backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

5 Dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối đáng lưu ý giúp mẹ nhận biết kịp thời

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 06/10/2022

    5 Dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối đáng lưu ý giúp mẹ nhận biết kịp thời

    Thai lưu là một trường hợp vô cùng đáng tiếc xảy ra đối với mẹ bầu và cả gia đình. Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Vì thế, mẹ cần phải lưu ý những dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối để kịp thời đến bệnh viện, tránh xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về cách nhận biết thai lưu 3 tháng cuối, mẹ phải làm gì khi có những dấu hiệu đáng tiếc này. Ngoài ra, bài viết cũng cung cấp cho mẹ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề thai kỳ này.

    Thai lưu là gì?

    Thai lưu là tình trạng thai nhi ngưng phát triển và chết trong bụng mẹ từ tuần thứ 20 trở đi, thường gặp nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ. Thai chết lưu do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu do tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể hoặc do dây rốn thì nguy cơ mẹ bị thai lưu ở lần mang thai tiếp theo sẽ thấp. Tuy nhiên nếu nguyên nhân khiến thai chết lưu do bệnh mạn tính của mẹ hay rối loạn di truyền thì nguy cơ xảy ra sẽ cao hơn. Ngoài ra, khoảng ⅓ trường hợp thai chết lưu không tìm được nguyên nhân. 

    Thai lưu sau 20 tuần được chia làm 3 giai đoạn:

  • Từ tuần 20 đến tuần 27: Thai lưu sớm
  • Từ tuần 28 đến tuần 36: Thai lưu muộn
  • Từ tuần 37 trở đi: Thai lưu khi thai đủ tháng.
  • 5 dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối mà mẹ bầu có thể nhận biết

    Tình trạng thai lưu đôi khi sẽ không có dấu hiệu cảnh báo nào quá nghiêm trọng để mẹ bầu có thể nhận biết ngay. Chính vì thế mà có không ít mẹ thường hay bỏ qua hoặc nhầm lẫn với những dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh. Do đó, mẹ hãy lưu ý ngay những dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối sau đây:

    1. Cử động thai nhi yếu hoặc không còn cử động

    Cử động thai nhi mất là dấu hiệu rõ ràng nhất báo hiệu cho hiện tượng thai lưu. Do đó, mẹ bầu cần học cách đếm cử động thai tại nhà để có thể sớm nhận biết dấu hiệu cử động yếu của bé, nhất là trong thời gian 3 tháng cuối thai kỳ. Khi nhận thấy bé không còn cử động nhiều như trước, mẹ nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ sản khoa kiểm tra chuyển động của thai và tim thai.

    2. Chảy máu âm đạo

    Mẹ bầu hãy đi khám ngay nếu gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo. Chảy máu âm đạo có thể không phải là dấu hiệu cảnh báo thai chết lưu nhưng có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này và đây cũng là báo động đỏ đối với sức khỏe mẹ bầu.

    3. Dịch âm đạo không bình thường

    Dịch âm đạo quá nhiều, có màu hoặc mùi hôi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo hiện tượng thai chết lưu. Ngoài ra, đây có thể báo hiệu cho tình trạng vỡ ối hoặc do nhiễm trùng âm đạo.

    4. Mờ mắt, đau đầu dữ dội hoặc bị sưng phù

    Dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối 1

    Đây là dấu hiệu của chứng tiền sản giật gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn bé và có thể dẫn đến hiện tượng thai lưu. Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm:

    • Huyết áp cao
    • Sưng phù – đặc biệt tại bàn tay, mặt hoặc một số bộ phận khác trên cơ thể
    • Đau đầu nghiêm trọng và liên tục
    • Buồn nôn và nôn mửa
    • Các vấn đề về thị lực, chẳng hạn như: mắt mờ, nhìn thấy vệt hoặc điểm sáng, khó tập trung
    • Đau dữ dội tại vị trí dưới xương sườn ở giữa bụng hoặc lệch phải.

    5. Ngứa bàn tay, bàn chân

    Tình trạng ngứa là dấu hiệu dễ bị mẹ bầu bỏ qua nhất vì khá thường gặp. Tuy nhiên, đây là tình trạng nguy hiểm, báo hiệu cho bệnh rối loạn gan, còn được gọi là ứ mật thai kỳ. Nếu mẹ thấy ngứa ở vùng nào đó trên cơ thể, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân, thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ ngay lập tức. Tình trạng ứ mật thai kỳ nếu không được chữa trị sớm có thể khiến mẹ bầu chuyển dạ sớm và tăng nguy cơ thai chết lưu.

    Nguyên nhân gây ra tình trạng thai lưu 3 tháng cuối

    Những nguyên nhân thai lưu 3 tháng cuối bao gồm:

    • Thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật
    • Bất thường nhau thai, dây rốn
    • Bong nhau thai quá sớm (chấn thương, tiền sản giật)
    • Mẹ bầu có bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp
    • Mẹ bầu hoặc người thân có bệnh máu khó đông
    • Bệnh lý ứ mật trong gan thai kỳ
    • Thai nhi thiếu dinh dưỡng
    • Mẹ bầu bị nhiễm trùng
    • Mẹ hút thuốc, nghiện rượu, dùng chất kích thích
    • Tác nhân môi trường.

    Khi phát hiện ra thai lưu 3 tháng cuối thì mẹ cần làm gì?

    Mẹ nên đến ngay bệnh viện để nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ khi có dấu hiệu thai yếu 3 tháng cuối hoặc dấu hiệu thai lưu. Tùy thuộc vào quyết định của gia đình mà bác sĩ sẽ tiến hành xử lý tình trạng thai lưu. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ phần nào gúp mẹ bầu và gia đình nguôi ngoai được nỗi đau mất mát này. Song song đó, việc xét nghiệm này cũng giúp mẹ và gia đình chuẩn bị tốt hơn cho lần mang thai tiếp theo.

    Làm sao phòng tránh tình trạng thai lưu 3 tháng cuối

    Dấu hiệu thai lưu 3 tháng cuối 2

    Để hạn chế tình trạng thai lưu xảy ra trong 3 tháng cuối, mẹ nên tuân thủ những quy tắc sau:

    • Tuyệt đối không hút thuốc, kể cả việc hút thuốc thụ động (hít khói thuốc)
    • Không tiêu thụ chất cồn
    • Không sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép
    • Tuân thủ lịch khám thai đầy đủ

    Đây là những quy tắc cơ bản nhất để mẹ và thai nhi khỏe mạnh. Hãy cố gắng tuân thủ những điều này để tránh xảy ra những tình trạng nguy hiểm đến mẹ và bé nhé!

    Thai chết lưu bao lâu mới nên có thai lại?

    Sau nỗi đau mất mát, mẹ sẽ cần phải có một khoảng thời gian để lấy lại tinh thần. Khi đã biết rõ nguyên nhân thai lưu, bác sĩ sẽ cho mẹ lời khuyên để mẹ có sự chuẩn bị tốt hơn trong lần mang thai sau. Mẹ có thể quyết định việc mang thai tiếp hoặc không, đây hoàn toàn là lựa chọn cá nhân. Để trả lời cho câu hỏi sau thai lưu 3 tháng cuối bao lâu nên có thai lại thì thời gian tối thiểu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe sẽ là 6 tháng với sinh thường, đối với sinh mổ thời gian sẽ lâu hơn tùy vết mổ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 06/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo