backup og meta

"Gỡ rối" 13 quan niệm sai lầm khi mang thai phổ biến nhất

"Gỡ rối" 13 quan niệm sai lầm khi mang thai phổ biến nhất

Khi mang thai, phụ nữ luôn muốn tìm hiểu các kiến thức về chăm sóc và bảo vệ thai nhi. Ngoài tìm hiểu trên sách báo, thông tin truyền thông, họ tin tưởng vào kinh nghiệm của những người đi trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kiến thức hữu ích, cũng có những quan niệm sai lầm khi mang thai mà bạn phải cẩn thận để tránh gây hại cho con.

Theo thống kê, trong số các cặp vợ chồng đang có ý định có con, chỉ có 30% thụ thai trong tháng đầu, 85% thụ thai trong vòng 12 tháng và 5% có thai sau vài năm và cần đến sự can thiệp của y khoa. Dù bạn mất bao lâu để thụ thai đi nữa thì việc tìm hiểu thông tin thật kỹ về mang thai và sinh nở là hết sức quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Hiện nay, trên Internet có rất nhiều thông tin sai lệch về mang thai và sinh nở. Vì vậy, Hello Bacsi thu thập một số quan niệm sai lầm về mang thai và sinh nở phổ biến nhất để giúp bạn hiểu rõ hơn về điều này.

1. Quan niệm sai lầm khi mang thai: Hông to sẽ giúp dễ đẻ hơn

Hông to dễ đẻ

Hông to hơn phần lớn là do xương chậu (phần lớn nhất và cao nhất của hông). Trên thực tế, kích thước của xương chậu không liên quan gì đến kích thước của đường dẫn sinh. Yếu tố quyết định cho việc dễ sinh nở là hình dáng và kích thước lỗ tròn ở giữa xương chậu. Nó được gọi là eo trên và có thể giống nhau dù phụ nữ có hông lớn hay nhỏ.

2. Hình dáng và kích thước của bụng bầu có thể cho biết giới tính của thai nhi

Hình dáng và kích thước bụng bầu có thể cho biết giới tính thai nhi

Nếu có thể xác định giới tính thai nhi theo cách này thì rất là đơn giản. Tuy nhiên, chỉ có 2 điều có thể ảnh hưởng đến hình dạng và kích thước của bụng bầu là kích thước của thai nhi và vị trí của thai nhi trong tử cung. Do đó, kích thước và hình dáng bụng bầu không liên quan đến giới tính thai nhi.

3. Siêu âm nhiều không an toàn cho thai nhi

Siêu âm nhiều không an toàn cho thai nhi

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm trước khi sinh gây hại cho mẹ và thai nhi. Siêu âm không sử dụng bức xạ, nó chỉ sử dụng sóng âm thanh tần số cao quét qua thai nhi để tạo ra hình ảnh. Cường độ của những con sóng này rất thấp và được thực hiện khá nhanh. Vì vậy, lý do duy nhất khiến siêu âm gây nguy hiểm cho thai phụ là người sử dụng không được đào tạo cách vận hành thiết bị.

4. Phụ nữ mang thai nằm sấp gây hại cho thai nhi

Phụ nữ mang thai nằm sấp gây hại cho thai nhi

Ở những tháng đầu, thai nhi nằm ẩn sâu bên trong các cơ tử cung và được bảo vệ. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể nằm sấp khi ngủ miễn là cảm thấy thoải mái. Thế nhưng, khi bụng bầu đã lớn, việc nằm sấp sẽ có thể khiến bạn khó chịu nên không thể ngủ ngon trong tư thế này. Vậy tư thế ngủ nào là đúng? Tìm hiểu thêm gợi ý từ Hello Bacsi nhé!

5. Không nên chạy khi mang thai

Không nên chạy khi mang thai

Mang thai không có nghĩa là bạn phải từ bỏ thói quen chạy bộ của mình. Nếu bạn không gặp phải biến chứng hoặc vấn đề gì khi mang thai thì việc chạy bộ trong thai kỳ hoàn toàn an toàn và lành mạnh. Lưu ý, nếu gặp phải các biến chứng thai kỳ như huyết áp cao, nghén quá nhiều hoặc chỉ đơn giản là không quen chạy bộ trước khi mang thai thì bạn không nên thử bộ môn này nhé.

6. Ốm nghén chỉ xảy ra vào buổi sáng trong 3 tháng đầu tiên

Ốm nghén chỉ xảy ra vào buổi sáng trong 3 tháng đầu tiên

Ốm nghén là triệu chứng thường gặp nhất khi mang thai. Có tới 80% phụ nữ mang thai gặp phải vấn đề này theo một cách nào đó, nhưng chỉ có 2% người bị ốm nghén vào buổi sáng. Ốm nghén có thể xảy bất cứ lúc nào trong ngày, không phải chỉ vào buổi sáng. Trong phần lớn các trường hợp, ốm nghén sẽ biến mất sau tam cá nguyệt đầu tiên, nhưng có tới 20% phụ nữ mang thai vẫn bị ốm nghén cho đến khi sinh.

7. Không nên giơ tay cao quá đầu vì như vậy có thể siết cổ thai nhi

Không giơ tay cao quá đầu

Đây là một lời đồn vô căn cứ bởi giơ tay không thể làm cho dây rốn quấn quanh cổ bé. Thực tế, những chuyển động của bạn không ảnh hưởng đến dây rốn. Ngoài ra, nếu bé sinh ra bị dấy rốn quấn cổ thì bác sĩ có thể dễ dàng xử lý chỉ bằng 1 – 2 động tác.

8. Quan niệm sai lầm khi mang thai: Bạn phải ngưng nuôi mèo

Bạn phải ngưng nuôi mèo

Mèo là nguyên nhân của bệnh nhiễm toxoplasma, gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải ngưng nuôi mèo khi mang thai. Bạn chỉ tránh dọn vệ sinh chất thải vật nuôi. Nếu không có ai giúp, bạn có thể tự làm nhưng phải đeo găng tay dùng 1 lần và rửa tay ngay sau đó nhé. Thông thường nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị nhiễm toxoplasma là do ăn thịt sống hoặc thịt chưa được nấu chín.

9. Tất cả phụ nữ đều cảm thấy hạnh phúc khi mang thai – đây là khoảng thời gian tốt nhất trong cuộc đời

Bạn phải ngưng nuôi mèo

Mọi người đều nghĩ rằng mang thai là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Thực tế cho thấy nhiều thai phụ phải trải qua cảm giác căng thẳng, hoang mang, sợ hãi và những cảm xúc không vui khác. Thậm chí, khoảng 14 – 23% phụ nữ phải vật lộn với các triệu chứng trầm cảm trong thai kỳ. Điều này xảy ra là do sự thay đổi hormone có thể ảnh hưởng đến não và các hoạt chất của nó. Trầm cảm nên được điều trị, nếu không  bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến mẹ và bé.

10. Quan niệm sai lầm khi mang thai: Thỉnh thoảng uống một ít rượu bia cũng không sao

Thỉnh thoảng uống một ít rượu bia cũng không sao

Khi bạn uống 1 ly rượu hoặc bia, bé cũng sẽ uống. Rượu bia có thể đi qua nhau thai. Uống rượu bia trong thời gian mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các dị tật bẩm sinh về thể chất, tinh thần hoặc thần kinh khi chào đời. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi. Không có bác sĩ nào có thể cho bạn biết chính xác uống bao nhiêu rượu bia thì có thể dẫn đến hội chứng này. Do đó, tốt hơn hết bạn nên tránh uống rượu bia khi mang thai nhé.

11. Lượng cân nặng tăng lên khi mang thai sẽ biến mất sau khi sinh

Lượng cân nặng tăng lên khi mang thai sẽ biến mất sau khi sinh

Lượng cân nặng tăng thêm khi mang thai bao gồm trọng lượng của em bé, nhau thai, sự phát triển của tử cung và vú, lượng máu, chất lỏng trong cơ thể và một số chất béo dư thừa. Vừa sinh xong, trọng lượng của thai nhi, nhau thai và nước ối sẽ biến mất. Sau vài tuần, trọng lượng của chất lỏng ứ trong cơ thể cũng sẽ giảm. Điều còn lại trong cơ thể bạn là lượng chất béo mà bạn tăng thêm trong thời gian mang thai. Theo thời gian, lượng chất béo này cũng sẽ biến mất tùy thuộc vào chế độ ăn uống và tập luyện của bạn thế nào.

12. Sinh mổ dễ dàng hơn sinh thường

sinh mổ dễ hơn sinh thường

Nhiều phụ nữ mang thai thích sinh mổ hơn sinh thường, dù không có bất cứ lý do nào liên quan đến y khoa. Nguyên nhân là do nhiều phụ nữ cho rằng sinh mổ ít đau đớn và an toàn hơn. Thực tế cho thấy, sinh mổ cũng rất đau nhưng không giống với sinh thường, cơn đau của sinh mổ sẽ xuất hiện sau khi em bé được sinh ra. Ngoài ra, sinh mổ còn có thể dẫn đến các biến chứng trong tương lai. Vì vậy, thai phụ chỉ nên sinh mổ khi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo để sinh thường.

13. Thai nhi không bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra bên ngoài

Thai nhi không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài

Trước đây, người ta cho rằng thai nhi không có kiến thức về thế giới bên ngoài. Thế nhưng, hiện nay, các nghiên cứu đã cho thấy ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, bé đã có thể nghe thấy âm thanh, đặc biệt là giọng nói của mẹ. Ngoài ra, bé cũng có thể nhìn thấy ánh sáng bên ngoài bụng mẹ và quay đi nếu quá chói. Không những vậy, bé còn có thể nếm thử thức ăn mà bạn đang ăn bằng cách liếm nhau thai và thành tử cung. Bé cũng có những giấc mơ và phản ứng với thế giới xung quanh. Vì vậy, có thể thấy thai nhi bị ảnh hưởng bởi khá nhiều thứ xảy ra bên ngoài.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

We Are Debunking 13 Pregnancy Myths to Help All Mothers-to-Be https://brightside.me/inspiration-family-and-kids/we-are-debunking-13-pregnancy-myths-to-help-all-mothers-to-be-450160/ Ngày truy cập: 1/6/2018

The Top 7 Pregnancy Myths https://www.webmd.com/baby/guide/top-7-pregnancy-myths#1 Ngày truy cập: 1/6/2018

5 Pregnancy Myths

https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/family-resources-library/5-pregnancy-myths Truy cập ngày 07/02/2023

Common myths about pregnancy

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/common-myths-about-pregnancy Truy cập ngày 07/02/2023

10 Myths About Pregnancy We All Believed (At Some Point)

https://www.thesource.org/post/10-myths-about-pregnancy-we-all-believed Truy cập ngày 07/02/2023

Phiên bản hiện tại

07/02/2023

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bổ sung sắt cho mẹ bầu và sau sinh như thế nào cho hiệu quả, an toàn?

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 07/02/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo