Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị bệnh đau thắt lưng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 03/03/2022

    TÀI TRỢ BỞI:

    Làm thế nào để giảm nguy cơ bị bệnh đau thắt lưng?
    Quảng cáo

    Mẹ chị Oanh* năm nay 72 tuổi. Năm trước, chị đón bà từ quê lên để tiện chăm sóc. Ngoài cao huyết áp và bệnh mạch vành, bà còn bị bệnh đau thắt lưng kinh niên. Chị đưa bà đi khám và được bác sĩ cho biết là bà cụ bị thoái hóa đốt sống lưng gây đau mạn tính. Chị mua thuốc theo toa bác sĩ cho bà uống và lặp lại toa thuốc liên tục vì bà cụ than đau. Chị cho rằng đây chính là kết quả của những năm tháng làm nông, lao động cực khổ và bây giờ chủ yếu là giảm đau thôi nên chỉ cần uống thuốc theo toa cũ mà không cần đi khám bác sĩ định kỳ.

    Gần đây chị bắt đầu bị đau thắt lưng và rất ngạc nhiên. Bản thân chị chưa đến 50, lại là quản lý của một công ty kinh doanh. Công việc của chị tuy có căng thẳng nhưng chủ yếu là ngồi văn phòng. Do công việc bận rộn nên chị mua thuốc giảm đau không kê toa uống và kết quả không mấy khả quan. Thình lình An*, con trai 20 tuổi của chị đột nhiên đau lưng khủng khiếp sau khi tham gia giải cầu lông. Chị phải đưa cháu đi cấp cứu ngay lập tức.

    Chúng ta hãy cùng chị Oanh tìm hiểu tại sao ba thế hệ với ba điều kiện hoạt động khác nhau trong gia đình chị cùng bị đau thắt lưng. Hiểu rõ về nguyên nhân và những nguy cơ gây ra bệnh đau thắt lưng sẽ giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này.

    Tại sao bạn bị đau thắt lưng [1]?

    Chị Oanh* và người nhà tìm đọc các thông tin về đau lưng và đến gặp bác sĩ để được thăm khám, hãy cùng chị tìm hiểu thêm nhé.

    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau thắt lưng [1]:

    • Do nguyên nhân cơ học (80 – 90%): Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh đau thắt lưng, có thể bao gồm thoái hóa đĩa đệm hoặc bệnh về khớp, gãy đốt sống, dị tật bẩm sinh, thoái hóa đốt sống hoặc các nguyên nhân không xác định. Nguyên nhân không xác định, thường được cho là do căng cơ hoặc chấn thương dây chằng (65% – 70%).

    • Do nguyên nhân thần kinh (5 – 15%) như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, gai xương làm tổn thương rễ thần kinh. Ngoài ra, nhiễm trùng (chẳng hạn như herpes zoster) cũng có thể là nguyên nhân gây đau thắt lưng.

    • Các bệnh lý cột sống không do nguyên nhân cơ học (1 – 2%), chẳng hạn như nhiễm trùng, lao, viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp).

    • Do bệnh lý của cơ quan khác (1 – 2%) như bệnh đường tiêu hóa, bệnh thận, phình tách động mạch chủ bụng.

    • Do nguyên nhân khác (2-4%) như đau cơ xơ hóa, rối loạn dạng cơ thể (chẳng hạn như rối loạn bản thể, rối loạn đau đớn), malingering (giả bệnh).

    Nguy cơ gây bệnh đau thắt lưng [2]

    Bất cứ ai cũng có thể bị đau thắt lưng. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau thắt lưng bao gồm:

    Tuổi tác tăng nguy cơ bệnh đau thắt lưng
    Ảnh: Shutterstock.com – 1845417556

    • Tuổi tác: Cơn đau thắt lưng đầu tiên thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 đến 50, tuổi càng cao, cơn đau càng phổ biến. Mất xương do loãng xương có thể dẫn đến gãy xương, đồng thời độ đàn hồi cơ giảm. Đĩa đệm đĩa bắt đầu mất chất lỏng và tính linh hoạt do tuổi tác, làm giảm khả năng đệm các đốt sống. Nguy cơ hẹp ống sống cũng tăng theo tuổi.

    • Mức độ luyện tập thể thao: đau thắt lưng thường gặp hơn ở những người có mức độ luyện tập thể thao thấp. Cơ lưng và cơ bụng yếu có thể không nâng đỡ cột sống tốt. Các “Chiến binh cuối tuần” là những người ra ngoài và tập thể dục nhiều sau khi ít vận động trong cả tuần – có nhiều khả năng bị chấn thương lưng hơn so với những người hoạt động thể chất vừa phải hoặc như một thói quen hàng ngày. Các nghiên cứu cho thấy rằng bài tập aerobic tác động thấp có thể giúp duy trì sự toàn vẹn của đĩa đệm.

    • Tăng cân: Thừa cân, béo phì hoặc nhanh chóng tăng một lượng cân đáng kể có thể tạo áp lực lên lưng và dẫn đến bệnh đau thắt lưng.

    • Yếu tố liên quan đến công việc: Các công việc yêu cầu nâng, đẩy hoặc kéo nặng, đặc biệt khi nó liên quan đến việc vặn hoặc rung cột sống, có thể dẫn đến chấn thương và đau lưng. Ngồi làm việc tại bàn cả ngày có thể góp phần gây đau, đặc biệt là ở tư thế xấu hoặc ngồi trên ghế không đủ sức hỗ trợ đỡ lưng.

    • Hút thuốc: có thể hạn chế lưu lượng máu và oxy đến các đĩa đệm, khiến chúng thoái hóa nhanh hơn.

    • Ba lô quá nặng ở trẻ em: Một ba lô quá tải với sách học và đồ dùng có thể làm căng lưng và gây mỏi cơ.

    • Yếu tố tâm lý: Tâm trạng và trầm cảm, căng thẳng và sức khỏe tâm lý cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng bị đau lưng.

    Giảm nguy cơ bị bệnh đau thắt lưng như thế nào [2]?

    Các khuyến nghị để bảo vệ cho lưng:

    Tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và linh hoạt. Tham khảo ý kiến bác sĩ về danh sách các bài tập có tác động thấp, phù hợp với lứa tuổi được nhắm mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường cơ lưng dưới và cơ bụng.

    Duy trì cân nặng hợp lý và ăn uống bổ dưỡng với chế độ ăn uống đủ lượng canxi, phốt pho và vitamin D hàng ngày để thúc đẩy tăng trưởng xương.

    Sử dụng đồ nội thất được thiết kế tiện dụng, kể cả thiết bị tại nhà và nơi làm việc. Bảo đảm bề mặt làm việc ở độ cao thoải mái.

    Thay đổi vị trí ngồi thường xuyên và định kỳ đi bộ xung quanh văn phòng hoặc nhẹ nhàng vươn cơ vai để giảm căng thẳng. Một cái gối hoặc khăn cuộn lại đặt sau lưng sẽ hỗ trợ thắt lưng. Đặt chân của bạn trên ghế đẩu thấp hoặc chồng sách khi ngồi trong một khoảng thời gian dài.

    Mang giày đế thấp, thoải mái.

    Ngủ nghiêng một bên với đầu gối co lại (tư thế bào thai) có thể giúp mở ra các khớp ở cột sống và giảm áp lực bằng cách giảm độ cong của cột sống. Luôn luôn ngủ trên bề mặt vững chắc.

    Đừng cố nâng những vật quá nặng. Ngồi xuống để nâng vật (nâng vật bắt đầu từ đầu gối), hóp cơ bụng, giữ đầu và lưng trên cùng một đường thẳng. Khi nâng, giữ đồ vật sát cơ thể. Không vặn người khi nâng.

    Bỏ hút thuốc.

    Bỏ hút thuốc để giảm nguy cơ bệnh đau thắt lưng
    Ảnh: Shutterstock.com – 1011917620

    Làm gì khi bị đau thắt lưng [2]?

    Đau lưng cấp tính

    • Thuốc giảm đau paracetamol là một trong những thuốc được lựa chọn đầu tiên để điều trị bệnh đau thắt lưng vì độ an toàn và chi phí thấp [3].

    Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) là một chọn lựa khác để điều trị bệnh đau thắt lưng. Nhiều thử nghiệm cho thấy NSAIDs giảm đau tốt hơn paracetamol nhưng cũng đi kèm rủi ro cao hơn [3].

    • Giảm đau tại chỗ như kem, gel, miếng dán hoặc thuốc xịt bôi lên da [2].

    • Chườm nóng và/hoặc nước đá có thể giúp giảm đau, giảm viêm và cải thiện khả năng vận động cho một số người [2].

    • Kéo giãn nhẹ nhàng (không tập thể dục mạnh) theo lời khuyên của chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn [2].

    • Tập thể dục, nghỉ ngơi trên giường và thực hiện phẫu thuật không được khuyến nghị đối với chứng đau lưng cấp tính [2].

    Đau lưng mạn tính

    Đau lưng mạn tính thường được điều trị bằng cách chăm sóc theo từng bước, chuyển từ phương pháp điều trị đơn giản với chi phí thấp đến tích cực hơn. Phương pháp điều trị cụ thể được lựa chọn dựa vào nguyên nhân đã được xác định của cơn đau lưng [2].

    37% bệnh nhân đau thắt lưng mạn tính được phát hiện có đau thần kinh. Những bệnh nhân này cho thấy xếp hạng cường độ đau cao hơn, với nhiều bệnh đồng mắc hơn (và nghiêm trọng hơn) như trầm cảm, hoảng sợ /lo lắng và rối loạn giấc ngủ. Điều này cũng ảnh hưởng đến chức năng và việc sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe [4].

    Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Một lưu ý cho bệnh nhân đau lưng khi sử dụng NSAIDs để giảm đau là nguy cơ gây tương tác với các thuốc điều trị bệnh đi kèm. Một trong những bệnh phổ biến nhất là tăng huyết áp. Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi, cũng dùng thuốc kháng viêm không steroid (khoảng 20 triệu người ở Mỹ) [5]. Các bằng chứng lâm sàng cho thấy huyết áp của các bệnh nhân đã được kiểm soát tốt huyết áp trước đó có thể tăng 3 đến 6 mmHg trong thời gian điều trị đồng thời với NSAIDs, việc này có thể dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh thận giai đoạn cuối hoặc suy tim sung huyết [5]. Các thuốc NSAIDs bao gồm cả nhóm ức chế không chọn lọc và ức chế chọn lọc COX-2 đều gây ra tác dụng phụ trên huyết áp. [6] Tuy vậy, ảnh hưởng trên huyết áp của các loại thuốc giảm đau không giống nhau. Mỗi thuốc NSAIDs có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp rất khác nhau, có thuốc làm tăng huyết áp nhiều hơn so với thuốc khác hoặc can thiệp đến quá trình kiểm soát huyết áp. [7]

    Ngoài ra, NSAIDs gây nhiều tác dụng phụ lên đường tiêu hóa với mức độ từ nhẹ đến nặng như buồn nôn, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón hoặc nghiêm trọng hơn là loét và chảy máu đường tiêu hóa [8]. Trong đó, nguy cơ loét và chảy máu đường tiêu hóa do dùng NSAIDs thường xuất hiện với tần suất nhiều hơn và trầm trọng hơn khi tuổi càng cao. Sử dụng NSAIDs làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng NSAIDs kết hợp thêm các thuốc bảo vệ đường tiêu hóa như misoprostol hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPIs). Một phương pháp khác có thể được áp dụng để giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc giảm đau nhóm NSAIDs là sử dụng các NSAIDs chọn lọc COX-2, chẳng hạn như nhóm coxib, vì ít gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa hơn so với NSAIDs không chọn lọc [9].

    Làm gì khi bị bệnh đau thắt lưng
    Ảnh: Shutterstock.com – 1537703249

    Mọi người đã hiểu được gì?

    Sau khi được bác sĩ giải thích, chị Oanh đã hiểu cụ bà đau lưng mạn tính do bị thoái hóa đĩa đệm, nguyên nhân là vì thường xuyên nâng vật nặng sai tư thế khi còn trẻ làm trầm trọng việc mòn tự nhiên của đĩa đệm khi tuổi già. Còn phần mình, chị được bác sĩ giải thích cho biết rằng bản thân bị đau lưng do tính chất công việc của nhân viên văn phòng phải ngồi quá lâu và ngồi sai tư thế. Hơn nữa ở tuổi của chị, cơ thể đã bắt đầu có nguy cơ loãng xương. Nếu không tích cực thay đổi thói quen, tư thế làm việc và dùng thuốc chống loãng xương, chị sẽ sớm bị đau mạn tính như mẹ mình. Riêng An thì hoạt động thể thao quá mức không thường xuyên đã làm chấn thương cơ và dây chằng gây đau cấp tính.

    Các liệu pháp điều trị giảm đau cấp tính cũng như lời khuyên về việc thay đổi thói quen vận động, thực hiện các bài tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý được áp dụng cho mỗi người khác nhau. Sau một thời gian, An khỏi hoàn toàn, chị cũng hết đau, còn cụ bà thì cảm thấy đỡ và thích nghi với tình trạng sức khỏe của mình.

    PP-CEL-VNM-0476

    * Tên nhân vật trong bài chỉ mang tính minh họa.

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 03/03/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo