backup og meta

Dùng viên sủi hạ sốt thế nào cho hiệu quả?

Dùng viên sủi hạ sốt thế nào cho hiệu quả?

Viên sủi hạ sốt là một dạng bào chế của thuốc hạ sốt được nhiều người ưa chuộng. Lý do là bởi nó tiện dụng, cho tác dụng nhanh và khắc phục được một số khuyết điểm của viên nén truyền thống như tác dụng chậm và gây khó nuốt cho một số đối tượng. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, có một số điều mà bạn cần lưu ý.

Bài viết sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về thuốc hạ sốt dạng sủi, ưu – nhược điểm và một số biệt dược phổ biến trên thị trường. Cùng tìm hiểu ngay!

Viên sủi hạ sốt là gì?

Thuốc hạ sốt là loại thuốc không kê đơn dùng để điều trị các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ trong các bệnh lý thông thường như cảm cúm, cảm lạnh, viêm đường hô hấp… Đây là loại thuốc vô cùng thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển nhiều dạng bào chế với những ưu điểm, nhược điểm riêng, phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài dạng phổ biến nhất là viên nén dùng đường uống, thuốc hạ sốt còn gặp ở dạng dung dịch, viên nang cứng, viên nén hòa tan, viên nén sủi bọt, cốm sủi bọt, bột pha dung dịch, thuốc đặt trực tràng…

Viên sủi hạ sốt là một dạng thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất chính có tác dụng giảm đau, hạ sốt, được bào chế dưới dạng viên nén sủi bọt, tan hoàn toàn trong nước, trong khoảng thời gian ngắn (dưới 5 phút). Dạng bào chế này cho thấy những ưu điểm nhất định khiến nó được ưa chuộng, ưu tiên sử dụng hơn trong một số trường hợp và với một số đối tượng nhất định.

Thành phần trong viên sủi hạ sốt

thành phần trong viên sủi hạ sốt

Hoạt chất chính thường gặp nhất trong viên sủi hạ sốt là paracetamol (hay acetaminophen), ngoài ra còn có thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS) như aspirin, ibuprofen, diclofenac,… hoặc ở dạng phối hợp thành phần giảm đau, hạ sốt và vitamin. 

Các tá dược khác trong viên sủi gồm có:

  • Chất tạo màu và tạo hương (hương chanh, hương cam,..) giúp dễ uống hơn
  • Một acid hữu cơ yếu như acid citric, acid tartaric, vitamin C và một muối có tính kiềm như natri cacbonat hoặc natri bicacbonat. Các thành phần này khi gặp nước sẽ xảy ra phản ứng hóa học, tạo thành bọt khí CO2 giúp viên thuốc rã nhanh.

Nhờ những hoạt chất này cùng với một số tá dược khác sẽ thúc đẩy quá trình tan các hoạt chất chính được nhanh hơn, đồng thời cũng giúp tăng khả năng hấp thu của thuốc vào cơ thể tốt hơn.

Ưu và nhược điểm

ưu nhược điểm của viên sủi hạ sốt

Viên sủi hạ sốt có một số lợi thế khắc phục được nhược điểm viên nén thông thường như:

  • Hoạt chất được hòa tan vào nước nên hấp thu vào cơ thể và cho tác dụng nhanh hơn. Trong khi đó, viên nén khi uống vào cần thời gian rã và hòa tan trong đường tiêu hóa.
  • Các đối tượng gặp tình trạng khó nuốt như trẻ em, người cao tuổi dễ sử dụng hơn.
  • Hoạt chất được pha loãng nên giảm kích ứng đường tiêu hóa. Đồng thời, tăng lượng nước bổ sung cho cơ thể khi bị mất nước do sốt.
  • Dạng viên sủi dễ kết hợp với các hoạt chất và hương liệu khác nhau nên có mùi vị dễ uống.
  • Việc bào chế dạng viên sẽ dễ vận chuyển, bảo quản hơn dạng dung dịch. 

Bên cạnh các ưu điểm nêu trên, viên sủi cũng còn tồn tại một số nhược điểm:

  • Tá dược giúp rã viên thuốc có chứa natri nên có nguy cơ làm tăng huyết áp. Do đó, nguy hiểm với người bệnh huyết áp cao.
  • Viên sủi dễ hút ẩm nên cần được bảo quản kỹ hơn viên nén. Nếu bảo quản không đúng cách, thuốc có thể giảm tác dụng hoặc thậm chí phân hủy thành chất gây hại cho cơ thể.
  • Thuốc dạng viên sủi khi hòa tan trong nước tạo thành dung dịch có mùi vị thơm ngon dễ khiến người bệnh sử dụng như một loại nước giải khát dẫn tới nguy cơ quá liều gây ra tác dụng phụ.

Sử dụng viên sủi hạ sốt thế nào cho hiệu quả?

Cách dùng

cách dùng viên sủi hạ sốt

Cách dùng thuốc hạ sốt dạng sủi là cho viên (hoặc một liều lượng thích hợp) vào một cốc nước đầy (khoảng 200ml), đợi cho tan hoàn toàn rồi uống. Chỉ uống sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn trong lượng nước vừa đủ.

Viên sủi hạ sốt uống trước hay sau ăn? Viên sủi chứa paracetamol có thể uống bất cứ lúc nào trong ngày không phụ thuộc bữa ăn. Tuy nhiên, với dạng chứa thuốc NSAIDS nên uống sau khi ăn để tránh kích ứng dạ dày. Nên tránh uống thuốc vào cuối ngày vì thuốc có tác dụng kích thích nhẹ.

Liều dùng

Dùng thuốc đúng liều lượng khuyến cáo.

Viên sủi hạ sốt uống cách nhau bao lâu? Ví dụ, đối với paracetamol, liều cho người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên là 500 – 1000mg sau mỗi 4 – 6 giờ. Mỗi liều viên sủi hạ sốt uống cách nhau ít nhất 4 giờ, người suy thận mỗi lần uống cách nhau ít nhất 8 giờ. Liều cho trẻ cần được tính theo cân nặng.

Thuốc hạ sốt dạng sủi phổ biến thường chứa paracetamol 500mg hoặc 1000mg, do đó không phù hợp với trẻ nhỏ.

Những lưu ý khác khi dùng

  • Không uống nguyên viên hay bẻ nhỏ viên rồi uống trực tiếp.
  • Không dùng thuốc cho người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào.
  • Khi dùng chung thuốc hạ sốt paracetamol với các loại thuốc khác có chứa paracetamol cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ để điều chỉnh liều lượng, tránh sẽ gây quá liều.
  • Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Các hoạt chất hạ sốt khác nhau có cách dùng, liều dùng, lưu ý khi dùng cũng khác nhau.
  • Thuốc có thể gây cảm giác ậm ạch do có nhiều hơi trong bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, vì thế, không nên dùng viên sủi sau khi đã uống các loại nước giải khát có gas.
  • Không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Thuốc viên sủi có thể gây hại đối với người bệnh cao huyết áp.
  • Những người có tiền sử bệnh đau dạ dày, tá tràng, suy thận, hen suyễn… không dùng viên sủi có chứa aspirin vì hoạt chất aspirin có thể làm bệnh nặng hơn.
  • Không lạm dụng thuốc vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Quá liều thuốc giảm đau, hạ sốt có thể gây độc tính cấp, hoại tử gan hoặc thậm chí tử vong. 
  • Sau khi uống thuốc hạ sốt 30 phút nên kiểm tra lại nhiệt độ. Nếu không hiệu quả, cần kiểm tra lại liều lượng sử dụng và chất lượng thuốc xem thuốc có bị đổi màu, hút ẩm hay quá hạn sử dụng không. Nếu thuốc vẫn đảm bảo chất lượng và đúng liều, có thể thực hiện các biện pháp giúp hạ thân nhiệt như uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát, lau mình bằng nước ấm hoặc cân nhắc cho uống thuốc hạ sốt lần hai. Nếu vẫn không hạ sốt, đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.
  • Bảo quản thuốc đúng cách, giữ ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và tránh xa tầm tay trẻ em. Giữ thuốc nguyên vẹn trong vỏ nhôm bao kín, tránh tiếp xúc với không khí ẩm. Nếu thấy có dấu hiệu ẩm hay vỏ nhôm bị rách thì không được dùng mà nên hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

Sốt là tình trạng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Ngưỡng khuyến cáo sử dụng thuốc hạ sốt là 39 độ với người lớn và 38,5 độ với trẻ em. Không dùng thuốc để tự điều trị sốt cao (trên 39,5ºC), sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát, trừ khi do bác sĩ chỉ định, vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng cần được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng.

Một số sản phẩm viên sủi hạ sốt thông dụng trên thị trường

  • Viên sủi hạ sốt Efferalgan 500mg chứa paracetamol hàm lượng 500mg, 1000mg. Thương hiệu: Upsa SAS (Pháp), Bristol-Myers Squibb (Mỹ).
  • Viên sủi hạ sốt Hapacol chứa paracetamol hàm lượng 500mg. Thương hiệu: Dược Hậu Giang (Việt Nam). 
  • Viên sủi hạ sốt Paralmax 500 chứa paracetamol hàm lượng 500mg. Thương hiệu: Boston (Việt Nam).

Viên sủi hạ sốt ngày càng trở nên phổ biến và nhìn chung là một loại thuốc an toàn, tiện lợi, có những lợi thế nhất định so với thuốc hạ sốt dạng viên nén truyền thống. Tuy nhiên, đây vẫn là thuốc và tiềm ẩn những tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, bạn cần lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5 Benefits Of Effervescent Vs Regular Tablets. https://www.simplysupplements.co.uk/healthylife/immunity/effervescent-tablets. Ngày truy cập: 06/03/2024

FORMULATION AND EVALUATION OF EFFERVESCENT TABLETS OF PARACETAMOL. https://www.researchgate.net/publication/216713203_FORMULATION_AND_EVALUATION_OF_EFFERVESCENT_TABLETS_OF_PARACETAMOL. Ngày truy cập: 06/03/2024

Blood pressure reduction in hypertensive patients after withdrawal of effervescent medication. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19248080/. Ngày truy cập: 06/03/2024

Paracetamol (Acetaminophen). Dược thư quốc gia 2022. https://trungtamthuoc.com/hoat-chat/paracetamol. Ngày truy cập: 06/03/2024

Antipyretic Therapy: Physiologic Rationale, Diagnostic Implications, and Clinical Consequences. https://jamanetwork.com/journals/jamainternalmedicine/fullarticle/415390. Ngày truy cập: 06/03/2024

Effervescent Tablet. https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/effervescent-tablet. Ngày truy cập: 07/03/2024

Effervescent tablet. https://en.wikipedia.org/wiki/Effervescent_tablet. Ngày truy cập: 07/03/2024

Lưu ý khi dùng thuốc dạng sủi. https://lhu.edu.vn/494/17937/Luu-y-khi-dung-thuoc-dang-sui. Ngày truy cập: 07/03/2024

Phiên bản hiện tại

18/03/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Làm gì khi trẻ bị sốt? 11 mẹo hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà

[Hỏi đáp cùng dược sĩ] Cách sử dụng thuốc hạ sốt an toàn


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 18/03/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo