backup og meta

Viêm kết mạc dị ứng: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Viêm kết mạc dị ứng: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Viêm kết mạc dị ứng là bệnh không quá nghiêm trọng nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người bệnh, làm ảnh hưởng đến công việc và giảm chất lượng cuộc sống. 

Để có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc chứng bệnh này, đừng bỏ qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây. 

Viêm kết mạc dị ứng là gì?

Khi mắt bạn tiếp xúc với các chất như phấn hoa, bào tử nấm mốc… các mạch máu ở kết mạc có thể sưng lên làm cho mắt bị đỏ, ngứa và chảy nước mắt.

Kết mạc là một lớp màng mỏng, phủ trên bề mặt tròng trắng (củng mạc) và lót mặt trong của mi mắt. Viêm kết mạc dị ứng là một tình trạng bệnh khá phổ biến của kết mạc, gồm những phản ứng viêm khi mắt tiếp xúc với các dị nguyên khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tăng phản ứng, giải phóng các chất gây ngứa, giãn mạch….

Viêm kết mạc dị ứng có 2 loại chính:

  • Viêm kết mạc dị ứng cấp tính: Đây là một tình trạng dị ứng diễn ra trong thời gian ngắn, khiến mí mắt của bạn đột nhiên sưng, ngứa và có cảm giác nóng rát. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị chảy nước mũi.
  • Viêm kết mạc mãn tính: Đây là một phản ứng nhẹ hơn, xảy ra do tiếp xúc với các chất gây dị ứng như thức ăn, bụi và lông động vật nên có thể gặp quanh năm. Các triệu chứng thường bao gồm: cảm giác nóng rát, ngứa mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc dị ứng

phấn hoa gây dị ứng

Bạn có thể bị viêm kết mạc dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên theo mùa thường là dị nguyên ngoại sinh, chẳng hạn như:

Mạt bụi nhà

  • Phấn hoa từ cỏ cây
  • Bào tử nấm mốc
  • Lông động vật
  • Mùi hương hoặc các chất hóa học có trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm gia dụng, nước hoa, nước xịt phòng…
  • Một số người cũng có thể bị chứng bệnh này do mắt phản ứng với một số loại thuốc hoặc chất nào đó, chẳng hạn như dung dịch kính áp tròng hoặc thuốc nhỏ mắt.

    Những ai có nguy cơ bị viêm kết mạc dị ứng?

    Những người có cơ địa dị ứng có nhiều nguy cơ với chứng bệnh này. Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Hoa Kỳ, tình trạng dị ứng ảnh hưởng đến 30% người lớn, 40% trẻ em và thường có gia đình. Do đó, có thể thấy rằng, tình trạng dị ứng ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và thanh niên. Nếu bạn bị dị ứng và sống ở những nơi có lượng phấn hoa cao và bụi ô nhiễm cao, bạn dễ bị viêm kết mạc dị ứng.

    Các triệu chứng và biến chứng

    Triệu chứng

    Bệnh viêm kết mạc dị ứng có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính, đặc biệt với viêm kết mạc mạn tính đôi khi khó chẩn đoán phải dựa vào sự tự theo dõi của bệnh nhân.

    Mắt sưng đỏ, ngứa, chảy nước mắt, tăng nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác bỏng rát là những triệu chứng thường gặp khi bạn bị viêm kết mạc dị ứng. Ngoài ra, mắt bạn cũng có thể sưng húp khi bạn thức dậy vào buổi sáng nếu đang bị chứng dị ứng này làm phiền. 

    Biến chứng

    Thông thường, người bị viêm kết mạc dị ứng gặp biến chứng là do việc tuân thủ điều trị kém hoặc kiểm soát bệnh không tốt khi bệnh đã bước vào giai đoạn nặng. Các biến chứng thường gặp bao gồm: khô mắt, nhiễm trùng và sẹo giác mạc. Người mắc bệnh mãn tính không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề như: dày sừng thứ phát do dụi mắt, đe dọa thị lực do thiếu tế bào gốc vùng rìa giác mạc… 

    Cả hai biến chứng dày sừng thứ phát và thiếu tế bào gốc vùng rìa giác mạc đều cần được điều trị bằng phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng về thị giác.

    Bệnh viêm kết mạc dị ứng được chẩn đoán như thế nào?

    chẩn đoán viêm kết mạc

    Khi bạn đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt và hỏi về tiền sử dị ứng của bạn. Lòng trắng của mắt bị đỏ và xuất hiện những nốt sưng nhỏ bên trong mí mắt là các dấu hiệu rất dễ nhận biết của chứng bệnh này. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một trong các xét nghiệm sau:

    • Kiểm tra da: Để biết da của bạn phản ứng với dị nguyên nào. Xét nghiệm này cũng giúp cho phép bác sĩ để quan sát được các phản ứng của cơ thể của bạn, có thể bao gồm sưng và đỏ.
    • Xét nghiệm máu: Bạn có thể nên xét nghiệm máu để xem liệu cơ thể của bạn có đang sản xuất protein hoặc kháng thể để tự bảo vệ chống lại các chất gây dị ứng cụ thể như nấm mốc hoặc bụi hay không.
    • Xét nghiệm mô kết mạc: Việc cạo mô kết mạc có thể được thực hiện để kiểm tra các tế bào bạch cầu ái toan. Bạch cầu ái toan là các tế bào bạch cầu được kích hoạt khi bạn bị dị ứng.

    Điều trị viêm kết mạc dị ứng

    Có nhiều phương pháp điều trị tình trạng dị ứng xảy ra gây viêm kết mạc, chẳng hạn như:

    Chăm sóc tại nhà

    Việc điều trị viêm kết mạc dị ứng tại nhà bao gồm sự kết hợp của các biện pháp phòng ngừa và giảm bớt các triệu chứng. Để giảm thiểu sự tiếp xúc của mắt với các chất gây dị ứng, bạn hãy:

    • Hạn chế ra ngoài khi mà lượng phấn hoa, khói bụi trong không khí tăng cao
    • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đảm bảo không có bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật…
    • Nếu có thể hãy sử dụng máy lọc không khí để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong chính ngôi nhà mình đang ở
    • Tránh tiếp xúc với hóa chất có tính tẩy rửa mạnh, thuốc nhuộm, keo xịt tóc, nước hoa…

    Ngoài ra để giảm bớt các triệu chứng, bạn cần tránh dụi mắt. Bên cạnh đó, bạn có thể chườm mát cho mắt để có thể giúp giảm tình trạng sưng viêm và ngứa.

    Sử dụng thuốc

    Nếu việc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà không mang lại kết quả khả quan hay triệu chứng viêm kết mạc dị ứng của bạn có xu hướng trầm trọng hơn, hãy đi khám. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một trong số các loại thuốc sau:

    • Nhỏ thuốc kháng histamine hay thuốc chống viêm
    • Thuốc nhỏ mắt có tác dụng thu nhỏ các mạch máu bị tắc nghẽn
    • Thuốc nhỏ mắt kháng viêm steroid
    • Thuốc kháng sinh chống bội nhiễm

    Lưu ý là những loại thuốc này hiệu quả nhất khi bạn sử dụng trước khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

    Biện pháp ngăn ngừa viêm kết mạc dị ứng

    Thực tế là bạn không thể tránh hoàn toàn các yếu tố có trong môi trường gây ra bệnh viêm kết mạc dị ứng. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây chứng bệnh dị ứng này bằng cách:

    • Nếu dị ứng với nước hoa, hóa mỹ phẩm… hãy ngưng sử dụng nước hoa, ưu tiên sử dụng sản phẩm không mùi, có nguồn gốc thực vật.
    • Nếu dị ứng với bụi bẩn, mạt bụi nhà, lông thú cưng… trong nhà dùng máy hút bụi hay máy lọc không khí, không nuôi thú cưng hoặc để thú cưng cùng sinh hoạt trong không gian sống. 

    [embed-health-tool-bmr]

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Allergic Vasculitis: MedlinePlus Medical Encyclopedia.”National Library of Medicine – National Institutes of Health. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000874.htm. Ngày truy cập 31/08/2015

    Allergic conjunctivitis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5968423/ Ngày truy cập 07/5/2021

    Allergic conjunctivitis  https://www.allergy.org.au/patients/allergic-rhinitis-hay-fever-and-sinusitis/allergic-conjunctivitis  Ngày truy cập 07/5/2021

    Allergic conjunctivitis  https://aapos.org/glossary/allergic-conjunctivitis  Ngày truy cập 07/5/2021

    Allergy Facts and Figures https://www.aafa.org/allergy-facts/ Ngày truy cập 07/5/2021

     

    Phiên bản hiện tại

    20/05/2022

    Tác giả: Lan Quan

    Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Cập nhật bởi: Lan Quan


    Bài viết liên quan

    Tìm hiểu viêm mũi dị ứng thời tiết và cách trị bệnh hay tại nhà

    12 cách chống dị ứng tự nhiên giúp bạn đỡ khó chịu


    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    ad iconQuảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    ad iconQuảng cáo
    ad iconQuảng cáo