Bệnh suy tim có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, gây hạn chế khả năng gắng sức và cả những sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, thậm chí là tăng nguy cơ tử vong. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu chung
Bệnh suy tim là gì?
Suy tim là một tình trạng tim bị thay đổi về cấu trúc và chức năng, dẫn đến hệ quả là không thể bơm máu đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Ở những người bị suy tim giai đoạn đầu, cơ tim cố gắng thích nghi bằng cách tăng kích thước và độ dày. Tuy nhiên, theo thời gian, tim không thể co bóp hoặc thư giãn đúng cách. Khi điều này xảy ra, chất lỏng có thể tích tụ ở các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm phổi, bụng, chân và mắt cá chân, gây ra nhiều triệu chứng của suy tim.
Các giai đoạn suy tim
Suy tim là một tình trạng mạn tính, thông thường sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa trên giai đoạn và phân độ suy tim theo NYHA. NYHA là gì? Phân độ suy tim theo NYHA (Hiệp hội Tim mạch New York) là một hệ thống phân chia các cấp độ suy tim dựa trên các triệu chứng và khả năng hoạt động gắng sức của người bệnh. Bên cạnh đó, Hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng đưa ra một hệ thống phân chia suy tim theo từng giai đoạn để bổ sung thêm cho hệ thống của NYHA.
Có bốn giai đoạn suy tim bao gồm:
Suy tim độ 1 (Giai đoạn A)
Suy tim độ 1 (Giai đoạn A) được coi là giai đoạn tiền suy tim. Điều đó có nghĩa là bạn có nguy cơ cao bị suy tim khi bạn có tiền sử gia đình bị suy tim hoặc bạn đang mắc phải một hoặc nhiều tình trạng bệnh lý sau:
- Tăng huyết áp
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh động mạch vành
- Hội chứng chuyển hóa
- Tiền sử lạm dụng rượu
- Tiền sử sốt thấp khớp
- Tiền sử gia đình mắc bệnh cơ tim
- Tiền sử dùng các loại thuốc có thể làm tổn thương cơ tim của bạn, chẳng hạn như một số loại thuốc điều trị ung thư.
Suy tim độ 2 (Giai đoạn B)
Ở giai đoạn suy tim độ 2, bác sĩ đã phát hiện thấy tình trạng rối loạn chức năng tâm thu thất trái nhưng bạn có thể chưa bao giờ gặp phải các triệu chứng của suy tim. Hầu hết những người bị suy tim độ 2 đều có siêu âm tim (echo) cho thấy phân suất tống máu (EF) vẫn đạt chức năng giới hạn bình thường.
Suy tim độ 3 (Giai đoạn C)
Phần lớn những người bị suy tim độ 3 đã được chẩn đoán suy tim và hiện đang có hoặc trước đó có các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này.
Suy tim độ 4 (Giai đoạn D)
Những người bị suy tim độ 4 có các triệu chứng tiến triển không thuyên giảm khi điều trị. Đây là giai đoạn cuối của bệnh suy tim.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy tim
Các triệu chứng phổ biến của suy tim là:
- Khó thở khi hoạt động hoặc cả khi nghỉ ngơi
- Mệt mỏi
- Ít có khả năng tập luyện thể dục
- Thường xuyên tiểu đêm
- Tăng cân
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Ho khan, tăng ho khi nằm
- Sưng phù chân, mắt cá chân, cẳng chân và bụng (sự tích tụ dịch trong khoang màng bụng)
- Đầy bụng, chán ăn
- Khó chịu ở dạ dày, buồn nôn và nôn ói.
Đôi khi các triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ hoặc bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Điều này không có nghĩa là bạn không bị suy tim. Các triệu chứng của suy tim có thể từ nhẹ đến nặng và có thể rầm rồ hay biến mất trong thời gian dài rồi tái phát.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Sưng phù vùng chân, mắt cá chân hoặc bụng
- Không có khả năng thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày
- Ho vào ban đêm
- Ý thức lẫn lộn hoặc bồn chồn
- Mất nước
- Tức ngực
- Nhịp tim nhanh (trên 120/phút trong khi nghỉ ngơi).
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án điều trị thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh suy tim?
Mặc dù nguy cơ suy tim không thay đổi khi bạn già đi, mọi người thường sẽ có nhiều khả năng bị suy tim khi ngày càng lớn tuổi hơn.
Có rất nhiều tình trạng có thể gây tổn thương cơ tim và dẫn đến suy tim. Một số nguyên nhân thường gặp của suy tim là:
- Bệnh mạch vành
- Đau tim do nhồi máu cơ tim
- Bệnh cơ tim
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp (cao huyết áp)
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh thận
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Uống rượu hoặc dùng ma túy
- Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư (hóa trị liệu) có thể dẫn đến suy tim.
Biến chứng
Bệnh suy tim có nguy hiểm không?
Bệnh suy tim có nguy hiểm không? Một số biến chứng suy tim bao gồm:
- Nhịp tim không đều
- Ngừng tim đột ngột
- Các vấn đề về van tim
- Tích tụ chất lỏng trong phổi
- Tăng áp động mạch phổi
- Thận hư
- Tổn thương gan
- Suy dinh dưỡng.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh suy tim?
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Bác sĩ sẽ muốn biết:
- Liệu bạn có bất kỳ bệnh lý nào khác như tiểu đường, bệnh thận, đau thắt ngực (đau ngực), tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh mạch vành hoặc các vấn đề tim mạch khác
- Bạn có tiền sử gia đình nào về bệnh tim hoặc đột tử
- Bạn có hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá
- Bạn có uống rượu hay không và lượng rượu mà bạn uống
- Bạn đã được điều trị bằng hóa trị và/hoặc xạ trị
- Những thuốc nào mà bạn đang dùng.
Phân suất tống máu (EF) là một chỉ số trên siêu âm tim để đo mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh suy tim. Nếu dưới mức bình thường, đây là bằng chứng là bạn đã bị suy tim; dù vậy, không thể loại trừ suy tim nếu phân suất tống máu chưa giảm sút. Phân suất tống máu cho bác sĩ biết tâm thất trái của bạn đang duy trì thực hiện chức năng bơm máu như thế nào.
Phân suất tống máu thất trái bình thường (LVEF) là 53% đến 70%. Ví dụ, LVEF là 65% có nghĩa là có 65% tổng lượng máu trong tâm thất trái của bạn được bơm ra sau mỗi nhịp tim. EF của bạn có thể tăng và giảm, dựa trên tình trạng bệnh tim và hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, bạn sẽ cần làm các xét nghiệm để đánh giá mức độ bệnh suy tim và nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm thông thường bao gồm:
- Xét nghiệm cơ bản
- Xét nghiệm NT-pro B-type Natriuretic Peptide (BNP)
- Thông tim
- Chụp X-quang lồng ngực
- Siêu âm tim
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG)
- Quét chuyển đổi đa tầng (quét MUGA) .
- Kiểm tra khả năng gắng sức của tim.
Những phương pháp nào dùng để điều trị suy tim?
Cho đến nay, chưa có thuốc chữa khỏi suy tim hoàn toàn mà chỉ có thuốc đã được chứng minh cho thấy có thể kiểm soát các triệu chứng, cải thiện tiên lượng bệnh và giúp người bệnh sống tích cực hơn. Để giúp bạn kiểm soát huyết áp và hoạt động bơm máu của tim, các bác sĩ có thể kê toa các nhóm thuốc điều trị suy tim, bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc ức chế thụ thể
- Thuốc chẹn thụ thể beta
- Thuốc đối kháng aldosterone
- Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển Glucose – Natri 2
- Thuốc lợi tiểu
- Inotropes.
Khi tình trạng suy tim trở nên tồi tệ hơn, cơ tim của bạn giảm khả năng bơm máu hơn đến các cơ quan và bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng. Do đó, mục tiêu của việc điều trị suy tim là ngăn ngừa bệnh tiến triển đến các giai đoạn nặng hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh suy tim, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Điều trị suy tim độ 1
Kế hoạch điều trị thông thường cho những người bị suy tim giai đoạn 1 bao gồm:
- Thường xuyên tập thể dục, vận động, đi bộ mỗi ngày
- Ngừng hút thuốc lá
- Điều trị huyết áp cao (dùng thuốc, chế độ ăn ít natri, lối sống tích cực)
- Điều trị cholesterol cao
- Không uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) nếu bạn bị bệnh mạch vành, tiểu đường, huyết áp cao hoặc các bệnh lý về tim mạch khác.
- Thuốc chẹn beta nếu bạn bị huyết áp cao.
Điều trị suy tim độ 2
Lập kế hoạch chăm sóc người bệnh suy tim độ 2 bao gồm:
- Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống như giai đoạn 1
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) (nếu bạn chưa dùng).
- Thuốc chẹn beta nếu bạn bị nhồi máu cơ tim và EF của bạn là 40% hoặc thấp hơn (nếu bạn chưa dùng thuốc này).
- Thuốc đối kháng Aldosterone nếu bạn bị nhồi máu cơ tim hoặc nếu bạn bị tiểu đường và EF từ 35% trở xuống.
- Phẫu thuật hoặc can thiệp để điều trị tắc nghẽn động mạch vành, đau tim, bệnh van tim (sửa hoặc thay van) hoặc bệnh tim bẩm sinh.
Điều trị suy tim độ 3
Kế hoạch điều trị bao gồm:
- Các phương pháp điều trị như giai đoạn 1 và 2
- Thuốc trị cao huyết áp
- Thuốc đối kháng Aldosterone nếu thuốc giãn mạch (ACE-I, ARB hoặc kết hợp thụ thể angiotensin / thuốc ức chế neprilysin) và thuốc chẹn beta không làm giảm các triệu chứng của bạn.
- Kết hợp hydralazine / nitrate nếu các phương pháp điều trị khác không ngăn được các triệu chứng của bạn.
- Thuốc làm chậm nhịp tim nếu nhịp tim của bạn nhanh hơn 70 nhịp / phút và bạn vẫn còn các triệu chứng.
- Thuốc lợi tiểu có thể được kê đơn nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục.
- Hạn chế natri (muối) trong chế độ ăn uống
- Theo dõi cân nặng
- Hạn chế chất lỏng.
- Liệu pháp tái đồng bộ tim ( máy tạo nhịp hai thất).
- Liệu pháp khử rung tim có thể cấy ghép (lCD).
Nếu việc điều trị khiến các triệu chứng của bạn thuyên giảm hoặc chấm dứt, bạn vẫn cần tiếp tục điều trị để làm chậm quá trình tiến triển sang giai đoạn D.
Điều trị suy tim cấp 4
Kế hoạch điều trị bao gồm các phương pháp điều trị đã được áp dụng ở các giai đoạn trước. Ngoài ra, phác đồ có thể bao gồm các lựa chọn điều trị nâng cao hơn, như:
- Ghép tim
- Các thiết bị trợ giúp tâm thất
- Phẫu thuật tim
- Truyền liên tục thuốc co bóp tĩnh mạch
- Chăm sóc giảm nhẹ.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh suy tim?
Mặc dù không thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác, tiền sử gia đình hoặc chủng tộc, bạn có thể thay đổi lối sống để tạo cho mình cơ hội tốt nhất để ngăn ngừa suy tim. Những điều bạn có thể làm bao gồm:
- Giữ cân nặng hợp lý
- Ăn những thực phẩm tốt cho tim mạch
- Tập thể dục thường xuyên
- Quản lý căng thẳng
- Ngừng hút thuốc lá
- Không uống rượu, bia
- Không sử dụng chất kích thích
- Kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như: tiểu đường, bệnh thận, thiếu máu, huyết áp cao, bệnh tuyến giáp, bệnh hen suyễn, bệnh phổi mãn tính.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Suy tim là một tình trạng mạn tính xảy ra khi tim bạn không thể bơm máu đủ để cung cấp cho cơ thể một lượng máu theo nhu cầu. Máu và chất lỏng tích tụ trong phổi và chân theo thời gian, gây ra các triệu chứng suy tim và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Thuốc và các phương pháp điều trị sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chức năng tim. Điều quan trọng là trước khi để suy tim làm hạn chế cuộc sống của nhiều người, đây vẫn là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tuân thủ một lối sống khoa học, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính nếu mắc phải và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ.
[embed-health-tool-heart-rate]