3. Chị Minh Anh (Bình Phước)
Tôi mất đến 3 năm mới có thể mang thai đứa con đầu lòng. Sau khi sinh, tôi quyết tâm cho bé bú mẹ vì mong muốn con mình sẽ nhận được những điều tốt nhất từ sữa mẹ.
Tuy nhiên, khi cho bé bú, mọi việc không dễ như tôi tưởng. Núm vú tôi bị nứt, lượng sữa tiết ra không đủ, ngủ không đủ. Tất cả những vấn đề này tôi vẫn xoay sở được để có thể cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu.
Thách thức lớn nhất là khi tôi bắt đầu đi làm lại. Do tính chất công việc, tôi phải làm từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tôi phải tận dụng giờ nghỉ trưa để vắt sữa và tôi cảm thấy buồn vì con không bú đủ sữa mẹ.
Giải pháp của tôi
Nhờ một người bạn hướng dẫn, tôi đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề này là sử dụng một máy hút sữa bằng pin rất tiện lợi. Tôi mặc thêm áo hút sữa rảnh tay cho mẹ nên việc hút sữa trở nên dễ dàng hơn. Trong khi ngồi hút sữa, tôi có thể làm những việc cần thiết khác, tất nhiên tôi vẫn phải ngồi trong phòng kín để làm việc này.
Sau khi hút, tôi cất sữa mẹ vào ngăn đá của tủ lạnh trong công ty. Đến giờ về tôi lấy những chai đựng sữa và cho vào túi giữ nhiệt, trong đó đặt sẵn những gói đá khô. Về nhà, tôi đổ những chai sữa đã hút vào trong bịch trữ sữa, ghi ngày tháng vắt lên bịch và cất vào tủ đông. Vì vậy, mỗi ngày, người nhà tôi có thể dùng sữa này rã đông, sau đó cho con bú. Nhờ vậy, tôi không tốn tiền mua sữa cho con được hơn một năm nay rồi.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về cách bảo quản và rã đông sữa mẹ, bạn có thể tham khảo bài viết Bật mí cách bảo quản sữa mẹ đúng để đảm bảo nguồn sữa cho con.
4. Chị Ngọc Mai (Quận 8, TP. HCM)
Lúc sinh bé đầu lòng, tôi có rất ít sữa. Mỗi khi tôi cho bé bú, bé lại không chịu và khóc. Cứ mỗi 3 – 4 giờ, tôi lại phải vắt sữa, cả ngày lẫn đêm. Tình trạng kéo dài trong 2 tháng, tổng lượng sữa ở cả 2 vú của tôi chỉ được khoảng 30 – 60ml/lần hút. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định cho bé bú bất cứ khi nào có thể. Đến tháng thứ ba, nỗ lực của tôi đã được đền đáp và bé đã có thể bú tốt.
Đến bé thứ 2, sữa của tôi lại quá nhiều và tôi phải đem cho các mẹ khác nhưng tôi thường bị tắc ống dẫn sữa. Tình trạng này khiến tôi bị sốt hơn 39°C và bị đau khủng khiếp.
Giải pháp của tôi
Tôi đã dùng paracetamol để giảm đau và vắt sữa tích cực hơn. Ngoài ra, tôi chườm nóng 2 bên vú bằng cách cho gạo vào trong túi vải, may kín lại. Khi nào cần chườm nóng, tôi cho 2 túi gạo vào trong lò vi sóng quay 2 phút. Lấy 2 túi và chườm lên vùng ngực. Nếu quá nóng, tôi lót thêm một chiếc khăn mỏng. Khi nào độ nóng giảm bớt, tôi sẽ lấy khăn ra. Massage ngực thường xuyên cũng là cách giúp giảm tình trạng tắc ống dẫn sữa hiệu quả.
5. Chị Thanh Thảo (Quận 1, TP. HCM)

Đối với tôi, giai đoạn khó khăn nhất khi cho con bú là tháng đầu tiên. Trong tháng này, bé nhà tôi dường như không tăng cân. Ban đầu, tôi nghĩ là do sữa của tôi không đủ, khiến bé bị đói nên cực kỳ lo lắng. Ngoài ra, núm vú của tôi cũng liên tục bị nứt và chảy máu.
Giải pháp của tôi
Tôi quyết định tìm kiếm lời khuyên từ các diễn đàn, các nhóm của các bà mẹ bỉm sữa. Tôi nhận thấy rằng mình không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng này. Điều này đã thúc đẩy tôi kiên trì và tiếp tục hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Với tình trạng núm vú bị nứt, chảy máu, tôi đã vượt qua nó bằng quyết tâm đem lại nguồn sữa đầy dinh dưỡng cho con. Cách tôi giải quyết vấn đề này là chịu đau. Sau một thời gian chịu đau và không để ý đến nó nữa, tình trạng nứt cũng tự nhiên khỏi hẳn. Bây giờ, mỗi cữ bú của mẹ con tôi diễn ra êm đẹp và trong khi cho con bú, tôi có cơ hội nhìn ngắm con bằng sự trìu mến, yêu thương.
6. Chị Ngọc Xuân (Bình Dương)
Sau khi sinh, tôi lại có rất nhiều sữa làm bé bú không kịp. Vì vậy, tôi phải vắt sữa thường xuyên. Nếu không vắt, tôi rất dễ bị viêm, tắc ống dẫn sữa. Điều này khiến tôi rất căng thẳng, tôi luôn đổ lỗi cho bản thân mình về tất cả mọi thứ và thậm chí tôi còn bị trầm cảm.
Hiện tại, bé cưng nhà tôi đã được 3 tuổi và tôi cho đã bé bú được 1,5 năm. Nhìn lại, tôi không bao giờ hối hận về con đường mà mình đã chọn. Dù có khó khăn nhưng nó xứng đáng.
Giải pháp của tôi
Nếu bạn là một bà mẹ có sữa quá nhiều, hãy suy nghĩ đến việc giúp đỡ cho những bà mẹ khác. Điều này không những giúp bạn cảm thấy thoải mái mà còn có thể giúp đỡ được nhiều người. Tuy nhiên, bạn phải bảo đảm nguồn sữa của mình không bị nhiễm khuẩn để bé khác không gặp nguy hiểm khi bú sữa của bạn.
Bích Ngân/HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!