backup og meta

Combivent

Combivent

Tên hoạt chất: Ipratropium bromid, salbutamol sulfat

Tên biệt dược: Combivent

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Combivent là gì?

Thuốc Combivent dung dịch dùng cho khí dung trong lọ đơn liều được chỉ định để kiểm soát co thắt phế quản có hồi phục do bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp ở những người bệnh cần sử dụng nhiều hơn một thuốc giãn phế quản.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Combivent cho người lớn như thế nào?

Điều trị cơn cấp tính:

  • Dùng 1 lọ đơn liều là đủ để cắt cơn nhanh chóng trong nhiều trường hợp.
  • Trong các trường hợp nặng, nếu không cắt được cơn với một lọ đơn liều, có thể dùng đến lọ đơn liều thứ 2. Trong những trường hợp này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

Điều trị duy trì:

  • Dùng 1 lọ đơn liều khoảng 3–4 lần/ngày.

Liều dùng thuốc Combivent cho trẻ em như thế nào?

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng thuốc này trên trẻ em nên thuốc này không được chỉ định cho bệnh nhi.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Combivent như thế nào?

Lọ thuốc đơn liều chỉ được dùng để hít với dụng cụ thích hợp, không được uống hoặc tiêm. Bạn không cần thiết pha loãng dung dịch trong lọ đơn liều để dùng.

Các bước sử dụng thuốc Combivent:

  1. Chuẩn bị dụng cụ khí dung để nạp thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ.
  2. Mở hộp thuốc và tách rời một lọ đơn liều từ vỉ thuốc.
  3. Mở lọ đơn liều bằng cách vặn mạnh đầu trên của lọ thuốc.
  4. Ép mạnh thân lọ để thuốc chảy vào bầu khí dung.
  5. Lắp dụng cụ khí dung và sử dụng theo đúng hướng dẫn.
  6. Sau khi dùng, loại bỏ phần thuốc còn lại trong bầu khí dung và làm sạch dụng cụ khí dung theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

hen suyễn ở trẻ nhỏ

Vì mỗi lọ thuốc đơn liều không có chứa chất bảo quản nên bạn cần phải dùng ngay dung dịch thuốc sau khi đã mở và chỉ dùng một lần để tránh nhiễm khuẩn. Không dùng những lọ thuốc dùng một phần, đã mở hoặc bị hư.

Tuyệt đối không được trộn thuốc Combivent dung dịch khí dung với các thuốc khác trong cùng một dụng cụ xịt khí dung.

Trong điều trị hen suyễn, bạn nên cân nhắc sử dụng thuốc này đồng thời với thuốc kháng viêm.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Tác dụng phụ khi quá liều chủ yếu liên quan đến salbutamol. Các triệu chứng quá liều là các triệu chứng do kích thích quá mức thụ thể beta adrenergic, bao gồm nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, run, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tăng áp lực mạch máu, đau thắt ngực, loạn nhịp tim và cơn nóng bừng. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa cũng được ghi nhận khi bị quá liều.

Các triệu chứng quá liều do ipratropium bromid (như khô miệng, rối loạn điều tiết mắt) có tính chất nhẹ và thoáng qua do phạm vi điều trị rộng và sử dụng tại chỗ.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều thuốc Combivent, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Combivent?

Tương tự như tất cả các thuốc dùng đường khí dung, thuốc Combivent có thể gây kích ứng tại chỗ. Các phản ứng bất lợi được ghi nhận từ dữ liệu các thử nghiệm lâm sàng và cảnh giác dược sau khi thuốc được lưu hành.

Tác dụng phụ gặp thường xuyên nhất là đau đầu, kích ứng cổ họng, ho, khô miệng, rối loạn nhu động dạ dày – ruột (bao gồm táo bón, tiêu chảy và nôn), buồn nôn và chóng mặt.

Rối loạn hệ miễn dịch:

  • Phản ứng phản vệ
  • Quá mẫn

Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng:

  • Hạ kali huyết

Rối loạn tâm thần:

  • Rối loạn tinh thần
  • Lo lắng

Rối loạn hệ thần kinh:

  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Run

Rối loạn thị giác:

  • Rối loạn điều tiết
  • Phù giác mạc
  • Glocom (tăng nhãn áp)
  • Tăng áp lực nội nhãn
  • Giãn đồng tử
  • Nhìn mờ
  • Đau mắt
  • Sưng huyết kết mạc
  • Nhìn thấy hào quang

Rối loạn tim mạch:

  • Đánh trống ngực
  • Tim đập nhanh
  • Loạn nhịp tim
  • Rung nhĩ
  • Nhịp nhanh trên thất
  • Thiếu máu cơ tim

Rối loạn hô hấp, ngực và trung thất:

  • Ho
  • Khó phát âm
  • Khô họng
  • Co thắt phế quản, thanh quản
  • Phù họng

Rối loạn dạ dày – ruột:

  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Kích ứng họng
  • Tiêu chảy
  • Nôn
  • Táo bón
  • Phù miệng

Rối loạn da và mô dưới da:

  • Các phản ứng trên da như phát ban, ngừa, mề đay
  • Phù mạch
  • Tiết nhiều mồ hôi

Rối loạn cơ xương và mô liên kết:

  • Co thắt cơ
  • Yếu cơ
  • Đau cơ

Rối loạn thận và nước tiểu:

  • Ứ tiểu

Rối loạn toàn thân và tại vị trí sử dụng:

  • Suy nhược

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

bác sĩ theo dõi bệnh hen suyễn

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Combivent, bạn nên lưu ý những gì?

Bạn có thể gặp phải các phản ứng quá mẫn tức thì (hiếm gặp) ngay sau khi dùng thuốc này như bị mề đay, phù mạch, phát ban, co thắt phế quản và phù hầu họng.

Bạn cần phải sử dụng thuốc đúng cách, cẩn thận không để dung dịch hoặc khí dung bắn vào mắt. Những người bệnh có khả năng bị glaucom cần được cảnh báo đặc biệt về bảo vệ mắt. Khuyến cáo dùng thuốc Combivent dung dịch cho khí dung qua ống ngậm. Nếu không có sẵn ống ngậm mà dùng mặt nạ khí dung thì phải dùng loại mặt nạ phù hợp.

Bác sĩ cần cân nhắc sử dụng Combivent sau khi có đánh giá kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ, đặc biệt khi dùng liều cao hơn liều khuyến cáo trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh đái tháo đường không được kiểm soát đầy đủ
  • Mới bị nhồi máu cơ tim
  • Rối loạn tim mạch thực thể trầm trọng
  • Cường giáp
  • U tủy thượng thận
  • Nguy cơ bị tăng nhãn áp góc hẹp
  • Phì đại tuyến tiền liệt hoặc tắc nghẽn cổ bàng quang

Các ảnh hưởng trên tim mạch đã được quan sát thấy khi sử dụng các thuốc giống giao cảm, trong đó có Combivent. Những bệnh nhân đang mắc bệnh tim nặng (như bệnh tim do thiếu máu cục bộ, loạn tim nhịp nhanh hoặc suy tim nặng) mà dùng salbutamol điều trị bệnh đường hô hấp nên thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ nếu bị đau ngực hoặc các triệu chứng khác của tình trạng bệnh tim nặng lên. Nên lưu ý đánh giá các triệu chứng khó thở và đau ngực do những triệu chứng này có thể xuất phát từ nguyên nhân hô hấp hoặc tim mạch.

Chống chỉ định thuốc Combivent cho:

  • Người bị bệnh cơ tim tắc nghẽn phì đại hoặc loạn nhịp nhanh
  • Người bệnh quá mẫn với atropine hoặc các dẫn xuất của atropine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc

Việc sử dụng thuốc này cũng có thể đưa đến kết quả dương tính với salbutamol khi làm xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá lạm dụng hoạt chất salbutamol, ví dụ trong trường hợp dùng chất kích thích để nâng cao thành tích thể thao.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Combivent trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Tính an toàn khi dùng thuốc này ở phụ nữ mang thai chưa được thiết lập đầy đủ. Lợi ích khi dùng thuốc trên phụ nữ nghi ngờ hoặc đã xác định mang thai cần được cân nhắc do với nguy cơ trên thai nhi. Bạn nên áp dụng các biện pháp thận trọng thông thường khi dùng thuốc trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ.

Hiện tại, các hoạt chất trong Combivent vẫn chưa được biết là có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Tuy nhiên, giống như nhiều loại thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ, bạn nên thận trọng khi dùng thuốc này nếu đang cho con bú.

Bạn nên thận trọng nếu dùng thuốc khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc vì một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như chóng mặt, rối loạn điều tiết, giãn đồng tử, nhìn mờ.

Tương tác thuốc

Thuốc Combivent có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Combivent có thể làm thay đổi khả năng hoạt động hoặc chịu ảnh hưởng từ các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem.

Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Các thuốc hoặc các nhóm hoạt chất có thể gây ra tương tác với Combivent gồm:

  • Dẫn xuất cả xanthine, thuốc chủ vận beta adrenergic khác và các thuốc kháng cholinergic
  • Nhóm thuốc corticosteroid
  • Thuốc lợi tiểu
  • Digoxin
  • Thuốc ức chế beta
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (IMAO)
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Các thuốc gây mê đường hít như halothane, trichloroethylene, enflurane

Thuốc Combivent có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Combivent?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo thuốc Combivent như thế nào?

Bảo quản dưới 30ºC, tránh ánh sáng. Để thuốc xa tầm tay của trẻ em.

Dạng bào chế

Thuốc Combivent có dạng và hàm lượng như thế nào?

Thuốc Combivent được đóng gói thành từng lọ đơn liều chứa dung dịch thuốc dùng cho khí dung. Các lọ đơn liều nối với nhau thành vỉ.

Mỗi lọ đơn liều chứa 2,5ml dung dịch dùng cho khí dung có các hoạt chất:

  • Ipratropium bromid……….520mcg
  • Salbutamol sulfat…………3010mcg

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Combivent. https://drugbank.vn/thuoc/Combivent&VN-19797-16. Ngày truy cập 18/5/2020.

Combivent. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2012/020291s031lbl.pdf. Ngày truy cập 18/5/2020.

Ipratropium + salbutamol. https://www.healthnavigator.org.nz/medicines/i/ipratropium-plus-salbutamol/. Ngày truy cập 18/5/2020.

Phiên bản hiện tại

02/07/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Uống thuốc Concor lâu dài có tốt không?

Sử dụng thuốc xịt, hít cho bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 02/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo