backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3: sự tiến triển và cách kiểm soát bệnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 08/11/2021

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3: sự tiến triển và cách kiểm soát bệnh

    Ung thư cổ tử cung là một trong những mối đe dọa sức khỏe hàng đầu của phụ nữ, nhất là khi phát hiện ung thư muộn. Điển hình như khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3). Đó là lúc mà các tế bào ác tính đã có dấu hiệu xâm lấn và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan lân cận. Nhưng tiên lượng khả năng sống sau điều trị tích cực ở giai đoạn này vẫn rất đáng kỳ vọng. 

    Vậy giai đoạn 3 của ung thư cổ tử cung sẽ tiến triển ra sao? Cách điều trị và phòng ngừa ung thư cổ tử cung giai đoạn này tiến triển là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé! 

    1. Như thế nào là ung thư cổ tử cung giai đoạn 3? 

    Theo phân loại của Liên Đoàn Phụ khoa và Sản Khoa Quốc tế (FIGO), ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn được đánh số từ 1 đến 4. Trong đó, ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 là giai đoạn khối u đã phát triển và lan ra khỏi tế bào cổ tử cung, đến các cấu trúc khác ở khu vực xương chậu. Khối u lúc này có thể chưa hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết. Nó cũng có thể đã phát triển xuống phần dưới của âm đạo, thành chậu và chèn ép lên niệu quản.  

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn này được chia thành ba giai đoạn chi tiết hơn gồm:

    • Giai đoạn 3A (IIIA) là khi khối u đã lan đến ⅓ dưới của âm đạo, nhưng chưa xâm lấn thành chậu. 
    • Giai đoạn 3B (IIIB) có nghĩa là khối u đã xâm lấn đến phần thành chậu hoặc đang chặn một hoặc cả hai niệu quản, khiến thận to lên hoặc mất hẳn chức năng lọc. 
    • Giai đoạn 3C (IIIC) là khi ung thu đã xâm lấn đến bất kỳ bộ phận nào trong khung chậu, bao gồm cả hạch bạch huyết, nhưng chưa di căn tới các bộ phận xa của cơ thể.

    tiến triển ung thư cổ tử cung giai đoạn 3

    2. Cách điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3

    Sau khi chẩn đoán cho biết bạn bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, phương pháp điều trị tiêu chuẩn lúc này là hóa – xạ trị kết hợp.

    Người bệnh phải xạ trị bên ngoài hằng ngày trong 5 ngày mỗi tuần, trong khoáng 5 tuần. Cuối đợt, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị tăng cường bên trong.

    Trong quá trình xạ trị, người bệnh cũng phải thực hiện hóa trị mỗi tuần, mỗi hai tuần hoặc mỗi ba tuần một lần. Điều này tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Chẳng hạn như, nếu sử dụng cisplatin sẽ tiêm mỗi tuần 1 lần còn sử dụng cisplatin kết hợp 5-fluorouracil thì được tiêm 4 tuần 1 lần.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xạ trị có thể được áp dụng đơn độc như là biện pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn này.

    3. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 sống được bao lâu?

    Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh về tỷ lệ sống sau ung thư cổ tử cung ở các bệnh nhân giai đoạn này thì có khoảng 40% bệnh nhân sống được trên 5 năm.

    Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính tham khảo vì khả năng vượt qua ung thư cổ tử cung còn tùy thuộc vào thể chất, sức khỏe và mức độ đáp ứng điều trị cũng như tâm lý của mỗi người. Do đó, tuân thủ phác đồ điều trị và chăm sóc sức khỏe có thể giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ tốt hơn. 

    4. Cách ngăn ngừa ung thư tiến triển tới giai đoạn cuối

    chăm sóc người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 3

    Để “chiến đấu” với ung thư, ngoài tuân thủ chỉ định của bác sĩ thì duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cũng là một “vũ khí” quan trọng. Đối với người bệnh ung thư, một trong những điều cần thiết nhất là phải duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối. Mặc dù hóa trị liệu hay xạ trị có thể làm bạn chán ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn, nấu các dạng lỏng mềm để đảm bảo cung cấp đủ calo mỗi ngày cho cơ thể

    Ngoài ra, hãy duy trì lối sống lành mạnh bằng cách: 

    • Hoạt động thể chất nhẹ nhàng mỗi ngày tùy theo sức khỏe của từng người. 
    • Nghỉ ngơi đầy đủ và đảm bảo ngủ đủ giấc vào ban đêm. 
    • Bỏ thuốc lá và không uống rượu. 
    • Duy trì tinh thần tích cực và lạc quan. Hãy chia sẻ cùng người thân, bạn bè và dành thời gian cho những hoạt động yêu thích.

    Đồng thời, sau khi điều trị ung thư cổ tử cung, bạn cũng đừng quên lịch trình tái khám định kỳ để bác sĩ sản phụ khoa theo dõi sức khỏe, kiểm soát tác dụng phụ lâu dài của hóa – xạ trị cũng như kiểm tra nguy cơ tái phát và di căn của tế bào ung thư nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 08/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo