backup og meta

Tacrolimus

Tacrolimus

Tên gốc: tacrolimus

Tên biệt dược: Astagraf® XL, Hecoria®, Prograf®

Phân nhóm: các thuốc da liễu khác/thuốc ức chế miễn dịch

 

 

Tác dụng

Tác dụng của thuốc tacrolimus là gì?

Thuốc tacrolimus được sử dụng chung với các thuốc khác để ngăn ngừa sự đào thải của thận, tim hoặc gan được cấy ghép. Dạng thuốc tiêm được sử dụng khi bạn không thể dùng đường uống. Bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêm nếu bạn không thể uống thuốc nhưng sau đó sẽ chuyển sang dạng đường uống cho bạn càng sớm càng tốt. Thuốc này thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch, tác động làm suy giảm hệ miễn dịch để giúp cơ thể chấp nhận một cơ quan mới cấy ghép.

Thuốc này cũng có thể được sử dụng để điều trị một bệnh đường ruột (bệnh Crohn bộc phát ở mức độ nặng) ở những bệnh nhân điều trị không thành công bằng biện pháp thông thường.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc tacrolimus cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thông thường dành cho người lớn có cấy ghép thận– phòng ngừa đào thải:

Bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng loại thuốc phóng thích tức thời kếp hợp với thuốc azathioprine và liều khởi đầu là 0,1 mg/kg, 12 giờ dùng 1 lần. Nếu dùng kết hợp với mycophenolate mofetil (MMF)/chất đối kháng thụ thể interleukin-2 (IL-2) thì liều khởi đầu là 0,05 mg/kg, 12 giờ dùng 1 lần. Bạn nên dùng thuốc từ 24 giờ sau phẫu thuật, nhưng phải ngưng thuốc cho đến khi chức năng thận hồi phục.

Đối với loại thuốc phóng thích kéo dài, bạn nên dùng kết hợp với basiliximab induction, MMF và corticosteroids. Liều khởi đầu là 0,15 mg/kg/ngày. Bạn dùng liều đầu tiên trước hoặc trong vòng 48 giờ sau khi hoàn thành cấy ghép và có thể ngưng dùng thuốc cho đến khi chức năng thận được hồi phục. Nếu dùng kết hợp với MMF và corticosteroids, nhưng không có basiliximab induction, bạn uống một liều 0,1 mg/kg/ngày trong vòng 12 giờ trước khi phẫu thuật và uống một liều 0,2 mg/kg/ngày sau khi phẫu thuật. Bạn nên dùng liều hậu phẫu đầu tiên trong vòng 12 giờ sau khi tái tưới máu nhưng không ít hơn 4 giờ đồng hồ sau liều tiền phẫu.

Nếu truyền tĩnh mạch, bác sĩ sẽ truyền thuốc liên tục với liều 0,03 đến 0,05 mg/kg/ngày.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn bị bệnh mô ghép chống lại vật chủ:

Để ngăn ngừa bệnh, bạn sẽ được truyền thuốc liên tục với liều lượng 0,03 mg/kg/ngày (dựa trên cân nặng của cơ thể) và bắt đầu truyền ít nhất 24 giờ trước khi truyền tế bào gốc và tiếp tục cho đến khi bạn có thể dung nạp được thuốc uống. Để điều trị bệnh, bạn sẽ được truyền thuốc liên tục với 0,03 mg/kg/ngày (dựa trên cân nặng của cơ thể).

Liều dùng thuốc tacrolimus cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng thông thường dành cho trẻ em có cấy ghép gan – đảo ngược đào thải:

Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phóng thích tức thời với liều khởi đầu là 0,075 đến 0,1 mg/kg, 12 giờ uống 1 lần. Nếu truyền tĩnh mạch, liều khởi đầu là 0,03 đến 0,05 mg/kg/ngày.

Liều dùng thông thường dành cho trẻ em để ngăn ngừa bệnh mô ghép chống lại vật chủ

Bác sĩ sẽ truyền thuốc cho trẻ với liều khởi đầu là 0,03 mg/kg/ngày (dựa trên cân nặng của cơ thể) và bắt đầu truyền ít nhất 24 giờ trước khi truyền tế bào gốc và tiếp tục chỉ đến khi trẻ có thể dung nạp được thuốc uống.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc tacrolimus như thế nào?

Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác. Đặc biệt, bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Các triệu chứng quá liều bao gồm:

  • Phát ban;
  • Buồn ngủ.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng thuốc, trường hợp quên liều khó có thể xảy ra.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc tacrolimus?

Bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng như phát ban, khó thở, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cúm, đau miệng và cổ họng;
  • Thay đổi trạng thái thần kinh, các vấn đề về giọng nói hoặc đi lại, giảm thị lực (có thể bắt đầu từ từ và trở nặng nhanh);
  • Da xanh xao hoặc vàng, nước tiểu có màu sậm, lẫn lộn hoặc suy nhược;
  • Cảm giác mê sảng hoặc hơi thở ngắn, nhịp tim nhanh, giảm khả năng tập trung;
  • Đau ở vùng lưng dưới hoặc sườn, có máu trong nước tiểu, đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện;
  • Tiểu tiện ít hơn bình thường hoặc không tiểu tiện;
  • Ho khan, ho có đờm hoặc máu, đổ mồ hôi, thở khò khè, thở hổn hển, đau ngực;
  • Run rẩy, co giật (động kinh);
  • Nồng độ kali huyết cao (nhịp tim chậm, mạch yếu, yếu cơ, cảm giác ngứa ran);
  • Nồng độ magiê thấp (cử động cơ bắp vụng về, yếu cơ hoặc cảm giác ủ rũ, phản xạ chậm);
  • Tăng huyết áp (đau đầu dữ dội, thị lực yếu, ù tai, lo lắng, đau ngực, hơi thở ngắn, nhịp tim không đều);
  • Đường huyết cao (khát nước nhiều hơn, tiểu tiện nhiều hơn, đói bụng, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây, buồn ngủ, khô da, thị lực yếu, sụt cân).

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón;
  • Đau đầu;
  • Các vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ);
  • Sưng phù ở bàn tay hoặc bàn chân.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc tacrolimus, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này;
  • Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc tacrolimus;
  • Bạn đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng);
  • Bạn định dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;
  • Bạn đang hoặc đã từng mắc các bệnh về thận, gan…

Tương tác thuốc

Thuốc tacrolimus có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc tacrolimus có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc tacrolimus bao gồm:

  • Amifampridine;
  • Dronedarone;
  • Fluconazole;
  • Mifepristone;
  • Nelfinavir;
  • Pimozide;
  • Piperaquine;
  • Posaconazole;
  • Ziprasidone;
  • Thuốc kháng sinh như amikacin, dibekacin, clarithromycin;
  • Thuốc chống trầm cảm như citalopram, escitalopram;
  • Thuốc chống ung thư như adalimumab, afatinib, cisplatin;
  • Celecoxib, aspirin, bromfenac…;
  • Thuốc kháng nấm như itraconazole, ketoconazole, fluconazole;
  • Vắc xin BCG sống, vắc xin ngừa vi rút sởi sống;
  • Các hợp chất của nhôm như nhôm hydroxit, nhôm phốt-phát;
  • Các hợp chất của magiê như magiê cacbonat, magiê hydroxit, magiê oxit;
  • Thuốc kháng virus như ritonavir, saquinavir, boceprevir…

Thuốc tacrolimus có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Bạn cần thận trọng khi dùng thuốc này với các thực phẩm sau:

  • Ethanol;
  • Nước ép bưởi chùm.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc tacrolimus?

Những vấn đề sức khỏe mà bạn đang mắc phải có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Chắc chắn báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Suy tim sung huyết;
  • Tiểu đường;
  • Bệnh tim;
  • Các vấn đề về nhịp tim (như kéo dài khoảng QT) hoặc tiền sử gia đình mắc các bệnh này;
  • Tăng kali huyết (lượng kali trong máu cao);
  • Tăng huyết áp;
  • Tiền sử phì đại cơ tim (tim lớn hơn bình thường);
  • Tiền sử bệnh dị cảm (tê cóng hoặc ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, cẳng chân hoặc bàn chân);
  • Tiền sử co giật (động kinh);
  • Run rẩy;
  • Bệnh nhiễm trùng đang bộc phát (như vi khuẩn, nấm hoặc virus);
  • Bệnh thận;
  • Bệnh gan.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc tacrolimus như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Dạng bào chế

Thuốc tacrolimus có những dạng và hàm lượng nào?

Tacrolimus có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang 0,5 mg; 1 mg; 5 mg;
  • Dung dịch 5 mg/ml.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tacrolimus. https://www.drugs.com/cdi/tacrolimus.html. Ngày truy cập 18/5/2017

Tacrolimus. http://www.mims.com/vietnam/home/gatewaysubscription/?generic=tacrolimus. Ngày truy cập 18/5/2017

Phiên bản hiện tại

31/12/2019

Tác giả: hellobacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngọc Vũ


Bài viết liên quan

Trẻ uống thuốc hạ sốt, sau 30 phút nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm thì phải làm gì?

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Lưu ý khi sử dụng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: hellobacsi · Ngày cập nhật: 31/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo