backup og meta

Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Trường hợp nào nên sinh mổ?

Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Trường hợp nào nên sinh mổ?

Khi thai kỳ bước sang tuần 40 được xem là giai đoạn mà thai nhi đã đủ tháng và bé có thể chào đời bất cứ lúc nào trong vài ngày tới. Tuy nhiên, thực tế là có nhiều mẹ đã bước qua ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Việc phải chờ đợi quá lâu cũng có thể gây căng thẳng và mẹ bầu thường có xu hướng quan tâm đến vấn đề thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ sinh con?

Thực chất, việc sinh con sau tuần 40 hiếm khi gây ra rủi ro cho mẹ và bé. Tuy nhiên, các mẹ cũng không nên chủ quan khi đã quá ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Trong bài viết sau, bạn có thể tham khảo lời khuyên từ chuyên gia của Hello Bacsi để biết cách xử lý cho trường hợp thai 40 tuần chưa chuyển dạ nhé!

Vì sao thai 40 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ?

Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh phải làm sao hay thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc này, mẹ bầu hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc mang thai 40 tuần nhưng chưa có dấu hiệu sinh nhé.

Thông thường, thai nhi ở tuần 40 đến 41 là thai đã đủ tháng. Một em bé phát triển tốt có thể nặng trung bình từ 2.9  – 4.2 kg và đã sẵn sàng để chào đời. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều mẹ mang thai 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ sinh nở. Trong một số trường hợp, thai kỳ thậm chí có thể kéo dài thêm và nếu quá ngày dự sinh từ 2 tuần trở lên sẽ được xem là “quá hạn” (thai già tháng). Về nguyên nhân, các mẹ mang thai từ tuần 40 đến 42 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ được cho là có thể liên quan đến một trong các yếu tố sau:

  • Đây là lần mang thai đầu tiên 
  • Thai kỳ của bạn từng kéo dài quá ngày dự sinh trong lần mang thai trước
  • Em bé của bạn là một bé trai
  • Bạn có chỉ số khối cơ thể trên 30 (béo phì)
  • Ngày dự sinh của bạn được tính toán không chính xác. Điều này có thể do sự nhầm lẫn về ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn trước khi mang thai. Bên cạnh đó, một số mẹ bầu đi siêu âm quá trễ cũng có thể dẫn đến tình trạng tính sai ngày dự sinh.
  • Ngoài ra, đối với thai kỳ “quá hạn” thì yếu tố di truyền cũng có thể đóng vai trò nào đó trong một số trường hợp. Nếu bạn từng sinh con muộn hơn so với ngày dự sinh thì điều này có thể lặp lại trong những lần mang thai sau.

Thai 40 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ có bình thường không?

thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ

Mang thai 40 tuần chưa chuyển dạ phải làm sao, có nguy hiểm không? Phần lớn các em bé được sinh ra trong khoảng từ tuần 37 đến tuần 41 của thai kỳ. Ngoại trừ trường hợp bạn mang thai đôi hoặc đa thai thì các bé có thể chào đời sớm hơn trước tuần 37. Do đó, khi bước sang tuần 40, nhiều mẹ có cảm giác mong đợi và bồn chồn chờ dấu hiệu chuyển dạ là hết sức bình thường.

Ở tuần 40, bạn có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào nhưng nếu chưa có các dấu hiệu này thì cũng không cần vội lo lắng. Mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề vì bụng lớn, sưng phù, nhức mỏi, đi tiểu thường xuyên… Tuy nhiên, việc tuổi thai thực sự vượt quá 40 tuần có thể làm tăng một số vấn đề bất lợi liên quan đến cả mẹ và thai nhi. Đó là lí do mà bác sĩ thường khuyên bạn nhập viện khi thai được 40 đến 41 tuần cho dù chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Thực tế là có rất ít trẻ chào đời đúng ngày dự sinh nên thai 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ cũng là điều bình thường. Điều quan trọng là bạn cần đi khám thai thường xuyên hơn trong giai đoạn cuối của thai kỳ để được bác sĩ kiểm tra, theo dõi tình trạng của thai nhi nhằm đảm bảo an toàn và giúp mẹ yên tâm hơn.

[embed-health-tool-due-date]

Thai 40 tuần trở lên chưa chuyển dạ có thể gây rủi ro gì? Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ?

Mặc dù thai 40 tuần chưa chuyển dạ hay thai đủ 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh thường không phải là điều quá đáng lo ngại nhưng đôi khi vẫn tiềm ẩn một số rủi ro nhất định nếu thai kỳ kéo dài thời gian hơn. Đó là lý do mà nhiều mẹ không tránh khỏi lo lắng rằng thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Sau đây là một số thông tin giải đáp cụ thể mà các mẹ có thể quan tâm: 

1. Thai 40 tuần trở lên chưa chuyển dạ – Những rủi ro nào mẹ có thể gặp phải?

Như đã đề cập, thai 40 tuần chưa chuyển dạ thường ít khi gây rủi ro nếu bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và khám thai đầy đủ, đúng lịch. Tuy nhiên, điều này vẫn có giới hạn cần lưu ý. Cụ thể, nếu thai kỳ đã vượt qua tuần 40 nhưng có dấu hiệu chuyển dạ trong khoảng từ 41 tuần đến 41 tuần 6 ngày vẫn được xem là sinh con đủ tháng, quá ngày dự sinh. Nếu thai kỳ tiến đến tuần 42 hoặc kéo dài hơn mà không có dấu hiệu chuyển dạ sẽ được xem là thai già tháng. Lúc này, một số vấn đề và rủi ro có thể phát sinh, đặc biệt từ sau 41 đến 42 tuần trở lên, chẳng hạn như:

  • Nhau thai dần dần ngừng thực hiện đúng chức năng của nó. Điều này làm tăng nguy cơ thai gặp phải các vấn đề về sức khỏe, nguy hiểm nhất là thai chết lưu trong bụng mẹ.
  • Suy thai do ngạt, có phân su trong nước ối… (tuổi thai càng tăng thì càng tăng tỉ lệ thải phân su trong khi lượng nước ối ngày càng ít…) cũng có thể ảnh hưởng đến cử động của thai nhi.
  • Nhiễm trùng có thể phát sinh bên trong tử cung.
  • Nước ối ít có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của em bé và xảy ra chèn ép dây rốn trong các cơn co thắt.
  • Thai kỳ quá hạn cũng thường đồng nghĩa với việc kích thước em bé phát triển quá lớn. Điều này sẽ gây ra một số rủi ro khi sinh nở như rách âm đạo nghiêm trọng, chảy máu nhiều sau sinh, nhiễm trùng sau sinh…

2. Thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ?

thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ

Vậy thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Việc mang thai 40 tuần chưa chuyển dạ có thể gây lo lắng và khiến các mẹ nghĩ nhiều hơn đến phương án sinh mổ. Tuy nhiên, thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra từ bác sĩ là chủ yếu. Thông thường, đối với mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và bình thường nhưng đã quá ngày dự sinh, phương án sinh qua ngả âm đạo (đẻ thường) vẫn được ưu tiên hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể giúp mẹ khởi phát chuyển dạ bằng  một số phương pháp phù hợp. Ngược lại, mẹ bầu ở tuần 40 trở đi có thể được chỉ định sinh mổ nếu:

  • Khởi phát chuyển dạ thất bại 
  • Có dấu hiệu suy thai
  • Kích thước em bé quá lớn, dễ bị kẹt vai sau xương chậu của mẹ khi sinh
  • Thai nhi không ở ngôi thuận (ngôi thai đầu) mà ở các vị trí bất thường như thai ngôi mông, thai nằm ngang…
  • Sản phụ lớn tuổi, có các vấn đề sức khỏe hoặc nguy cơ gặp biến chứng khi sinh cũng thường được chỉ định sinh mổ
  • Ngoài ra, nếu ban đầu kích thích chuyển dạ nhưng quá trình sinh thường lại khó khăn hoặc có biến chứng thì mẹ cũng cần được mổ lấy thai ngay.

Nói tóm lại, ngày dự sinh chỉ là ước tính và không ai có thể biết chính xác thời điểm em bé của bạn chào đời. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng về vấn đề thai 40 tuần chưa chuyển dạ phải làm sao hay thai 40 tuần chưa chuyển dạ có nên mổ? Tất cả những gì bạn cần làm là tham khảo ý kiến bác sĩ và chủ động đưa ra bất kỳ vấn đề nào mà bạn quan tâm để được giải đáp, tư vấn cụ thể hơn nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Overdue pregnancy: What to do when baby’s overdue

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/overdue-pregnancy/art-20048287 Truy cập ngày 10/04/2023

Pregnancy and birth: When your baby’s due date has passed

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279571/ Truy cập ngày 10/04/2023

Pregnancy at week 40

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/pregnancy-at-week-40 Truy cập ngày 10/04/2023

40 Weeks Pregnant No Sign of Labor

https://www.newkidscenter.org/40-weeks-pregnant-no-sign-of-labor.html Truy cập ngày 10/04/2023

40 Weeks Pregnant and No Signs of Labour – Should You Worry?

https://parenting.firstcry.com/articles/40-weeks-pregnant-and-no-signs-of-labor-should-you-worry/ Truy cập ngày 10/04/2023

Phiên bản hiện tại

02/01/2024

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Mini IVF: Phương pháp giúp hành trình làm cha mẹ dễ dàng hơn

6 dấu hiệu chuyển dạ con rạ mà mẹ bầu cần lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 02/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo