Khi mang thai, phụ nữ cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của bản thân và sự phát triển của thai nhi để đảm bảo thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Một trong những vấn đề thai phụ cần quan tâm là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Thế nhưng, một số mẹ bầu cho rằng bản thân đã áp dụng một chế độ ăn nghiêm ngặt khi mang thai, đồng thời cũng không có các dấu hiệu bất thường cảnh báo bị tiểu đường thai kỳ, do đó cho rằng xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ là không cần thiết. Vậy, mẹ bầu không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?
Để biết được câu trả lời cho vấn đề không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Hiểu đúng về tiểu đường thai kỳ và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Trước khi biết được không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không, cùng tìm hiểu về bệnh đái tháo đường thai kỳ và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu cao, phát triển trong thời kỳ mang thai và thường biến mất sau khi sinh. Tiểu đường thai kỳ xảy ra do nhau thai sản xuất ra một số loại hormone ngăn cơ thể sử dụng insulin như bình thường (kháng insulin), khiến đường huyết (glucose) tích tụ trong máu thay vì được các tế bào trong cơ thể hấp thụ.
Để kịp thời phát hiện ra bệnh đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Đây là một xét nghiệm nhằm kiểm tra nồng độ glucose trong máu mẹ bầu, giúp tầm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ. Có 2 loại xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:
- Xét nghiệm 2 bước: Bao gồm xét nghiệm thử glucose và xét nghiệm dung nạp glucose
- Xét nghiệm 1 bước: Chỉ gồm xét nghiệm dung nạp glucose để đo lường phản ứng của cơ thể với đường glucose.
Bạn có thể xem thêm
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không?
Nếu bạn thắc mắc có nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không, cần hiểu rằng, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều vấn đề cho thai phụ và thai nhi trong khi mang thai, trong và sau khi sinh. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được quản lý tốt, nguy cơ gặp phải những biến chứng khi sinh có thể giảm xuống.
Hiện nay, mặc dù xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng gánh nặng trong quản lý và chăm sóc thai kỳ, và chưa có nghiên cứu đầy đủ chỉ ra phương pháp tầm soát nào là tối ưu nhất. Thế nhưng, lợi ích của việc sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả là không cần bàn cãi khi xét về phương diện cải thiện kết cục cho cả mẹ và thai nhi.
Đến nay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi kịp thời chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và áp dụng các biện pháp điều trị hợp lý:
- Nguy cơ trẻ nặng hơn 4kg khi sinh sẽ giảm xuống (giảm nguy cơ thai to)
- Nguy cơ một trong hai vai của trẻ bị mắc kẹt trong khung xương chậu của mẹ trong khi sinh giảm (giảm nguy cơ kẹt vai)
- Nguy cơ chấn thương cho mẹ và con giảm
- Nhiều phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không có bất kỳ vấn đề liên quan nào trong quá trình mang thai hoặc sinh nở.
Giải đáp: Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?
Đái tháo đường thai kỳ thường không thể nhận biết sớm được bằng các triệu chứng thông thường. Cách tốt nhất để kịp thời nhận biết căn bệnh này là làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Nhưng nếu không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?
Mặc dù hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ được kiểm soát tốt đều có thai kỳ bình thường với những đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề cho cả thai phụ và thai nhi.
1. Nguy cơ biến chứng tiểu đường thai kỳ đối với mẹ bầu
Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu có nguy cơ cao gặp phải những biến chứng thai kỳ như:
- Tiền sản giật: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thường gặp phải tình trạng tăng huyết áp khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, không ít thai phụ bị tăng huyết áp phải đối mặt với nguy cơ bị tiền sản giật.
- Tăng nguy cơ mổ lấy thai: Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không? Bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến thai nhi phát triển lớn hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong quá trình sinh nở và làm tăng nguy cơ cần phải kích thích chuyển dạ hoặc sinh mổ. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để đánh giá và tầm soát là vô cùng quan trọng.
- Đa ối: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng có quá nhiều nước ối (đa ối), gây chuyển dạ sớm hoặc các vấn đề khi sinh nở.
- Sinh non: Việc không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có thể dẫn tới tình trạng không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ khiến mẹ bầu có thể có nguy cơ sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
- Tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2: Trường hợp không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ, mẹ bầu khó phát hiện ra tình trạng sức khỏe của bản thân, dẫn đến việc không áp dụng một chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp nhằm kiểm soát tốt đường huyết. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 sau khi sinh.
Bạn có thể xem thêm
2. Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không? Nguy cơ biến chứng tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến thai nhi theo nhiều cách khác nhau nếu mẹ bầu không kiểm soát lượng đường trong máu. Trường hợp mẹ bầu không kịp thời làm xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ để có phương pháp quản lý và điều trị bệnh phù hợp, em bé có nguy cơ gặp phải những vấn đề như:
- Bị chấn thương khi sinh do thai to: Tiểu đường thai kỳ khiến thai nhi phát triển to hơn bình thường, gây khó sinh và chấn thương cho em bé trong quá trình sinh nở.
- Hạ đường huyết: Nếu lượng đường trong máu của người mẹ quá cao, thai nhi tạo ra nhiều insulin hơn. Ngay sau khi được sinh ra, em bé không còn nhận được lượng đường trong máu cao từ người mẹ qua nhau thai. Điều này làm cho lượng đường trong máu của em bé giảm xuống rất thấp gây hạ đường huyết.
- Có lượng canxi hoặc magiê trong máu thấp: Trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng có thể có lượng canxi hoặc magiê trong máu thấp.
- Vàng da và mắt: Nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ nhưng không được điều trị, trẻ sinh ra có nguy cơ bị vàng da và mắt, có thể phải điều trị tại bệnh viện.
- Gặp các vấn đề về sức khỏe: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ đối diện với nguy cơ sinh non cao. Trẻ sinh non thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và béo phì trong tương lai: Nhiều nghiên cứu cho thấy con của những mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị tiểu đường tuýp 2 hoặc béo phì trong tương lai.
- Thai lưu: Mặc dù trường hợp này rất hiếm, nhưng vẫn là một biến chứng thai kỳ cần đặc biệt lưu ý.
Kết luận
Bạn có thể xem thêm:
Thời điểm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không. Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến hơn trong khoảng 24 đến 28 tuần. Vậy, nên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ khi nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm tầm soát tiểu đường trong thai kỳ 2 lần:
- Ngay trong lần khám thai đầu tiên: Khoảng tuần thứ 8 đến 12 của thai kỳ, khi thai phụ đi khám thai, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu làm xét nghiệm đường huyết (hoặc một chỉ số khác liên quan đến bệnh tiểu đường: HbA1C), nhất là đối với những mẹ bầu có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao (bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai; có người thân mắc bệnh tiểu đường; từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước…). Xét nghiệm này giúp xác định mẹ có đang mắc tiểu đường ngay từ trước khi mang thai không.
- Vào tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ: Càng về cuối thai kỳ, nhu cầu về lượng insulin cần thiết để giữ mức đường huyết ở mức tối ưu tăng cao hơn bình thường, khiến cơ thể mẹ bầu tiết ra nhiều insulin hơn và thường bắt đầu bộc lộ sự chênh lệch trong khoảng tuần thứ 20 đến 24. Do đó, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ để tầm soát bệnh. Lần xét nghiêm này giúp xác định những người thực sự mắc tiểu đường thai kỳ (nếu tiền sử và xét nghiệm trước đó bình thường).
Có thể bạn quan tâm
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được câu trả lời cho vấn đề không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không.
[embed-health-tool-due-date]