backup og meta

Thuốc hạ sốt cho người lớn: Hiểu rõ để dùng đúng

Thuốc hạ sốt cho người lớn: Hiểu rõ để dùng đúng

Sử dụng các loại thuốc hạ sốt cho người lớn không kê đơn là cách thường làm khi chúng ta cảm thấy cơ thể nóng, sốt và mệt mỏi. Thế nhưng, mỗi loại thuốc hạ sốt sẽ có liều dùng, cách dùng và những điều cần lưu ý khác nhau. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây nhé!

Sốt là cách cơ thể phản ứng tăng thân nhiệt để chống lại nhiễm trùng, xảy ra ở bất kỳ ai kể cả trẻ em và người lớn. Thân nhiệt tăng cao giúp hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn trước sự “tấn công” của các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm và khiến chúng khó tồn tại được. Vậy, khi nào thì dùng thuốc hạ sốt cho người lớn, cần có lưu ý gì khi sử dụng?

Nguyên nhân gây sốt

Trung bình, nhiệt độ cơ thể người ở mức 37ºC nhưng con số này có thể dao động khác nhau ở mỗi người. Thân nhiệt bình thường cũng thay đổi nhẹ tùy thuộc vào thời điểm khác nhau trong ngày, chẳng hạn nhiệt độ cơ thể vào buổi chiều thường cao hơn so với buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Sau khi ăn no hoặc tập thể dục, thân nhiệt cũng sẽ tăng cao hơn một chút.

Nhìn chung, khi đo thấy nhiệt độ cơ thể từ 38ºC trở lên thì được xác định là bị sốt. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến sốt ở người lớn gồm:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra
  • Các bệnh lý rối loạn viêm như viêm khớp dạng thấp
  • Nhiễm trùng hoặc chấn thương não
  • Phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc hoặc vaccine
  • Do có sự tăng sinh tế bào trong một số bệnh ung thư
  • Sử dụng chất kích thích bất hợp pháp hoặc đang cai nghiện.

Tùy vào nhiệt độ sốt mà có ảnh hưởng với mức độ khác nhau tới cơ thể. Sốt cao có thể gây nguy hiểm, sốt cao làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng quá mẫn, gây sốc, tăng tiêu hủy, dẫn đến giảm kẽm và sắt trong máu, sốt còn khiến cơ thể mất nước, rối loạn chất điện giải. Cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức khi sốt cao trên 40ºC và kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây: co giật, mất ý thức, lú lẫn, cứng cổ, khó thở, đau dữ dội bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, sưng hoặc viêm bất kỳ bộ phận nào, đau khi đi tiểu hoặc nước tiểu có mùi hôi, khí hư âm đạo có màu hoặc có mùi hôi.

Ngoài ra, có những trường hợp sốt không rõ nguyên nhân, xảy ra khi bị sốt trên 38ºC và kéo dài trong hơn 3 tuần. Khi đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được đánh giá và tìm cách điều trị phù hợp.

Các loại thuốc hạ sốt cho người lớn

Cách điều trị sốt tốt nhất là điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sốt là phản ứng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng nên có thể không cần điều trị ngay. Tuy nhiên, nếu sốt quá cao hoặc xảy ra ở những người mắc các bệnh lý khác như bệnh tim, phổi thì cần phải hạ sốt ngay.

Các loại thuốc hạ sốt cho người lớn không kê đơn được sử dụng rộng rãi bao gồm:

1. Paracetamol

Thuốc hạ sốt cho người lớn paracetamol

Paracetamol (hay acetaminophen) là một loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt không kê đơn. Thuốc này thường được khuyến cáo là một trong những lựa chọn điều trị đầu tiên để hạ sốt và khá an toàn cho người sử dụng, hiếm khi gây ra tác dụng phụ.

Phân loại

Paracetamol có công dụng giảm bớt các cơn đau từ nhẹ đến vừa và hạ sốt trong các bệnh cảm lạnh, cảm cúm. Trên thị trường, có rất nhiều dạng bào chế của paracetamol, bao gồm:

  • Viên nén
  • Viên nang
  • Dung dịch uống
  • Viên sủi
  • Viên đặt hậu môn
  • Thuốc tiêm tĩnh mạch (chỉ sử dụng trong bệnh viện).

Liều dùng

Liều dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và dạng bào chế mà bạn sử dụng. Sử dụng thuốc paracetamol để hạ sốt cho người lớn thường là 500mg trong mỗi 4-6 giờ, không uống nhiều hơn 4g trong vòng 24 giờ. Thuốc sẽ bắt đầu tác dụng sau khi uống khoảng 1 giờ và hiệu quả thường kéo dài trong nhiều giờ tiếp theo. Do đó, bạn không nên uống quá liều khuyến cáo mặc dù chưa thấy triệu chứng sốt thuyên giảm ngay.

Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng

Paracetamol tương đối an toàn cho nhiều đối tượng sử dụng, bao gồm phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em trên 2 tháng tuổi (dùng liều thấp hơn). Thuốc hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng paracetamol bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng, có thể gây phát ban và sưng tấy
  • Đỏ bừng, huyết áp thấp và nhịp tim nhanh (đôi khi xảy ra khi dùng paracetamol qua đường truyền tĩnh mạch tại bệnh viện)
  • Rối loạn máu (như giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu)
  • Tổn thương gan và thận nếu dùng quá liều. Có thể gây tử vong trong trường hợp nghiêm trọng.

Hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng paracetamol. Bạn sẽ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc này nếu như:

  • Có vấn đề về gan hoặc thận
  • Lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong thời gian dài
  • Suy dinh dưỡng
  • Đang sử dụng một số loại thuốc khác vì có nguy cơ gây ra tương tác thuốc.
Lưu ý, sử dụng quá liều paracetamol có thể rất nguy hiểm. Một số người có thể cảm thấy buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng sau khi uống quá nhiều paracetamol nhưng cũng có trường hợp không có triệu chứng rõ ràng nào trong giai đoạn đầu. Nếu lỡ uống quá liều, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

2. Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs)

NSAIDs là một nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm đau, kháng viêm và có thể hạ sốt nhẹ. Có rất nhiều loại thuốc NSAIDs khác nhau, bao gồm cả thuốc không kê đơn (như thuốc ibuprofen, naproxen ở hàm lượng quy định) và thuốc kê đơn (như diclofenac, celecoxib, indomethacin,…).

Phân loại

Các thuốc NSAIDs cũng có nhiều dạng bào chế khác nhau trên thị trường, bao gồm:

  • Viên nén hoặc viên nang cứng
  • Dung dịch uống
  • Gel hoặc kem bôi ngoài
  • Thuốc đặt hậu môn
  • Thuốc truyền tĩnh mạch (dùng trong bệnh viện).

Liều dùng

Thuốc NSAIDs dùng hạ sốt cho người lớn thường là các thuốc không kê đơn và được Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) và Tờ thông tin sản phẩm (SPC) của các thuốc lưu hành tại Hoa Kỳ khuyến cáo không nên sử dụng quá 3 ngày. Liều dùng giảm đau, hạ sốt của thuốc không kê đơn ibuprofen cho người lớn là uống 200 – 400mg mỗi 4 giờ (nếu cần), không vượt quá 1200mg/ ngày.

Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng

Việc sử dụng thuốc NSAIDs có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi dùng liều cao trong thời gian dài hoặc dùng ở người cao tuổi, người có sức khỏe kém. Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa bao gồm đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn và nôn, đau dạ dày, tiêu chảy
  • Loét dạ dày có thể dẫn đến chảy máu trong và thiếu máu
  • Đau đầu, ủ rũ
  • Khó tập trung
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Phản ứng dị ứng
  • Gây ra các vấn đề về gan, thận hoặc tim mạch tuần hoàn (như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ). Thế nhưng, tác dụng phụ này hiếm khi xảy ra.
Những đối tượng đặc biệt như người có thai hoặc đang cho con bú, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người bị hen suyễn, người bị loét dạ dày, người có các bệnh lý (bệnh lý về tim, gan, thận), người từng bị dị ứng với thuốc NSAIDs hoặc đang sử dụng các loại thuốc khác thì nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng nhóm thuốc này.

3. Thuốc aspirin

Thuốc hạ sốt cho người lớn aspirin

Aspirin (acid acetylsalicylic) cũng là một thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm dùng cho người lớn. Thuốc có dạng viên uống hoặc viên đặt hậu môn.

Công dụng làm giảm sốt tạm thời hoặc giảm các cơn đau nhẹ do nhức đầu, đau bụng kinh, viêm khớp, đau cơ, đau răng.

Liều dùng

Liều dùng aspirin với mục đích làm thuốc hạ sốt cho người lớn là:

  • Đường uống: 300-650mg mỗi 4-6 giờ (nếu cần), không vượt quá 4g trong vòng 24 giờ.
  • Đường đặt hậu môn: 300-600mg trong mỗi 4 giờ.

Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng

Tác dụng phụ thường gặp nhất của aspirin là gây khó chịu cho dạ dày nên bạn có thể uống thuốc trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn để giảm bớt tác dụng phụ này. Một số tác dụng không mong muốn khác có thể xảy ra gồm dễ bị xuất huyết hoặc bầm tím, đau đầu. Bạn nên ngừng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ nếu như các tác dụng phụ này không biến mất trong 4 giờ.

Những đối tượng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng aspirin gồm:

  • Người đang mang thai, dự định mang thai và đang cho con bú
  • Có polyp mũi
  • Bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu
  • Bị loét dạ dày tá tràng
  • Có tiền sử xuất huyết tiêu hóa
  • Sắp phải phẫu thuật
  • Không nên dùng cho trẻ dưới 16 tuổi vì có liên quan đến hội chứng Reye, trừ một số trường hợp như bệnh Kawasaki, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, bệnh Still.
Nếu thấy phân có màu đen hoặc phân hắc ín trong quá trình dùng aspirin, hãy ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ ngay lập tức vì đó có thể là dấu hiệu bị xuất huyết trong ruột.

Những lưu ý khi dùng các loại thuốc hạ sốt cho người lớn

Thuốc hạ sốt cho người lớn và lưu ý khi dùng

Khi dùng các loại thuốc hạ sốt cho người lớn, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn về thành phần, liều dùng, cách dùng trước khi sử dụng. Có rất nhiều biệt dược chứa cùng thành phần hoạt chất như nhau hoặc viết tên đồng nghĩa của cùng hoạt chất (như paracetamol và acetaminophen, aspirin và acid acetylsalicylic), bạn cần chú ý để không uống thuốc quá liều.

Nếu thấy xuất hiện phản ứng dị ứng hoặc các triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng, hãy ngưng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay. Tốt nhất, bạn nên ghi lại danh sách các thuốc đã sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và kê đơn.

Trường hợp thuốc không có tác dụng hạ sốt, sốt từ 39,5ºC trở lên hoặc kéo dài hơn 3 ngày, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xác định nguyên nhân và thay đổi phương pháp điều trị.

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Sốt là triệu chứng khá phổ biến mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải. Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt cho người lớn, bạn có thể thử các cách làm mát cơ thể khác như: uống nhiều nước, và bổ sung chất điện giải để làm mát cơ thể và ngăn ngừa mất nước, mất điện giải, nghỉ ngơi nhiều hơn và giữ cơ thể thông thoáng với quần áo mỏng nhẹ để nhanh chóng hạ được cơn sốt.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fever in Adults https://www.drugs.com/cg/fever-in-adults.html Ngày truy cập 14/7/2024

Fever in adults: When to worry https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/treating-fever-in-adults Ngày truy cập 14/7/2024

Fever https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/diagnosis-treatment/drc-20352764 Ngày truy cập 14/7/2024

About paracetamol for adults https://www.nhs.uk/medicines/paracetamol-for-adults/ Ngày truy cập 14/7/2024

Paracetamol https://www.nhsinform.scot/tests-and-treatments/medicines-and-medical-aids/types-of-medicine/paracetamol/ Ngày truy cập 14/7/2024

NSAIDs https://www.nhs.uk/conditions/nsaids/ Ngày truy cập 14/7/2024

NSAIDs (Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs) https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/11086-non-steroidal-anti-inflammatory-medicines-nsaids Ngày truy cập 14/7/2024

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thời gian sử dụng tối đa http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/242 Ngày truy cập 14/7/2024

Aspirin for Pain, Fever, and Inflammation https://www.columbiadoctors.org/health-library/article/aspirin-pain-fever-inflammation/ Ngày truy cập 14/7/2024

Aspirin Dosage https://www.drugs.com/dosage/aspirin.html Ngày truy cập 14/7/2024

Fever treatment: Quick guide to treating a fever https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/in-depth/fever/art-20050997 Ngày truy cập 14/7/2024

Phiên bản hiện tại

17/07/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Thuốc hạ sốt Doliprane: công dụng, cách dùng và những lưu ý cần biết

Dùng viên sủi hạ sốt thế nào cho hiệu quả?


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo