽ được đặt vào một ống trong âm đạo.

Có hai loại xạ trị bên trong bao gồm:

  • Liệu pháp điều trị chậm với tốc độ liều thấp (LDR) được hoàn thành trong vài ngày. Trong thời gian này, chất phóng xạ được đưa vào gần cổ tử cung và để ở đó trong vài ngày. Bệnh nhân phải nằm yên trên giường bệnh trong phòng riêng tại bệnh viện với các dụng cụ giữ chất phóng xạ tại chỗ.
  • Liệu pháp điều trị bằng tốc độ liều cao (HDR) được thực hiện như là một phương pháp điều trị ngoại trú trong nhiều đợt điều trị (mỗi đợt thường cách nhau ít nhất một tuần). Trong mỗi lần điều trị liều cao, chất phóng xạ được đưa vào trong vài phút và sau đó được lấy ra. Phác đồ điều trị thường kéo dài trong 2-4 tuần, mỗi tuần khoảng 3-4 buổi. Bạn sẽ được gây tê toàn thân hoặc gây tê tủy sống trong khi xạ trị. Bạn sẽ không phải nằm viện hoặc nằm yên trong thời gian dài. 

Bạn có thể quan tâm: Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Làm sao để chăm sóc hiệu quả?

Điều gì xảy ra sau khi xạ trị ung thư cổ tử cung?

sau khi xạ trị ung thư cổ tử cung

Các dụng cụ được lấy ra sau khi liều bức xạ được cung cấp. Vì cần thực hiện nhiều đợt, nên các dụng cụ này có thể cần được đưa vào mỗi lần xạ trị. 

Đôi khi, bạn cần ở lại bệnh viện với các dụng cụ bôi tại chỗ (không có bức xạ bên trong), để các đợt xạ trị có thể được thực hiện gần nhau hơn. 

Sau khi trị liệu bằng xạ trị bên trong, bạn có thể cảm thấy khó chịu ở vùng âm đạo hoặc ra một ít máu. Thuốc giảm đau có thể được chỉ định nếu cần.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/03/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo