Bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 có nguy hiểm không phụ thuộc vào khả năng kiểm soát biến chứng. Nếu không phòng biến chứng sớm, bệnh có thể đe dọa tính mạng.
Theo thống kê của Tổ chức Y Tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30 nghìn người chết do bệnh tiểu đường. Số liệu này còn chưa tính đến rất nhiều trường hợp đang ngày ngày phải đối chọi với những biến chứng mà bệnh gây ra như mù lòa, suy thận hay tàn phế. Những con số này đủ cho thấy tiểu đường, dù tuýp 1 hay tuýp 2, đều là căn bệnh nguy hiểm. Và sự nguy hiểm này chủ yếu đến từ biến chứng của bệnh.
Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường và cách kiểm soát hiệu quả nhé!
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 được định nghĩa là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng đường huyết tăng cao. Khi lượng đường trong máu vượt ngưỡng cho phép sẽ gây stress oxy hóa và viêm mạn tính. Hậu quả của điều này là gây hại cho toàn bộ hệ thống mạch máu lớn nhỏ và hệ thần kinh trong cơ thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
1. Biến chứng trên mạch máu lớn
Đường huyết cao gây xơ vữa mạch máu lớn. Mạch máu bị xơ vữa sẽ giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan như tim, bàn chân,…. Người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng tim mạch như mạch vành, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ hay biến chứng bàn chân như loét chân, biến dạng hay cắt cụt chân.
Biến chứng tim mạch chính là nguyên nhân đứng đằng sau 75% ca tử vong do tiểu đường. Vì vậy, các tổ chức y tế đã thống nhất đưa mục tiêu huyết áp và mỡ máu vào hướng dẫn điều trị để kiểm soát rủi ro này.
2. Biến chứng trên mạch máu nhỏ
Tương tự các mạch máu lớn, tiểu đường cũng khiến các mạch máu nhỏ bị chít hẹp và sinh biến chứng tại các cơ quan quan trọng như võng mạc mắt và thận. Tại mắt, bệnh có thể gây xuất huyết, mờ mắt, nhức mắt, nặng hơn là bong rách võng mạc gây mù lòa. Tại thận, bệnh nhân sẽ bị giảm chức năng thận, cuối cùng là dẫn đến suy thận, phải chạy thận.
3. Biến chứng trên thần kinh
Hệ thần kinh được phân thành 2 nhóm là thần kinh ngoại biên và thần kinh tự chủ. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến cả 2 nhóm này, gián tiếp làm người bệnh tăng nguy cơ đoạn chi và khó nhận biết các cơn nhồi máu cơ tim cấp.