Bạn đã một lần đâu đó nghe đến hormone prolactin, vậy prolactin là gì? Đây là một hormone (nội tiết tố) quan trọng, có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cơ thể. Bình thường ở cả nam và nữ đều có một lượng nhỏ hormone này trong máu. Khi nồng độ hormone tăng lên cao hơn so với mức bình thường, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề bất thường ở cơ thể.
Trong điều kiện sinh lý bình thường mức độ prolactin trong máu cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên, những thay đổi này cần phải được chẩn đoán phân biệt với sự thay đổi trong nhiều tình trạng bệnh lý. Vậy khi nào thì mức prolactin sẽ tăng cao và nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng đó? Hãy cùng tìm hiểu tăng prolactin là gì và những bất thường xoanh quanh nồng độ hormone này nhé!
Hiểu rõ prolactin là gì?
Hormone prolactin là gì?
Prolactin (được viết tắt là PRL) là một hormone được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên, một cấu trúc nhỏ nằm ở phần dưới cùng của não. Vai trò chính của prolactin là thúc đẩy sự phát triển của tuyến vú, đồng thời kích thích quá trình tạo sữa ở phụ nữ mang thai.
Nồng độ prolactin trong máu tỷ lệ nghịch với nồng độ estrogen (nội tiết tố nữ). Ở phụ nữ sau khi sinh, sẽ có sự sụt giảm đột ngột của estrogen khiến cho nồng độ prolactin tăng lên, kích hoạt cơ thể tạo sữa cho con bú.
Đối với phụ nữ không mang thai, hormone này giúp điều hòa quá trình rụng trứng để hình thành chu kỳ kinh nguyệt và tạo điều kiện cho việc thụ thai. Do đó, nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều, vô sinh hoặc có hiện tượng rỉ sữa, bác sĩ sẽ thường chỉ định xét nghiệm kiểm tra mức prolactin trong máu. Còn riêng đối với nam giới, hormone này có ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.
Mức độ prolactin trong máu được kiểm soát bởi các hormone khác được gọi là các yếu tố ức chế prolactin (PIF), chẳng hạn như dopamine được sản xuất ở vùng dưới đồi. Dopamine hạn chế sản xuất prolactin, do đó càng có nhiều dopamine thì prolactin càng ít được giải phóng.
Nồng độ hormone trong cơ thể có sự thay đổi khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Thông thường, trong khi ngủ thì lượng prolactin sẽ tăng dần và đạt cao nhất vào buổi sáng. Hormone này có thời gian bán hủy sinh học từ 20 – 30 phút. Vì vậy, việc lấy máu làm các xét nghiệm định lượng prolactin thường được thực hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy khoảng 3 đến 4 giờ.
Khi nào mức prolactin cao?
Tình trạng tăng prolactin là gì? Tăng prolactin máu là tình trạng có quá nhiều hormone này trong máu của phụ nữ không mang thai và nam giới. Bình thường, nồng độ ở người khỏe mạnh sẽ dao động ở các chỉ số như sau:
- Nữ giới không mang thai: < 25 ng/mL
- Nữ giới đang mang thai: từ 34 đến 386 ng/mL
- Nam giới: < 15 ng/mL
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số prolactin trong máu vượt hơn các ngưỡng giới hạn trên tức là bạn đang có prolactin cao.
Tăng prolactin máu tương đối phổ biến ở phụ nữ. Mức prolactin cao làm ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone khác, ví dụ như làm giảm sản xuất hai nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone. Điều này có thể làm thay đổi hoặc ngừng quá trình rụng trứng dẫn đến kinh nguyệt không đều, khiến cho việc mang thai trở nên khó khăn hoặc đôi khi sẽ gặp hiện tượng chảy sữa ngoài thai kỳ. Bên cạnh đó cũng có vài trường hợp, người phụ nữ có mức prolactin cao nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào.
Tình trạng prolactin cao ơ nam giới có thể gây xuất huyết, rối loạn cương dương và giảm ham muốn. Tình trạng này nếu không được điều trị sẽ làm cho lượng tinh trùng được tạo ra ít hơn hoặc có thể không có tinh trùng dẫn tới vô sinh.
Nguyên nhân gây prolactin cao là gì?
Nồng độ prolactin cao là tình trạng thường gặp trong quá trình mang thai và sau khi sinh trong thời kỳ cho con bú, đó là hiện tượng bình thường, không phải bệnh lý. Tuy nhiên, đối với cơ thể bình thường thì có thể là do các về vấn đề sinh lý, bệnh lý hoặc do tác động của một số loại thuốc, cụ thể như sau:
- Xuất hiện khối u ở tuyến yên (prolactinoma) làm gia tăng sản xuất và bài tiết prolactin.
- Rối loạn kinh nguyệt, tắc kinh, vô sinh ở phụ nữ.
- Bệnh đa nang buồng trứng.
- Suy giáp hoặc gặp các vấn đề bất thường ở vùng dưới đồi như viêm não, bệnh u hạt, ung thư, hố yên rỗng.
- Suy thận: do làm giảm thoái hóa và đào thải hormone.
- Bệnh lí não gan gây tổn thương các vùng sản xuất dopamine (yếu tố ức chế prolactin) ở hạ đồi.
- Sử dụng một số thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp (verapamil, methyldopa), thuốc có chất gây nghiện opiats (codein, morphin), thuốc chống nôn (metoclopramid), thuốc chống trầm cảm (clomipramine và desipramine), thuốc chống loạn thần (phenothiazine, risperidone, haloperidol), thuốc ức chế thụ thể H2 trong điều trị dạ dày (cimetidine).
- Do các chấn thương, co giật hoặc hút cần sa cũng có thể làm tăng nồng độ hormone.
- Tinh thần căng thẳng hoặc sau khi tập thể dục.
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như: ăn nhiều thịt, sau khi quan hệ tình dục, nữ giới sau khi massage ngực, kích thích tuyến vú,…Ngoài ra, nồng độ prolactin cũng tăng lên trong khi ngủ.
Prolactin cao có chữa được không?
Mục đích của điều trị prolactin cao là đưa nồng độ trở về mức bình thường. Thông thường việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là do có khối u ở tuyến yên, thì phương pháp điều trị hàng đầu là dùng thuốc. Đối với người mắc bệnh suy giáp, thuốc thay thế tuyến giáp có thể giúp cho mức prolactin trở lại bình thường.
Trường hợp nguyên nhân gây bệnh là các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng, bác sĩ sẽ chỉ định một thuốc khác hoặc thêm một loại thuốc để hỗ trợ mức prolactin giảm xuống. Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc chủ vận dopamine, cụ thể như là cabergoline và bromocriptine.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp phụ nữ bị tăng prolactin máu đều cần chữa trị. Việc này chỉ cần thiết ở những bệnh nhân bị tăng prolactin máu dẫn đến không tạo ra estrogen, khi đó cần sử dụng biện pháp điều trị để tạo ra estrogen hoặc cung cấp estrogen vào cơ thể cho bệnh nhân.
Không cần điều trị nếu nguyên nhân là do một khối u nhỏ trong tuyến yên và bệnh nhân vẫn đang sản xuất estrogen. Hoặc khi không có nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến mức prolactin cao, đây được gọi là chứng tăng prolactin máu vô căn. Tình trạng này thường biến mất sau vài tháng mà không cần điều trị. Đối với khối u lớn hơn mà việc sử dụng thuốc không có hiệu quả cải thiện triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị để đưa mức prolactin trở về bình thường.
Ngoài việc tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để hỗ trợ giảm mức prolactin:
- Thay đổi chế độ ăn uống (chế độ ăn ít thịt)
- Kiểm soát sự căng thẳng của cơ thể
- Không luyện tập thể dục thể thao ở cường độ cao
- Hạn chế mặc các loại quần áo gây khó chịu cho ngực
- Tránh các hoạt động làm kích thích ngực
- Bổ sung vitamin B6 để tăng cường quá trình sản xuất dopamine và vitamin E để ngăn chặn sự gia tăng prolactin
U tuyến yên và tăng prolactin máu không gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng thường biến mất sau khi điều trị, biến chứng vô sinh cũng có thể đảo ngược khi mức hormone trở lại bình thường. Tuy nhiên đây là một bệnh lý rất thường gặp, đặc biệt là ở nữ giới. Khoảng 1/3 phụ nữ giới trong độ tuổi sinh sản có buồng trứng bình thường mà gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt do tăng lượng prolactin trong máu.
Bệnh được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng để tìm được chính xác nguyên nhân và điều trị hiệu quả thì không đơn giản bởi cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau như sản phụ khoa, chẩn đoán hình ảnh, nội tiết, ngoại khoa… Do đó, khi nghi ngờ mắc bệnh hoặc muốn kiểm tra tình trạng cơ thể, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn cũng như có hướng điều trị phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đây đã có thể giải đáp giúp bạn prolactin là gì và những vấn đề bất thường liên qua đến nồng độ prolactin cao ở nam giới và phụ nữ nhé!
[embed-health-tool-bmi]