backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Làm sao để chấm dứt cơn ho khan về đêm?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 19/10/2023

Làm sao để chấm dứt cơn ho khan về đêm?

Hầu hết các cơn ho khan về đêm liên quan đến cảm cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đồng thời, một số biện pháp tại nhà và thuốc điều trị ho khan có thể giúp giảm bớt tình trạng này.

Cùng tìm hiểu về tình trạng ho khan về đêm và cách điều trị bệnh hiệu quả qua bài viết sau đây nhé.

Ho khan là gì?

phòng ngừa ho khan

Ho khan là tình trạng ho không có đờm do không có chất nhầy chặn phổi và đường thở. Ho khan có thể gây ra cảm giác nhột và thường do kích thích trong cổ họng.

Thông thường, người bệnh thường hay bị ho khan về đêm hơn vì nhiều lí do khác nhau.

Các triệu chứng ho khan

Khi bị ho khan, đường thở và phổi sẽ không bị tắc nghẽn bởi dịch nhầy mà thay vào đó nó sẽ bị kích ứng, gây cảm giác ngứa khó chịu và dẫn đến ho khan kéo dài. Lâu dần, ho khan sẽ gây ra đau họng

Bởi vì không có đờm, nên khi ho bạn sẽ cảm giác ngực không nặng hoặc có tiếng rít, hơi thở của bạn cũng bình và bạn cũng cảm thấy khỏe ngoại trừ ho.

Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu ho ra máu, cảm thấy khó thở, ngất xỉu, sốt hoặc đau dữ dội khi ho, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Đây là có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.

Các nguyên nhân gây ho khan về đêm là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn ngứa họng ho khan nhiều về đêm, trong đó có 4 nguyên nhân chính sau:

Viêm phế quản do virus

Viêm phế quản phát triển khi phế quản (ống lưu thông không khí đến phổi) đột nhiên bị kích thích và viêm, gây ho dai dẳng, có thể là ho khan hoặc ho có đờm.

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản đều cấp tính – chúng xuất hiện đột ngột và biến mất trong vòng 1-3  tuần- và gây ra bởi cảm lạnh hoặc một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus khác.

nhiễm virus

Hen suyễn

Hen suyễn là một tình trạng phổi mãn tính liên quan đến viêm và hẹp đường hô hấp. Đây là nguyên nhân gây ho mãn tính ở người lớn và là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em.

Các triệu chứng hen suyễn bao gồm ho ngắt quãng, thở khò khè (âm thanh huýt sáo the thé), khó thở và tức ngực.

Một số người mắc bệnh hen suyễn chỉ bị ho, thường là ho khan. Dạng hen suyễn này được gọi là hen suyễn dạng ho.

Nhiều yếu tố khác nhau gây ra các triệu chứng hen suyễn, chẳng hạn như nhiễm virus, không khí lạnh hoặc khô, bụi, nấm mốc, khói thuốc lá, nước hoa và ô nhiễm không khí.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

GERD xảy ra khi dịch hoặc axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Triệu chứng chính là ợ nóng, cảm giác nóng rát sau xương ức. Ho khan về đêm cũng có thể xảy ra nếu axit dạ dày bị hít vào phổi.

Hội chứng chảy dịch mũi sau

Chảy dịch mũi sau là tình trạng chất nhầy từ mũi và xoang chảy xuống phía sau cổ họng, gây ra cảm giác ngứa ngáy có thể gây ho. Chảy dịch mũi sau có nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm dị ứng và cảm lạnh.

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một chất vô hại với một chất lạ có hại và phản ứng bất thường. Các triệu chứng bao gồm sổ mũi, hắt hơi và ho khan do viêm đường hô hấp.

Các nguyên nhân gây ho khan về đêm khác

Một số nguyên nhân ít phổ biến khác cũng có thể gây ngứa họng ho khan như:

  • Suy tim
  • Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong động mạch phổi)
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) (một loại thuốc cao huyết áp)
  • Ho gà 
  • Bệnh lao
  • Ung thư phổi

Các cách trị ho khan nhanh nhất

khi nào nên gặp bác sĩ

Việc trị ho khan hiệu quả phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Viêm phế quản do virus: Viêm phế quản do virus sẽ tự khỏi. Các biện pháp điều trị tại nhà như uống nước, xịt hoặc nhỏ mũi bằng nước muối, uống mật ong (tránh dùng cho trẻ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc) và dùng máy tạo độ ẩm phun sương thường rất hữu ích.
  • Hen suyễn: Phương pháp điều trị chính là sử dụng corticosteroid dạng hít hàng ngày. Chúng làm giảm sưng tấy đường thở và giảm các triệu chứng theo thời gian.
  • GERD: Bạn nên điều chỉnh lối sống, chẳng hạn như kê gối cao, giảm cân (nếu thừa cân hoặc béo phì) và bỏ hút thuốc. Các loại thuốc như famotidine hoặc omeprazole cũng có thể được sử dụng.
  • Chảy dịch mũi sau: Nâng cao đầu vào ban đêm có thể làm giảm tình trạng chảy dịch xuống cổ họng. Các phương pháp điều trị bổ sung phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, nên dùng thuốc xịt mũi steroid và tránh chất gây dị ứng nếu là nguyên nhân gây dị ứng.

Ho khan về đêm uống thuốc gì? Nếu các biện pháp ở trên không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc điều trị ho khan như:

  • Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi là loại thuốc không kê đơn có tác dụng làm giảm tắc nghẽn bằng cách hạn chế lưu lượng máu đến các mô bị sưng. Điều này làm các mô co lại, do đó giúp bạn thở dễ dàng hơn.
  • Thuốc ức chế ho và thuốc long đờm: Thuốc ức chế ho hoặc thuốc chống ho hoạt động bằng cách ngăn chặn phản xạ ho, trong khi thuốc long đờm hoạt động bằng cách làm loãng chất nhầy để giúp bạn trục xuất nó hiệu quả hơn. Thuốc chống ho rất hiệu quả cho những cơn ho khan vào ban đêm vì chúng ngăn cản phản xạ ho khi bạn ngủ.

Cần làm gì nếu bị ho khan về đêm kéo dài?

Ho khan vào ban đêm trong nhiều tuần có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe mãn tính như hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản hoặc dị ứng. Những tình trạng sức khỏe mãn tính này không thể được điều trị tại nhà mà bạn cần đến gặp bác sĩ để có một kế hoạch điều trị đúng cách, bao gồm kết hợp điều chỉnh lối sống và dùng thuốc.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu cơn ho khan vào ban đêm của bạn kéo dài hơn ba tuần hoặc nếu bạn đang trải qua những cơn ho khan tái phát. Đặc biệt, những đối tượng sau cần phải đi gặp bác sĩ để được theo dõi và kiểm tra:

  • Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị ho hoặc người lớn tuổi.
  • Người mắc một bệnh mãn tính, như tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Người chưa tiêm vắc-xin cúm, vắc-xin ho gà hoặc vắc-xin phế cầu cho bệnh viêm phổi.

Hy vọng qua bài viết sau đây đã giúp bạn biết được nguyên nhân mình bị ho khan về đêm và cách điều trị bệnh hiệu quả nhé.

 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 19/10/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo