backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt: Cần điều trị và chăm sóc như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 26/07/2021

    Rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt: Cần điều trị và chăm sóc như thế nào?

    Khi thấy rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt, ba mẹ dễ lo lắng rằng vết thương cắt dây rốn đang có vấn đề và có thể gây đau đớn, khó chịu cho bé yêu. Thế nhưng, u hạt ở rốn lại là tình trạng khá phổ biến, dễ điều trị và không hề gây đau đớn cho con.

    Tình trạng rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt hay còn gọi là u hạt rốn thực chất chỉ là mô sẹo hình thành trong quá trình vết cắt dây rốn lành da. Tuy chồi hạt này không gây khó chịu cho bé và khá dễ điều trị nhưng ba mẹ vẫn cần chú ý chăm sóc để chồi hạt không bị viêm nhiễm, làm gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe. 

    Tình trạng rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt là gì?

    Sau khi bé chào đời, bác sĩ sẽ cắt dây rốn nhưng vẫn sẽ để lại một đoạn ngắn và đoạn dây rốn này thường sẽ khô và tự rụng sau một thời gian. Thế nhưng đôi khi, ở chỗ dây rốn rụng sẽ xuất hiện một mô nhỏ gọi là u hạt rốn. Chồi hạt này là mô sẹo hình thành trong quá trình vùng rốn của bé lành da sau khi dây rốn rụng.

    Tình trạng rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt là khá thường gặp. Chồi hạt ở rốn nhìn giống vết sưng đỏ và có thể có dịch vàng hoặc trong. Tình trạng này thường không gây nguy hiểm cho bé nhưng chồi hạt có thể nhiễm trùng và dẫn đến một số triệu chứng như kích ứng da quanh rốn hay sốt. Vậy nên khi phát hiện chồi hạt, ba mẹ cần báo ngay cho bác sĩ biết để có phương pháp điều trị sớm.

    Cách điều trị chồi hạt ở rốn trẻ sơ sinh

    rón trẻ sơ sinh có chồi hạt

    Tuy u hạt rốn thường không gây khó chịu cho bé nhưng vẫn cần được điều trị. Nếu không, u hạt có thể bị nhiễm trùng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé yêu. 

    Hầu hết trường hợp rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt đều khá dễ điều trị bằng cách dùng một lượng nhỏ bạc nitrat chấm lên u hạt. Chất hóa học này sẽ làm cho chồi hạt nhỏ dần đi mà không gây bất kỳ đau đớn nào cho bé. 

    Nếu cách chấm bạc nitrat không hiệu quả với con, bác sĩ có thể chỉ định một số cách khác như:

    • Đổ một lượng nhỏ nitơ lỏng lên chồi hạt để làm đông lạnh mô này. Sau đó, mô sẽ dần tan ra.
    • Buộc chồi hạt bằng chỉ phẫu thuật. Sau một khoảng thời gian buộc, chồi hạt sẽ khô lại và biến mất.
    • Chấm một ít muối lên u hạt rồi cố định chỗ muối này bằng cách quấn gạc lên rốn bé trong 10 đến 30 phút rồi lấy khăn ngâm nước ấm, vắt nhẹ để vệ sinh vùng rốn cho bé. Bạn hãy thực hiện cách này 2 lần một ngày trong khoảng 2 đến 3 ngày. Nếu thấy chồi hạt có dấu hiệu nhỏ đi, bạn hãy tiếp tục phương pháp này cho tới khi chồi hạt biến mất và rốn bắt đầu lành lại. Tuy nhiên, nếu u hạt không nhỏ lại, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có cách chữa khác hiệu quả hơn.
    • Trong một số trường hợp hiếm gặp, bé có thể cần phẫu thuật để loại bỏ u hạt và ngăn chặn nhiễm trùng lây lan ra các vùng khác.

    U hạt ở rốn bé có thể được điều trị hiệu quả trong hầu hết các trường hợp mà không có biến chứng gì. Vậy nên, bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ sớm nếu thấy rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt, đặc biệt là khi bé có các dấu hiệu như: 

    • Sốt hơn 38°C
    • Chảy máu xung quanh u hạt
    • Sưng hoặc đỏ xung quanh u hạt
    • Đau quanh rốn
    • Dịch tiết ở rốn có mùi hội 
    • Phát ban gần rốn

    Chăm sóc bé trong và sau điều trị

    Nhìn chung, điều cần quan tâm khi khi rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt là giữ rốn sạch sẽ và khô ráo trong khoảng thời gian rốn bé chưa lành hẳn. Bạn nên làm sạch rốn cho bé nhẹ nhàng bằng nước ấm và xà phòng. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng hãy tuân thủ hướng dẫn vệ sinh rốn của bác sĩ cho phương pháp điều trị chồi hạt con bạn đang áp dụng, đặc biệt nếu bé đang điều trị bằng bạc nitrat.

    Ngoài giữ vệ sinh rốn đúng cách cho con, bạn cũng nên để rốn được tiếp xúc với không khí. Bạn có thể giúp rốn thoáng khí hơn bằng cách cuộn mặt trước của tã xuống để tã không che rốn. Khi tắm cho con, bạn cũng nên tránh không để cho rốn của bé ngâm trong nước khi rốn rụng.

    Rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt là một tình trạng thường gặp và khá dễ điều trị mà không để lại biến chứng gì cho bé. Chỉ cần ba mẹ chú ý phát hiện chồi hạt sớm và tuân thủ các hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con yêu. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 26/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo