backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Tê nửa mặt bên phải: Cảnh giác với 4 thủ phạm nguy hiểm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 30/08/2023

Tê nửa mặt bên phải: Cảnh giác với 4 thủ phạm nguy hiểm
Tình trạng tê nửa mặt bên phải (hay tê nửa mặt bên trái) có thể do khá nhiều nguyên nhân, từ đơn giản như nằm nghiêng quá lâu cho đến nguy hiểm hơn như đột quỵ. Vì vậy, nếu bắt gặp triệu chứng này, bạn nên mau chóng đến bệnh viện tiếp nhận điều trị.

Trên khuôn mặt có nhiều dây thần kinh kiểm soát vận động các cơ mặt để biểu hiện cảm xúc và thu nhận cảm giác. Nếu một trong số chúng chịu tổn thương, chẳng hạn như viêm hoặc bị chèn ép, tình trạng tê nửa mặt có thể phát sinh. Việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, đồng thời nâng cao hiệu quả chữa trị.

Thông thường, người bị tê nửa mặt có thể hoàn toàn mất cảm giác ở bên mặt bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không ít người lại chia sẻ rằng họ chỉ trải qua cảm giác ngứa ran khó chịu.

Nếu bạn chưa biết vì sao hay bị tê nửa đầu bên phải (hoặc trái), hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé. Bài viết sẽ chỉ rõ cho bạn những nguyên nhân có thể gây tê nửa mặt bên phải cần phải cảnh giác.

Vì sao bạn bị tê nửa mặt bên phải (bên trái)?

Theo các chuyên gia, tê nửa mặt, cụ thể hơn ở bên phải, có thể là lời cảnh báo cho một loạt tình trạng sức khỏe nguy hiểm, bao gồm:

Đột quỵ: nguyên nhân tê nửa mặt bên phải (bên trái) nguy hiểm nhất

Đột quỵ thường xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn. Đây cũng là một trong những tác nhân nguy hiểm nhất đứng đằng sau tình trạng tê nửa mặt bên phải (bên trái).

Phần lớn trường hợp, nguyên nhân đột quỵ bắt nguồn từ tắc nghẽn động mạch. Đột quỵ cũng có thể do vỡ mạch máu não và gây xuất huyết não.

Ngoài tê nửa mặt bên phải, người bệnh có thể bị tê nửa người bên phải, tê nửa mặt bên trái hay tê nửa người bên trái. Bên cạnh đó, những triệu chứng báo hiệu sự xuất hiện của cơn đột quỵ còn có thể gồm:

  • Đột ngột đau đầu
  • Lâng lâng, mệt mỏi
  • Loạng choạng, mất thăng bằng
  • Tầm nhìn thay đổi
  • Khó nói hoặc khó nuốt
  • Nhầm lẫn
  • Yếu một bên cánh tay hoặc chân
  • Buồn nôn, nôn
  • Gặp khó khăn trong việc cử động hay đi lại

Điều trị tê nửa mặt bên phải do đột quỵ

Cảm giác tê cứng một bên mặt sẽ thuyên giảm khi đột quỵ được điều trị hiệu quả. Tùy vào dạng đột quỵ mà mỗi người sẽ tiếp nhận liệu pháp điều trị khác nhau. Ví dụ, nếu bạn rơi vào trường hợp đột quỵ do tắc mạch, thuốc tiêu sợi huyết sẽ đem lại hiệu quả đáng kể.

Trong khi đó, nếu trường hợp của bạn là đột quỵ do xuất huyết, bạn có thể được điều trị bằng nội khoa hoặc phẫu thuật.

2. Mối quan hệ giữa liệt Bell và tê nửa mặt bên phải

Liệt Bell đề cập đến tình trạng sưng viêm hoặc bị chèn ép của các dây thần kinh kiểm soát chuyển động cơ mặt. Theo các chuyên gia, bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến một bên mặt.

Mặt khác, họ cũng chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây tổn thương những dây thần kinh ở mặt. Tuy nhiên, liệt Bell có xu hướng phát sinh đột ngột và rất có thể do virus herpes gây ra.

Bất kỳ ai cũng có thể rơi vào trường hợp trên. Tuy nhiên, theo thống kê, đối tượng dễ bị liệt Bell thường rơi vào độ tuổi 15–60. Ngoài ra, người bệnh có thể bộc lộ những triệu chứng như:

  • Tê nửa mặt bên phải hoặc trái
  • Chảy nước dãi
  • Đau hàm và đau đầu
  • Ù tai
  • Nhạy cảm quá mức với mùi vị hoặc âm thanh
  • Chảy nước mắt liên tục
  • Mắt nhắm không kín hoặc méo miệng
Liệt bell gây tê nửa mặt bên phải
Một trong những triệu chứng điển hình của liệt Bell là méo miệng.

Cách đối phó với tê nửa mặt bên phải (bên trái) và liệt Bell

Phần lớn trường hợp, liệt Bell có thể tự khỏi mà không cần đến bất kỳ biện pháp can thiệp nào. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyến khích mọi người nên tiếp nhận điều trị nhằm nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng đang có.

Thuốc steroid có thể giúp giảm viêm dây thần kinh ở mặt, đồng thời tăng tốc độ phục hồi. Mặt khác, thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) có khả năng xoa dịu những cơn đau khó chịu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không dùng hai loại này cùng lúc.

Bạn có thể xem thêm: Liệt dây thần kinh số 7 bao lâu thì khỏi?

3. Tê nửa mặt bên phải do đa xơ cứng

Đa xơ cứng, hay bệnh xơ cứng rải rác, là một dạng bệnh tự miễn gây tổn thương các tế bào thần kinh ở não và tủy sống. Bệnh không phát tác đột ngột mà sẽ chuyển biến nghiêm trọng dần theo thời gian.

Tê tay, chân hoặc mặt là các triệu chứng đa xơ cứng thường gặp. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một bên cơ thể hoặc toàn thân. Ngoài ra, người bệnh còn bộc lộ một số dấu hiệu gồm:

  • Nhìn mờ
  • Mệt mỏi
  • Khó cử động
  • Nói khó

Thuyên giảm tình trạng tê nửa mặt bên phải bằng cách chữa đa xa cứng

Thực tế, tính đến thời điểm này, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra liệu pháp đặc trị cho bệnh đa xơ cứng. Những phương pháp hiện tại chỉ có thể tạm thời ngăn chặn triệu chứng phát triển. Trong đó, phổ biến nhất là dùng steroid để ngăn chặn tình trạng viêm ở tế bào hệ thần kinh trung ương.

4. Đau nửa đầu có gây tê nửa mặt bên phải?

Mỗi người có thể bộc lộ những triệu chứng sớm của một cơn đau nửa đầu khác nhau. Ví dụ, một số người có thể trải nghiệm giai đoạn thoáng qua (aura), trong khi số khác lại không.

Giai đoạn aura là một kiểu rối loạn cảm giác, thường gây thay đổi thị giác hoặc cảm giác bất thường. Trong trường hợp đau nửa đầu, giai đoạn aura có thể gây ra triệu chứng tê nửa mặt thậm chí là một bên cơ thể. Triệu chứng tê nửa mặt có thể xảy ra trước, sau hoặc cùng lúc với cơn đau nửa đầu.

Ngoài ra, lúc này người bệnh còn có những biểu hiện như:

  • Đau đầu
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Buồn nôn
  • Khó cử động

Làm thế nào khi hay bị tê nửa đầu bên phải?

Thực tế, tình trạng sức khỏe này tương đối hiếm gặp so với những dạng đau nửa đầu khác. Vì vậy, bạn không thể khắc phục bằng những biện pháp thông thường mà phải cần đến liệu trình điều trị y tế.

Đặc biệt, thuốc trị đau nửa đầu phổ biến triptan cũng không đem lại kết quả như mong đợi đối với bệnh đau nửa đầu. Do đó, bác sĩ sẽ thay thế bằng một số loại thuốc kê đơn khác như valproic hoặc topiramate.

Một số yếu tố khác gây cảm giác tê rần trên mặt bên phải

Bên cạnh bốn vấn đề sức khỏe trên, tình trạng tê nửa mặt bên phải còn có thể xảy ra bởi:

  • Chấn thương mặt
  • Nhiễm trùng
  • Sự hiện diện của khối u ở mặt
  • Giời leo
  • Phẫu thuật răng
  • Phản ứng dị ứng
  • Hội chứng chèn ép dây thần kinh

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Điều trị tê nửa mặt bên phải (hay bị tê nửa đầu bên phải)
Nếu cảm thấy một bên mặt tê cứng, bạn nên mau chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Một người bị tê nửa mặt bên phải (bên trái) không rõ nguyên nhân nên sớm tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tiếp nhận điều trị. Đặc biệt, nếu rơi vào bất kỳ trường hợp nào sau đây, bạn sẽ cần đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Triệu chứng có xu hướng trở nặng
  • Tê một bên mặt phát sinh sau khi bạn bị chấn thương ở đầu
  • Tình trạng tê lan đến các phần khác trên cơ thể

Mặt khác, một số nguyên nhân gây tê nửa mặt bên phải (bên trái) được đánh giá là tình trạng cần được cấp cứu, chẳng hạn như đột quỵ. Vì vậy, đừng xem nhẹ bất kỳ dấu hiệu bất thường nào phát sinh.

Tê nửa mặt bên phải (bên trái) có thể bao gồm cảm giác ngứa ran hoặc mất cảm giác hoàn toàn. Mức độ cũng như thời gian tê sẽ thay đổi tùy theo nguyên nhân gây nên. Trong một số trường hợp, tình trạng này có xu hướng cảnh báo về những vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Do đó, dù nguyên nhân là gì, bạn vẫn nên mau chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và tiếp nhận điều trị.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 30/08/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo