backup og meta

Bà bầu trang điểm liệu có gây ảnh hưởng đến thai nhi?

Bà bầu trang điểm liệu có gây ảnh hưởng đến thai nhi?

Bà bầu trang điểm là nhu cầu chính đáng của các mẹ trong giai đoạn thai kỳ, giúp họ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trước những thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần hiểu rõ về các sản phẩm và phương pháp chăm sóc sắc đẹp để tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những lưu ý quan trọng khi trang điểm cho bà bầu, giải đáp rõ mang bầu có được trang điểm không, sản phẩm nào là phù hợp để giúp mẹ bầu duy trì vẻ đẹp và có một thai kỳ khỏe mạnh.

Bà bầu trang điểm có an toàn không?

Việc trang điểm khi mang bầu là an toàn với mẹ và bé nếu bà bầu chú ý đến thành phần và chọn lựa sản phẩm một cách cẩn thận.

Trong suốt thai kỳ, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi và làn da cũng không phải là ngoại lệ. Hormone trong cơ thể có thể gây ra một số vấn đề về da, chẳng hạn như mụn, khô da, nám và sạm da, rạn da… Lúc này, các sản phẩm trang điểm sẽ là “cứu cánh” cho các mẹ bầu với khả năng che khuyết điểm, làm đều màu da và giúp họ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn.

Tuy nhiên, vấn đề chính là lựa chọn sản phẩm trang điểm, làm đẹp sao cho phù hợp. Khi cân nhắc lựa chọn sản phẩm, bà bầu cần chú ý đến các đặc điểm sau:

  • Sản phẩm có chứa các thành phần hoạt tính cụ thể nào không an toàn hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé hay không?
  • Các thành phần trong sản phẩm có khả năng tác động thai nhi thông qua thẩm thấu qua da (bôi ngoài da) hoặc được hấp thụ qua đường hô hấp (hít vào) hay không?

Để đảm bảo an toàn, tốt hơn hết là bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ lo ngại nào về các sản phẩm đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong giai đoạn thai kỳ.

Những chất trong mỹ phẩm bà bầu không nên dùng

1. Retinoid

Retinoid là một dẫn xuất của vitamin A, thường được tìm thấy trong các sản phẩm chống lão hóađiều trị mụn. Retinoid dạng uống như isotretinoin có nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh và cần tuyệt đối tránh khi mang thai. Nghiên cứu cho biết có khoảng 20-35% trường hợp gặp phải các bất thường bẩm sinh khi thai nhi tiếp xúc với thuốc trong tử cung.

Retinoid dạng bôi hấp thụ qua da với lượng thấp hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ bầu nên tránh sử dụng các sản phẩm chứa retinol trong thai kỳ để đảm bảo an toàn.

2. Hydroquinone

Hydroquinone thường xuất hiện trong các sản phẩm làm sáng da. Khi thoa lên da, khoảng 35-45% hydroquinone có thể thẩm thấu vào máu, một tỷ lệ khá cao so với các hoạt chất khác. 

Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động tiêu cực đến thai nhi, các chuyên gia vẫn khuyên mẹ bầu nên tránh sử dụng hydroquinone trong thời gian mang thai và cho con bú để giảm thiểu rủi ro.

3. Paraben

Paraben là chất bảo quản phổ biến trong mỹ phẩm để ngăn ngừa vi khuẩn và nấm mốc. Tuy nhiên, paraben có thể gây rối loạn nội tiết tố, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Nếu muốn tránh paraben, mẹ bầu có thể kiểm tra nhãn sản phẩm và tránh các chất như:

  • Methylparaben
  • Propylparaben
  • Butylparaben
  • Ethylparaben

4. Phthalates

Những chất trong mỹ phẩm bà bầu không nên dùng

Phthalates thường có mặt trong các sản phẩm chứa hương liệu nhân tạosơn móng tay. Đây là chất có khả năng phá vỡ hormone, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như sinh non, tiền sản giật và các rối loạn phát triển ở thai nhi.

Mặc dù lượng phthalates trong mỹ phẩm thấp, bà bầu trang điểm nên chọn sản phẩm không chứa phthalates hoặc sử dụng các sản phẩm có nhãn “fragrance-free” (không mùi nhân tạo).

5. Formaldehyde và các chất phát tán formaldehyde

Formaldehyde là một chất có nguy cơ gây ung thư và tăng nguy cơ sảy thai. Hiện nay, formaldehyde ít được sử dụng trực tiếp trong mỹ phẩm, nhưng một số chất trong sản phẩm có thể phân hủy và giải phóng formaldehyde theo thời gian, bao gồm:

  • bronopol (2-bromo-2-nitropropane-1,3-diol)
  • DMDM hydantoin
  • diazolidinyl urea
  • hydroxymethylglycinate
  • imidazolidinyl urea
  • quaternium-15
  • 5-bromo-5-nitro-1,3-dioxane

Mẹ bầu nên kiểm tra kỹ bảng thành phần trước khi mua mỹ phẩm để tránh những chất này. Ngoài ra, bà bầu cũng không nên sử dụng các loại mỹ phẩm chứa các hóa chất sau:

  • Diethanolamine (DEA)
  • Dihydroxyacetone (DHA)
  • Axit thioglycolic
  • Toluene
  • Triclosan
Thay vào đó, bà bầu nên ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên, lành tính như dầu dừa, bơ ca cao, bơ hạt mỡ, lô hội… để chăm sóc da hoặc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm bôi ngoài chứa các hoạt chất được xem là an toàn cho thai kỳ như vitamin C, vitamin E, axit azelaic, axit glycolic, benzoyl peroxide.

Cách chăm sóc da mặt cho bà bầu đúng cách

Việc chăm sóc da mặt khi mang thai cần được chú ý để mẹ bầu duy trì làn da khỏe mạnh, giảm các vấn đề về da như mụn trứng cá, tăng sắc tố, khô da và bảo vệ da khỏi tác động xấu từ môi trường.

chọn sữa rửa mặt cho bà bầu

Dưới đây là một số gợi ý cách chăm sóc da mặt đúng cách cho bà bầu:

  • Làm sạch da mặt: Sau khi bà bầu trang điểm, hãy chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa hương liệu hay hóa chất mạnh để làm sạch da mặt mà không làm mất độ ẩm tự nhiên của da.
  • Dưỡng ẩm da: Sử dụng kem dưỡng hoặc serum cho bà bầu chứa các thành phần an toàn như hyaluronic acid, dầu dừa hoặc bơ ca cao để giữ da mềm mại và ngăn ngừa khô ráp. Ngoài ra, bà bầu cũng nên uống đủ nước để tăng khả năng dưỡng ẩm hiệu quả cho da.
  • Bảo vệ da: Ưu tiên dùng kem chống nắng cho bà bầu vật lý chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide, tránh các loại kem chứa hóa chất như oxybenzone. Hãy thoa kem chống nắng hàng ngày và che chắn da bằng mũ rộng vành khi ra ngoài.
  • Làm sáng và đều màu da: Để giảm nám và cải thiện sắc tố da, mẹ bầu có thể sử dụng sản phẩm chứa glycolic acid hoặc azelaic acid với liều lượng thấp, hoặc sử dụng vitamin C để làm sáng da tự nhiên và an toàn.
  • Giảm mụn trứng cá: Nếu cần điều trị mụn, các sản phẩm không kê đơn chứa benzoyl peroxide, azelaic acid, glycolic acid ở dạng bôi ngoài được coi là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm trị mụn khác.

Bà bầu sử dụng mỹ phẩm thế nào cho an toàn?

Để bà bầu trang điểm và sử dụng mỹ phẩm một cách an toàn, các mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

Lựa chọn sản phẩm phù hợp

  • Ưu tiên sản phẩm tự nhiên: Lựa chọn mỹ phẩm có thành phần hữu cơ, chiết xuất từ thiên nhiên và không chứa hóa chất mạnh.
  • Đọc kỹ nhãn mác, bảng thành phần: Tránh các chất không an toàn cho bà bầu như retinoid, hydroquinone, paraben, phthalates, formaldehyde…
  • Tránh mua hàng không rõ nguồn gốc: Chỉ nên mua sản phẩm từ thương hiệu uy tín, có chứng nhận an toàn và nguồn gốc rõ ràng.

Mỹ phẩm cho bà bầu

Tìm hiểu thông tin từ bác sĩ

Trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm mới nào, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa hoặc chuyên gia da liễu để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Sử dụng mỹ phẩm đúng cách

  • Thử nghiệm trước khi sử dụng: Mẹ bầu nên thoa một lượng nhỏ sản phẩm lên vùng da ở cổ tay để kiểm tra có bị kích ứng hay không.
  • Tránh trang điểm quá đậm: Chỉ trang điểm nhẹ nhàng để giảm nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và kích ứng da.
  • Tẩy trang kỹ lưỡng: Dùng sản phẩm tẩy trang dịu nhẹ, không chứa cồn hoặc hóa chất mạnh để làm sạch da hoàn toàn sau khi trang điểm.

Phương pháp làm đẹp không cần trang điểm

Ngoài trang điểm, còn có rất nhiều cách khác để giúp bạn trông tự tin và rạng rỡ hơn khi mang thai:

  • Ăn uống lành mạnh: Bổ sung đa dạng thực phẩm, đặc biệt là trái cây, rau xanh để nuôi dưỡng làn da từ bên trong.
  • Uống nhiều nước: Việc uống đủ nước không chỉ giúp giữ ẩm cho làn da mà còn giúp giải độc và làm mát cho cơ thể
  • Ngủ đủ giấc: Việc này rất quan trọng trong việc duy trì vẻ tươi tắn, rạng ngời cho bạn khi mang thai

Câu hỏi thường gặp khi bà bầu trang điểm

1. Có bầu sơn móng tay được không?

Mẹ bầu vẫn có thể sơn móng tay trong thai kỳ, nhưng cần thực hiện cẩn thận và chọn sản phẩm phù hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

bà bầu trang điểm và sơn móng tay

Một số thành phần trong sơn móng tay như toluene, formaldehyde, và phthalates (đặc biệt là DBP – Dibutyl Phthalate) có thể gây hại nếu tiếp xúc thường xuyên, đặc biệt qua đường hô hấp hoặc da. Những hóa chất này có nguy cơ gây kích ứng, làm gián đoạn hormone, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Để an toàn, mẹ bầu nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Chọn sơn móng tay không độc hại như các loại “3-Free”, “5-Free” hoặc “7-Free”
  • Tránh sử dụng sơn gel hoặc tẩy móng chứa acetone thường xuyên
  • Sơn móng ở không gian thoáng khí và nên đeo khẩu trang để giảm tiếp xúc với các hóa chất bay hơi
  • Hạn chế sơn móng quá thường xuyên để giảm tối đa nguy cơ tiếp xúc hóa chất.

2. Bà bầu trang điểm hàng ngày có được không?

bà bầu trang điểm có được không

Bà bầu có thể trang điểm hàng ngày để tự tin hơn, nhưng nên hạn chế khi không thực sự cần thiết để da được “thở” và giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các thành phần có hại trong mỹ phẩm.

Bà bầu trang điểm nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên dòng hữu cơ, không chứa chì, parabens hay hóa chất độc hại. 

Trang điểm nhẹ nhàng với các sản phẩm cơ bản như son dưỡng, phấn phủ tự nhiên là lựa chọn tối ưu. Đặc biệt, mẹ bầu cần tẩy trang kỹ lưỡng và dưỡng da đầy đủ để tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông hoặc tổn thương da. 

3. Bà bầu có nên sử dụng son môi không?

Bà bầu có thể sử dụng son môi, nhưng cần chọn sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Nhiều loại son chứa chì vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sự phát triển não bộ của thai nhi. Ngoài ra, các thành phần như dầu khoáng, formaldehyde, parabens… có thể làm khô môi, kích ứng và gây hại cho thai kỳ.

Bà bầu trang điểm nên lựa chọn son môi có thành phần tự nhiên, không chứa kim loại và các hóa chất độc hại. Nếu không chắc chắn về thành phần, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, mẹ bầu cần hạn chế sử dụng son trong bữa ăn và nên tẩy trang kỹ sau mỗi lần sử dụng.

4. Bà bầu dùng kem dưỡng mắt có an toàn không?

Bà bầu có thể sử dụng kem dưỡng mắt để chăm sóc vùng da nhạy cảm này, nhưng cần lựa chọn sản phẩm an toàn với thành phần tự nhiên, lành tính và được kiểm chứng rõ ràng, tránh sử dụng các sản phẩm chứa thành phần độc hại. 

Để tăng hiệu quả sử dụng, mẹ bầu nên ưu tiên các loại kem đặc trị dành riêng cho vùng da mắt, tránh dùng kem dưỡng da mặt thông thường.

Nếu không chắc chắn về sản phẩm, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi sử dụng.

5. Bà bầu có được sử dụng lotion không?

Lotion với kết cấu lỏng nhẹ, giàu nước, giúp thẩm thấu nhanh sẽ là lựa chọn lý tưởng để mẹ bầu chăm sóc làn da mà không gây cảm giác bết dính.

Bà bầu có thể sử dụng lotion để dưỡng ẩm và chăm sóc da, tuy nhiên, trước khi sử dụng, mẹ bầu cần đọc kỹ bảng thành phần để chọn sản phẩm an toàn. Bà bầu nên ưu tiên sử dụng sản phẩm với thành phần dịu nhẹ, không chứa hóa chất độc hại như paraben, phthalates hoặc hương liệu mạnh. 

Nếu không rõ về các thành phần, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Kết luận

Tóm lại, bà bầu trang điểm để làm đẹp và duy trì sự tự tin trong thai kỳ là nhu cầu chính đáng, nhưng điều quan trọng nhất là ưu tiên an toàn cho sức khỏe của bản thân và thai nhi. 

Do đó, bạn hãy luôn kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm, chọn những thương hiệu uy tín với thành phần lành tính và tránh sử dụng các hóa chất có nguy cơ gây hại. Đặc biệt, bà bầu đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa hoặc chuyên gia da liễu trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bạn và bé yêu.

Chuyên mục Mang thai của HelloBacsi thường xuyên đăng tải các bài viết chủ đề chăm sóc mẹ trong thai kỳ hoặc chăm sóc mẹ sau sinh. Các bài viết được tham vấn chuyên môn bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ cộng tác và Ban tham vấn y khoa HelloBacsi. Mời bạn ghé thăm chuyên mục hoặc tham gia cộng đồng mang thai của chúng tôi để cùng trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức thai kỳ hữu ích.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pregnancy and isotretinoin therapy

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3602257/

Ngày truy cập: 27/11/2024

Safety of skin care products during pregnancy

https://www.cfp.ca/content/57/6/665.full

Ngày truy cập: 27/11/2024

Skin Conditions During Pregnancy

https://www.acog.org/womens-health/faqs/skin-conditions-during-pregnancy

Ngày truy cập: 27/11/2024

Cosmetics & Pregnancy

https://www.fda.gov/cosmetics/resources-consumers-cosmetics/cosmetics-pregnancy

Ngày truy cập: 27/11/2024

Skin Care, Hair Care and Cosmetic Treatments in Pregnancy and Breastfeeding

https://www.seslhd.health.nsw.gov.au/sites/default/files/groups/Royal_Hospital_for_Women/Mothersafe/documents/skinhaircareandcosmetictreatmentsapril2021.pdf

Ngày truy cập: 27/11/2024

Wearing Make up During Pregnancy – Is it Safe?

https://parenting.firstcry.com/articles/is-wearing-makeup-during-pregnancy-safe/

Ngày truy cập: 27/11/2024

Cosmetics 

https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/cosmetics.html

Ngày truy cập: 27/11/2024

Phiên bản hiện tại

29/11/2024

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Đi tiểu nhiều khi mang thai: 4 nguyên nhân và 7 giải pháp cần nhớ!

Tổng hợp 18 mẹo giúp cải thiện chất nhầy cổ tử cung để dễ thụ thai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo