Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Suy tim độ 3 sống được bao lâu? Điều này phụ thuộc vào thói quen sống của bạn!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 18/01/2021

    Suy tim độ 3 sống được bao lâu? Điều này phụ thuộc vào thói quen sống của bạn!
    Quảng cáo

    Nỗi trăn trở “bệnh suy tim độ 3 có nguy hiểm không, suy tim độ 3 sống được bao lâu” có thể khiến bạn và người thân cảm thấy lo lắng không yên khi chuyển sang giai đoạn khá nặng này. Tuy nhiên, nếu biết cách duy trì tinh thần lạc quan và thói quen sống lành mạnh thì bạn hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ.

    Với những tổn thương từ nhẹ đến trung bình, tình trạng suy tim độ 3 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống cũng như tuổi thọ của người bệnh. Để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tiến triển, bạn cần suy nghĩ tích cực hơn và tin tưởng vào khả năng phục hồi của bản thân khi điều trị.

    Thực tế, nhiều người bệnh suy tim độ 3 đã kéo dài tuổi thọ đáng kể sau khi thay đổi lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.

    Triệu chứng thường gặp của suy tim độ 3

    suy tim độ 3 sống được bao lâu

    Bước vào giai đoạn suy tim độ 3, các triệu chứng ngày càng rõ ràng hơn và xuất hiện ngay cả khi bạn vận động nhẹ như đi bộ, leo cầu thang, làm việc nhà…

    • Mệt mỏi: Tình trạng thiếu máu sẽ gây ra mệt mỏi và uể oải, đặc biệt là khi bạn gắng sức. Càng gần đến giai đoạn cuối thì càng mệt mỏi hơn vì tim không bơm được máu và cơ thể thiếu oxy.
    • Phù: Triệu chứng này là do sự tích tụ chất dịch lỏng, không chỉ xảy ra ở phổi mà còn ở tứ chi, đặc biệt là bàn chân, mắt cá chân, chân hoặc bụng.
    • Rối loạn nhịp tim: Đây là tình trạng tim đập nhanh, mạnh và dồn dập có thể khiến cho người bệnh suy tim độ 3 hoảng sợ và thậm chí phải đi cấp cứu.
    • Chán ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, buồn nôn, chán ăn và có thể bị kiệt sức nếu tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài.
    • Khó thở và ho khan: Những người mắc suy tim độ 3 thường xuyên bị tỉnh giấc vào ban đêm bởi những cơn khó thở, ho khan khi nằm ngủ. Người bệnh còn có lúc thở khò khè, ho đờm màu trắng hoặc màu hồng.
    • Suy giảm trí nhớ: Khi tim hoạt động không hiệu quả, nồng độ natri trong máu cũng thay đổi đáng kể. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ và cảm giác mất phương hướng trong các cơn cấp hoặc khi suy tim độ 3 tiến triển thành suy tim giai đoạn cuối.

    Các biến chứng của suy tim cấp độ 3

    Bệnh nhân suy tim độ 3 nếu không được điều trị tốt có thể nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn suy tim độ 4. Ở giai đoạn cuối của suy tim, người bệnh bị mất khả năng hoạt động thể chất và có nguy cơ tử vong cao.

    Bên cạnh đó, người suy tim độ 3 cũng sẽ phải đối mặt với các biến chứng sau đây:

    • Thiếu máu: làm cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, đồng thời làm tăng thêm áp lực cho tim.
    • Phù phổi: đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
    • Tổn thương gan: dẫn đến sẹo gan (bệnh xơ gan tim).
    • Suy thận: có các dấu hiệu như mệt mỏi, chán ăn, thờ ơ, giảm lượng nước tiểu…
    • Rối loạn nhịp tim: gây đánh trống ngực, ngất xỉu, làm suy tim nặng hơn, tăng nguy cơ đột quỵ.
    • Hẹp hoặc hở van tim: có thể dẫn đến tình trạng rung nhĩ, khiến suy tim nặng hơn.
    • Đột quỵ: gây mất khả năng nhận thức, vận động và đe dọa tính mạng.

    Người suy tim độ 3 sống được bao lâu?

    suy tim độ 3 sống được bao lâu

    Hy vọng kéo dài tuổi thọ của người mắc bệnh suy tim phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian phát hiện bệnh, cấp độ bệnh, những bệnh đi kèm, khả năng đáp ứng điều trị và lối sống hàng ngày. Vậy người suy tim độ 3 sống được bao lâu?

    Nếu người bệnh suy tim độ 3 do hở van tim và được phát hiện sớm nên cấu trúc tim còn khá ổn định thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật thay van tim. Trường hợp suy tim độ 3 do bệnh mạch vành thì người bệnh sẽ có tuổi thọ gần như người bình thường khi phục hồi chức năng tim bằng cách đặt stent chống tắc hẹp.

    Người suy tim độ 3 sống được bao lâu là do sự hợp tác trong quá trình điều trị, tình trạng các bệnh đi kèm, ý thức tự phòng ngừa và thay đổi lối sống lành mạnh. Nếu kiên trì tập trung điều trị, thậm chí người suy tim cấp độ 3 còn có thể sống lâu hơn cả người suy tim cấp độ 1.

    Bí quyết sống lâu của người suy tim cấp độ 3

    Bệnh suy tim cấp độ 3 nếu được chữa trị đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ của mình để sống vui khỏe với người thân. Bạn có thể bắt đầu bằng cách điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn để tăng hiệu quả điều trị theo các lời khuyên sau đây nhé.

    1. Chế độ ăn cho người suy tim cấp độ 3

    suy tim độ 3 sống được bao lâu

    Bạn nên cân đối chế độ ăn uống giúp tim khỏe hơn theo các nguyên tắc cơ bản:

    • Ăn ít muối, tốt nhất là không quá 2g mỗi ngày.
    • Bổ sung chất béo “có lợi” từ quả bơ, dầu olive…
    • Tránh tất cả các loại thực phẩm chế biến sẵn, phủ tạng động vật.
    • Ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên rau củ quả giàu chất xơ và vitamin.
    • Chọn thực phẩm hữu cơ, không có dư lượng thuốc trừ sâu và nên ăn thực phẩm tươi theo mùa.
    Thực đơn gợi ý cho người suy tim cấp độ 3
    • 6 giờ: Sữa hỗn hợp: 150ml (sữa đậu nành: 75, sữa bò: 75ml, đường: 10g)
    • 9 giờ: Sữa hỗn hợp: 150ml
    • 12 giờ: Phở thịt nạc: 1 bát (bánh phở: 120g, thịt nạc: 30g, nước xương: 300ml)
    • 15 giờ: Sữa hỗn hợp: 150ml
    • 18 giờ: Cháo cá: 300ml (gạo: 30g, cá: 50g, dầu ăn 5g)
    • 21 giờ: Sữa hỗn hợp: 100ml

    2. Lựa chọn thức uống lành mạnh

    Người suy tim cấp độ 3 nên uống nước tinh khiết và tránh xa rượu, bia, nước ngọt cũng như các loại nước có ga. Hãy giới hạn uống trung bình 2 lít nước/ngày để tránh bị phù do tích trữ quá nhiều chất lỏng.

    3. Bổ sung vitamin D cho cơ thể

    Bạn có thể tắm nắng vừa bổ sung vitamin D lại giúp cải thiện lưu lượng máu. Lưu ý, người bệnh suy tim cấp độ 3 không nên đứng quá lâu ngoài trời vì sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt.

    4. Đi bộ chân trần trên đất

    Điều này tưởng như rất đơn giản song lại có tác dụng bổ sung các ion tự do, từ đó giúp giảm độ nhớt (đặc) của máu và giữ cho động mạch không bị hư hại. Hơn nữa, thói quen đi bộ chân trần sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu trên khắp cơ thể. Tuy nhiên hãy đi trên các bề mặt sàn sạch, tránh đi chân trần ở những nơi kém vệ sinh.

    5. Tập thể dục đều đặn

    tập thể dục

    Người suy tim độ 3 nên thực hiện các bài tập nhẹ vừa sức ít nhất 30 phút mỗi ngày nhằm tạo cơ hội vận động và cải thiện chức năng cho trái tim khỏe hơn. Trong khi tập luyện, bạn cần theo dõi sự thay đổi của cơ thể và ngừng tập ngay khi có biểu hiện mệt, khó thở hay đau ngực.

    Bạn có thể thử các bài tập làm tăng hiệu quả điều trị suy tim sau đây:

    • Động tác nhún vai
    • Xoay cổ sang trái, phải
    • Căng lưng và hông
    • Căng giãn bắp tay
    • Căng giãn cơ dưới bắp tay
    • Căng giãn cơ đùi và bắp chân
    • Thư giãn mắt cá chân
    • Kéo giãn cơ hông

    6. Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ

    Tùy theo tình trạng của người bệnh suy tim cấp độ 3, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay các thủ thuật tim mạch khác. Để giúp kiểm soát triệu chứng suy tim, phần lớn các trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc điều trị như: thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim, thuốc hạ áp…

    Bạn nên nghiêm túc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định và không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc uống không đúng liều sẽ khiến suy tim độ 3 trở nặng hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 18/01/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo