Cảm lạnh là một căn bệnh phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Bệnh xuất hiện khoảng 4 – 8 lần/năm ở trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi) và 2 – 4 lần/năm ở người lớn. Vì vậy, cảm lạnh uống thuốc gì luôn là thắc mắc của không ít người, đặc biệt là những người đang cảm thấy mệt mỏi vì gặp phải những triệu chứng của căn bệnh này.
Bệnh cảm lạnh thường xuất hiện khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm và dễ bị các chủng virus tấn công. Vậy, bị cảm lạnh uống thuốc gì cho nhanh khỏi? Cùng Hello Bacsi và dược sĩ Thu Hà tìm hiểu vấn đề này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Các loại thuốc trị cảm lạnh thường có những công dụng gì?
Dược sĩ Thu Hà: Thuốc trị cảm lạnh giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng của bệnh như: hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở, chóng mặt, đau đầu, sốt, ho, mệt mỏi, toàn thân nhức mỏi rã rời,…Những triệu chứng này thường khởi phát sau khoảng 10-16 tiếng cơ thể bị nhiễm virus cảm lạnh, nặng nhất là khoảng 2 – 4 ngày sau khi khởi phát và thường chấm dứt sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần và dẫn đến nhiều biến chứng nặng hơn như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi …nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Cảm lạnh uống thuốc gì nhanh khỏi?
Dược sĩ Thu Hà: Thuốc trị cảm lạnh trên thị trường hiện nay rất đa dạng. Muốn biết được bị cảm lạnh uống thuốc gì thì người bệnh cần biết từng loại thuốc sẽ chứa những hoạt chất gì và ứng với từng công dụng nhất định ra sao. Các loại thuốc trị cảm lạnh trên thị trường hiện nay bao gồm:
1. Thuốc trị nghẹt mũi
Thuốc thông mũi (thuốc co mạch mũi) giúp giảm sưng tấy bên trong khoang mũi (trị viêm mũi, tắc nghẽn mũi, viêm xoang) và làm không khí lưu thông dễ hơn, tạo cảm giác dễ thở hơn cho người bệnh. Có 2 loại thuốc trị nghẹt mũi phổ biến là:
- Thuốc dạng viên hoặc siro: Thuốc có chứa hoạt chất là phenylephrine, pseudoephedrine. Thuốc này có các tác dụng phụ như mất ngủ hoặc buồn ngủ, đau đầu hoặc rối loạn tiêu hoá… Do có liên quan đến các tác dụng nghiêm trọng dẫn đến biến chứng tim mạch, hiện các loại thuốc thông mũi như pseudoephedrine đã được kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc cấp phát.
- Thuốc nhỏ mũi/xịt mũi: Trên thị trường hiện nay, có 3 hoạt chất phổ biến chứa trong thuốc nhỏ mũi/xịt mũi là xylometazoline, oxymetazoline và naphazolin. Chúng đều có tác dụng làm giảm nghẹt mũi, thông mũi tức thời. Tuy nhiên, không nên sử dụng các thuốc này liên tục từ 3-5 ngày. Vì nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng khô niêm mạch mũi, gây xung huyết mũi, chảy máu mũi và làm tổn thương hệ thống màng nhầy của mũi. Hậu quả dẫn đến là gây bệnh viêm mũi mạn tính.
Tuyệt đối không nên dùng cả 2 loại thuốc trị nghẹt mũi vừa nêu trên trong cùng một thời điểm. Bạn có thể dùng thuốc xịt mũi trong vài ngày đầu tiên và chuyển sang dùng thuốc dạng viên hoặc siro ở những ngày tiếp theo nếu bệnh chưa thuyên giảm.
FDA đưa ra khuyến cáo rằng không sử dụng các thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi cho trẻ dưới 2 tuổi.
2. Thuốc kháng histamin
Khi bị cảm lạnh, cơ thể của bạn tạo ra các chất hóa học gọi là histamin (chất gây dị ứng), dẫn đến phản ứng hắt hơi, chảy nước mũi, sổ mũi và chảy nước mắt. Để trả lời cho câu hỏi, cảm lạnh uống thuốc gì nhanh khỏi thì các loại thuốc kháng histamin sẽ làm giảm những triệu chứng khó chịu vừa đề cập. Thuốc kháng histamin có 2 thế hệ:
- Thế hệ 1: Bao gồm các thuốc chứa hoạt chất như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin,… Các thuốc thế hệ 1 có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người bệnh phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
- Thế hệ 2: Bao gồm những loại thuốc chứa hoạt chất như loratadin, cetirizin, desloratadine, fexofenadine … Thuốc thế hệ 2 không gây buồn ngủ và thời gian tác dụng kéo dài hơn nên được sử dụng rộng rãi hơn.
3. Thuốc trị ho, long đờm
Nếu bạn bị cảm lạnh và có triệu chứng ho không ngừng, bạn có thể sử dụng thuốc để giảm ho:
- Thuốc trị ho khan: Các loại thuốc chứa hoạt chất dextromethorphan giúp giảm triệu chứng ho khan trong thời gian ngắn.
- Thuốc trị ho có đờm: Những loại thuốc có chứa các hoạt chất như guaifenesin, acetylcystein, bromhexin, ambroxol, các loại thuốc làm loãng chất nhầy trong đường thở giúp loại bỏ đờm, giảm ho. Lưu ý uống nhiều nước khi dùng thuốc này.
4. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Nếu xuất hiện các triệu chứng khó chịu như sốt, đau nhức người và đau cổ họng khi bị cảm lạnh, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen.
Ngoài các loại thuốc trị cảm lạnh vừa kể trên, bạn có thể kết hợp sử dụng thêm các loại tinh dầu như:
- Menthol (tinh dầu bạc hà) có tác dụng làm dịu cơn ho.
- Eucalyptol (tinh dầu bạch đàn) có tính sát khuẩn đường hô hấp.
- Tinh dầu gừng có tính sát khuẩn, giảm ho.
- Tinh dầu tần (hay còn gọi là Húng chanh) có tính kháng khuẩn, được dùng trong cảm lạnh ho hen.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị cảm lạnh, thường được kết hợp các hoạt chất lại với nhau trong cùng 1 viên thuốc để tiện cho người bệnh không phải uống nhiều viên. Vì vậy, để biết chính xác cảm lạnh uống thuốc gì cho nhanh khỏi, bạn cần thăm khám hoặc tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để tránh dùng thuốc quá liều, gây nên những tác dụng phụ không mong muốn.
Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì nhanh khỏi?
Dược sĩ Thu Hà: Cảm lạnh uống thuốc gì nhanh khỏi còn tùy thuộc vào thể trạng và triệu chứng của từng bệnh nhân. Chính vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ, chuyên viên y tế để tìm được loại thuốc giúp khắc phục triệu chứng cảm lạnh một cách nhanh chóng nhất. Trường hợp bị cảm lạnh kéo dài không khỏi, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thời điểm nào uống thuốc trị cảm lạnh đạt hiệu quả tốt nhất? Nên uống thuốc trước hay sau khi ăn?
Dược sĩ Thu Hà: Khi bị cảm lạnh trong những ngày đầu tiên, cơ thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nhẹ, bệnh nhân nên uống các loại thuốc thông dụng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhằm ngăn tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Thời điểm uống thuốc trị cảm lạnh tốt nhất là sau khi ăn khoảng 15-30 phút để thuốc được hấp thu tối đa và phát huy hiệu quả nhanh chóng.
Liều dùng và những lưu ý đặc biệt khi uống thuốc trị cảm lạnh
Dược sĩ Thu Hà: Bị cảm lạnh uống thuốc gì và liều dùng bao nhiêu sẽ còn tuỳ vào triệu chứng và tình trạng bệnh nặng hay nhẹ để lựa chọn sử dụng loại thuốc sao cho phù hợp. Thông thường, thuốc trị cảm lạnh sẽ được uống cách nhau 4-6 tiếng/lần.
Ngoài ra, bạn chỉ nên uống thuốc giảm đau hạ sốt khi bị sốt cao (trên 38,5 độ C) để tránh gây hại đến gan. Một lưu ý đặc biệt là không nên dùng cùng lúc các hoạt chất dưới dạng bào chế khác nhau vì sẽ dễ gây quá liều.
Tuyệt đối không được dùng thuốc bị quá hạn sử dụng. Bởi lúc này thuốc thường bị biến chất và không đảm bảo hiệu lực điều trị bệnh như mong muốn. Do đó, người sử dụng cần kiểm soát chắc chắn thời hạn sử dụng của loại thuốc mình dùng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.
Những trường hợp nào không nên dùng thuốc trị cảm lạnh?
Dược sĩ Thu Hà: Các đối tượng sau đây không nên dùng thuốc trị cảm lạnh và cần đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể:
- Bệnh nhân bị dị ứng với các thành phần của thuốc
- Người suy gan, suy thận
- Người đang lên cơn hen suyễn
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Tắc cổ bàng quang, tá tràng
- Trẻ sơ sinh
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối hoặc phụ nữ đang nuôi con bú…
Bé bị cảm lạnh uống thuốc gì? Những lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ em
Dược sĩ Thu Hà: FDA và các nhà sản xuất thuốc khuyên rằng, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua các loại thuốc trị ho và thuốc trị cảm lạnh không kê đơn cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi sử dụng. Không nên lạm dụng thuốc trị ho cho trẻ nhỏ khi trẻ chỉ bị ho nhẹ. Bởi ho là phản ứng tự nhiên nhằm loại bỏ virus cảm lạnh ra khỏi cơ thể, trừ khi các triệu chứng ho trở nên nghiêm trọng.
Cha mẹ không cần phải quá lo lắng và thắc mắc bé bị cảm lạnh uống thuốc gì để nhanh khỏi. Bởi cơ thể bé đủ khả năng sản sinh ra các kháng thể chống lại loại virus thông thường này.
Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu các triệu chứng bệnh không thuyên giảm sau một vài ngày, hoặc khi trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, ớn lạnh và run rẩy, ho nhiều, hay bất kỳ biểu hiện nào của suy hô hấp, mệt mỏi cực độ. Bởi đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ bị cúm hoặc nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn.
Nếu trẻ bị hen suyễn, đái tháo đường hoặc mắc các bệnh mạn tính khác, hãy đến gặp bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn loại thuốc điều trị phù hợp.
Phụ nữ mang thai bị cảm lạnh thì có nên uống thuốc không?
Dược sĩ Thu Hà: Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc bệnh cảm lạnh hơn. Bởi khi mang thai, hệ miễn dịch của chúng ta bị suy yếu và dễ bị tấn công bởi virus cảm lạnh. Cảm lạnh trong thời kỳ mang thai có thể gây nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Việc sử dụng thuốc khi bị cảm lạnh cho bà bầu có thể gây nhiều biến chứng như: dị tật ở trẻ sau này như sứt môi, hở hàm ếch, con sinh ra có thể mắc hội chứng Down, bệnh tim…Vì vậy, khi bà bầu bị cảm lạnh, trước tiên cần đi khám bác sĩ và có thể làm một số xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân. Tuyệt đối không sử dụng thuốc nếu không có sự kê đơn từ bác sĩ.
Khi nào thì bệnh nhân cảm lạnh nên đi khám bác sĩ?
Dược sĩ Thu Hà: Nếu cảm lạnh kéo dài hơn 2 tuần, kèm theo các triệu chứng sốt cao, co giật, vùng họng bị đau rát nhiều, ho kéo dài, khó thở, thở nhanh, người mệt mỏi, xanh xao, đau cơ nặng, đau đầu chóng mặt nghiêm trọng… thì người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Vì trong những trường hợp này, rất có thể bệnh nhân đã bị nhiễm virus cảm cúm.
Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh cảm lạnh gây ra các biến chứng trên đường hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn bùng phát,…Tóm lại, chúng ta tuyệt đối không được coi thường các triệu chứng cảm lạnh. Và vấn đề cảm lạnh uống thuốc gì nhanh khỏi thì còn tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở từng bệnh nhân để có lựa chọn phù hợp.
[embed-health-tool-bmi]