Đẻ không đau dần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của khá nhiều mẹ bầu cho quá trình vượt cạn. Nguyên do là bởi không phải ai cũng có thể chịu đau giỏi và nếu cơn đau vượt ngưỡng sẽ dễ dàng khiến mẹ bầu bị ngất xỉu, mất sức…
Sinh nở là một quá trình vất vả và có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe. Do vậy đã có khá nhiều mẹ bầu tìm hiểu về hình thức đẻ không đau nhằm biến quá trình vượt cạn trở nên dễ chịu hơn đôi chút. Vậy đẻ không đau có thật sự tốt và có làm cho các cơn đau chuyển dạ biến mất hay không? Mời bạn tìm hiểu câu trả lời qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi nhé.
Đẻ không đau là phương pháp gì?
Đẻ không đau là hình thức gây tê cục bộ giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ tự nhiên. Bạn sẽ được gây tê ngoài màng cứng thông qua một mũi tiêm vào vị trí lưng dưới. Thuốc mất khoảng 10-15 phút để phát huy tác dụng. Đây là một lựa chọn tốt nếu mẹ bầu không phải là người giỏi chịu đau hoặc mẹ bầu chọn hình thức sinh mổ.
Về tính an toàn của hình thức sinh nở này thì theo các bác sĩ, gây tê ngoài màng cứng an toàn cho mẹ và con, đồng thời giúp giảm bớt tình trạng kiệt sức và cáu kỉnh. Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp đẻ không đau còn giúp mẹ bầu thư giãn và tập trung trở lại cho quá trình chuyển dạ.
Đẻ không đau có thật sự “không đau’?
Hình thức sinh không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng không phải lúc nào cũng giúp giảm đau 100%, nhưng về cơ bản biện pháp này sẽ vẫn mang đến hiệu quả trong việc làm giảm đau và cảm giác khó chịu ở nửa dưới của cơ thể. Khi mẹ bầu chuyển dạ ở giai đoạn sớm, cơn đau gò tử cung có thể được kiểm soát bằng các phương pháp tự nhiên như tắm nước ấm, massage và vận động nhẹ nhàng và thường chưa cần dùng đến hình thức giảm đau này.
Lợi ích khi mẹ bầu chọn đẻ không đau
Một số ưu điểm nhất định mà hình thức gây tê ngoài màng cứng mang đến cho bạn trong quá trình vượt cạn gồm:
- Sinh con không đau giúp phụ nữ có cơ hội sinh con tự nhiên
- Hỗ trợ mẹ bầu có đủ năng lượng để thực hiện các động tác rặn đẻ, hít thở
- Ngăn ngừa tình trạng kiệt sức và khó chịu đối với hầu hết phụ nữ trong quá trình sinh nở, từ đó làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng khi sinh và cả sau sinh.
- Hỗ trợ em bé hạ xuống đầu đường sinh nhờ việc làm giãn các cơ vùng chậu và âm đạo.
- Nếu mẹ bầu bị cao huyết áp, biện pháp này có thể sẽ hỗ trợ điều hòa huyết áp vì tác dụng phụ hay gặp của gây tê ngoài màng cứng là hạ huyết áp thoáng qua. Việc chỉ số huyết áp tăng cao khi sinh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khi sinh.
Tác dụng phụ khi đẻ không đau bằng gây tê ngoài màng cứng
Nhược điểm của phương pháp gây tê ngoài màng cứng là có thể kéo dài thời gian chuyển dạ vì giảm sức rặn của sản phụ đồng thời các cơ tầng sinh môn giãn đôi khi lại làm đầu thai nhi xoay không tốt và tăng khả năng sinh bằng kẹp hoặc giác hút. Những điều này sẽ được bác sĩ hay hộ lý đỡ sinh giải thích cho mẹ bầu trước khi quyết định chọn phương pháp sinh tự nhiên hoặc đẻ không đau.
Các tác dụng phụ và rủi ro có thể gặp của gây tê ngoài màng cứng khi áp dụng trong hình thức đẻ không đau là:
- Ngứa hoặc lạnh run
- Không giảm đau hoặc giảm đau ít
- Đi tiểu khó do giảm cảm giác căng đầy bàng quang
- Hạ huyết áp thoáng qua
- Buồn nôn và ói mửa.
Một số tác dụng phụ hoặc tai biến hiếm gặp của gây tê ngoài màng cứng khi sinh con bằng phương pháp đẻ không đau là:
- Tổn thương dây thần kinh (cực kỳ hiếm với tỷ lệ 1/4.000 đến 1/200.000 ca)
- Các vấn đề về hô hấp
- Đau đầu dữ dội (1%)
- Nhiễm trùng
- Co giật.
Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sinh con phù hợp bên cạnh sự tư vấn của bác sĩ sản khoa. Cho dù chọn hình thức đẻ không đau hay sinh thường thì mục tiêu cuối cùng vẫn là hỗ trợ mẹ và bé vượt cạn an toàn và giúp mẹ bầu hồi phục tốt nhất sau sinh. Còn bây giờ, mẹ bầu hãy thư giãn tinh thần, nghỉ ngơi đầy đủ để chuẩn bị cho ngày vượt cạn sắp đến nhé.
[embed-health-tool-due-date]