backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Làm gì dễ bị sẩy thai? 7 yếu tố tác nhân có hại cho thai kỳ mẹ cần tránh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/02/2022

    Làm gì dễ bị sẩy thai? 7 yếu tố tác nhân có hại cho thai kỳ mẹ cần tránh

    Mang thai được xem là một quá trình vừa hạnh phúc nhưng cũng gây ra nhiều nỗi lo lắng cho mẹ bầu nói riêng và cả gia đình nói chung. Nhiều yếu tố tưởng chừng vô hại có thể là nguyên nhân dẫn đến sẩy thai (sảy thai) ở mẹ bầu trong thai kỳ. Vậy mẹ bầu làm gì dễ bị sẩy thai và cách phòng tránh như thế nào? 

    Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ chia sẻ đến bạn những việc làm dễ sảy thai cần tránh và cách có thể giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn hơn nhé!

    1. Làm gì dễ bị sẩy thai? Sử dụng nhiều rượu, bia và thức uống có cồn

    Uống bia có sảy thai không? Sự thật thì rượu bia và các thức uống có cồn được xem là chống chỉ định đối với các mẹ bầu trong suốt thai kỳ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Hoa Kỳ, uống rượu bia khi mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu và một loạt các khuyết tật về thể chất, tinh thần cũng như hành vi của em bé.

    Nhiều mẹ bầu tin rằng uống một lượng nhỏ hoặc uống rượu bia trong tam cá nguyệt thứ ba không ảnh hưởng đến em bé vì thời điểm này, bé đã phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong suốt quá trình mang thai không có giai đoạn nào là an toàn để thai phụ uống rượu bia, cũng không có lượng giới hạn tối thiểu mà mẹ bầu có thể uống. Việc uống rượu bia gây ra nhiều ảnh hưởng đối với thai nhi, trong nhiều trường hợp có thể gây sẩy thai.

    Chính vì vậy, ngay từ khi có ý định mang thai hoặc biết mình đã mang thai, các mẹ bầu nên tránh tuyệt đối việc sử dụng rượu bia và các thức uống có cồn.

    2. Sử dụng thức uống nhiều caffeine có thể gây sẩy thai

    Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ (American Journal of Obstetrics and Gynecology), những phụ nữ mang thai tiêu thụ 200mg caffeine hoặc nhiều hơn mỗi ngày (khoảng 2 tách cà phê thông thường hoặc 5 lon soda 355ml có chứa caffeine) có nguy cơ bị sảy thai cao gấp đôi so với những người không uống.

    Caffeine có khả năng đi qua nhau thai đến cơ thể thai nhi nhưng chúng khó được chuyển hóa do hệ thống trao đổi chất của bé lúc này chưa phát triển hoàn thiện. Caffeine cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tế bào và làm giảm lưu lượng máu trong bào thai, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

    Các nguồn cung cấp caffeine bao gồm cà phê, trà, soda có chứa caffeine và chocolate nóng. Các nhà nghiên cứu đã ước tính lượng caffeine có trong 150ml của các loại đồ uống khác nhau là:

    • 100mg caffeine trong cà phê
    • 2mg caffeine trong cà phê decaf
    • 39mg caffeine trong trà
    • 15mg caffeine trong soda có chứa caffeine
    • 2mg caffeine trong chocolate nóng

    Do vậy, bạn nên chú ý thay đổi thói quen sử dụng những thức uống có chứa caffeine nếu đang hoặc có ý định mang thai.

    3. Chế độ ăn gồm nhiều loại thực phẩm dễ gây sẩy thai

    Một câu trả lời khác cho thắc mắc làm gì dễ gây sẩy thai chính là ăn các thực phẩm không phù hợp. Một số loại thực phẩm trong tự nhiên có nguy cơ dẫn đến sẩy thai rất cao, chẳng hạn như đu đủ sống, cá thu vua, khoai tây mọc mầm…   Mẹ bầu ăn nhiều các loại thực phẩm này có thể làm gia tăng nguy cơ sẩy thai. Vì vậy, khi biết mình có em bé, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm này để bảo vệ an toàn cho em bé.

    Có thể bạn quan tâm: Ăn gì dễ bị sảy thai nhất? Top những thực phẩm gây sảy thai cần lưu ý!

    4. Tiếp xúc với hóa chất độc hại gây hư thai

    Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ sẩy thai là tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây quái thai hoặc các tác nhân được cho là gây gián đoạn sự phát triển của thai nhi. Tác nhân gây quái thai có thể là hóa chất độc hại và phóng xạ, một số bệnh nhiễm virus hay vi khuẩn, thuốc, thậm chí bao gồm cả rượu và thuốc lá.

    Tiếp xúc với tác nhân gây quái thai trong thời gian mang thai có thể gây ra nhiều kết quả khác nhau ở mỗi người. Có những người may mắn không gặp phải ảnh hưởng tiêu cực nào nhưng có trường hợp bị dị tật bẩm sinh hay sẩy thai, chết non, chết khi vừa sinh ra.

    Không chỉ có người mẹ khi đang mang thai tiếp xúc với các tác nhân này mới tác động đến thai nhi. Nếu trước khi thụ thai, người đàn ông nếu từng tiếp xúc với một số tác nhân gây quái thai cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sẩy thai do tinh trùng mang nhiễm sắc thể bất thường.

    Thêm vào đó, việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây nên sẩy thai vì thuốc có nhiều thành phần có thể ảnh hưởng đến cơ thể của mẹ cũng như bé.

    Một nghiên cứu phân tích năm 2006 cho thấy bằng chứng việc phơi nhiễm các tác nhân hóa học (liên quan đến nghề nghiệp) sau có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai:

    • Kim loại nặng (công nhân các ngành công nghiệp nặng, nha sĩ)
    • Dung môi hữu cơ (làm việc trong phòng thí nghiệm, các ngành công nghiệp và giặt khô)
    • Tetrachloroethylene (công việc giặt khô)
    • Glycol ether (chất bán dẫn)
    • 2-Bromopropane (công nghiệp điện tử)
    • Hóa dầu
    • Ethylene oxid (trợ lý nha khoa)
    • Khí gây mê (trong phòng phẫu thuật)
    • Thuốc điều trị ung thư (bệnh viện ung bướu)

    5. Hút hoặc hít phải khói thuốc lá

    Làm gì dễ bị sẩy thai

    Trong những ngày đầu tiên sau khi thụ thai, thai nhi phát triển rất nhanh và cũng rất dễ có những tổn thương di truyền do khói thuốc lá gây nên. Các vấn đề liên quan đến nhiễm sắc thể cũng là nguyên nhân phổ biến gây sảy thai. Khói thuốc còn có nguy cơ ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung khiến cho trứng đã được thụ tinh khó làm tổ.

    Việc hút thuốc ở người cha cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây sẩy thai. Một vài nghiên cứu đã phát hiện ở những người đàn ông nghiện hút thuốc có xu hướng tăng tỷ lệ bất thường trong nhiễm sắc thể ở tinh trùng. Không chỉ có thế, phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc từ môi trường sống xung quanh được xem là quá trình hút thuốc thụ động, rất nguy hiểm.

    Lưu ý, thuốc lá điện tử (hay còn gọi là vaping) hay hút thuốc thụ động cũng gây ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc với khói thuốc nhiều nhất có thể để không làm tăng nguy cơ bị sẩy thai.

    6. Làm gì dễ sẩy thai? Vận động quá sức

    Vận động và tập thể dục với cường độ vừa phải được xem là tốt cho phụ nữ mang thai vì có thể giảm thiểu nguy cơ tăng cân quá mức, vấn đề về lưng và giúp mẹ bầu chuẩn bị đầy đủ sức khỏe cho quá trình vượt cạn. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu vận động quá mức, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ có thể dẫn đến động thai và đôi khi là sẩy thai.

    Vì vậy, khi biết mình có thai, các mẹ bầu nên hạn chế vận động quá sức như chạy nhảy, khiêng vác đồ nặng hoặc tập thể dục với cường độ cao. Các mẹ bầu có thể thử các loại hình vận động nhẹ nhàng như bơi lội hoặc tập yoga nhẹ nhàng. Để có được những bài tập phù hợp, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia để được tư vấn cụ thể về những lưu ý khi tập luyện khi mang thai.

    7. Những vấn đề về tâm lý

    Từ lâu, người ta đã nhận ra những ảnh hưởng to lớn của tâm lý đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những đối tượng có sức khỏe yếu như người già, trẻ em và phụ nữ mang thai.

    Theo một vài nghiên cứ, các hormone gây căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đến tử cung của mẹ cũng như sự phát triển của bé. Họ cho rằng, khi bị stress, não bộ của mẹ bầu sẽ tiết ra một loại hormone gọi là hormone giải phóng corticotropin (CRH). Trong những nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ CRH trong máu của những phụ nữ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân thường cao hơn. CRH là một hormone do não tiết ra để phản ứng với những căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Loại hormone này cũng được sản xuất trong nhau thai và tử cung của mẹ bầu, gây kích thích co bóp tử cung trong lúc sinh. Việc sản sinh ra quá nhiều CRH có thể khiến tử cung co bóp quá mức và gây sẩy thai.

    Vì vậy, mẹ bầu nên giữ cho tinh thần mình thật thoải mái để tránh tình trạng stress khi mang thai tác động xấu đến em bé trong bụng.

    Trên đây là những câu trả lời cho thắc mắc “làm gì dễ bị sẩy thai” mà nhiều phụ nữ quan tâm, lo lắng. Mỗi sinh linh đang được hình thành trong bụng mẹ đều rất nhạy cảm và cần được bảo vệ khỏi các tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Do đó, bạn hãy lưu ý đến những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ sẩy thai để từ đó phòng ngừa những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp các mẹ bầu và những người sắp làm mẹ có một thai kỳ an toàn hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo