backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mẹ bầu thức khuya, ngủ ít có sao không? Làm sao để cải thiện giấc ngủ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 09/02/2022

    Mẹ bầu thức khuya, ngủ ít có sao không? Làm sao để cải thiện giấc ngủ?

    Mẹ bầu thức khuya thường đồng nghĩa với việc thời gian ngủ trong một ngày có thể ít hơn và điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi.

    Đôi khi thức khuya không chỉ là thói quen mà còn có thể là do mẹ bầu khó ngủ, không thể đi ngủ sớm như mong muốn vì một số tác động của thai kỳ cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này và tổng hợp những bí quyết hữu ích giúp mẹ bầu ngủ ngon, ngủ đủ giấc mỗi ngày để có thai kỳ khỏe mạnh.

    Vì sao mẹ bầu thức khuya hoặc ngủ ít? Yếu tố nào đang cản trở giấc ngủ của bạn?

    Mẹ bầu thức khuya thường là do thói quen ngủ muộn trước khi mang thai hoặc do các mẹ hay sử dụng điện thoại, máy tính, coi ti vi… trước giờ đi ngủ. Bên cạnh những nguyên nhân trên, việc mẹ bầu thức khuya, khó ngủ hoặc ngủ ít đôi khi còn là do những yếu tố liên quan đến thai kỳ hoặc các vấn đề sức khỏe, giấc ngủ. Trong đó thường bao gồm các vấn đề như:

    Mẹ bầu khó tìm được tư thế ngủ thoải mái

    mẹ bầu thức khuya, ngủ trễ

    Đối với chị em có thói quen nằm sấp hoặc nằm ngửa khi ngủ thì thường sẽ khó tìm được tư thế ngủ thoải mái trong thai kỳ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Khi bụng ngày càng lớn, mẹ bầu được khuyên là nên nằm nghiêng để đảm bảo lưu thông máu và truyền dưỡng chất cho em bé qua nhau thai. Tuy nhiên, một số mẹ không quen nằm nghiêng khi ngủ thì sẽ cảm thấy không thoải mái, dẫn đến khó ngủ và ngủ ít.

    Ngoài ra, khi thai nhi cử động nhiều hơn vào những tháng cuối thai kỳ, giấc ngủ của mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng mẹ bầu thức khuya và khó ngủ hơn.

    Mẹ bầu thức khuya, ngủ ít có thể do chuột rút, đau lưng, đau nhức tay chân

    Đa số mẹ bầu đều bị đau lưng, đau nhức tay chân hoặc chuột rút do áp lực ngày càng lớn từ thai nhi đang phát triển trong bụng. Những vấn đề kể trên có thể là tác nhân gây cản trở giấc ngủ, khiến mẹ bầu thức khuya, ngủ ít hơn vì cảm thấy không thoải mái. Riêng đối với tình trạng chuột rút trong thai kỳ, chị em không nên quá chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang thiếu dưỡng chất, đặc biệt là canxi và magie. Cách tốt nhất là bạn nên đi khám nếu bị chuột rút thường xuyên hoặc mất ngủ vì chuột rút để có giải pháp xử lý hiệu quả.

    Ốm nghén, buồn nôn trước khi đi ngủ

    Mặc dù ốm nghén khi mang thai được biết là thường xảy ra vào buổi sáng nhưng sự thật là tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đối với một số mẹ bầu bị ốm nghén nặng, chị em có thể cảm thấy buồn nôn nhiều vào cuối ngày và trước khi đi ngủ. Trong trường hợp này, mẹ bầu thức khuya, khó chìm vào giấc ngủ có thể là do cảm giác khó chịu từ cơn ốm nghén.

    Khó thở khi mang thai

    mẹ bầu thức khuya, ngủ trễ

    Tình trạng khó thở khi mang thai xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố. Mẹ bầu thường cảm thấy khó thở trong 3 tháng đầu và có thể kéo dài vấn đề này trong suốt thai kỳ. Khó thở khi mang thai không nguy hiểm nhưng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nặng nề và dễ mất ngủ hơn.

    Hội chứng chân không yên ở mẹ bầu

    Nếu mắc hội chứng chân không yên, bạn sẽ có cảm giác muốn di chuyển chân một cách không thể kiểm soát khi đang nghỉ ngơi hoặc muốn đi ngủ. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng một số mẹ bầu cũng có thể gặp phải và nguyên nhân chính thường là do mẹ bị thiếu máu khi mang thai. Do đó, nếu mẹ bầu thức khuya, khó ngủ do hội chứng chân không yên thì cần đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin, axit folic và sắt để kiểm soát tình trạng thiếu máu.

    Mẹ bầu thức khuya, khó ngủ do căng thẳng

    Giai đoạn mang thai và sau sinh, các bố các mẹ thường sẽ có nhiều mối lo liên quan đến việc chăm sóc em bé, kế hoạch tài chính khi nuôi con, kế hoạch chuyển nhà, sửa nhà… Tất cả những yếu tố này đều có thể khiến mẹ bầu cảm thấy áp lực và căng thẳng. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ trong thai kỳ lẫn sau khi sinh.

    Nếu mẹ bầu thức khuya, khó ngủ vì căng thẳng, tình trạng này không thể chủ quan mà cần được kiểm soát kịp thời bằng các phương pháp giảm căng thẳng phù hợp. Trong đó, bước đầu tiên mẹ nên thực hiện đó là hãy lập danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau. Bạn có thể thực hiện điều này trước khi đi ngủ để cảm thấy yên tâm và không để những mối lo “quấy rối” giấc ngủ.

    Bà bầu thức khuya có sao không?

    mẹ bầu thức khuya có sao không

    Thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc vẫn luôn là thói quen không tốt đối với sức khỏe. Ngủ muộn dẫn đến ngủ không đủ giấc không chỉ khiến bạn thiếu tỉnh táo, kém tập trung vào ban ngày mà còn có thể góp phần gây ra nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2, béo phì, bệnh tim, trầm cảm…

    Vì vậy, đối với vấn đề bà bầu thức khuya có sao không? thì câu trả lời chắc chắn là có và điều này cũng đã được khoa học chứng minh. Các nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ thức khuya, ngủ không đủ giấc trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng như:

  • Huyết áp cao và tiền sản giật. Theo một nghiên cứu cho biết phụ nữ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật vào cuối thai kỳ cao gấp 10 lần những mẹ ngủ đủ giấc. 
  • Mẹ bầu thức khuya, ngủ ít hơn 6 giờ vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh nở với nguy cơ chuyển dạ lâu hơn và làm tăng tỷ lệ sinh mổ.
  • Mẹ ngủ ít, thức khuya cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Không chỉ ngủ ít mà tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn khi mang thai cũng được nghi ngờ là có thể gây rối loạn trao đổi chất, làm tăng nguy cơ béo phì và mắc bệnh tiểu đường cho em bé trong tương lai sau khi chào đời. Qua đó có thể nói rằng chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy, các mẹ không nên chủ quan nếu giấc ngủ của mình đang có vấn đề như khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Thay vào đó, chị em cần đi khám để kiểm soát các vấn đề kịp thời.

    Có thể bạn quan tâm: Mất ngủ khi mang thai nên làm gì? 12 mẹo đưa bạn vào giấc ngủ dễ hơn!

    Mẹ bầu nên làm gì để ngủ đủ giấc và tăng chất lượng giấc ngủ?

    mẹ bầu thức khuya, ngủ trễ

    Việc mẹ bầu thức khuya có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thai kỳ. Do đó, bạn nên thay đổi thói quen ngủ muộn và cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách áp dụng những lời khuyên được Hello Bacsi tổng hợp sau đây:

    • Tránh dung nạp thức uống chứa caffeine trước giờ đi ngủ để tránh mất ngủ vào ban đêm.
    • Do áp lực của thai nhi lên bàng quang nên chị em có thể phải đi tiểu đêm nhiều lần gây gián đoạn giấc ngủ. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu hãy nên uống đủ nước trong ngày và cần tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
    • Không xem ti vi hoặc sử dụng máy tính, điện thoại khi nằm trên giường hoặc gần sát giờ đi ngủ. Việc này sẽ giúp mẹ bầu quen thức khuya thay đổi được thói quen ngủ muộn để đi ngủ sớm hơn.
    • Đảm bảo phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh và đủ tối. Bạn nên có đèn ngủ trong phòng để thuận tiện cho việc đi vệ sinh ban đêm mà không cần mở đèn quá sáng khiến bạn khó ngủ lại.
    • Không ăn uống hoặc tập thể dục trước khi đi ngủ. Thay vào đó, mẹ bầu chỉ nên làm những hoạt động mà bản thân cảm thấy thư giãn như massage chẳng hạn.
    • Cố gắng xây dựng lịch ngủ nghỉ nhất quán bằng cách đi ngủ và thức dậy theo một khung giờ cố định mỗi ngày. Điều này có thể đảm bảo mẹ bầu luôn ngủ đủ giấc từ 8 đến 9 giờ mỗi đêm. Ngoài ra, chị em có thể ngủ ngắn vào những thời điểm khác trong ngày để không bị thiếu ngủ.
    • Ngoài những bí quyết kể trên, sử dụng gối ngủ dành cho mẹ bầu cũng là giải pháp rất tối ưu mà chị em nên lựa chọn để hỗ trợ, cải thiện giấc ngủ trong thai kỳ tốt nhất nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 09/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo