backup og meta

Khủng hoảng hiện sinh là gì? Cách vượt qua extistential crisis

Khủng hoảng hiện sinh là gì? Cách vượt qua extistential crisis

Khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) có thể xuất hiện khi con người trải qua những biến cố hoặc mất mát lớn trong cuộc đời. Khác với cảm giác lo lắng, căng thẳng hàng ngày, loại khủng hoảng này mang tính chất lấn át và có thể dẫn đến ý định tự sát nếu chúng ta không biết cách đối phó với nó.

Vậy existential crisis là gì? Làm sao biết mình đang rơi vào khủng hoảng? Khi nào bạn cần sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý?

1. Khủng hoảng hiện sinh là gì?

Khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) là những cảm xúc; và nỗi băn khoăn không biết bạn phải làm gì để tạo ra ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời của mình. Đây là câu hỏi không dễ dàng tìm ra câu trả lời; do đó, bạn có thể thấy bế tắc, không chắc chắn định hướng đi đâu về đâu.

Khi trải qua khủng hoảng hiện sinh, bạn cũng thường tự vấn bản thân sâu sắc về mục đích hoặc ý nghĩa của cuộc sống. Bạn cũng có thể đặt ra những câu hỏi về vị trí và sự tồn tại của chính mình trong thế giới này.

Không có gì lạ khi chúng ta quan tâm và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề của khủng hoảng hiện sinh là vì bạn không tìm được câu trả lời thỏa đáng. Điều này khiến bạn thường xuyên mâu thuẫn với bản thân; cảm thấy thất vọng và đánh mất niềm vui sống.

Khủng hoảng hiện sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở bất cứ độ tuổi nào. Existential crisis không giống với những trạng thái tâm lý khác như lo lắng hay trầm cảm; mặc dù những cảm xúc bạn trải qua có thể tương tự nhau.

Khủng hoảng hiện sinh là gì
Khủng hoảng hiện sinh tiếng Anh là existential crisis

2. Bạn có đang mắc phải khủng hoảng hiện sinh?

Làm sao biết được bạn đang gặp phải khủng hoảng hiện sinh hay là chỉ những quan ngại nhất thời? Khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh; bạn có thể trải qua các cảm xúc tiêu cực gắn liền với nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

2.1 Thường xuyên lo lắng

Cảm giác lo lắng trong khủng hoảng khác với căng thẳng hàng ngày ở chỗ bất cứ điều gì cũng có thể khiến bạn khó chịu và bồn chồn; kể cả sự tồn tại của bạn. Bạn buồn bã hoặc lo ngại về vị trí và kế hoạch của mình trong cuộc sống. Bạn bận tâm đến những vấn đề khó có sự giải đáp; chẳng hạn như điều gì sẽ diễn ra ở “thế giới bên kia”.

Đôi khi, những lo lắng về ý nghĩa và mục đích cuộc sống có thể đè nặng lên tâm trí bạn, khiến bạn liên tục đặt những câu hỏi lặp đi lặp lại về chúng đến mức không thể kiểm soát; lâu dần có thể dẫn đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

2.2 Thiếu động lực

Khi bạn không thể trả lời: “Tại sao bạn phải làm những gì bạn đang làm?’; bạn sẽ cảm thấy mất động lực để hành động. Sự mất kết nối và cảm giác vô nghĩa đi kèm với cuộc khủng hoảng hiện sinh khiến cho việc hoàn thành bất cứ việc gì cũng trở nên khó khăn.

Thiếu động lực
Existential crisis khiến bạn mất động lực vì không hiểu vì sao mình phải làm điều mình đang làm

2.3 Thiếu năng lượng

Cảm giác trầm buồn có thể khiến bạn mệt mỏi; từ đó, bạn có thể ít di chuyển, hoạt động hay làm những điều bạn thích. Và khi bạn càng ít di chuyển và tham gia vào các hoạt động; bạn càng thấy những điều đó khó khăn; và bạn càng ít năng lượng hơn.

2.4 Tâm trạng trầm buồn và lo âu

Bạn có thể bị trầm cảm khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh. Các biểu hiện trầm cảm có thể bao gồm mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; mệt mỏi, đau đầu; cảm giác vô vọng và buồn dai dẳng. Trong một số trường hợp, trầm cảm khi khủng hoảng hiện sinh có thể khiến bạn hối hận về những điều trong quá khứ và dẫn đến ý định tự sát.

Cảm giác vô vọng do khủng hoảng hiện sinh gây ra có liên quan đến cảm giác về một cuộc sống vô nghĩa. Bạn có thể đặt câu hỏi về mục đích của tất cả mọi thứ: “Có phải tôi sống chỉ để làm việc, thanh toán các hóa đơn; và cuối cùng là chết?’

>>> Đọc thêm: Trầm cảm cười: Nỗi buồn ẩn sau nụ cười

2.5 Không có hứng thú với mối quan hệ xung quanh

Dấu hiệu khủng hoảng hiện sinh này cũng có thể do bạn bị thiếu động lực và năng lượng; nó cũng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn.

Các mối quan hệ xã hội có thể hỗ trợ bạn và giúp bạn không cảm thấy lạc lõng; việc thiếu chúng có thể khiến chúng ta cảm thấy cô đơn và mất kết nối. Điều này dẫn đến các triệu chứng lo lắng và trầm cảm.

3. Nguyên nhân nào dẫn đến existential crisis?

Đa phần khủng hoảng hiện sinh sẽ do một vào yếu tố kích hoạt; chẳng hạn như có mất mát lớn hoặc cảm giác tuyệt vọng. Một số nguyên nhân có thể “châm ngòi” cho khủng hoảng hiện sinh bao gồm:

  • Cảm giác tội lỗi về điều gì đó.
  • Các cảm xúc dồn nén trong quá khứ.
  • Cảm thấy không thỏa mãn về mặt xã hội.
  • Không hài lòng với hướng đi của bản thân.
  • Các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác.
  • Trải qua các biến cố lớn trong cuộc sống: tai nạn; mất mát; thiên tai; v.v.
  • Người thân yêu qua đời; hoặc chính bạn phải đối mặt với bệnh tật và cái chết đang cận kề.
  • Thay đổi lớn hoặc đột ngột trong cuộc sống: Thay đổi công việc, nơi sinh sống, mối quan hệ…

4. Cách giúp bạn đối diện và vượt qua khủng hoảng hiện sinh

Bạn sẽ cần nhiều thời gian để hoàn toàn vượt qua cuộc khủng hoảng hiện sinh. Một số cách dưới đây sẽ hữu ích cho bạn:

4.1 Thay đổi quan điểm và tư duy

Khi đối diện với khủng hoảng này, điều quan trọng là xác định xem bản thân bạn đang nhìn nó dưới góc độ nào. Thay vì coi khủng hoảng hiện sinh là một trải nghiệm tồi tệ; hãy xem đó là cơ hội để hiểu bản thân và thay đổi để giúp bạn hạnh phúc hơn.

4.2 Viết nhật ký về lòng biết ơn

Ghi nhớ những điều bạn biết ơn sẽ góp phần củng cố niềm tin và ý nghĩa cuộc sống. Bằng cách thực hành thói quen biết ơn; viết ra những điều bạn thích và thấy có ý nghĩa; bạn có thể tìm ra những gì bạn muốn thay đổi để sống trọn vẹn hơn.

4.3 Tìm cách kết nối với mọi người

Khủng hoảng hiện sinh có thể xảy ra khi bạn cảm thấy bị mất kết nối với người khác. Việc thiết lập lại các mối quan hệ có thể khiến bạn ổn định hơn. Hãy liên hệ với bạn bè và gia đình; tìm kiếm những cộng đồng; và trò chuyện với những người từng có trải nghiệm tương tự.

Nếu những cảm xúc tiêu cực của bạn kéo dài một vài tháng hoặc chúng dẫn đến trầm cảm và ý định tự tử; hãy liên hệ ngay với một nhà trị liệu tâm lý. Bạn cần một ai đó đủ kiến thức để giúp bạn điều hướng những cảm xúc này một cách phù hợp.

khủng hoảng hiện sinh

4.4 Thực hành thiền và chánh niệm

Dành nhiều thời gian hơn cho những việc khiến bạn cảm thấy thoải mái. Tập trung và tận hưởng giây phút hiện tại bằng tất cả các giác quan của bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về thiền Vipassanacác tư thế ngồi thiền để chăm sóc tốt hơn tinh thần của mình.

4.5 Chuyển hướng năng lượng của bạn

Thay vì tập trung toàn bộ tâm sức, trí lực của bạn vào một khía cạnh nào đó trong cuộc sống; ví dụ như công việc hoặc tình cảm; bạn hãy học cách chuyển hướng năng lượng vào các khía cạnh khác nhau và cân bằng chúng.

Sự cân bằng năng lượng này giúp bạn khó bị suy sụp khi có phần nào đó đang gặp khó khăn.

4.6 Đừng quá tập trung vào quá khứ

Một số người có thể cảm thấy chán nản khi nhìn về quá khứ. Vấn đề là chúng ta không sở hữu “cỗ máy thời gian” để thay đổi được chúng. Vì vậy, đừng hối tiếc về những gì đã xảy ra. Chúng ta chỉ học hỏi từ chúng và hãy luôn nhìn về tương lai rộng mở phía trước.

4.7 Tìm đáp án cho những câu hỏi nhỏ hơn

Một phần sức nặng của khủng hoảng hiện sinh là cố gắng tìm kiếm một câu trả lời duy nhất cho một câu hỏi quá khó hoặc quá phức tạp. Điều này chỉ khiến bạn trở nên lo lắng và tuyệt vọng hơn.

Thay vì như vậy, hãy chia câu hỏi lớn này thành các câu hỏi nhỏ hơn và tìm câu trả lời cho chúng. Chẳng hạn, thay vì muốn biết bạn đã làm được điều gì cho cuộc sống hay chưa, hãy hỏi bạn đã tác động như thế nào đến thế giới xung quanh trong tháng qua.

Những câu hỏi nhỏ này có thể tập trung vào những điều tích cực mà bạn đã thực hiện, trong khi những mặt tích cực này thường bị bỏ qua khi chúng ta cố tình tìm đáp án cho những câu hỏi lớn.

4.8 Biết khi nào tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ

Bạn có thể tự mình vượt qua cuộc khủng hoảng hiện sinh mà không cần chuyên gia. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài, dai dẳng hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn; hãy đến gặp bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu. Các chuyên gia có thể giúp bạn đối phó với khủng hoảng thông qua liệu pháp trò chuyện hoặc liệu pháp hành vi nhận thức.

Tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức nếu bạn có ý định tự tử. Tuy nhiên, kể cả khi khủng hoảng chưa tệ đến mức này; các chuyên gia vẫn có thể giúp bạn giải quyết những lo lắng, trầm cảm hoặc nỗi ám ảnh nghiêm trọng.

5. Phân loại 5 kiểu khủng hoảng hiện sinh

Khủng hoảng hiện sinh bao gồm nhiều nhóm vấn đề khác nhau. Một người có thể đối mặt với một hoặc nhiều loại khủng hoảng sau:

5.1 Khủng hoảng hiện sinh về ý nghĩa cuộc sống

Một trong những câu hỏi trọng tâm xoay quanh khủng hoảng hiện sinh là “ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” hay “mục đích sống của tôi là gì?” Không ai muốn sống một cuộc đời vô nghĩa. Do đó, con người có xu hướng tạo ra ý nghĩa của cuộc đời mình nếu họ không tìm thấy nó.

Việc xác định được ý nghĩa cuộc sống có thể tiếp thêm sức mạnh và hy vọng. Nhưng sau khi suy ngẫm về cuộc đời và những điều trong quá khứ; nhiều người cảm thấy mình không đạt được điều gì đáng kể hoặc tạo ra sự khác biệt. Lý do này có thể khiến họ lo lắng sâu sắc và liên tục đặt câu hỏi về sự tồn tại của bản thân.

5.2 Khủng hoảng hiện sinh về cảm xúc và sự tồn tại

Một số người cố tình gạt đi những cảm xúc tiêu cực như đau khổ hoặc tức giận vì cho rằng như vậy sẽ khiến họ hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, điều này thường dẫn đến cảm giác hạnh phúc giả tạo. Khi họ không trải nghiệm hạnh phúc thực sự; họ bắt đầu cảm thấy trống rỗng và lạc lõng.

Mặt khác, thể hiện cảm xúc và thừa nhận cảm giác đau đớn, bất mãn và không hài lòng có thể mở ra cánh cửa để phát triển cá nhân, cải thiện cách nhìn về cuộc sống.

khủng hoảng hiện sinh

5.3 Khủng hoảng hiện sinh kết nối và cô lập

Kết nối và cô lập là hai trạng thái đối lập nhưng lại có mối liên quan sâu sắc với nhau. Con người vốn dĩ là sinh vật xã hội và cần hình thành kết nối với những người khác để đáp ứng một số nhu cầu cơ bản. Ngược lại, chúng ta cũng cần những khoảng thời gian riêng để gắn bó với bản thân và thấu hiểu chính mình.

Quá nhiều sự cô lập hoặc kết nối đều có thể dẫn đến khủng hoảng hiện sinh. Chẳng hạn, mất kết nối (như mất người thân, mối quan hệ tan vỡ hoặc bị tẩy chay) có thể dẫn đến sự cô đơn và dằn vặt, khiến một số người cảm thấy rằng cuộc sống của họ trở nên vô nghĩa.

>>> Hãy đọc thêm: 5 lý do khiến bạn luôn cảm thấy cô đơn tuổi 30

5.4 Khủng hoảng hiện sinh về cái chết

Khủng hoảng hiện sinh cũng có thể xảy ra khi con người bước sang một độ tuổi nhất định. Ví dụ, sinh nhật lần thứ 40 có thể khiến một số người cảm thấy họ không còn trẻ trung và bắt đầu đặt câu hỏi về nền tảng của cuộc đời.

Loại khủng hoảng này cũng có thể xảy ra sau khi có chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo. Người bệnh có thể tự hỏi bản thân rằng liệu họ đã thực sự hoàn thành được bất cứ điều gì trong cuộc sống hay chưa. Họ cũng nhận thức sâu sắc hơn về cái chết và lo lắng khi phải đối mặt với sự kết thúc của cuộc đời mình.

Những khía cạnh chưa được biết đến của cái chết, như sau khi chết sẽ ra sao có thể khiến nhiều người sợ hãi. Điều này cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiện sinh.

>>> Hãy đọc thêm: 10 điều hữu ích để bạn vượt qua trầm cảm

5.5 Khủng hoảng hiện sinh về tự do và trách nhiệm

Con người ai cũng có quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng mình. Tuy nhiên, mặt trái của tự do là họ phải chịu trách nhiệm về kết quả của những lựa chọn đó.

Điều này có thể dẫn đến sự không chắc chắn về việc thực hiện bất kỳ hành động nào vì sợ rằng đó có thể là hành động sai hoặc dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Loại khủng hoảng này có thể gây ra sự lo lắng, không chỉ về những lựa chọn trong cuộc sống mà còn liên quan đến định hình cuộc sống và sự tồn tại nói chung.

Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ đối diện với khủng hoảng hiện sinh. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua nó bằng tư duy và biện pháp phù hợp. Đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nếu bạn có bất cứ cảm xúc tiêu cực hoặc vướng mắc nào khó loại bỏ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. 6 Ways to Overcome an Existential Crisis
https://health.clevelandclinic.org/ways-to-overcome-an-existential-crisis/
Ngày truy cập: 22/05/2022

2. Existential crisis and the awareness of dying
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20533648/
Ngày truy cập: 22/05/2022

3. Depression
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression
Ngày truy cập: 22/05/2022

4. Depression
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/symptoms-causes/syc-20356007
Ngày truy cập: 22/05/2022

5. Obsessive-compulsive disorder (OCD)
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/obsessive-compulsive-disorder/symptoms-causes/syc-20354432
Ngày truy cập: 22/05/2022

6. Facing an existential crisis: What to know
https://ibcces.org/learning/facing-an-existential-crisis-what-to-know/
Ngày truy cập 30/11/2022

Phiên bản hiện tại

05/06/2023

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Do


Bài viết liên quan

9 Thay đổi tâm lý và cách chăm sóc tâm lý người cao tuổi

Làm sao để bạn vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo