backup og meta

Bạn đã biết hết các dấu hiệu khi bị cảm lạnh thông thường?

Bạn đã biết hết các dấu hiệu khi bị cảm lạnh thông thường?

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, người lớn bị cảm lạnh từ hai đến ba lần. Với trẻ nhỏ, con số này có thể lên tới 5 đến 7 lần với nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Cảm lạnh thông thường là căn bệnh vô cùng phổ biến mà tất cả chúng ta, từ người lớn đến trẻ nhỏ, đều có nguy cơ mắc phải. Tuy nhiên, dù quen thuộc và phổ biến nhưng nhiều người vẫn phải “than trời” vì mắc rồi chữa mãi không hết hoặc mỗi tháng lại bị 2 – 3 lần. Nếu bạn cũng đang mệt mỏi vì căn bệnh này, hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu rõ các triệu chứng cũng như cách phòng ngừa để tránh nguy cơ mắc phải căn bệnh “đáng ghét” này quá thường xuyên nhé. 

Cảm thông thường hay còn gọi là cảm lạnh là bệnh nhiễm virus ở mũi và họng có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng phổ biến nhất là vào những tháng mùa đông. Có hơn một trăm loại virus gây bệnh cảm lạnh nhưng rhinovirus là loại thường gặp nhất và rất dễ lây. Rhinovirus chủ yếu gây bệnh ở mũi, do đó khi bị cảm lạnh, chắc chắn bạn sẽ hắt hơi liên tục, dễ nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Cảm lạnh thông thường có thể khỏi sau 7 đến 10 ngày. Trong trường hợp bệnh không thuyên giảm và có xu hướng trở nặng hơn sau một tuần, bạn cần đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe để các bác sĩ có hướng điều trị phù hợp. 

Dấu hiệu bị cảm lạnh thường gặp theo từng giai đoạn

Đau họng, sổ mũi là những dấu hiệu bị cảm lạnh xuất hiện đầu tiên, theo sau đó là ho và hắt hơi. Thời gian hồi phục là khoảng từ 7 – 10 ngày, tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc phải các bệnh lý khác như hen suyễn, bệnh cảm lạnh có thể chuyển biến nghiêm trọng và gây ra viêm phế quản, viêm phổi.  

Bị cảm lạnh giai đoạn 1: Ngày 1 đến ngày 3

dấu hiệu bị cảm lạnh giai đoạn 1

Cổ họng ngứa ran hoặc đau buốt là dấu hiệu cho thấy 1 trong 200 loại virus gây cảm lạnh thông thường đã xâm nhập và “đóng đô” trong cơ thể của bạn. Ngoài hai dấu hiệu này, bạn còn gặp phải một số triệu chứng phổ biến khác như:

  • Ngứa ran cổ họng
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Mệt mỏi 

Ở giai đoạn này, bạn có thể dùng các loại thuốc không kê đơn để làm giảm các triệu chứng. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý nghỉ ngơi, uống đủ nước và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan cho mọi người như đeo khẩu trang, xin làm việc tại nhà hoặc nghỉ học, không hôn hoặc bắt tay với người khác, rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay sạch khuẩn để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn gây bệnh. 

Bị cảm lạnh giai đoạn 2: Ngày 4 đến ngày 7

dấu hiệu bị cảm lạnh giai đoạn 2

Đây là thời điểm mà virus hoạt động mạnh mẽ nhất. Chính vì vậy, các triệu chứng mà bạn gặp phải trong giai đoạn này cũng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều:  

  • Sốt cao từ 38 đến 39°C
  • Đau họng
  • Ho
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Mệt mỏi
  • Nhức mỏi
  • Ớn lạnh 

Ở giai đoạn này, người bị cảm lạnh vẫn rất dễ lây bệnh cho người khác nên cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng một số bí quyết sau để cơ thể có “đủ sức” chống lại bệnh tật: 

  • Nếu có thói quen hút thuốc, hãy tránh hút thuốc vì thuốc lá làm tê liệt lông mao trong phế quản và khiến bệnh kéo dài
  • Tránh sử dụng thuốc kháng sinh vì cảm lạnh là bệnh do virus gây ra. Việc dùng thuốc kháng sinh không những không có tác dụng mà còn dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc  
  • Sử dụng thuốc trị ho nếu thấy ho nhiều 
  • Uống ibuprofen để giảm đau nhức
  • Bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể thông qua việc ăn nhiều trái cây tươi
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối
  • Uống đủ nước để bù nước và giữ ẩm cho cơ thể. 
  • Không sờ vào mặt, mũi khi chưa rửa tay với nước rửa tay hoặc xà phòng sạch khuẩn.

Bị cảm lạnh giai đoạn 3: Ngày 8 đến ngày 10

dấu hiệu bị cảm lạnh giai đoạn 3

Bị cảm lạnh thường tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ. Nếu bạn vẫn cảm thấy các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đi khám để được hướng dẫn điều trị phù hợp.

Ở giai đoạn này, nhiều khả năng bạn vẫn còn có các triệu chứng như: 

  • Ho
  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Mệt mỏi

Để khỏi bệnh hoàn toàn, bạn nên tiếp tục dùng ibuprofen, thuốc thông mũi, thuốc trị ho hoặc thuốc kháng histamine. Ngoài ra, người bị cảm lạnh cũng nên chú ý giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên với nước rửa tay sạch khuẩn, che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh bệnh tái phát và lây sang người khác. 

Ngoài ra, nếu có các triệu chứng sau, bạn nên đi khám ngay: 

  • Các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày
  • Các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất thường
  • Bé dưới 3 tháng tuổi bị sốt và hôn mê

Những người có nguy cơ cao gặp phải biến chứng cần đặc biệt lưu ý là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và những người mắc một số bệnh như hen suyễn, đái tháo đường và bệnh tim.

Cảm lạnh và cảm cúm khác nhau như thế nào?

Cúm là bệnh do virus cúm gây ra, cũng dễ lây lan và dễ mắc phải như cảm lạnh thông thường. Hai bệnh này có các triệu chứng tương tự nhau, do đó chúng ta rất khó hoặc thậm chí là không thể phân biệt được chúng. Nhìn chung, các giai đoạn của cảm cúm và triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng và kéo dài hơn so với cảm lạnh. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau cơ thể, đau đầu và mệt mỏi. Các chuyên gia khuyến cáo bạn và gia đình nên tiêm phòng cúm hàng năm để phòng tránh căn bệnh này.

Bí quyết phòng ngừa cảm lạnh cực hiệu quả

Virus gây cảm lạnh có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc hàng ngày, chẳng hạn như bắt tay với người bị bệnh hoặc vô tình chạm vào những bề mặt có virus như tay nắm cửa, thang vịn cầu thang, bảng điều khiển thang máy. Do đó, để tránh virus có cơ hội tiếp xúc, xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể, bạn cần:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn và nước trong 30 giây là cách đơn giản, hữu hiệu nhất để bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị cảm lạnh.
  • Khử trùng các vật dụng trong nhà thường xuyên. Bạn cần lau nhà bếp và phòng tắm sạch sẽ với thuốc khử trùng, đặc biệt là khi có người trong gia đình bị cảm lạnh. 
  • Dùng khăn giấy che kín miệng và mũi khi hắt hơi và ho để hạn chế lây bệnh cho người khác. Khăn giấy sau khi sử dụng cần vứt vào thùng rác, sau đó rửa tay cẩn thận.
  • Không dùng chung ly uống nước hoặc đồ dùng với các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè, đồng nghiệp. 
  • Duy trì lối sống khoa học như ăn uống đa dạng, đủ chất, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng.

Ngân Phạm / HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Common Colds: Protect Yourself and Others. https://www.cdc.gov/features/rhinoviruses/index.html. Ngày truy cập: 30/9/2019

Common cold. https://www.m. ayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/symptoms-causes/syc-20351605. Ngày truy cập: 12/07/2021

What’s the difference between a cold, the flu, seasonal allergies and coronavirus? https://intermountainhealthcare.org/blogs/topics/live-well/2020/03/whats-the-difference-between-a-cold-the-flu-and-coronavirus/. Ngày truy cập: 12/07/2021

Common cold. https://www.nhs.uk/conditions/common-cold/. Ngày truy cập: 12/07/2021

How long does a cold last and when will you start to feel better? https://www.netdoctor.co.uk/conditions/infections/a34545786/how-long-cold-last/. Ngày truy cập: 12/07/2021

Phiên bản hiện tại

12/07/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Viêm phế quản có chữa được không?

Cảm lạnh có nguy hiểm không? Những biến chứng nghiêm trọng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 12/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo