backup og meta

6 dấu hiệu thai lưu dễ phát hiện nhất mẹ cần cảnh giác!

6 dấu hiệu thai lưu dễ phát hiện nhất mẹ cần cảnh giác!

Hiểu rõ về hiện tượng thai lưu cũng như các dấu hiệu thai lưu sớm nhất để sớm nhận biết và xử lý kịp thời là điều quan trọng mà mẹ không nên bỏ qua để bảo vệ bản thân và bé cưng khỏi những biến chứng nguy hiểm.

Thai lưu là tình trạng cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ. Đa phần, các dấu hiệu cảnh báo thai lưu thường không rõ ràng ở giai đoạn sớm nhưng mẹ vẫn có thể nghi ngờ về điều này nếu thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường.

Dưới đây là một số kiến thức xoay quanh hiện tượng thai lưu như thai chết lưu có biểu hiện gì, nguyên nhân thai lưu cũng như cách phòng tránh mà bạn cần trang bị để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Thai lưu là gì? 5 nguyên nhân dẫn đến thai lưu

Trước khi điểm qua từng dấu hiệu thai lưu, mẹ cần biết thai lưu là gì cũng như sảy thai và thai lưu có giống nhau không.

Thai lưu, thai chết lưu hay lưu thai là tình trạng mất thai trước hoặc trong khi sinh. Cả sảy thai và thai lưu đều được hiểu là tình trạng mất thai nhưng sảy thai là hiện tượng thai hay túi thai bị tống ra khỏi tử cung còn thai lưu là hiện tượng thai mất tim thai.

Rất khó để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng thai lưu nhưng chủ yếu là do:

  • Thai nhi tăng trưởng kém: Có nguy cơ tử vong cao và gặp nhiều biến chứng trong thai kỳ, trước và sau khi sinh.
  • Bong nhau non: Nhau thai bắt đầu tách rời tử cung trước khi em bé được sinh ra ngoài.
  • Dị tật bẩm sinh:Thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể và di truyền cũng như những khuyết tật về cấu trúc. 
  • Nhiễm trùng: Trước tuần 28, nếu mẹ hoặc thai nhi bị các bệnh nhiễm trùng như ban đỏ, nhiễm khuẩn cấp, cytomegalovirus, listeriosis và giang mai thì nhiều nguy cơ thai lưu.
  • Biến chứng dây rốn: Một số trường hợp như dây rốn thắt nút, mạch máu tiền đạo, khi xuất hiện cơn co tử cung có thể gây siết chặt dây rốn, thai nhi sẽ bị thiếu oxy hoặc gây đứt rách dây rốn gây mất tim thai . Tuy nhiên, nguyên nhân thai lưu này khá là hiếm gặp.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân dẫn đến thai lưu khác, chẳng hạn như thiếu oxy trong lúc sinh hoặc mẹ bị động thai (chấn thương do tai nạn xe hơi) cũng có thể khiến thai bị chết.

6 dấu hiệu thai lưu cần nhận biết sớm

dấu hiệu thai lưu cần nhận biết sớm

Hiện tượng thai lưu có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ bầu. Do đó, bạn cần biết các cách nhận biết thai lưu để sớm nhận biết và có biện pháp đối phó kịp thời. Dưới đây là những biểu hiện thai lưu hay dấu hiệu thai ngừng phát triển thường gặp:

  1. Cử động thai giảm, không còn cảm nhận thai máy
  2. Tim thai bất thường lúc siêu âm, không còn nghe thấy tim thai cũng là biểu hiện thai lưu
  3. Bụng co cứng, nặng nề, không có dấu hiệu to ra
  4. Xuất huyết âm đạo
  5. Ngực tự động tiết sữa non, bầu vú không còn căng
  6. Vỡ nước ối bất ngờ dù chưa có dấu hiệu chuyển dạ.

Dấu hiệu thai lưu 3 tháng đầu (biểu hiện của thai lưu 5 tuần, dấu hiệu thai lưu 6 tuần) thường không rõ ràng nên khó nhận biết. Bạn có thể nghi ngờ thai lưu nếu có hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, đồng thời các biểu hiện ốm nghén cũng giảm đi.

Dấu hiệu thai chết lưu 3 tháng giữa và dấu hiệu thai chết lưu 3 tháng cuối thường sẽ dễ nhận biết hơn thông qua cử động thai. Nếu tần suất thai máy giảm, mất tim thai đột ngột khi siêu âm, âm đạo ra máu đen, ngực tiết sữa non nhiều, bầu vú không còn căng… thì có thể là triệu chứng thai lưu.
Một số mẹ bầu cũng băn khoăn không biết liệu thai chết lưu thử que có lên 2 vạch không. Câu trả lời là “CÓ” do lượng nội tiết tố sinh ra trong thời gian mang thai vẫn còn nên que thử thai vẫn lên 2 vạch. Nhìn chung, que thử thai chỉ giúp phát hiện mang thai chứ không thể chẩn đoán thai chết lưu. Do đó, để biết chính xác thì mẹ nên đi khám.

Nên làm gì khi gặp phải dấu hiệu thai lưu?

Ngay khi thấy cơ thể có những biểu hiện gợi ý thai lưu kể trên, bạn nên đi khám ngay. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm Doppler để kiểm tra nhịp tim của thai nhi.

Thai lưu có cứu được không? Thai lưu là tình trạng thai đã mất tim thai nên không thể cứu được. Nếu xác định tình trạng thai lưu, bác sĩ sẽ đề xuất bạn phương án lấy thai ra sớm, chẳng hạn như kích thích chuyển dạ hay sinh mổ hoặc hút thai với những trường hợp thai nhỏ.

Thai lưu trong tử cung bao lâu thì nguy hiểm? Nếu thai lưu trong dạ con 3 – 4 tuần sẽ dễ gây rối loạn đông máu, dẫn tới nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi điều trị, bạn sẽ mất từ ​​6 – 8 tuần để hồi phục. Quá trình sổ nhau có thể kích hoạt các hormone sản xuất tuyến sữa và khiến bạn tiết sữa từ 7 đến 10 ngày. Thai lưu có thể khiến mẹ đau đớn nhưng đừng vì vậy mà bạn đổ lỗi cho bản thân. Nếu không thể vượt qua “chướng ngại” tâm lý, bạn có thể đến gặp chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ.

Ai có nguy cơ cao gặp phải hiện tượng thai lưu?

Bất cứ ai cũng có khả năng gặp phải dấu hiệu thai lưu, nhưng một số phụ nữ có nguy cơ cao hơn như:

  • Đã từng bị thai lưu hoặc thai mắc hội chứng chậm phát triển trong thai kỳ trước đó; có tiền sử sinh non, tăng huyết áp do mang thai hoặc tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu
  • Mắc các bệnh mạn tính như lupus, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, tăng huyết khối (rối loạn đông máu) hoặc bệnh tuyến giáp
  • Phát triển các biến chứng trong thai kỳ, chẳng hạn như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tăng huyết áp do thai nghén, tiền sản giật hoặc ứ mật trong thai kỳ
  • Người hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc gây nghiện trong thời kỳ mang thai cũng có thể gặp phải các dấu hiệu thai lưu
  • Mang song thai hoặc đa thai
  • Là người béo phì
  • Phụ nữ lần đầu mang thai cũng có nguy cơ cao hơn.

Một số bằng chứng cho thấy những phụ nữ mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ thai nhờ kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) sẽ có nguy cơ gặp phải hiện tượng thai lưu cao hơn, ngay cả khi không mang đa thai.

Lưu ý khi mang thai để phòng tránh dấu hiệu thai lưu

lưu ý khi mang thai

1. Trước khi mang thai

Nếu chưa mang thai, bạn nên sắp xếp đi khám để sớm phát hiện và điều trị các vấn đề có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai kỳ. Nếu đang mắc phải những bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát các bệnh lý này trước khi bạn thụ thai.

Nếu có tiền sử bị thai lưu thì trước khi thụ thai, mẹ nên đi khám tổng quát để xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai lưu ở lần mang thai trước để có cách hạn chế nguy cơ.

Ngoài ra, một số việc bạn cần chuẩn bị trước khi mang thai sau khi bị thai lưu là ăn uống đầy đủ, bổ sung axit folic trước khi mang thai, loại bỏ các thói quen không lành mạnh và giữ tinh thần lạc quan, thoải mái. 

2. Trong thai kỳ

Để hạn chế nguy cơ gặp phải các dấu hiệu thai lưu, bạn cần chú ý thực hiện 7 điều sau:

  • Ngưng hút thuốc
  • Tránh rượu, bia và thuốc trong thai kỳ
  • Chú ý đến những dấu hiệu tiền sản để theo dõi sự phát triển của thai nhi
  • Duy trì cân nặng hợp lý trong thời kỳ mang thai
  • Bảo vệ chính bản thân, tránh nhiễm trùng và hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nghi ngờ về chất lượng hay hạn sử dụng
  • Đi khám nếu có các biểu hiện thai lưu như chảy máu âm đạo hoặc đau bụng bất thường

Việc sẩy thai, thai chết non hay thai lưu có thể khiến bản thân người vợ hoặc chồng và gia đình suy sụp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Nếu có thể, bạn hãy lấp đầy thời gian biểu của mình và gia đình bằng những hoạt động thư giãn, làm việc hoặc những chuyến dã ngoại sẽ giúp cải thiện tinh thần tốt hơn, đồng thời cân bằng trạng thái để dễ thụ thai trong lần tới.

HelloBacsi mời bạn tham gia Cộng đồng Mang thai để cùng thảo luận, cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is Stillbirth? https://www.cdc.gov/ncbddd/stillbirth/facts.html

Ngày truy cập: 12/7/2024

Stillbirth https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9685-stillbirth

Ngày truy cập: 12/7/2024

Stillbirth https://www.nhs.uk/conditions/stillbirth/

Ngày truy cập: 12/7/2024

What is Stillbirth? https://www.pregnancybirthbaby.org.au/what-is-a-stillbirth

Ngày truy cập: 12/7/2024

What is Stillbirth? https://www.tommys.org/baby-loss-support/stillbirth-information-and-support/what-is-stillbirth Ngày truy cập: 12/7/2024

Phiên bản hiện tại

15/07/2024

Tác giả: Bích Hà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Biến chứng khi mang thai đôi mẹ bầu có thể gặp phải

Bác sĩ xử lý thai chết lưu như thế nào? Những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 15/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo