Nổ đom đóm mắt là hiện tượng mắt nhìn thấy đốm sáng nhấp nháy hoặc vòng tròn sáng nhỏ. Tình trạng này rất dễ xảy ra nếu trước đó bạn từng bị chấn thương đầu hoặc mắt. Ngoài ra, mắt nổ đom đóm còn có thể là dấu hiệu cảnh báo võng mạc đang bị “co kéo” bởi dịch kính. Đây là một tình trạng nguy hiểm vì nó có thể gây bong võng mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan nếu thường xuyên bắt gặp hiện tượng mắt nhìn thấy đốm sáng. Hãy tìm hiểu kỹ về vấn đề này và bạn có thể mau chóng có biện pháp can thiệp nếu không may rơi vào trường hợp tương tự.
Nổ đom đóm mắt là vì đâu?
Nguyên nhân mắt nhìn thấy đốm trắng sáng có thể từ nhiều yếu tố. Trong đó, phổ biến nhất là:
- Chấn thương ở đầu: tình trạng đầu chịu chấn thương có thể làm “phân tán” tín hiệu thần kinh ở não, từ đó tạm thời gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn.
- Vấn đề bất thường ở mắt: cụ thể là một số vấn đề bất thường xuất hiện trong nội nhãn gây ra.
Trong một số trường hợp, phụ nữ mang thai cũng có thể có hiện tượng mắt nhìn thấy đốm đen (vẩn đục dịch kính) hoặc đốm sáng bay trước mắt. Nguyên nhân có thể do tình trạng tăng huyết áp hoặc đường huyết tăng cao.
Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác có cũng có thể góp phần khiến mắt nổ đom đóm ở mẹ bầu, chẳng hạn như:
- Rách võng mạc
- Huyết áp thấp
- Bệnh võng mạc tiểu đường
- Huyết khối hình thành trong mạch máu võng mạc
- Nhiễm trùng mắt
- Biến chứng do phẫu thuật mắt
- Bệnh tự miễn, ví dụ như lupus
- Khối u phát triển ở mắt
>>> Bạn có thể quan tâm: Giải pháp loại bỏ chấm đen, ruồi bay trước mắt cho người bị vẩn đục dịch kính
Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn của hiện tượng nổ đom đóm mắt có thể gồm:
Chấn động thùy chẩm
Thùy chẩm là một vùng não nằm phía sau đầu, chịu trách nhiệm phân tích các tín hiệu thần kinh từ mắt. Ví dụ, nếu bạn nhìn vào một cái cây, võng mạc sẽ chuyển đổi hình ảnh cây thành các tín hiệu truyền qua dây thần kinh đến não. Tại đây, thùy chẩm sẽ giải mã chúng để não nhận ra hình ảnh bạn đang nhìn thấy là một cái cây.
Nếu đầu chịu chấn thương, các mô thùy chẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, chúng sẽ phát ra các xung điện ngẫu nhiên, khiến não diễn giải thành những vệt hoặc đốm sáng nhấp nháy.
Vấn đề liên quan đến cấu tạo mắt
Võng mạc là lớp mô mỏng nằm phía sau nhãn cầu. Phía trước nó là dịch kính, một khối gel chịu trách nhiệm định hình mắt. Bên trong dịch kính có nhiều sợi nhỏ và mỏng gắn kết võng mạc với lớp gel này. Nếu chúng kéo quá mạnh hoặc võng mạc và dịch kính cọ xát với nhau, bạn sẽ bị nổ đom đóm mắt.
Mặt khác, võng mạc bị kéo mạnh đến mức lệch khỏi vị trí vốn có sẽ trở thành bong võng mạc. Khi đó, bạn sẽ nhìn rất nhiều đốm sáng, đồng thời thị lực cũng suy giảm dần. Để đối phó với vấn đề trên, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật bong võng mạc.
Đau nửa đầu
Thực tế, không phải ai bị đau nửa đầu cũng gặp triệu chứng nổ đom đóm mắt. Tuy nhiên, tỷ lệ người có hiện tượng mắt nhìn thấy đốm sáng do đau nửa đầu cũng không hề nhỏ.
Nếu những vệt sáng nhấp nháy thường xuất hiện kèm theo cơn đau đầu, bạn có thể đang bị chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến mắt. Để được điều trị hiệu quả, bạn nên tìm gặp bác sĩ nhãn khoa.
Những yếu tố nguy cơ gây hiện tượng mắt nhìn thấy đốm sáng
Theo thời gian, khi bạn già đi, nguy cơ phát sinh các vấn đề về võng mạc cũng như suy giảm thị lực sẽ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ nhìn thấy nhiều vệt sáng hoặc đốm đen trước mắt hơn.
Tỷ lệ bong võng mạc sẽ tăng lên nếu bạn đột ngột thấy các đốm sáng xuất hiện nhiều hơn trước đó hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
Bất kỳ chấn thương nào ở mắt cũng đều có thể góp phần gây nổ đom đóm mắt, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến võng mạc. Do đó, việc đeo kính bảo hộ khi làm việc hoặc chơi những môn thể thao có nguy cơ tổn thương mắt là điều cần thiết.
>>> Bạn có thể quan tâm: Những dấu hiệu của bệnh về mắt bạn không được bỏ qua
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu sau khi bị va đập ở đầu, ngoài tình trạng nổ đom đóm mắt, bạn còn cảm thấy đau đầu dữ dội hoặc hoang mang, mơ hồ. Điều này có nguy cơ liên quan đến chấn động não.
Lúc này, để xác định tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra:
- Thị giác
- Thính giác
- Mức độ phản xạ
- Khả năng giữ thăng bằng và phối hợp
Bạn cũng sẽ được yêu cầu trả lời một số câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng nhận thức. Ngoài ra, chụp CT cũng là một phần của quá trình chẩn đoán chấn thương.
Nếu bạn không bị chấn thương ở đầu hoặc mắt nhưng lại hay gặp tình trạng mắt thấy đom đóm hay những đốm sáng nhấp nháy, hãy mau chóng sắp xếp công việc để đến gặp bác sĩ nhãn khoa.
Thực tế, trong trường hợp thỉnh thoảng bạn mới bị nổ đom đóm mắt, việc đến bệnh viện để kiểm tra là không cần thiết. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên đề cập đến vấn đề này vào lần khám mắt định kỳ tiếp theo nhé.
>>> Bạn có thể quan tâm: 8 cách trị “ruồi bay trước mắt” và bảo vệ mắt
Điều trị hiện tượng nổ đom đóm mắt như thế nào mới hiệu quả?
Đối với tình trạng nổ đom đóm mắt do chấn động não, bạn sẽ cần nghỉ ngơi nhiều. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau để điều trị tình trạng này.
Tuy nhiên, lưu ý chỉ được dùng paracetamol để giảm đau. Những loại thuốc giảm đau khác sẽ không được dùng trong trường hợp chấn động não, trừ khi bác sĩ cho phép.
Trong quá trình phục hồi, bác sĩ nhãn khoa cũng sẽ khuyến nghị bạn nên hạn chế xem tivi, chơi game hoặc tiếp xúc với ánh đèn sáng để tránh kích thích mắt. Ngược lại, những hoạt động thể chất thư giãn có thể giúp bạn rút ngắn thời gian hồi phục.
Nếu bạn bị bong hoặc rách võng mạc, bác sĩ sẽ làm phẫu thuật mắt. Phẫu thuật này bao gồm liệu pháp laser và làm lạnh cường độ cao. Sau đó, bác sĩ có thể cần theo dõi bạn trong thời gian dài nhằm đảm bảo không có biến chứng nào phát sinh.
Bài viết trên đây đã giúp bạn xác định nguyên nhân mắt thấy đom đóm, yếu tố nguy cơ gây bệnh và cách điều trị. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hay thắc mắc nào về tình trạng trên, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để nhận được lời giải đáp và cách chữa trị hiệu quả.