backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Cảnh báo cho mẹ trước khi quá muộn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 02/04/2021

    Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh: Cảnh báo cho mẹ trước khi quá muộn

    Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 90 ngày tuổi. Triệu chứng khởi phát sớm thường xuất hiện trong vòng 24–48 giờ sau sinh. Nếu khởi phát muộn, các dấu hiệu của bệnh chậm nhất sẽ xảy ra sau 3 tháng.

    Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Trong năm 2011, trên toàn thế giới có 360.346 trẻ sơ sinh chết vì nhiễm trùng máu và các bệnh nhiễm trùng khác. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin xoay quanh căn bệnh này để bạn lưu ý và ý thức về việc bảo vệ con mình.

    Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

    Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể do các vi khuẩn như Escherichia coli (E.coli), Listeria và một số chủng liên cầu, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm B (GBS), gây ra. Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh chia làm 2 loại:

    Khởi phát sớm (trong vòng 48 giờ sau sinh)

  • Tỷ lệ xảy ra nhiễm trùng máu ở bé trai và bé gái bằng nhau
  • Có nguy cơ tử vong cao (10-30%)
  • Chủ yếu truyền qua trẻ trong quá trình người mẹ mang thai và sinh nở
  • Hơn 80% trường hợp là do liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) và vi khuẩn gram âm gây ra
  • nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh 04

    Các yếu tố trong chu trình sinh sản của người mẹ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh (đặc biệt là giai đoạn khởi phát sớm):

    • Vỡ ối sớm
    • Sinh non
    • Người mẹ mắc phải một số loại virus như rubella, herpes
    • Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)

    Khởi phát muộn (sau 48 giờ đầu tiên)

    • Dễ xảy ra hơn ở các bé trai
    • Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1kg có nguy cơ cao hơn
    • Tỷ lệ tử vong khoảng 5%
    • Xảy ra chủ yếu trong thời gian bé nằm viện sau sinh hoặc sau khi về với gia đình
    • 70% là do tụ cầu vàng Staphylococcus và 10-15% do các vi khuẩn gram âm gây ra

    Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh khởi phát muộn là:

    • Sử dụng ống thông tĩnh mạch trong thời gian dài (trên 10 ngày) khi trẻ nằm viện
    • Thiết bị, dụng cụ y tế hay vật dụng dùng cho trẻ bị nhiễm bẩn
    • Không rửa sạch tay trước lúc tiếp xúc với bé
    • Để bé ở môi trường không hợp vệ sinh

    Triệu chứng

    Các dấu hiệu của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh thường không đặc hiệu và hay bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như suy hô hấp, rối loạn chuyển hóa…

    Đặc điểm chung ở trẻ bị nhiễm trùng máu là:

    • Da nhợt nhạt, vàng da
    • Sốt cao trên 38oC hoặc hạ nhiệt độ dưới 35oC
    • Hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết
    • Nhiễm toan (nồng độ axit trong dịch cơ thể vượt mức bình thường)

    Ngoài ra, còn có các triệu chứng trên đường hô hấp như:

    • Tăng nhịp hô hấp
    • Ngưng thở
    • Tím tái

    Các triệu chứng trên hệ tim mạch:

    • Nhịp tim nhanh hoặc chậm hơn bình thường
    • Huyết áp thấp

    Triệu chứng da:

    • Chấm xuất huyết
    • Bầm tím

    Triệu chứng trên đường tiêu hóa:

    • Ăn kém
    • Nôn
    • Trướng bụng
    • Phân lỏng

    Triệu chứng hệ thần kinh trung ương:

    • Buồn ngủ hoặc ngủ li bì
    • Khóc quấy liên tục
    • Co giật

    Xét nghiệm và chẩn đoán

    nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh 01

    Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ giúp chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh.

    Những xét nghiệm cho trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu bao gồm:

    Nếu em bé có triệu chứng của nhiễm trùng máu, đôi lúc bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp chọc dò tủy sống để xem xét loại vi khuẩn nào gây ra bệnh.

    Khi người mẹ có tiền sử bị nhiễm virus herpes, trẻ sẽ được tiến hành nuôi cấy da, phân và nước tiểu để tìm xem liệu virus này có bị truyền từ mẹ sang bé hay không.

    Chụp X-quang ngực được tiến hành trong trường hợp em bé bị ho hoặc khó thở.

    Điều trị

    Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh bằng cách kết hợp 2 liệu pháp:

    • Liệu pháp kháng sinh
    • Liệu pháp hỗ trợ

    Nhiễm trùng máu có biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu và hậu quả của nó ảnh hưởng rất nhanh chóng đến trẻ. Vì vậy, để tránh bệnh chuyển biến xấu hơn, trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức. Sau đó, bác sĩ sẽ tùy vào kết quả xét nghiệm và vị trí nhiễm trùng mà điều chỉnh kháng sinh phù hợp hơn.

    Nếu trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm âm tính, thì có thể ngưng dùng kháng sinh trong vòng 48 giờ (72 giờ đối với trẻ sinh thiếu tháng).

    Các liệu pháp hỗ trợ kết hợp với điều trị bằng kháng sinh cho trẻ là:

    • Theo dõi và hỗ trợ hô hấp cho trẻ (thở máy, nằm lồng oxy)
    • Theo dõi độ bão hòa oxy, nhịp tim và huyết áp
    • Điều chỉnh các chất lỏng, chất điện giải, glucose và máu trong cơ thể trẻ
    • Cho trẻ nằm lồng ấp

    Trong nhiễm trùng máu khởi phát sớm, điều trị ban đầu bao gồm ampicillin và aminoglycoside. Cefotaxime được dùng thay thế cho aminoglycoside nếu bé bị kèm theo viêm màng não do vi khuẩn gram âm gây ra. Kháng sinh sẽ được thay đổi ngay khi xác định được vi sinh vật nào gây ra bệnh.

    Đối với nhiễm trùng máu khởi phát muộn mắc phải ở cộng đồng, bé nên được điều trị bằng ampicillin phối hợp với gentamicin hoặc cefotaxime. Nếu bé bị thêm viêm màng não, cần sử dụng kết hợp cả ampicillin, cefotaxime và aminoglycoside.

    Đối với trẻ bị nhiễm trùng máu khởi phát muộn mắc phải ở bệnh viện, điều trị ban đầu nên bao gồm vancomycin cộng với aminoglycoside.

    Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

    Dùng kháng sinh phòng ngừa cho người mẹ

    Phụ nữ mang thai cần dùng kháng sinh phòng ngừa trong trường hợp:

    • Viêm màng não
    • Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
    • Tiền sử có con bị nhiễm trùng huyết trong thai kỳ trước đây
    • Vỡ ối sớm

    Ngăn ngừa nhiễm trùng máu truyền từ mẹ sang con trong khi sinh

    Những cách giúp ngăn ngừa nhiễm trùng máu truyền từ mẹ sang con bao gồm:

    • Chọn bệnh viện sở hữu trang thiết bị hiện đại và phòng sinh sạch sẽ.
    • Sinh con trong vòng 12-24 giờ kể từ khi vỡ ối (sinh mổ nên được thực hiện trong vòng 4-6 giờ sau khi vỡ ối)
    • Dụng cụ đỡ đẻ phải tiệt trùng, bàn tay người đỡ phải được rửa sạch và đi găng tay vô trùng.

    Đảm bảo vệ sinh ở nơi chăm sóc trẻ

    nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh 03

    Ngăn vi sinh vật gây bệnh tiếp xúc với trẻ trong quá trình chăm sóc tại bệnh viện và tại nhà bằng cách:

    • Thường xuyên vệ sinh môi trường sống của trẻ
    • Tiệt trùng các vật dụng cá nhân của bé đúng cách
    • Y tá, điều dưỡng nên rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ.

    Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Nhiễm trùng máu có khả năng đe dọa tính mạng của trẻ thông qua việc gây tổn thương mô và các cơ quan bên trong. Vì vậy, mẹ hãy chọn bệnh viện sinh con một cách cẩn thận để đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra an toàn và hạn chế nguy cơ bé bị nhiễm trùng máu.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 02/04/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo