backup og meta

Hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng quá kích buồng trứng

Tìm hiểu chung

Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?

Hội chứng quá kích buồng trứng là bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ tiêm thuốc hormone để kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Điều này có thể xảy ra ở những phụ nữ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), kích thích rụng trứng hoặc thụ tinh trong tử cung.

Thuốc hormone quá nhiều trong cơ thể có thể dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng (hội chứng OHSS), trong đó buồng trứng trở nên sưng và đau đớn. Một số ít phụ nữ có thể phát triển hội chứng nghiêm trọng, dẫn đến tăng cân nhanh chóng, đau bụng, nôn mửa và khó thở.

Ít khi hội chứng kích ứng buồng trứng xảy ra ở người điều trị vô sinh bằng thuốc, như clomiphene (Clomid, Serophene). Đôi khi, hội chứng xảy ra một cách tự nhiên, không liên quan đến các phương pháp điều trị vô sinh.

Mức độ phổ biến của hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng kích ứng buồng trứng nhẹ phổ biến ở phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm; tỷ lệ ảnh hưởng là 33 người trong 100 phụ nữ (33%). Tuy nhiên, chỉ có hơn 1 trong 100 phụ nữ (1%) sẽ phát triển hội chứng mức độ trung bình hoặc nặng. Hầu hết các triệu chứng sẽ tự hết trong vòng 7-10 ngày. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng là gì?

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng quá kích buồng trứng là:

  • Bụng đầy hơi
  • Đau nhẹ trong bụng
  • Tăng cân

Trong trường hợp hiếm hoi, phụ nữ có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Tăng cân nhanh chóng (khoảng 5kg trong 3-5 ngày)
  • Đau đớn cùng cực hoặc sưng ở vùng bụng
  • Giảm đi tiểu
  • Khó thở
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng quá kích buồng trứng?

Nguyên nhân gây hội chứng quá kích buồng trứng chưa được rõ, mặc dù có thể do việc bổ sung một lượng human chorionic gonadotropin (HCG) vào cơ thể, một hormone thường được sản xuất trong khi mang thai. Các mạch máu của buồng trứng phản ứng bất thường với HCG và bắt đầu gây rò rỉ chất lỏng. Chất lỏng này làm buồng trứng phình to ra và đôi khi một lượng dịch lớn di chuyển vào vùng bụng.

Trong các phương pháp điều trị vô sinh, HCG có thể được sử dụng như chất “mồi” để kích thích một nang trưởng thành phát triển thành trứng. Hội chứng quá kích buồng trứng thường xảy ra trong vòng một tuần sau khi bạn được tiêm HCG. Nếu bạn có thai trong chu kỳ điều trị, hội chứng có thể nghiêm trọng hơn khi cơ thể của bạn bắt đầu sản xuất HCG riêng của mình để đáp ứng với việc mang thai.

Các thuốc tiêm kích thích thụ thai có nhiều khả năng gây ra hội chứng quá kích buồng trứng hơn là điều trị bằng clomiphene.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng như:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang – một rối loạn phụ khoa phổ biến gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều, tóc mọc quá nhiều và hình ảnh bất thường của buồng trứng trên siêu âm
  • Số lượng các nang lớn
  • Tuổi dưới 30
  • Cân nặng nhẹ
  • Nồng độ estradiol (estrogen) cao hoặc tăng đột biến trước khi tiêm liều kích tố HCG
  • Có hội chứng quá kích buồng trứng trước đây

Trong một số trường hợp, hội chứng quá kích buồng trứng ảnh hưởng đến phụ nữ không có yếu tố nguy cơ nào cả.

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng quá kích buồng trứng?

Nếu bạn có hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phải theo dõi các triệu chứng một cách cẩn thận. Bạn có thể phải nhập viện.

Cần đo cân nặng và kích thước vòng bụng. Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:

  • Siêu âm bụng hoặc âm đạo
  • Chụp X-quang ngực
  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần
  • Xét nghiệm điện giải
  • Kiểm tra chức năng gan
  • Đo lượng nước tiểu

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng quá kích buồng trứng?

Hội chứng quá kích buồng trứng thường tự hết trong vòng 1 hoặc 2 tuần, có thể lâu hơn nếu bạn đang mang thai. Điều trị nhằm mục đích giúp bạn cảm thấy thoải mái, giảm hoạt động của buồng trứng và tránh các biến chứng.

Hội chứng quá kích buồng trứng nhẹ đến trung bình

Hội chứng nhẹ thường tự hết. Điều trị hội chứng quá kích buồng trứng trung bình có thể bao gồm:

  • Thuốc chống buồn nôn, thuốc giảm đau theo toa hoặc cả hai
  • Khám tổng quát và siêu âm thường xuyên
  • Đo trọng lượng và đo vòng eo mỗi ngày để kiểm tra những thay đổi đột ngột
  • Đo lượng nước tiểu bạn sản xuất mỗi ngày
  • Làm các xét nghiệm máu để giám sát tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải và các vấn đề khác
  • Cung cấp đầy đủ lượng chất lỏng
  • Thoát lượng chất lỏng dư thừa ở bụng bằng cách chọc một cây kim vào trong khoang bụng
  • Mang vớ hỗ trợ giúp ngăn ngừa cục máu đông

Hội chứng quá kích buồng trứng nặng

Với hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng, bạn có thể cần nhập viện để được theo dõi và điều trị tích cực như truyền dịch. Bác sĩ có thể kê toa thuốc cabergoline để giảm bớt các triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể kê toa một loại thuốc khác – gonadotropin – một chất đối kháng hormone giúp giảm hoạt động của buồng trứng.

Các biến chứng nghiêm trọng có thể cần các điều trị bổ sung như phẫu thuật một u nang buồng trứng vỡ hoặc chăm sóc đặc biệt cho các biến chứng ở gan hoặc phổi. Bạn cũng có thể cần thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng quá kích buồng trứng?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng quá kích buồng trứng:

  • Hãy thử một số loại thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen (Tylenol và những biệt dược khác) để giảm các cảm giác khó chịu ở bụng, nhưng tránh ibuprofen (Advil, Motrin IB và những biệt dược khác) hoặc natri naproxen (Aleve và những biệt dược khác), vì đây là những loại thuốc có thể gây trở ngại cho việc cấy trứng mới thụ tinh.
  • Tránh quan hệ tình dục vì nó có thể gây đau và có thể làm vỡ một u nang trong buồng trứng.
  • Duy trì hoạt động thể chất mức độ nhẹ, tránh các hoạt động nặng hay gắng sức.
  • Tự đo trọng lượng cùng một cái cân và đo vòng bụng mỗi ngày, báo cáo tăng trưởng bất thường với bác sĩ.
  • Gọi cho bác sĩ nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn nặng hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ovarian hyperstimulation syndrome

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-hyperstimulation-syndrome-ohss/symptoms-causes/syc-20354697

Ngày truy cập 24/11/2017

Ovarian hyperstimulation syndrome

https://medlineplus.gov/ency/article/007294.htm

Ngày truy cập 24/11/2017

Ovarian hyperstimulation syndrome – RCOG

https://www.rcog.org.uk/globalassets/documents/patients/patient-information-leaflets/gynaecology/pi_ohss.pdf

Ngày truy cập 24/11/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Nhi Bui


Bài viết liên quan

Hay bị đau đầu, khó tập trung trước và trong khi hành kinh: Liệu có phải do thiếu máu, thiếu sắt?

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo