backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nhận biết dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối để tránh biến chứng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2023

    Nhận biết dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối để tránh biến chứng

    Bệnh tiểu đường thai kỳ xuất hiện rõ hay trở nên khó kiểm soát trong tam cá nguyệt thứ ba có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Thế nên, việc hiểu rõ và nhận biết sớm những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối sẽ giúp mẹ hạn chế những rủi ro mà căn bệnh này gây ra, đồng thời giúp quá trình điều trị bệnh thuận lợi hơn.

    Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, cũng như hiểu hơn về vấn đề tiểu đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba.

    Tổng quan về tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường xảy ra ở phụ nữ mang thai không mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai. Đây là tình trạng cơ thể mẹ bầu không sản xuất đủ insulin khiến lượng đường trong máu cao trong thời kỳ mang thai. 

    Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ được cho là do những thay đổi khi mang thai hoặc chính thai kỳ đã làm lộ rõ những khiếm khuyết khiến cơ thể mẹ bầu không thể sản xuất đủ insulin – một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm cho glucose không được tiêu thụ một cách đúng mức bởi các tế bào mà tồn đọng trong máu dẫn đến tăng lượng đường trong máu, trong khi nhu cầu bổ sung dưỡng chất trong thai kỳ tăng cao để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.

    Mặc dù đái tháo đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình mang thai, nhưng thường phổ biến hơn trong cuối tam cá nguyệt thứ hai và nhất là tam cá nguyệt thứ ba. Do đó, phụ nữ mang thai cần nhận biết được những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối để có cách chăm sóc sức khỏe kịp thời và phù hợp. Vậy, những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối là gì? Mời bạn đọc tiếp để có câu trả lời.

    Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Hầu hết phụ nữ mang thai không có bất kỳ dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối nào hoặc không có triệu chứng nào đáng chú ý. Đa phần, các trường hợp đái tháo đường thai kỳ được phát hiện sau khi thai phụ thăm khám và tầm soát bệnh. Cách tốt nhất để nhận biết tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối là xét nghiệm lượng đường trong máu, thường được thực hiện vào khoảng tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ.

    Mặc dù vậy, một số phụ nữ vẫn có thể có các triệu chứng và dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối nếu lượng đường trong máu quá cao, những triệu chứng chủ quan ở người mẹ có thể bao gồm:

    1. Đi tiểu nhiều hơn bình thường

    dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối đầu tiên là thai phụ đi tiểu nhiều hơn bình thường. Mặc dù khi mang thai, việc thai nhi chèn ép lên bàng quang sẽ khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều lần trong ngày, nhưng tần suất đi vệ sinh của một số phụ nữ mang thai khi mắc tiểu đường thai kỳ có thể nhiều hơn nữa, đặc biệt là vào ban đêm.

    Nguyên nhân là vì khi cơ thể không thể chuyển hóa hết được glucose dẫn đến lượng đường dư thừa trong máu cao, nên thận đã bị buộc phải đào thải glucose qua đường tiểu. Điều này dẫn đến nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn của mẹ bầu.

    2. Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối: Thường xuyên khát nước

    Uống nước nhiều hơn mức bình thường và luôn có cảm giác khát nước cũng là một trong những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối rõ ràng nhất. Khi mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, thai phụ thường cảm thấy muốn uống nước liên tục và uống với lượng nước nhiều hơn bình thường, kể cả khi trước đó mẹ bầu không hề ăn đồ ngọt, mặn hay uống đồ ngọt hoặc vận động quá nhiều. 

    Không những thế, tình trạng đi tiểu nhiều cũng có thể khiến cơ thể thai phụ bị mất nước. Điều này khiến mẹ bầu cảm thấy khát nước nhiều hơn bình thường nên buộc phải thường xuyên bổ sung nước và chất lỏng cho cơ thể để bù đắp lại lượng nước bị hao hụt.

    3. Mệt mỏi quá mức là dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Khi mang thai, phụ nữ thường cảm thấy mệt mỏi do nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, đối với thai phụ bị bệnh tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, tình trạng mệt mỏi, uể oải trở nên trầm trọng hơn bình thường, thậm chí là thường trực, mặc dù trước đó mẹ bầu không hề vận động thể lực quá nhiều. 

    Nguyên nhân là vì khi cơ thể không chuyển hoá glucose một cách phù hợp, các tế bào có thể không nhận được đủ năng lượng cần thiết để hoạt động bình thường. Mẹ bầu sẽ cảm thấy đặc biệt mệt mỏi do cơ thể phải vừa cố gắng duy trì hoạt động, vừa nỗ lực chống lại bệnh tật để bảo vệ mẹ và bé.

    dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    4. Khô miệng

    Một dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối khác là thai phụ dễ bị khô miệng, khô cổ họng. Nếu mẹ bầu cảm thấy miệng và cổ họng liên tục bị khô dù đã thường xuyên uống nước và bổ sung chất lỏng cho cơ thể, hãy đi khám và làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để tầm soát bệnh.

    5. Mờ mắt là biểu hiện của tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Khi hàm lượng đường trong máu đột ngột tăng cao, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị mờ mắt ngắn hạn. Mặc dù dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối này ít khi xảy ra nhưng đây là một triệu chứng đặc trưng cảnh báo đái tháo đường thai kỳ. Mẹ bầu nên lưu ý vấn đề này nhằm kịp thời phát hiện để có thể quản lý và điều trị bệnh hiệu quả.

    6. Một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối khác

    Ngoài những biểu hiện tiểu đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba đã được đề cập, vẫn còn một số triệu chứng tiểu đường thai kỳ mà mẹ bầu cần lưu ý:

    • Ngứa ran hoặc có cảm giác tê ở bàn tay, bàn chân
    • Vết thương hở, vết trầy xước, vết loét khó lành
    • Ngứa miệng hoặc tưa miệng khi mang thai
    • Ngứa ngáy vùng kín, viêm âm hộ âm đạo 

    Lưu ý

    Mặc dù đây là những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối nhưng những triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các “tác dụng phụ” điển hình của quá trình mang thai.
    Do đó, dù những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng là biểu hiện của tiểu đường thai kỳ, nhưng mẹ bầu nên đi khám để tầm soát bệnh nếu nghi ngờ hoặc cảm thấy bản thân có dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba.

    Đọc thêm: Giải đáp thắc mắc: Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?

    Tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối có thể gây ra những biến chứng gì? 

    Như vậy là bạn đã biết được những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối. Hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ  nếu được phát hiện và kiểm soát tốt đều có thai kỳ bình thường và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu không kịp thời phát hiện để điều trị hiệu quả, bệnh đái tháo đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi:

    1. Biến chứng tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối ở mẹ bầu

    dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Nếu bạn đang thắc mắc tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối có nguy hiểm không, thì câu trả lời là mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba có nguy cơ đối mặt với những biến chứng sau:

    • Nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2: Với những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, thông thường sau khi sinh, lượng đường trong máu có thể trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 của các mẹ bầu này sau sinh sẽ cao hơn. Vì vậy, việc kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên sau khi sinh là cần thiết.
    • Sinh non: Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị thai phụ sinh sớm vì em bé quá lớn hoặc vì lo ngại các biến chứng như thai lưu.
  • Cao huyết áp và tiền sản giật: Bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, cũng như tiền sản giật – một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ gây ra huyết áp cao và các triệu chứng khác có thể đe dọa tính mạng của mẹ bầu và em bé.
  • Đa ối: Nếu mẹ bầu có những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, bệnh có thể dẫn đến tình trạng đa ối – một vấn đề gây chuyển dạ sớm hoặc rủi ro khi sinh nở.
  • Nguy cơ sinh mổ hoặc mổ lấy thai trong quá trình sinh thường: Lượng đường trong máu cao có thể gây ra nhiều vấn đề cho mẹ bầu và em bé, bao gồm tăng khả năng cần phẫu thuật để sinh con.
  • 2. Biến chứng tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối ở thai nhi 

    dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối có nguy hiểm không? Việc mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mà không được chữa trị có thể khiến em bé trong bụng mẹ có nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng:

    • Thai chết lưu: Bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không được điều trị có thể dẫn đến thai chết lưu.
    • Thai nhi quá to: Lượng đường trong máu của mẹ bầu cao hơn mức tiêu chuẩn có thể khiến em bé phát triển quá lớn gây khó khăn trong quá trình sinh nở và làm tăng nguy cơ cần phải kích thích chuyển dạ hoặc buộc phải sinh mổ. Không những thế, thai nhi quá lớn làm tăng nguy cơ em bé bị chèn ép hoặc chấn thương khi sinh qua ngả âm đạo.
    • Nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nếu không được điều trị có nguy cơ sinh non rất cao. Trẻ sinh non có thể gặp phải hội chứng suy hô hấp – một tình trạng gây khó thở nghiêm trọng.
    • Hạ đường huyết ngay sau khi sinh: Em bé được sinh ra từ các bà mẹ tiểu đường kiểm soát kém dễ có nguy cơ hạ đường huyết ngay sau khi sinh. Các đợt hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. 
    • Nguy cơ bị béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi lớn lên: Nếu mẹ bầu có những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối và xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ cho kết quả dương tính, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn mắc bệnh béo phì và tiểu đường loại 2 khi lớn lên.
    • Một số biến chứng khác có thể xảy ra ở thai nhi có mẹ bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối là: Vàng da và mắt sau khi sinh, dị tật bẩm sinh (chẳng hạn như phát triển cột sống bất thường), bệnh tim, mắc các khuyết tật ống thần kinh, cần nằm phòng chăm sóc tích cực lâu hơn để điều trị và theo dõi sức khỏe trong bệnh viện…

    Phòng ngừa tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối

    Bên cạnh việc tìm hiểu những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, mẹ bầu cũng cần chủ động phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba. Dưới đây là một số biện pháp ngừa tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mà mẹ bầu nên tham khảo:

    • Ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Mẹ bầu nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo; tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc. Các mẹ cũng cần cố gắng tạo ra sự đa dạng dinh dưỡng trong các bữa ăn.
    • Duy trì tập luyện: Tập thể dục nhẹ nhàng xuyên suốt thai kỳ có thể giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ. Mẹ bầu có thể đạp xe nhẹ nhàng, đi bộ thư thả 30 phút mỗi ngày, tập yoga cho bà bầu…
    • Duy trì mức tăng cân phù hợp: Tăng cân khi mang thai là điều bình thường, nhưng tăng cân quá nhanh và quá mức khuyến cáo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
    • Theo dõi chỉ số đường huyết: Cách này giúp mẹ bầu phát hiện sớm các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, từ có có cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, cũng như hiểu hơn về tầm quan trọng của việc sớm nhận biết những triệu chứng này để điều trị bệnh kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn cho cả mẹ bầu và thai nhi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo