backup og meta

Phá thai

Phá thai

Tìm hiểu chung

Phá thai là tình trạng gì?

Phá thai là chấm dứt thai sớm bằng cách sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ phôi thai hay bào thai và nhau thai ra khỏi tử cung. Dù phá thai bằng cách nào thì việc này cũng cần thực hiện bởi các bác sĩ sản khoa ở những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải biến chứng.

Thời điểm phá thai an toàn nhất là trong 3 tháng đầu, khi thai được 5 – 8 tuần tuổi. Thai càng lớn thì việc phá thai sẽ càng nguy hiểm. Tuyệt đối không bỏ thai khi thai từ 20 tuần trở lên vì có thể đưa đến nhiều biến chứng.

Triệu chứng thường gặp

Dù phá thai bằng cách nào thì sau khi phá thai, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như chảy máu, đau bụng kiểu hành kinh và ra nhiều dịch âm đạo. Bạn có thể bị chảy máu và đau như bị hành kinh đến 14 ngày sau khi phá thai, thậm chí có thể lâu hơn nếu bạn phá thai khi thai hơn 7 tuần.

Bạn nên đi khám ngay nếu có những triệu chứng sau khi phá thai dưới đây:

  • Chảy máu nặng, xuất hiện cục máu đông lớn và tình trạng chảy máu không thuyên giảm sau nhiều ngày
  • Tiếp tục đau bụng sau khi đã dùng thuốc giảm đau
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt trên 38 độ C trong 4 giờ, đau đầu, chóng mặt…
  • Dịch âm đạo ra nhiều hơn bình thường và có mùi hôi

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.

Điều trị hiệu quả

phá thai

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán thai kỳ trước khi phá thai?

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và làm xét nghiệm để chắc chắn rằng bạn đang mang thai. Bác sĩ có thể sẽ siêu âm để xác định thai nhi được bao nhiêu tuần tuổi.

Các phương phá phá thai phổ biến

Bác sĩ sẽ chỉ định cách phá thai phụ thuộc vào thai nhi đã được bao nhiêu tuần:

1. Phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc)

  • Sử dụng các loại thuốc phá thai như misoprostol, mifepristone, methotrexate
  • Chỉ được thực hiện khi thai từ 7 tuần trở xuống và thai đã vào tử cung
  • Tác dụng chính của phương pháp này là ngưng sự phát triển của thai nhi và đẩy thai ra khỏi dạ con.
  • Phá thai bằng thuốc có nguy hiểm không? Tất cả các phương pháp phá thai đều tiềm ẩn rủi ro. Đối với phá thai bằng thuốc, bạn có thể gặp phải các vấn đề như phá thai còn sót, nhiễm trùng, băng huyết…
  • Để đảm bảo an toàn, việc phá thai bằng thuốc phải được thực hiện bởi bác sĩ tại những cơ sở y tế uy tín. Hiệu quả chấm dứt thai kỳ của phương pháp này là 96 – 98%

2. Hút thai

  • Phương pháp phá thai ngoại khoa, sử dụng dụng cụ hút chân không để chấm dứt thai kỳ
  • Chỉ được thực hiện khi thai từ 6 đến 12 tuần
  • Thời gian thực hiện từ 10 – 15 phút và cần được thực hiện ở những bệnh viện lớn để tránh gặp phải các biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung…

3. Phương pháp nong và gắp (hay nạo thai)

  • Thực hiện với thai từ 13 đến 18 tuần
  • Kết hợp dùng thuốc và cả dụng cụ: Thai phụ sẽ được dùng thuốc để thai nhi ngưng phát triển, sau đó bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để nong cổ tử cung và nạo phôi thai
  • Gây đau đớn và để lại nhiều biến chứng, do đó cần được thực hiện ở những bệnh viện lớn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

phá thai

Sau phá thai cần lưu ý những gì?

– Sau phá thai nên ăn gì? Bạn cần duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng với:

  • Các thực phẩm giàu protein như thịt bò, thịt gà, các loại đậu, cá…để hỗ trợ tạo máu, bù đắp lượng máu thiếu hụt.
  • Uống sữa để bổ sung vitamin B và canxi
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch… để bồi bổ sức khỏe, đồng thời cung cấp thêm sắt, vitamin B, chất xơ và nhiều dưỡng chất quan trọng khác
  • Rau củ và trái cây như rau cải ngọt, bông cải xanh, rau bina, rau có màu xanh đậm…để cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

– Sau khi phá thai bao lâu thì quan hệ được? Các chuyên gia khuyến cáo thời gian thích hợp để quan hệ tình dục trở lại sau khi sảy thai, nạo phá thai là từ 4–8 tuần. Tuy nhiên, để phòng ngừa rủi ro mang thai ngoài ý muốn, tốt nhất là bạn chỉ nên quan hệ tình dục trở lại sau 1,5 tháng.

– Phá thai được 2 tuần quan hệ có sao không? Phá thai được 3 tuần quan hệ có sao không? Vừa phá thai xong quan hệ có sao không. Đây là những thắc mắc rất phổ biến. Nếu quan hệ quá sớm sau khi phá thai sẽ dễ gây viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản…

Những thói quen sinh hoạt nào giúp hạn chế việc phá thai?

Nếu bạn không muốn hoặc không có dự định có thai ngay thì có thể sử dụng các phương pháp tránh thai, ví dụ như dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Tham khảo Cách phá thai an toàn, lời khuyên từ các chuyên gia y tế!

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Nguyên nhân

Phá thai là vấn đề mang tính cá nhân, tùy thuộc vào quyết định của mỗi người. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Có nhiều yếu tố làm bạn phải đưa ra quyết định phá thai, chẳng hạn như:

  • Tránh thai không hiệu quả;
  • Phòng ngừa trẻ bị dị tật bẩm sinh;
  • Mang thai do bị cưỡng hiếp hay có mối quan hệ loạn luân;
  • Tình trạng cơ thể hoặc tinh thần gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu nếu tiếp tục mang thai.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Abortion – Topic overview. http://www.webmd.com/women/tc/abortion-topic-overview#2. Ngày truy cập 16/09/2016.

Abortion. https://medlineplus.gov/abortion.html. Ngày truy cập 16/09/2016.

Abortion – what happen. http://www.nhs.uk/Livewell/Sexualhealth/Pages/Abortionwhattoexpect.aspx. Ngày truy cập 16/09/2016.

Abortion – reasons women choose abortion. http://www.webmd.com/women/tc/abortion-reasons-women-choose-abortion. Ngày truy cập 16/09/2016.

Phiên bản hiện tại

11/12/2023

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Quan hệ tình dục không xâm nhập cọ xát bên ngoài có mang thai không?

Cảnh giác với 3 triệu chứng nguy hiểm sau khi phá thai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 11/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo