backup og meta

Mũ chụp cổ tử cung là gì? Dùng để tránh thai có hiệu quả không?

Mũ chụp cổ tử cung là gì? Dùng để tránh thai có hiệu quả không?

Khác với các dụng cụ tránh thai như bao cao su, miếng xốp tránh thai hay màng phim tránh thai, mũ chụp cổ tử cung có thể được tái sử dụng. Tuy nhiên, bạn sẽ tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu dùng sai cách.

Biện pháp tránh thai mũ cổ tử cung đã được sử dụng từ cuối những năm 1800 với nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, FemCap là thương hiệu duy nhất ở Hoa Kỳ được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận là an toàn.

Bạn hãy cùng tìm hiểu mũ chụp cổ tử cung là gì, hiệu quả, ưu nhược điểm và cách dùng dụng cụ tránh thai này để đảm bảo an toàn nhé.

Mũ chụp cổ tử cung là gì?Mũ chụp cổ tử cung là gì?

Mũ chụp cổ tử cung hay mũ cổ tử cung (cervical cap) là một cốc hình vòm được làm từ cao su silicone không gây dị ứng, ngăn tinh trùng xâm nhập vào cổ tử cung. Đây là một dụng cụ tránh thai có thể tái sử dụng, được đưa vào âm đạo của người phụ nữ và phải đo đạc để vừa khít với cổ tử cung.

Mũ chụp tránh thai cần được sử dụng với chất diệt tinh trùng để có hiệu quả tối đa. Chất diệt tinh trùng sẽ ngăn không cho tinh trùng di chuyển và làm bất hoạt khả năng của tinh trùng.

Mũ tránh thai cần phải đo đạc cho vừa khít với cổ tử cung của bạn và phải được kê toa bởi bác sĩ, bạn không nên tự ý mua và sử dụng.

Chi phí thăm khám để mua thuốc theo toa cho mũ tránh thai thường dao động ở mức từ 50 – 200 USD (tương đương 1.150.000 – 4.600.000 đồng). Mũ tránh thai sẽ có giá tầm 15 – 50 USD (tương đương 350.000 – 1.150.000 đồng). Các loại bọt, gel hoặc kem tránh thai có chứa chất diệt tinh trùng dao động trong khoảng 7 – 18 USD mỗi gói (tương đương 160.000 – 420.000 đồng). Mũ tránh thai này có thể kéo dài thời gian sử dụng đến 2 năm, nhưng bạn nên thay loại mới sau 1 năm sử dụng.

Dùng mũ chụp cổ tử cung có hiệu quả không?

Tính hiệu quả của mũ cổ tử cung phụ thuộc vào việc liệu bạn có sử dụng mũ một cách chính xác và bạn đã từng mang thai hay chưa.

Theo Plazed Parenthood, phụ nữ chưa bao giờ mang thai có tỷ lệ thất bại khi sử dụng mũ tránh thai là 14%. Điều này có nghĩa là cứ 100 người sử dụng thì sẽ có 14 người có khả năng thụ thai.

Tỷ lệ thất bại này tăng lên 29% đối với những phụ nữ đã có con và thực hiện phương pháp sinh thường qua âm đạo. Sự khác biệt này là do âm đạo và cổ tử cung bị kéo giãn do sinh thường qua âm đạo làm mũ tránh thai không còn vừa khít với cổ tử cung.

Bạn cũng cần đặt mũ tránh thai chính xác theo hướng dẫn để ngừa thai hiệu quả. Bạn có thể mang thai nếu mũ bị trật khỏi cổ tử cung khi quan hệ, không sử dụng chất diệt tinh trùng và tháo mũ cổ tử cung trong vòng 6 giờ sau khi quan hệ.

Trong quá trình sử dụng, bạn cần thường xuyên kiểm tra mũ chụp có bị thủng lỗ hay đổi màu hay không. Nếu có các dấu hiệu này thì bạn nên ngừng sử dụng và thay thế cái mới. Bạn cũng nên thay đổi mũ tránh thai mới sau khi sinh con, sẩy thai hoặc phá thai.

Ưu điểm khi sử dụng mũ cổ tử cung

Ưu điểm khi sử dụng mũ cổ tử cung

Khi được sử dụng với chất diệt tinh trùng, mũ tránh thai sẽ có những ưu điểm dưới đây:

  • Không cần đến sự trợ giúp của đối tác
  • Không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn
  • Được sử dụng trong khi cho con bú và sau 10 tuần sinh
  • Nhỏ gọn và tiện dụng nên bạn có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào
  • Được chèn nhiều giờ trước khi quan hệ tình dục và được giữ trong âm đạo đến 48 giờ
  • Không chứa nội tiết tố nên là một lựa chọn phù hợp với những người dị ứng với nội tiết tố
  • Có thời hạn sử dụng lâu nên khác với các biện pháp tránh thai khác như bao cao su, màng phim tránh thai, miếng xốp tránh thai chỉ sử dụng được một lần.

Nhược điểm khi sử dụng mũ cổ tử cung

Mũ chụp cổ tử cung thường không dễ dàng sử dụng, nên bạn có thể dùng nó sai cách làm tăng nguy cơ mang thai. Mặt khác chất diệt tinh trùng cũng có thể gây một số bất lợi cho bạn.

Dưới đây là một số nhược điểm bạn có thể gặp phải khi dùng dụng cụ tránh thai này.

• Phải sử dụng mỗi khi quan hệ: Bạn phải sử dụng mũ tránh thai mỗi lần quan hệ và phải sử dụng chính xác thì mới đạt được hiệu quả. Nếu bạn không chắc chắn sử dụng mũ đúng cách thì có thể sử dụng thêm bao cao su. Bao cao su là cách tốt nhất bảo vệ bạn khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

• Khó sử dụng đúng cách: Bạn có thể gặp khó khăn khi chèn mũ tránh thai vào âm đạo và cần thời gian để thực hành cho đến khi làm quen với mũ. Mặc khác, biện pháp tránh thai này cũng có thể bị dịch chuyển ra khỏi vị trí khi quan hệ tình dục nếu chúng va đập nhiều.

• Không hoạt động khi không có chất diệt tinh trùng: Bạn phải chắc chắn đặt mũ cùng với chất diệt tinh trùng trước khi quan hệ và giữ nguyên mũ trong âm đạo 6 giờ sau khi quan hệ. Bạn lưu ý không để mũ cổ tử cung trong âm đạo hơn 2 ngày (hơn 48 giờ).

• Chất diệt tinh trùng có thể gây tác dụng phụ: Nếu bạn sử dụng chất diệt tinh trùng nhiều lần trong một ngày có thể gây kích thích âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu chất diệt tinh trùng là nguyên nhân khiến bạn bị dị ứng thì bạn hãy thử một nhãn hiệu khác hoặc gặp bác sĩ nếu tình hình vẫn không thay đổi sau khi thử sản phẩm khác.

• Phải thay đổi nắp theo kích cỡ của cổ tử cung: Bạn phải thay đổi mũ cổ tử cung sau khi có con, sảy thai hoặc phá thai.

Rủi ro sức khỏe khi sử dụng mũ chụp cổ tử cung

Bạn vẫn có thể mang thai khi sử dụng mũ chụp tránh thai

Trước khi sử dụng mũ chụp cổ tử cung, bạn hãy tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ để tránh được những rủi ro sức khỏe khi sử dụng loại mũ tránh thai này.

Dưới đây là những rủi ro bạn có thể gặp phải:

  • Không giúp bạn ngừa thai 100%.
  • Bạn hoặc đối tác có thể bị đau trong hoặc sau khi sử dụng mũ chụp cổ tử cung.
  • Có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Có thể bị dị ứng với chất diệt tinh trùng làm âm đạo bị đau, ngứa, đỏ, sưng tấy, có mùi hôi hoặc tiết dịch bất thường.
  • Có khả năng bị chảy máu âm đạo, nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung hoặc viêm vùng chậu nếu bạn sử dụng mũ sai cách hoặc không vệ sinh mũ.
  • Có thể gặp hội chứng sốc độc tố như sốt cao đột ngột, tiêu chảy, chóng mặt, nôn mửa, ngất xỉu hoặc phát ban trông giống như bị cháy nắng nhưng trường hợp này là hiếm.

Bạn lưu ý không dùng chung mũ tránh thai với người khác hoặc cho người khác mượn của bạn. Trường hợp bạn gặp những rủi ro sức khỏe khi dùng mũ tránh thai thì bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để kịp thời điều trị.

Những ai không nên sử dụng mũ cổ tử cung

Mũ chụp cổ tử cung là một trong những biện pháp tránh thai phổ biến và khá an toàn với mọi người. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không sử dụng biện pháp này nếu đang gặp một số tình trạng dưới đây:

  • Có triệu chứng sốc độc
  • Đã phẫu thuật cổ tử cung
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đang trong thời kỳ hành kinh
  • Có tiền sử bị bệnh viêm vùng chậu
  • Bạn hoặc đối tác bị nhiễm HIV/AIDS
  • Gặp khó khăn khi đặt mũ trong tử cung
  • Sau khi sinh con trong vòng 8 – 10 tuần
  • Nhạy cảm hoặc dị ứng với silicone hoặc chất diệt tinh trùng
  • Gặp tình trạng bệnh ung thư cổ tử cung và các vấn đề sức khỏe liên quan đến cổ tử cung.

Cách sử dụng mũ chụp cổ tử cung để tránh thai

Thông thường, bác sĩ sẽ gửi bạn đơn thuốc theo toa kèm theo những hướng dẫn sử dụng để bạn không gặp nhiễm trùng khi sử dụng mũ chụp cổ tử cung.

  • Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước.
  • Kiểm tra vị trí của cổ tử cung bằng cách đưa ngón tay sâu vào âm đạo. Cổ tử cung sẽ có cảm giác giống với chóp mũi.

  • Cho 1/4 chất diệt tinh trùng vào dưới đáy mũ.

  • Cho 1/2 chất diệt tinh trùng vào phần rãnh ở giữa của mũ, nhưng chừa lại phần dây mũ.

  • Vào tư thế thoải mái để bạn đưa mũ tránh thai vào cổ tử cung. Bạn có thể chọn cách nằm, ngồi xổm hoặc đưa một chân lên ghế, miễn là thuận tiện để bạn đưa mũ vào đúng cách.
  • Bóp 2 cạnh của mũ rồi bạn tách mép âm đạo và đưa mũ vào. Vành dài sẽ được đưa vào âm đạo trước, phần rãnh cũng như dây mũ sẽ hướng ra ngoài.
  • Đẩy mũ sâu vào âm đạo cho đến khi mũ được đặt và che phủ toàn bộ cổ tử cung.
  • Bạn để mũ tại chỗ trong ít nhất 6 giờ sau lần quan hệ cuối cùng nhưng không nên để hơn 2 ngày (sau 48 giờ).
  • Mũ tránh thai có thể tái sử dụng được nhưng mỗi lần sử dụng bạn hãy cho chất diệt tinh trùng mới vào.

  • Khi tháo mũ ra, bạn rửa sạch tay bằng xà phòng và nước rồi ngồi xổm xuống, sử dụng ngón tay nhấn vào phần vòm để phá vỡ lực hút rồi nhẹ nhàng cầm dây kéo mũ ra.

  • Sau khi lấy mũ ra, bạn hãy rửa sạch mũ bằng xà phòng và nước ấm rồi phơi khô.
  • Không lưu trữ sản phẩm ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp vì sẽ làm biến dạng sản phẩm.

Mũ chụp cổ tử cung tuy được FDA chứng nhận là an toàn nhưng nếu bạn sử dụng sai cách thì sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Nếu muốn lựa chọn phương pháp tránh thai này, bạn hãy đến bệnh viện và cho bác sĩ biết các tình trạng bệnh phụ khoa của mình. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên có nên sử dụng dụng cụ tránh thai này hay không để đảm bảo an toàn.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cervical cap
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cervical-cap/about/pac-20393416
Ngày truy cập: 27.12.2019

Cervical Cap
https://www.healthline.com/health/birth-control-cervical-cap
Ngày truy cập: 27.12.2019

Cervical cap
https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/cervical-cap/how-do-i-use-cervical-cap
Ngày truy cập: 27.12.2019

Phiên bản hiện tại

04/01/2021

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Đặt vòng tránh thai là gì? Đặt vòng tránh thai có an toàn không?

Màng phim tránh thai VCF: Ưu, nhược điểm và cách dùng hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 04/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo