backup og meta

Tiết lộ phương pháp tránh thai khi cho con bú

Tiết lộ phương pháp tránh thai khi cho con bú

Nếu bạn đang tìm kiếm các phương pháp tránh thai khi cho con bú an toàn và hiệu quả thì hãy cùng tham khảo bài viết của Hello Bacsi nhé!

Nếu bạn đang tìm kiếm các phương pháp tránh thai vừa hiệu quả vừa an toàn khi cho con bú thì hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Làm thế nào để ngừa thai khi cho con bú?

Bạn có thể đã từng nghe nói rằng thời gian cho con bú sữa mẹ là thời kỳ ngừa thai tốt nhất nhưng điều này cũng chỉ đúng một phần mà thôi.

Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm khả năng mang thai chỉ khi bạn hoàn toàn cho con bú sữa mẹ và phương pháp này chỉ đáng tin cậy trong vòng 6 tháng sau khi sinh con. Để thực hiện phương pháp này, bạn phải cho trẻ bú ít nhất cứ mỗi 4 tiếng một lần vào ban ngày và mỗi 6 giờ một lần vào ban đêm, ngoài ra không được cho con uống thêm gì khác. Điều này có nghĩa là bé không được bổ sung gì ngoài sữa mẹ.

Sau khi sinh con, bạn sẽ rụng trứng và sau đó nếu không mang thai bạn sẽ xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên vào khoảng 2 tuần sau đó. Có thể bạn sẽ không biết mình đã rụng trứng. Do đó, bạn vẫn có nguy cơ mang thai khi cho con bú. Phương pháp này sẽ không có hiệu quả nếu kỳ kinh của bạn đã trở lại.

Nếu bạn quan tâm đến việc ngừa thai trong thời gian cho con bú, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn của mình bởi vì rất có thể bạn sẽ muốn tránh sử dụng phương pháp ngừa thai có chứa hormone estrogen (làm giảm sữa cung cấp cho con bú).

Các biện pháp tránh thai khi cho con bú

1. Tránh thai tự nhiên

Có rất nhiều cách để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bạn hãy chú ý thật kỹ tới nhịp sinh học cơ thể và đừng quên tính chu kỳ kinh nguyệt của bản thân nhé. Chu kỳ kinh nguyệt thông thường sẽ kéo dài khoảng từ 26 – 32 ngày. Bên cạnh đó, bạn cần phải quan sát chất nhầy cổ tử cung tiết ra từ âm đạo.

Bạn cũng có thể đo nhiệt độ cơ thể mỗi sáng bằng một nhiệt kế đặc biệt. Điều này giúp bạn thấy được sự tăng hoặc giảm nhiệt độ của cơ thể và biết được thời kỳ rụng trứng của bản thân, vì khi rụng trứng thân nhiệt sẽ có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, rất khó có thể đoán trước khi nào bạn sẽ có con trở lại sau khi sinh. Hầu hết phụ nữ sau sinh khi bắt đầu rụng trứng sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. Bên cạnh đó, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể sẽ không đều và khác các kỳ kinh trước đây.

Nếu lựa chọn phương pháp này, bạn hãy tìm hiểu kỹ thông tin. Ngoài ra, bạn cần siêng theo dõi chất nhầy, theo dõi lịch, triệu chứng và nhiệt độ của bản thân. Hiệu quả của phương pháp kế hoạch tự nhiên rơi vào khoảng 76% hoặc thấp hơn nếu bạn không thực hành phương pháp này một cách nhất quán.

Đây không phải là sự lựa chọn tốt cho phụ nữ có kỳ kinh không đều. Ngoài ra, chu kỳ của bạn có thể sẽ rất khó đoán trong thời kỳ cho con bú. Vì vậy, bạn nên cân nhắc sử dụng phương pháp dự phòng như bao cao su, mũ cổ tử cung hoặc màng ngăn.

2. Sử dụng thuốc tránh thai khi cho con bú

thuốc tránh thai

Thuốc ngừa thai truyền thống có chứa một hỗn hợp các hormone estrogen và progestin. Vì lượng hỗn hợp này, một số chị em phụ nữ có thể bị giảm lượng sữa và do đó thời gian cho con bú sẽ ngắn hơn khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp. Các chuyên gia tin rằng estrogen là nguyên nhân sâu xa gây ra điều này.

Nếu bạn muốn sử dụng thuốc tránh thai dạng uống thì minipill ắt hẳn sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Loại thuốc viên này chỉ chứa progestin. Vì vậy, thuốc này được cho là an toàn hơn cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Thuốc viên này thường chỉ được kê theo toa nhưng bạn vẫn có thể mua được ở một số quầy thuốc.

Mỗi viên thuốc trong gói 28 viên đều có chứa progestin giúp bạn không có kinh trong vòng 1 tháng. Bạn có thể bị băng huyết hoặc chảy máu bất thường trong quá trình cơ thể cố gắng thích nghi với thuốc tránh thai.

Giống như nhiều loại thuốc ngừa thai có chứa progestin khác, bạn có thể bắt đầu uống minipill từ khoảng giữa 6 và 8 tuần sau khi sinh em bé. Nó cho hiệu quả ngừa thai từ 87 – 99,7%.

Phương pháp này giúp bạn thành công trong việc ngừa thai nếu bạn nhớ uống thuốc đều đặn vào cùng một thời gian cố định mỗi ngày để giữ mức độ hormone được ổn định.

Tác dụng phụ

Khi dùng minipill bạn có thể sẽ gặp nhiều tác dụng phụ như đau đầu, chảy máu bất thường đến giảm ham muốn tình dục hoặc u nang buồng trứng. Nếu bạn quyết định muốn mang thai lại sau khi dùng thuốc, hãy tham vấn bác sĩ. Một vài phụ nữ vẫn có khả năng thụ thai lại ngay sau khi ngưng thuốc hoặc có thể mất vài tháng cơ thể mới có thể trở lại như cũ.

Nhiều người nhận thấy dù dùng bất kỳ phương pháp ngừa thai bằng hormone nào nguồn sữa của mình cũng đều giảm xuống. Để khắc phục điều đó, bạn hãy cho con bú nhiều hơn và vắt sữa thường xuyên trong vài tuần đầu khi dùng thuốc. Nếu nguồn sữa mẹ tiếp tục giảm, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cách tăng lượng sữa.

3. Thuốc tiêm tránh thai Depo-Provera

Tiêm Depo-Provera là hình thức kê toa ngừa thai lâu dài. Nó sử dụng hormone progestin để ngừa thai. Liều tiêm này cho hiệu quả ngừa thai trong vòng 3 tháng. Vì vậy, nếu bạn không tiếp tục tiêm sau 3 tháng, hiệu quả ngừa thai sẽ không còn. Phương pháp này đạt hiệu quả khoảng 97%. Nếu cứ mỗi 12 tuần bạn tiêm thuốc đúng giờ thì thuốc sẽ cho hiệu quả cao hơn những người bỏ thuốc hoặc không làm đúng liệu trình.

Tác dụng phụ của thuốc tiêm tránh thai Depo-Provera bao gồm đau bụng đến đau đầu hoặc tăng cân. Một số người cũng có thể mắc chứng loãng xương trong khi sử dụng phương pháp ngừa thai này. Nếu bạn muốn có con, điểm quan trọng cần chú ý là bạn có thể mất 10 tháng hoặc lâu hơn để khả năng sinh sản của bạn trở lại bình thường sau khi ngừng sử dụng phương pháp này.

4. Miếng bọt tránh thai

Miếng bọt tránh thai

Đây là một miếng bọt polyurethane dùng để chèn vào âm đạo giúp ngừa thai. Bọt biển sẽ ngăn không cho tinh trùng xâm nhập vào tử cung của bạn. Khi sử dụng thông thường, phương pháp tránh thai này đem lại khoảng 88% hiệu quả nhưng có thể sẽ cho ít hiệu quả hơn đối với những mẹ đã sinh con.

Bọt biển ngừa thai có chứa chất diệt tinh trùng, vì vậy nó không chỉ ngăn chặn tinh trùng tiếp cận tử cung mà còn chứa các hóa chất giúp vô hiệu hóa và diệt tinh trùng. Bạn nên giữ miếng bọt biển ngừa thai trong âm đạo ít nhất 6 giờ sau khi giao hợp, tuy nhiên đừng để nó nằm trong đó quá 24 tiếng.

5. Mũ cổ tử cung

Mũ cổ tử cung

Mũ cổ tử cung được đặt trong âm đạo lên đến 6 giờ trước khi giao hợp, có hiệu quả từ 71–86%. Mũ này sẽ chỉ bán theo toa vì nhà thuốc cần đảm bảo mũ tử cung phải đúng với kích cỡ của bạn. Nếu bạn đã sử dụng mũ trước khi mang thai, bạn sẽ cần phải điều chỉnh lại kích thước của mũ. Điều này xảy ra là do cổ tử cung của bạn sẽ thay đổi sau khi mang thai và sinh nở.

Mũ cổ tử cung cần đi kèm với chất diệt tinh trùng để cho hiệu quả tối đa. Điều này nghĩa là bạn có thể có 30% khả năng thụ thai nếu không dùng kèm với chất diệt tinh trùng.

6. Màng tránh thai

Đây là một tấm silicone nhỏ ngăn ngừa thai mà bạn dùng để chèn vào âm đạo 2 giờ trước khi giao hợp. Nó rất vừa vặn với cổ tử cung, giúp bạn ngăn không cho tinh trùng đến được tử cung. Bác sĩ sẽ lắp vừa vặn tấm silicone này và sửa lại kích cỡ cho bạn sau khi sinh con, vì lúc đó cổ tử cung của bạn đã thay đổi và kích cỡ màng tránh thai không còn phù hợp nữa.

Phương pháp này chỉ hiệu quả khoảng 60% đối với phụ nữ đã sinh con. Để đạt hiệu quả cao nhất, bạn hãy luôn luôn sử dụng chất diệt tinh trùng kèm với màng tránh thai nhé!

7. Bao cao su

bao cao su

Bao cao su hoạt động bằng cách ngăn không cho tinh trùng đi vào âm đạo. Chúng có nhiều loại, bao gồm:

  • Bao cao su dành cho nam hoặc bao cao su nữ
  • Làm bằng cao su hoặc không phải cao su
  • Không bôi trơn hoặc bôi trơn
  • Diệt tinh trùng.

Bao cao su cũng đồng thời là hình thức ngừa thai duy nhất giúp bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Khi được sử dụng đúng cách, bao cao su có hiệu quả lên tới 98%. Sử dụng đúng cách có nghĩa là bạn nên sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ từ đầu đến cuối. Nói cách khác, bạn không được phép có bất kỳ hoạt động tình dục nào trước khi đeo bao cao su. Sử dụng đúng cách cũng bao gồm việc bao cao su không bị rách hoặc tuột ra ngoài trong suốt quá trình giao hợp.

Với việc sử dụng thông thường, con số đó sẽ giảm xuống khoảng còn 82% hiệu quả. Điều này lý giải cho tất cả các tai nạn xảy ra trong quá trình giao hợp. Để bảo vệ thêm, hãy sử dụng bao cao su với các phương pháp ngừa thai khác như thuốc diệt tinh trùng hoặc kế hoạch hóa gia đình.

8. Phương án đặt vòng tránh thai (IUD)

Đặt vòng tránh thai có hiệu quả ngừa thai hơn 99%. Do đó, có thể nói đây là biện pháp ngừa thai hiệu quả nhất trên thị trường. IUD là một hình thức ngừa thai lâu dài và có thể dễ dàng gỡ bỏ (LARC). IUD bao gồm hai loại khác nhau là hormone và không chứa hormone. Bạn chỉ được dùng khi có sự cho phép của bác sĩ.

Vòng tránh thai hormone

Trong thành phần của vòng tránh thai hormone có chứa progestin. Đây là dạng tổng hợp của hormone progesterone. Hormone này làm tăng chất nhầy cổ tử cung giúp bạn ngăn không cho tinh trùng đến được tử cung. Trên thị trường hiện có những loại vòng tránh thai sau:

  • Mirena: ngừa thai tối đa 5 năm
  • Skyla: ngừa thai tối đa 3 năm
  • Liletta: ngừa thai tối đa 3 năm
  • Kyleena: ngừa thai tối đa 5 năm.

Bác sĩ sẽ giúp bạn chèn một thiết bị hình chữ T bằng nhựa vào tử cung của bạn để ngăn ngừa thụ tinh. Tuy nhiên, khi một vật lạ được chèn vào cơ thể bạn, nguy cơ bạn bị nhiễm bệnh sẽ lớn hơn. Vì thế, vòng tránh thai không phải là sự lựa chọn tốt cho phụ nữ có nhiều bạn tình.

Vòng tránh thai hormone cũng có thể làm cho kỳ kinh của bạn nhẹ nhàng hơn. Một số phụ nữ có thể chấm dứt kinh nguyệt hoàn toàn nhờ vào phương pháp này.

Vòng tránh thai không hormone

vòng tránh thai

Paragard là loại vòng tránh thai không hormone duy nhất hiện nay. Paragard sử dụng một lượng nhỏ đồng khiến tinh trùng khó có thể di chuyển được từ đó giúp ngăn ngừa sự thụ tinh. Paragard có khả năng ngừa thai tối đa 10 năm. Tuy nhiên, vòng tránh thai IUD này có thể sẽ không phù hợp với bạn nếu bạn thường bị ra nhiều trong các kỳ kinh nguyệt hoặc đã từng bị chuột rút nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ sử dụng IUD chứa đồng cho biết họ trải qua kỳ kinh kéo dài và nặng nề hơn.

Bạn có thể đặt vòng tránh thai ngay sau khi sinh nhưng bạn nên hỏi bác sĩ xem có thật sự nên làm điều này hay không. Nhiều bác sĩ khuyên bạn nên đợi cho đến khi vết thương của bạn hoàn toàn lành và ngừng chảy máu sau khi sinh trong vòng từ 2 – 6 tuần. Bởi vì nếu đặt quá sớm vòng tránh thai có thể bị rách và gây nguy cơ nhiễm trùng cho bạn.

Vòng tránh thai có thể gây ra một vài tác dụng phụ như co thắt sau khi vòng được chèn vào cơ thể, chảy máu bất thường hoặc chảy máu nhiều và băng huyết giữa các kỳ kinh. Những phản ứng phụ này thường có trong 6 tháng đầu tiên sau khi đặt vòng.

9. Que cấy tránh thai

Phương pháp ngừa thai cấy que Nexplanon cho hiệu quả lên đến 99%. Thiết bị hình que nhỏ này có kích thước bằng một que diêm. Bác sĩ sẽ cấy que tránh thai dưới da cánh tay của bạn. Khi đã ở đúng vị trí, que cấy có thể giúp tránh thai trong thời gian lên đến 4 năm.

Que cấy tránh thai có chứa hormone progestin, có tác dụng giúp ngăn ngừa rụng trứng. Nó đồng thời cũng giúp làm dày chất nhầy cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng chạm đến trứng. Bạn có thể đặt que cấy ngừa thai ngay sau khi sinh và loại bỏ nó nếu bạn muốn mang thai lần nữa.

Mặc dù các biến chứng ở que cấy tránh thai Nexplanon rất hiếm nhưng bạn vẫn nên báo cho bác sĩ biết nếu cảm thấy:

  • Đau cánh tay
  • dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt hoặc nhiễm lạnh
  • Chảy máu âm đạo nặng bất thường.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về phương pháp tránh thai khi cho con bú an toàn.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Which Forms of Birth Control Are Safe to Use While Breastfeeding? http://www.healthline.com/health/birth-control/birth-control-while-breastfeeding Ngày truy cập 25/07/2017

Breastfeeding-Friendly Birth Control http://www.parents.com/parenting/relationships/postpartum-birth-control/birth-control-while-breastfeeding/ Ngày truy cập 25/07/2017

Phiên bản hiện tại

06/07/2020

Tác giả: Hải Tiền

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Cao Nguyen Bich Vi


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Uống thuốc tránh thai hàng ngày có hại không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hải Tiền · Ngày cập nhật: 06/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo