backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ sơ sinh bị sởi: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc đúng chuẩn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 20/09/2022

    Trẻ sơ sinh bị sởi: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc đúng chuẩn

    Sởi là bệnh dễ lây lan và có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Nguyên do là các bé còn quá nhỏ, không thể tiêm vaccine phòng ngừa sởi. Là một người mẹ, bạn cần tìm hiểu về cách phòng tránh và chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị sởi để giảm tối đa biến chứng.

    Tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được tất tần tật mọi điều cần lưu ý khi trẻ sơ sinh bị sởi.

    Nguy cơ bị bệnh sởi đối trẻ sơ sinh

    Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh sởi khi:

    • Trong cộng đồng nơi trẻ sinh sống đang có dịch sởi
    • Trẻ không được bú sữa mẹ
    • Bé có anh chị em lớn hơn từng mắc bệnh sởi

    Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị sởi

    Trẻ sơ sinh bị sởi

    Trẻ nhiễm bệnh sởi sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày. Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi không có nhiều khác biệt so với các nhóm tuổi khác. Sau thời kỳ ủ bệnh, trẻ sơ sinh bị sởi sẽ có đầy đủ các triệu chứng sau:

    • Sốt cao trên 39°C
    • Viêm đường hô hấp trên, viêm họng, chảy nước mũi, ho khan kéo dài
    • Mắt đỏ có gỉ, sưng mí mắt
    • Có thể trẻ bị tiêu chảy hay nôn ói
    • Phát ban theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ, sau đó lan dần sang các khu vực khác của cơ thể: Ban dát hồng, hơi gờ lên mặt da, mịn, mọc không dày.

    Trẻ sơ sinh bị sởi có nguy hiểm không?

    Trẻ sơ sinh bị sởi rất nguy hiểm. Nguyên nhân là vì sau khi mắc bệnh sởi, hệ miễn dịch của cơ thể bé sẽ bị suy giảm dẫn đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nếu trẻ không được điều trị đúng cách.

    Không những thế, trẻ sơ sinh bị sởi có thể gặp các biến chứng khác, như tiêu chảy, viêm phổi hoặc một tình trạng đặc biệt nghiêm trọng được gọi là viêm não – một bệnh nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương và não. Các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi thường là do biến chứng của bệnh gây ra. Theo thống kê, khoảng 1-2 trong số 1.000 trẻ em bị nhiễm bệnh sởi sẽ tử vong vì các biến chứng.

    Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh sởi cũng có thể gây tổn thương vĩnh viễn bằng cách tấn công thị lực của trẻ. Về lâu dài sau khi virus gây bệnh sởi biến mất, trẻ sơ sinh bị lên sởi có thể bị sẹo ở giác mạc. Nghĩa là, bệnh sởi có thể làm mờ và làm biến dạng giác mạc, khiến giác mạc có những vùng trắng phía trước làm trẻ không thể nhìn xuyên qua.

    Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi, hãy đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Chăm sóc trẻ sơ sinh bị sởi đúng cách

    Chăm sóc trẻ sơ sinh bị sởi

    Khi con trẻ không may bị sởi, bạn cần:

  • Cách ly bé, nếu bé bị sốt thì dùng thuốc hạ sốt. Không được tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ
  • Sau bệnh sởi, bé sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao. Vậy, trẻ sơ sinh bị sởi mẹ nên ăn gì? Chế độ ăn của mẹ cho bé bú sữa mẹ phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, nhất là vitamin A. Ngoài ra, mẹ cần tăng cường cữ bú cho bé.
  • Giữ vệ sinh thân thể bé, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh thật tốt
  • Cho trẻ nhỏ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn cứng làm tổn thương đường tiêu hóa
  • Người chăm sóc trẻ bệnh phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bé
  • Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị sởi cần kiêng gì? Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng
  • Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị sởi cần kiêng gì? Cần kiêng gió tự nhiên lùa nhưng không cần kiêng bật quạt trong phòng, vì bật quạt là để không khí thoáng mát. Nếu nóng quá ra mồ hôi sẽ làm cho trẻ sơ sinh bị sởi khó chịu và thậm chí khiến bệnh nặng hơn.
  • Nếu bé có các dấu hiệu như sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi, phát ban đã lặn hết nhưng vẫn sốt thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
  • Những điều cần biết về vaccine sởi

    Như vậy, bạn đã biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị sởi. Tiếp theo đây, mời bạn cùng tìm hiểu về vaccine sởi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

    Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu người mẹ đã từng tiêm vaccine phòng bệnh sởi thì có thể truyền các kháng thể cho con trong quá trình mang thai. Chính những kháng thể này sẽ giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ tự nhiên cho đến 6 tháng tuổi.

    Lý do trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi là do có sự tồn tại của các kháng thể do mẹ truyền sang. Nếu tiêm vaccine trong thời gian này, hệ miễn dịch của bé sẽ không hoạt động với vaccine nữa.

    Khi bé qua 6 tháng tuổi, bạn vẫn không thể tiêm vaccine cho trẻ cho tới khi đủ 9 tháng tuổi, vì lúc này hệ miễn dịch của bé vẫn yếu, không đủ mạnh để đáp ứng lại với vaccine.

    Vaccine sởi đơn sẽ được tiêm cho trẻ khi bé đủ 9 tháng tuổi. Vaccine sởi kết hợp quai bị, rubella (MMR) sẽ được tiêm khi bé đủ 12 tháng trở lên.

    Phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ sơ sinh

    Không chỉ nên biết những cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị sởi, mẹ cũng cần bỏ túi phương pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ sơ sinh. Những cách giúp mẹ bảo vệ bé khỏi bệnh sởi ở trẻ sơ sinh là:

    • Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi tiếp xúc với trẻ. Nhắc nhở mọi người trong gia đình và những người xung quanh bé nên làm theo
    • Hạn chế cho bé tiếp xúc với quá nhiều người và các bé khác có dấu hiệu bệnh sởi
    • Khử trùng đồ vật và các bề mặt trong nhà thường xuyên
    • Cho trẻ bú sữa mẹ, vì trong sữa mẹ có các kháng thể tự nhiên giúp phòng chống nhiễm trùng
    • Thay quần áo cho bé thường xuyên, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ phòng của trẻ luôn thông thoáng, sạch sẽ
    • Không nên cho trẻ sơ sinh đi đến những nơi đông người. Virus sởi là virus dễ lây nhiễm nhất, khi người bệnh ho, hắt hơi sẽ đẩy virus vào không khí. Trẻ sẽ dễ hít virus này từ không khí vào trong cơ thể.
    • Hạn chế số người tiếp xúc với trẻ. Bạn không nên cho bất kỳ người nào mà bạn chưa chắc chắn họ đã tiêm phòng sởi tiếp xúc với bé. Ngay cả những người thân trong gia đình, cũng cần đi tiêm phòng sởi khi trong nhà có trẻ sơ sinh.
    • Tình trạng bệnh viện quá tải bệnh nhân sởi là nguyên nhân lây nhiễm chéo bệnh sởi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, bạn chỉ nên đưa con đến viện khi thực sự cần thiết.

    Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ mọi thông tin liên quan đến tình trạng trẻ sơ sinh bị sởi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 20/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo