backup og meta

Nấm âm đạo là bệnh gì mà đến 75% phụ nữ có nguy cơ mắc phải?

Nấm âm đạo là bệnh gì mà đến 75% phụ nữ có nguy cơ mắc phải?

Nấm âm đạo (hay viêm âm đạo do nấm) là bệnh phụ khoa rất phổ biến ở nữ giới. Bệnh khiến chị em gặp nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Dù vậy, đây là căn bệnh có thể điều trị dứt điểm nếu bạn tuân theo các phương pháp phù hợp.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng bạn làm rõ nấm âm đạo là gì, cũng như nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh tình trạng này.

Tìm hiểu chung

Nấm âm đạo là bệnh gì?

Nấm âm đạo (hay viêm nấm phụ khoa) là tình trạng âm đạo bị nhiễm nấm gây kích ứng, tiết dịch và ngứa dữ dội ở âm vật. Bệnh thường do nấm Candida albicans gây ra.

Viêm âm đạo do nấm Candida rất phổ biến. Khoảng 75% phụ nữ trên thế giới có khả năng mắc phải ít nhất một lần trong đời.

Trong hầu hết trường hợp, viêm âm đạo do nấm Candida được điều trị nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, bệnh lại rất dễ lây và rất hay tái phát.

Triệu chứng

Bị nhiễm nấm âm đạo sẽ có biểu hiện gì?

Ngứa vùng kín do nhiễm nấm âm đạo

Các biểu hiện nhiễm nấm âm đạo có thể từ nhẹ đến trung bình tùy vào mức độ nhiễm bệnh, bao gồm:

  • Ngứa và kích ứng ở âm đạo và âm hộ
  • Cảm giác nóng rát, đặc biệt là khi quan hệ hoặc khi đi tiểu
  • Âm hộ và âm đạo sưng đỏ, đau nhức, sau đó lan ra bẹn và đùi ở những trường hợp nặng
  • Dịch tiết âm đạo dày, màu trắng, mùi bất thường, vón cục

Bạn có thể gặp các biểu hiện nấm âm đạo không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Khi phát hiện hoặc nhận thấy có dấu hiệu bệnh, bạn nên đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ để được kiểm tra và thăm khám. Vì bệnh dễ dàng chữa khỏi nên bạn nên đi khám bác sĩ và chữa bệnh sớm để không lây lan cho người khác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân bị nấm vùng kín

Nguyên nhân chính khiến bạn bị nấm vùng kín là do nhiễm nấm Candida.

Nấm Candida có thể lây nhiễm khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên phụ nữ không quan hệ tình dục vẫn có thể bị lây nhiễm do một số yếu tố thuận lợi khác.

Phụ nữ có nguy cơ bị viêm âm đạo do nấm cao nếu dùng thuốc kháng sinh vì thuốc sẽ tiêu diệt vi khuẩn khỏe mạnh bảo vệ âm đạo. Việc thiếu đi các lợi khuẩn sẽ khiến nấm dễ dàng phát triển.

Bên cạnh đó, phụ nữ từng mắc bệnh tiểu đường, mang thai, dùng thuốc tránh thai, đang điều trị bằng steroid lâu dài cũng có khả năng bị viêm âm đạo do nấm. Các nguyên nhân khác bao gồm thụt rửa âm đạo quá nhiều, chế độ ăn ít dinh dưỡng, thiếu ngủ hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị nấm âm đạo?

Phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm âm đạo do nấm Candida. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm nấm phụ khoa?

Dùng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo

Các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo:

  • Dùng thuốc kháng sinh lâu dài
  • Tiểu đường (đái tháo đường) không kiểm soát
  • Suy giảm, rối loạn miễn dịch
  • Thụt rửa âm đạo không đúng cách
  • Đặt thuốc âm đạo kéo dài.

Không có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm nấm phụ khoa?

nấm âm đạo (viêm nấm phụ khoa)

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn để xác định liệu bạn có từng bị viêm âm đạo do nấm hoặc các bệnh lây lan qua đường tình dục hay không.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng chậu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng ở bên ngoài cũng như trong âm đạo và cổ tử cung. Cuối cùng, xét nghiệm kiểm tra soi tươi dịch tiết âm đạo dưới kính hiển vi và có thể cấy dịch âm đạo được thực hiện để xác định loại nấm gây viêm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị nấm âm đạo?

Bạn có thể sử dụng kem thoa âm đạo, thuốc đặt âm đạo và thuốc điều trị nấm âm đạo. Kem thoa âm đạo, thuốc đặt âm đạo có thể mua không cần toa thuốc, còn thuốc uống thường cần đơn thuốc của bác sĩ.

Thuốc chống nấm phổ biến bao gồm clotrimazole, miconazole, nystatinterconazole. Thuốc fluconazole được dùng theo đường uống. Tác dụng phụ từ bất kỳ các loại thuốc trên rất hiếm, nhưng một số trường hợp có thể khiến âm đạo đau rát.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm nấm phụ khoa?

Không quan hệ tình dục khi đang điều trị nấm âm đạo

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nấm âm đạo nếu lưu ý vài điều sau đây:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
  • Sử dụng tất cả các thuốc theo đúng chỉ dẫn. Nếu bạn không điều trị đúng lịch trình, viêm nhiễm có thể không biến mất hoàn toàn và có thể trở lại.
  • Không quan hệ tình dục trong khi đang điều trị. Nếu có, bắt buộc phải dùng bao cao su để tránh lây nhiễm và làm bệnh nặng thêm.
  • Không mặc quần áo chật, không thông thoáng (như quần lót và quần bó quá chặt).

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/yeast-infection/symptoms-causes/syc-20378999

Ngày truy cập: 17/6/2021

https://www.cdc.gov/fungal/diseases/candidiasis/genital/index.html

Ngày truy cập: 17/6/2021

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK543220/

Ngày truy cập: 17/6/2021

https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/vaginal-yeast-infections

Ngày truy cập: 17/6/2021

https://kidshealth.org/en/teens/yeast-infections.html

Ngày truy cập: 17/6/2021

Phiên bản hiện tại

10/10/2022

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Mẹ bầu bị viêm âm đạo có ảnh hưởng đến thai nhi?

9 cách trị nấm vùng kín tại nhà đơn giản, hiệu quả nhanh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 10/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo