backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không?

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 12/08/2020

    Có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không?

    Tuy bệnh lạc nội mạc tử cung gây khó có con, nhưng vẫn có hy vọng dành cho những bệnh nhân này. Nếu mong muốn có con, bạn phải trải qua quá trình điều trị hay thực hiện các giải pháp như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm… 

    Có khoảng 1/2 phụ nữ bị bệnh lạc nội mạc tử cung sẽ gặp khó khăn khi mang thai. Việc nhanh có tin vui phụ thuộc vào các yếu tố khác như tuổi tác, khả năng sinh sản của chồng và mức độ lạc nội mạc tử cung. Đối với những cặp đôi đang mong muốn có con và người vợ bị lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật hoặc các phương pháp như thụ tinh trong ống nghiệm có thể là giải pháp hữu hiệu.

    Bệnh lạc nội mạc tử cung và tình trạng vô sinh

    Mối quan tâm của nhiều phụ nữ sau chẩn đoán bị bệnh lạc nội mạc tử cung là ảnh hưởng của nó đối với các kế hoạch mang thai. Không dễ để trả lời một người có thể vô sinh (không có khả năng thụ thai sau một năm) hay không và số liệu thống kê về việc có bao nhiêu phụ nữ lạc nội mạc tử cung thực sự bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng rất đa dạng.

    Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hỗ trợ sinh sản và Di truyền học, ước tính khoảng 30 – 50% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sẽ bị vô sinh. Dù phụ nữ bị vô sinh đôi khi không được chẩn đoán chính thức bị lạc nội mạc tử cung nhưng vẫn có khả năng mắc phải căn bệnh này. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phụ nữ vô sinh có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung cao gấp 6 – 8 lần so với những người bình thường.

    Ngoài ra, 1/4 cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân, bác sĩ cũng nghi ngờ một số người trong đó có thể đang đối phó với bệnh lạc nội mạc tử cung nhẹ. Điều này được chứng minh trong nghiên cứu trên là có đến 20 – 25% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung hoàn toàn không có triệu chứng.

    Lạc nội mạc tử cung chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng mổ nội soi, nên một số trường hợp vô sinh được xem như không rõ nguyên nhân.

    Cơ hội mang thai tự nhiên khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung

    Nếu biết mình bị lạc nội mạc tử cung, trước khi chuẩn bị có thai, bạn nên đến bác sĩ thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh của mình.

    Thông thường, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên để có thai tự nhiên trong 6 tháng (thay vì 12 tháng). Nếu kết quả không như mong đợi, bạn hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn. 

    Những người từ 35 tuổi có thể không có nhiều thời gian để chờ đợi thụ thai tự nhiên. Khả năng sinh sản tự nhiên của phụ nữ sẽ giảm dần, đặc biệt sau tuổi 35, cộng thêm có lạc nội mạc tử cung, nên việc chờ đợi không phải là ý kiến hay.

    Đau do lạc nội mạc tử cung và vô sinh

    đau do bệnh lạc nội mạc tử cung

    Cảm giác đau có thể cản trở khả năng sinh sản vì nó khiến việc sinh hoạt tình dục không được thoải mái. Đau không ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng hay thụ thai, nhưng nó gây cản trở khi quan hệ.

    Cơn đau không nhất thiết liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh lạc nội mạc tử cung. Dù lạc nội mạc tử cung nặng có thể làm cơn đau gia tăng, nhưng lạc nội mạc tử cung nhẹ cũng có thể gây đau dữ dội. Điều này phụ thuộc vào vị trí cắm ghép của nội mạc tử cung.

    Người bị đau nhiều không có nghĩa là khó mang thai hơn người bị đau ít. Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường được dùng thuốc tránh thai để giảm các triệu chứng đau. Dĩ nhiên, bạn chỉ có thể mang thai khi ngừng sử dụng thuốc.

    Trong trường hợp lạc nội mạc tử cung có mức độ từ trung bình đến nặng, đôi lúc bạn sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ các tổn thương hoặc các nang lạc nội mạc. Phẫu thuật có thể làm giảm tình trạng đau, nhưng phẫu thuật lặp đi lặp lại có thể gây ra sự tích tụ của các mô sẹo (bám dính) làm tăng nguy cơ vô sinh.

    Trong trường hợp lạc nội mạc rất nặng, tử cung, buồng trứng hoặc một phần của buồng trứng có thể bị cắt bỏ. Điều này sẽ tác động đến khả năng sinh sản trong tương lai. Bạn cũng phải biết rằng phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh sản của bạn không phải là cách chữa bệnh lạc nội mạc tử cung bởi cơn đau vẫn có khả năng trở lại. Vì vậy, trước khi phẫu thuật, hãy nhờ các chuyên gia phẫu thuật tư vấn về kế hoạch có con trong tương lai.

    Nguyên nhân gây vô sinh tiềm ẩn khi bị lạc nội mạc tử cung

    Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa hiểu hết được việc lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào. Dù biết rằng lạc nội mạc có thể gây ra u nang buồng trứng (có thể cản trở sự rụng trứng) hoặc mô sẹo do lạc nội mạc khiến ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, nhưng nguyên nhân gây vô sinh vẫn chưa rõ ràng.

    Tuy nhiên, những trường hợp lạc nội mạc tử cung nhưng không có u lạc nội mạc hay tắc ống dẫn trứng vẫn có thể bị giảm khả năng sinh sản. Có một số lý thuyết có thể giải thích tại sao lạc nội mạc tử cung làm cho việc mang thai khó khăn hơn:

    1. Cơ quan sinh sản bị tắc nghẽn hoặc biến dạng

    Tổn thương nội mạc tử cung có thể gây ra mô sẹo hay còn gọi là mô dính. Những mô dính này có thể làm cản trở các cơ quan sinh sản hoạt động. Thậm chí, chúng còn khiến ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, ngăn cản trứng và tinh trùng gặp nhau.

    2. Tình trạng viêm toàn bộ

    Tình trạng viêm nhiễm gia tăng trong cơ thể dường như có liên quan đến vô sinh bởi phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung cũng đồng thời gặp phải các chứng bệnh viêm khác nhau.

    Vậy, lạc nội mạc gây viêm, hay viêm làm tăng lạc nội mạc? Điều này có liên quan đến vô sinh hay không? Hiện vẫn chưa được biết rõ.

    3. Gặp vấn đề về sự làm tổ của phôi

    Mặc dù lạc nội mạc tử cung là tình trạng khiến các mô giống như nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến chính nội mạc tử cung. Tỷ lệ phôi làm tổ thành công ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường thấp hơn nhưng vẫn có khả năng liên quan đến vấn đề trứng kém chất lượng.

    Một số nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sử dụng trứng được hiến sẽ có tỷ lệ làm tổ thành công tương tự với phụ nữ không bị lạc nội mạc tử cung.

    4. Chất lượng trứng giảm

    Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đôi lúc sẽ gặp phải hiện tượng chất lượng trứng kém. Hơn nữa, phôi từ những người này cũng sẽ phát triển chậm hơn mức trung bình. Khi một người hiến trứng bị lạc nội mạc và những quả trứng đó được sử dụng cho phụ nữ không bị lạc nội mạc, phôi tạo ra có chất lượng thấp hơn và tỷ lệ làm tổ thành công sẽ không cao.

    Các giai đoạn lạc nội mạc tử cung và vô sinh

    lạc nội mạc tử cung

    Bác sĩ có thể đã đề cập với bạn các giai đoạn của bệnh lạc nội mạc tử cung. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ xem xét vị trí, số lượng và độ sâu của mô lạc nội mạc để phân giai đoạn lạc nội mạc tử cung.

    Có 4 giai đoạn, được đánh giá theo mức độ nghiêm trọng với giai đoạn 1 là lạc nội mạc tử cung nhẹ và tiến đến giai đoạn 4 là nghiêm trọng. Người lạc nội mạc ở giai đoạn 1 hoặc 2 ít có nguy cơ bị vô sinh hơn người ở giai đoạn 3 và 4.

    Việc xác định giai đoạn của lạc nội mạc tử cung cũng có thể giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị. Ví dụ, một phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 2 có thể thụ thai theo phương pháp tự nhiên nhưng đối với trường hợp đang ở giai đoạn 3, bạn nên tiến hành phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

    Tuy nhiên, giai đoạn lạc nội mạc tử cung cũng không thể dự đoán liệu phương pháp điều trị sinh sản sẽ thành công ít hay nhiều. Lạc nội mạc tử cung giai đoạn 2 vẫn có thể trải qua nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại. Ngược lại, lạc nội mạc tử cung giai đoạn 4 vẫn có khả năng thụ thai ngay trong chu kỳ điều trị đầu tiên.

    Các phương pháp điều trị

    Quá trình điều trị theo chu kỳ mang tính hiệu quả nhất đối với vô sinh do lạc nội mạc tử cung sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, giai đoạn bệnh, các yếu tố nguy cơ vô sinh, chi phí điều trị và lựa chọn cá nhân.

    Kế hoạch chữa bệnh cũng dựa trên giai đoạn đang mắc phải và liệu lạc nội mạc tử cung có phải là nguyên nhân gây vô sinh hay không, kèm theo phương diện tuổi tác.

    Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)

    Thuốc hỗ trợ sinh sản đơn thuần thường không được dùng cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung bởi khả năng cải thiện là khá thấp. Các loại thuốc hỗ trợ sinh sản bao gồm Clomid (clomiphene) và gonadotropin. Dùng thuốc Clomid và bơm tinh trùng vào buồng tử cung thường được thử nghiệm áp dụng trước tiên để tránh nguy cơ đa thai và hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS).

    Trong một nghiên cứu về phụ nữ bị vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc đã trải qua phẫu thuật lạc nội mạc tử cung, tỷ lệ mang thai trên mỗi chu kỳ là 9,5% đối với người sử dụng clomid cùng IUI. Còn đối với phụ nữ chọn cách thức mang thai tự nhiên, con số chỉ dừng lại ở mức 3,3%.

    Một thử nghiệm ngẫu nhiên trên 49 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 1 hoặc 2 so sánh tỷ lệ mang thai ở những người dùng 3 chu kỳ gonadotropin kết hợp IUI với những người để có thai theo tự nhiên mà không áp dụng hình thức hỗ trợ sinh sản nào trong 6 tháng. Kết quả, tỷ lệ mang thai trên mỗi chu kỳ của những người dùng gonadotropin kết hợp với IUI là 15%. Còn đối với nhóm phụ nữ không được điều trị, tỷ lệ mang thai trên mỗi chu kỳ chỉ dừng ở mức 4,5%.

    Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

    bệnh lạc nội mạc tử cung

    Nếu thuốc hỗ trợ mang thai cùng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung không thành công, thì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể là bước tiếp theo. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được coi là hiệu quả nhất về tổng thể. Biện pháp này cũng khá đắt đỏ và áp dụng hình thức xâm lấn.

    Tùy thuộc vào hoàn cảnh, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể là phương án điều trị đầu tiên cho các trường hợp khả năng thụ thai giảm. Bạn sẽ được khuyên bỏ qua hình thức bơm tinh trùng vào buồng tử cung và tiến thẳng đến thụ tinh trong ống ngiệm (IVF) nếu:

    • Trên 35 tuổi
    • Bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 3 hoặc 4
    • Không bận tâm về chi phí thụ tinh trong ống nghiệm hoặc các thủ thuật xâm lấn
    • Có nhiều yếu tố nguy cơ gây vô sinh (như tinh trùng có vấn đề hoặc dự trữ buồng trứng ở mức thấp)

    Theo các nghiên cứu, tỷ lệ thành công trung bình của IVF đối với các trường hợp lạc nội mạc tử cung khoảng 22,2%, hơi thấp hơn so với IVF ở phụ nữ bình thường.

    Dự đoán tỷ lệ thành công của từng trường hợp có thể phức tạp. Hầu hết các cặp vợ chồng phải lựa chọn hình thức thụ tinh trong ống nghiệm cũng đồng thời đối mặt với các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản khác ngoài lạc nội mạc.

    Tuy nhiên, nếu lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân gây vô sinh, thì tỷ lệ thụ thai thành công sẽ là tương đương hoặc cao hơn một chút so với những người được chẩn đoán vô sinh do nguyên nhân khác.

    Hơn nữa, thụ tinh trong ống nghiệm dường như không gây đau đớn quá nhiều. Điều quan trọng mà bạn phải nhận ra rằng là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không phải là một lựa chọn cho tất cả các cặp vợ chồng. Một số người không có đủ tài chính để theo đuổi quy trình này. Đối với các trường hợp như vậy, nếu nhiều chu kỳ sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản kết hợp bơm tinh trùng (IUI) không thành công, bạn đành phải nghĩ đến phương án nhận con nuôi.

    Nguy cơ sẩy thai

    Lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai nhưng điều đáng ngạc nhiên là các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung giai đoạn 1 hoặc 2 có nhiều khả năng bị sẩy thai hơn so với những người bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 3 hoặc 4. Điều này được giải thích là do những người lạc nội mạc tử cung nhẹ thì bị viêm nhiễm nặng hơn.

    Phẫu thuật và tỷ lệ mang thai

    Lý do đầu tiên để phẫu thuật loại bỏ các mô lạc nội mạc là làm giảm các triệu chứng đau. Điều này đôi khi được thực hiện tại thời điểm chẩn đoán. Ngoài việc giảm đau, phẫu thuật cũng có thể mang lại lợi ích là tăng khả năng mang thai.

     Đối với phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nặng, phẫu thuật dường như cải thiện tỷ lệ thành công trong điều trị sinh sản. Tuy nhiên, phẫu thuật lặp đi lặp lại có thể đảo ngược lợi ích đó. 

    Nếu không bị đau do bệnh lạc nội mạc tử cung thì phẫu thuật đôi khi mang lại nhiều nguy cơ hơn là tác dụng tốt. Do vậy, bạn cần cân nhắc những ưu và nhược điểm của hình thức này để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Ngày cập nhật: 12/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo