backup og meta

Mẹ bầu bị viêm âm đạo có ảnh hưởng đến thai nhi?

Mẹ bầu bị viêm âm đạo có ảnh hưởng đến thai nhi?

Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa phổ biến làm ảnh hưởng sức khỏe của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. 

Bệnh tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng khiến cho mẹ bầu vô cùng khó chịu. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Viêm âm đạo có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nấm âm đạo sẽ không làm tổn thương hoặc ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm trùng khi đang sinh, trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Bé có thể bị nhiễm nấm trong miệng được gọi là bệnh tưa miệng.

Bệnh tưa miệng sẽ làm xuất hiện các đốm trắng trắng ở hai bên và mái vòm miệng, đôi khi là trên lưỡi. Tình trạng này không nghiêm trọng và dễ điều trị. Cũng có trường hợp, trẻ sơ sinh bị bệnh tưa miệng ngay cả khi bạn không bị nhiễm nấm.

Viêm âm đạo do nấm có lây truyền khi quan hệ tình dục hay không?

Mặc dù trường hợp này là rất hiếm, nhưng khả năng truyền nấm cho bạn tình vẫn có thể xảy ra. Nếu một trong hai người phát sinh triệu chứng, hãy khám bác sĩ để được tư vấn. Các triệu chứng ở nam cũng bao gồm đỏ, phát ban, ngứa hoặc đau rát. Nếu bị nhiễm nấm, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tránh quan hệ tình dục trong khi điều trị.

Mẹ bầu nên làm gì để giảm nguy cơ bị viêm âm đạo do nấm?

Nếu bạn giữ khu vực âm đạo khô ráo thì nguy cơ nhiễm trùng nấm sẽ thấp vì nấm phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Sau đây là một số cách giúp mẹ bầu giảm tình trạng viêm âm đạo dễ dàng:

  • Mặc quần lót bằng vải cotton thoáng khí; tránh quần lót và quần ôm quá chặt, đặc biệt là vải tổng hợp.
  • Bạn có thể thử ngủ mà không mặc đồ lót vào ban đêm để thoáng khí ở khu vực âm đạo.
  • Bạn không nên ngâm mình trong bồn có xà bông tạo bọt, xà bông có hương thơm, chất tẩy rửa có mùi thơm.
  • Không dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ. Mặc dù không có khẳng định nào chứng minh sản phẩm này góp phần vào việc gây ra nấm, nhưng tốt nhất là bạn nên tránh vì chúng có thể gây kích ứng ở bộ phận sinh dục.
  • Làm sạch khu vực sinh dục của bạn nhẹ nhàng bằng nước ấm mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng vòi xịt xịt vào âm đạo trong thời gian mang thai.
  • Bạn hãy nhanh chóng thay đồ tắm ướt sau khi bơi và đồ lót sau khi tập thể dục nếu bạn ra nhiều mồ hôi.
  • Hãy lau cơ thể từ trước ra sau.
  • Ăn sữa chua có chứa Lactobacillus acidophilus để duy trì cân bằng vi khuẩn trong ruột và âm đạo. Sữa chua là một nguồn giàu protein và canxi.

Mẹo phòng ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn

1. Giảm nguy cơ gây kích ứng

Việc đầu tiên giúp bạn tránh bệnh viêm âm đạo là tránh các chất gây kích ứng. Cách đơn giản nhất để tránh các chất gây kích ứng là không sử dụng các chất tẩy rửa mà không xem kỹ thành phần.

Vùng kín của bạn rất nhạy cảm nên dù chỉ là xà phòng không mùi cũng có thể khiến “cô bé” khó chịu. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên tắm bồn với nước nóng quá lâu và không nên sử dụng spa có xoáy nước.

2. Không thụt rửa sâu khi vệ sinh âm đạo

Một nghiên cứu cho thấy rất nhiều phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44 thừa nhận đã thụt rửa sâu khi vệ sinh âm đạo. Độ tuổi này trùng với độ tuổi có nguy cơ bị nhiễm trùng âm đạo cao.

Hầu hết các chuyên gia đều khuyên rằng bạn không nên thụt rửa sâu trong âm đạo để loại bỏ mùi. Âm đạo của bạn có một độ pH nhất định giúp kìm hãm các vi khuẩn có hại đồng thời hỗ trợ vi khuẩn có lợi. Vì thế, khi thụt rửa sâu, bạn đã vô tình loại bỏ các vi khuẩn có lợi cho âm đạo, khiến “cô bé” của bạn trở nên mỏng manh hơn.

3. Quan hệ tình dục an toàn

Bạn luôn phải duy trì một đời sống tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Bên cạnh đó, cứ mỗi 6 tháng, bạn cũng nên làm những bài kiểm tra về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Khoa học đã chứng minh rằng khi bạn quan hệ tình dục với càng nhiều người, nguy cơ bạn bị nhiễm trùng âm đạo càng cao. Vì thế, để giảm thiểu nguy cơ này cũng như tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bạn hãy lưu ý không nên quá dễ dãi trong chuyện chăn gối.

Ngoài ra, khi bạn hay vợ/chồng của bạn không chung thủy, nguy cơ viêm âm đạo cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là khi bạn không sử dụng các biện pháp bảo vệ. Nếu không may xảy ra tình huống này, bạn hãy nói chuyện thẳng thắn với bạn đời của mình nhé. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của cả hai.

4. Giữ cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo

Nguyên nhân của viêm âm đạo là sự mất cân bằng hệ vi khuẩn. Vì thế, cách tốt nhất để tránh được bệnh này chính là luôn giữ cho vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong vùng kín của bạn cân bằng. Vệ sinh đúng cách và mặc quần áo thích hợp là hai cách đơn giản nhất giúp bạn thực hiện điều này.

5. Vệ sinh vùng kín với nước ấm khi cần thiết

Bạn nên tuyệt đối tránh sử dụng các sản phẩm tẩy rửa khi vệ sinh âm đạo, đặc biệt là khi bạn đã từng hay đang bị viêm âm đạo. Các chất tẩy rửa sẽ loại bỏ vi khuẩn có lợi trong vùng kín của bạn, tạo điều kiện cho tình trạng viêm nhiễm tái phát. Trên thực tế, âm đạo của bạn có cơ chế tự làm sạch của nó. Vì thế, bạn chỉ cần vệ sinh “cô bé” với nước ấm là đủ.

6. Thường xuyên kiểm tra vùng chậu

Đặt lịch khám định kỳ với bác sĩ phụ khoa không những giúp bạn sớm tìm ra những bất ổn ở vùng chậu mà còn giúp bạn kiểm tra sức khỏe vùng kín. Nhờ những buổi khám định kỳ thế này, bác sĩ sẽ sớm phát hiện tình trạng viêm âm đạo và điều trị cho bạn chóng khỏi.

7. Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Một chế độ ăn ít đường, ít tinh bột đồng thời giàu rau củ và trái cây sẽ rất có lợi đối với âm đạo của bạn. Bên cạnh đó, tỏi cũng là một loại thực phẩm rất tốt cho âm đạo. Ngoài ra, probiotic hay liệu pháp bổ sung lactobaccillus cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho âm đạo.

8. Kiên trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Trong trường hợp bị viêm âm đạo do vi khuẩn, bạn luôn phải uống thuốc đầy đủ đồng thời nghiêm túc tuân thủ những hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tránh tự ý mua thuốc về sử dụng. Sau mỗi đợt điều trị, bạn nên tái khám cẩn thận. Điều trị ngắt quãng sẽ khiến nguy cơ tái phát của bạn tăng lên.

Hiện nay, viêm âm đạo do vi khuẩn đang là một trong những nỗi lo của phụ nữ nói chung và bà bầu nói riêng. Vì vậy, khi bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như dịch tiết chuyển sang màu trắng đục, xám hay vàng và có mùi hôi khó chịu, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ bạn nhé.

Bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh nấm âm đạo. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp mẹ bầu luôn cảm thấy thoải mái trong những tháng thai kỳ nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Yeast infections during pregnancy https://www.babycenter.com/0_yeast-infections-during-pregnancy_485.bc  Ngày truy cập 07/06/2017

Yeast Infections During Pregnancy http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/yeast-infections-during-pregnancy/  Ngày truy cập 07/06/2017

Phiên bản hiện tại

19/02/2021

Tác giả: Bích Hà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Nấm âm đạo là bệnh gì mà đến 75% phụ nữ có nguy cơ mắc phải?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 19/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo