backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Vắc xin 5 trong 1 tiêm mấy mũi? Trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu · Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 28/11/2023

    Vắc xin 5 trong 1 tiêm mấy mũi? Trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không?

    “Trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không?” là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ khi tìm hiểu về việc chủng ngừa cho trẻ.

    Một số loại vắc xin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, được Nhà nước tài trợ chủng ngừa miễn phí cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thực tế là trong quá trình chủng ngừa cho trẻ, có không ít gia đình phải hoãn tiêm một vài mũi nhắc lại theo đúng lịch, vì nhiều lý do bất khả kháng. Điều này khiến nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng vì không biết trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không?

    Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ giới thiệu tổng quan về vắc xin 5 trong 1, số lượng mũi cần tiêm, cũng như việc cần làm nếu trẻ tiêm 5 trong 1 muộn. Mời bạn cùng theo dõi nhé. 

    Vắc xin 5 trong 1 là gì? Có những loại nào? 

    Giống như tên gọi, vắc xin 5 trong 1 là loại vắc xin phối hợp, giúp trẻ phòng ngừa 5 bệnh lý chỉ trong một mũi tiêm, cụ thể gồm: 

    • Giải độc tố vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu (Diphtheria) 
    • Ngăn chặn vi khuẩn Clostridium tetani phóng thích độc tố và gây bệnh uốn ván (Tetanus) 
    • Bất hoạt vi khuẩn gram âm Bordetella pertussis, nguyên nhân gây ra các cơn ho gà (Pertussis) kéo dài
    • Phòng ngừa vi rút đường ruột Polio xâm nhập và tấn công lên não, gây bại liệt (Poliomyelitis) ở trẻ em. Tuy nhiên, ở một số loại vắc xin 5 trong 1, kháng nguyên vi rút bại liệt có thể được thay thế bằng kháng nguyên bề mặt vi rút viêm gan B, giúp bảo vệ gan của bé trước sự xâm nhập của vi rút viêm gan B (HBV).  
    • Chứa kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, giúp bảo vệ bé trước nguy cơ bị viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra. 

    Hiện tại, vắc xin 5 trong 1 đang lưu hành tại Việt Nam gồm 3 loại, tất cả đều được nhập khẩu và bảo quản theo đúng quy trình, với các vật dụng chuyên nghiệp. Đặc biệt, sau khi vận chuyển đến Việt Nam, vắc xin sẽ phải trải qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước khi tiêm cho trẻ. 

    Sau đây là một số giới thiệu sơ lược về 3 loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, gồm: 

    • Vắc xin Quinvaxem: Đây là vắc xin 5 trong 1 do Hàn Quốc sản xuất, giúp phòng ngừa 5 bệnh lý cho trẻ bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B. Tuy nhiên, loại vắc xin này đã ngừng sản xuất và không còn được sử dụng tại Việt Nam từ tháng 05 năm 2018. 
    • Vắc xin ComBE Five: Đây là loại vắc xin 5 trong 1 đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được Nhà nước tài trợ miễn phí, do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất. Về thành phần, tính an toàn và bệnh lý chủng ngừa thì ComBE Five gần như giống hoàn toàn với vắc xin Quinvaxem. 
    • Vắc xin Pentaxim: Đây là loại vắc xin 5 trong 1 do công ty dược phẩm Sanofi Pasteurs, Pháp sản xuất, được sử dụng để chủng ngừa rộng rãi tại các điểm tiêm ngừa dịch vụ. Khác với hai loại vắc xin trên, Pentaxim sẽ giúp tạo kháng thể chống lại các bệnh lý gồm ho gà, uốn ván, bạch hầu, bại liệt và Hib gây viêm màng não mủ/viêm phổi. 

    Vắc xin 5 trong 1 cần tiêm mấy mũi? 

    trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không

    Lịch tiêm chủng của các loại vắc xin 5 trong 1 đều được khuyến cáo như sau: 

    • Ba mũi tiêm cơ bản sẽ lần lượt được tiêm cách nhau 1 tháng. Mũi tiêm đầu tiên sẽ vào thời điểm trẻ đủ 2 tháng tuổi, mũi thứ hai là 3 tháng tuổi và mũi thứ ba là 4 tháng tuổi. 
    • Mũi tiêm nhắc lại cuối sẽ được tiêm khoảng 1 năm sau đó, khi trẻ được 15 tháng tuổi. Thời điểm tốt nhất để tiêm mũi nhắc lại là từ 16 đến 18 tháng tuổi. 
    • Tất cả mũi tiêm cần được hoàn thành trước khi trẻ được 24 tháng tuổi. 

    Thế nhưng, trong quá trình tiêm chủng cho trẻ, nếu nhận thấy con có các tình trạng dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và hoãn thời gian tiêm 5 trong 1 cho trẻ: 

  • Trẻ có tiền sử dị ứng, phản ứng nghiêm trọng với vắc xin ở lần tiêm trước
  • Trẻ có phản ứng nghiêm trọng với mũi tiêm vắc xin trước đó hoặc có tiền sử dị ứng với vắc xin khác, ví dụ như nổi mề đay, ngứa toàn thân, vết tiêm sưng đỏ nghiêm trọng sau khi tiêm
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc các bệnh lý cấp tính, mãn tính
  • Trẻ sốt cao hoặc đang trong thời gian hồi phục sau sốt. 
  • Vậy khi hoãn mũi tiêm thì có tiêm bù được không? Thời gian tiêm chậm hơn so với lịch tiêm phòng dự kiến có vấn đề gì không? Cha mẹ hãy theo dõi câu trả lời ở phần tiếp theo của bài viết nhé. 

    Giải đáp thắc mắc: Trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không?

    trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không

    Theo các chuyên gia sức khỏe, lượng kháng thể do vắc xin tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian, từ đó, cơ thể cũng mất dần sức chiến đấu để tự bảo vệ trước các mầm bệnh. Khi đó, việc chủng ngừa đầy đủ các mũi tiêm nhắc lại chính là “lời thúc giục” để hệ miễn dịch tiếp tục sản sinh ra kháng thể mới, tăng cường đề kháng cho cơ thể. Thế nên, về nguyên tắc, khi tiêm ngừa không đủ mũi vắc xin nói chung và vắc xin 5 trong 1 nói riêng thì hiệu quả phòng ngừa sẽ không thể đạt mức cao nhất. 

    Tuy nhiên, trường hợp trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc xin thì bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Nếu vì một số trường hợp bất khả kháng như đã liệt kê ở phần trên của bài viết thì bố mẹ chỉ cần trao đổi lại với bác sĩ tư vấn chủng ngừa để sắp xếp lịch tiêm nhắc lại cho con càng sớm càng tốt. 

    Lưu ý, trong thời gian chờ tiêm nhắc lại, bố mẹ cũng nên thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ bé trước nguy cơ gây bệnh như: 

    • Trước khi chăm sóc con, nhớ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch, để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài có khả năng lây nhiễm sang cho con. 
    • Luôn giữ vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ trước và sau khi ăn hoặc sau khi chơi đồ chơi, chơi đùa ngoài trời, chơi với thú cưng… vì các vi sinh vật gây bệnh có thể thông qua tay lây truyền qua đường miệng của bé mỗi khi bé cầm đồ ăn hay mút tay…. 
    • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người như siêu thị, công viên, khu vui chơi, nhất là khi có bệnh dịch. Nếu phải ra ngoài, nhớ sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay sát khuẩn, hạn chế chạm vào các bề mặt công cộng… và vệ sinh sạch sẽ cho con sau khi về nhà. 
    • Tăng cường bổ sung sức đề kháng cho con thông qua chế độ dinh dưỡng với đa dạng các loại thực phẩm. Với trẻ đang ở tuổi ăn dặm, bạn có thể cho bé dùng bột ăn dặm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, hay các loại cháo dinh dưỡng tự nấu ở nhà. ví dụ như sữa tăng đề kháng,

    Tóm lại, đáp án cho câu hỏi “trẻ tiêm 5 trong 1 muộn có sao không?” là không sau, nhưng bố mẹ cần bổ sung mũi tiêm nhắc lại sớm nhất có thể và thực hiện tốt các công tác bảo vệ cho con trong thời gian chờ lịch tiêm. 

    Hy vọng các thông tin trong bài viết trên của Hello Bacsi đã giúp các ông bố, bà mẹ giải đáp toàn bộ thắc mắc về vắc xin 5 trong 1 và có sự chuẩn bị tốt hơn về hành trình chăm sóc con yêu sau khi chào đời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

    Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 28/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo